Quãng thời gian tự cách ly huyền thoại của Issac Newton

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Gillian Brockell, “During a pandemic, Isaac Newton had to work from home, too. He used the time wisely.”, The Washington Post, 13/03/2020.

Biên dịch: Đỗ Minh Châu

Isaac Newton khoảng 20 tuổi khi Đại dịch hạch Luân Đôn xảy ra. Lúc đó ông chưa được phong tước hiệp sĩ hay mang bộ tóc giả trang trọng đó. Lúc đó ông mới chỉ là một sinh viên đại học bình thường tại Trinity College của Đại học Cambridge.

Phải 200 năm sau đó các nhà khoa học mới phát hiện ra vi khuẩn gây nên bệnh dịch hạch, nhưng ngay cả khi không biết chính xác nguyên nhân, mọi người thời đó vẫn thực hiện một số điều tương tự như chúng ta đang làm để phòng tránh dịch bệnh.

Trong năm 1665, điều đó tương tự như biện pháp “cách ly xã hội” – một biện pháp y tế công cộng đang được thực hiện trong tuần này khi các chính phủ, trường học và nhiều doanh nghiệp, bao gồm tòa soạn báo The Washington Post, yêu cầu mọi người ở nhà nhằm làm chậm sự lây lan của virus Corona mới.

Đại học Cambridge cho sinh viên về nhà để tiếp tục học tập. Đối với Newton, điều đó có nghĩa là trở về Woolsthorpe Manor, dinh thự của gia đình ông cách Cambridge khoảng 60 dặm về phía tây bắc.

Dù không có giáo sư để hướng dẫn mình, Newton vẫn hoạt động hiệu quả. Quãng thời gian hơn một năm ông không đến trường về sau được gọi là annus mirabilis, hay “năm của những điều kỳ diệu”.

Đầu tiên, ông tiếp tục nghiên cứu các vấn đề toán học mà ông đang làm tại Cambridge; các bài viết của ông về những vấn đề trên sau này trở thành những công trình mở đường của môn giải tích.

Tiếp đó, ông mua một vài lăng kính và thử nghiệm với chúng trong phòng ngủ của mình, thậm chí còn khoan một lỗ trên cửa chớp để chỉ một tia sáng nhỏ có thể xuyên qua. Từ đó nảy ra lý thuyết của ông về quang học.

Và ngay bên ngoài cửa sổ nhà ông tại Woolsthorpe, có một cây táo. Chính là cây táo huyền thoại đó. Câu chuyện về việc Newton ngồi dưới gốc cây, bị một quả táo rơi vào đầu và đột nhiên hiểu các lý thuyết về trọng lực và chuyển động, phần lớn là hư cấu. Nhưng theo trợ lý của ông, John Conduitt, có một phần là sự thật. Đây là lời giải thích của Conduitt:

“…Khi đang nghỉ ngơi trong khu vườn, ông tự nhiên nghĩ rằng sức mạnh của trọng lực (có thể làm cho một quả táo rơi từ trên cây xuống mặt đất) hẳn không bị giới hạn trong một khoảng cách nhất định tính từ bề mặt trái đất mà có thể lớn hơn nhiều so với mọi người nghĩ. ‘Tại sao không thể cao lên tới Mặt trăng?’ Ông đã tự hỏi vậy…”

Ở Luân Đôn, một phần tư dân số chết vì bệnh dịch hạch trong khoảng thời gian từ năm 1665 đến năm 1666. Đây là một trong những vụ bùng phát lớn cuối cùng trong 400 năm Đại dịch Cái Chết Đen tàn phá châu Âu.

Newton trở lại Cambridge năm 1667 với lý thuyết trong tay. Trong vòng sáu tháng, ông đã trở thành một nghiên cứu viên; hai năm sau, ông đạt danh hiệu giáo sư.

Vì vậy, nếu bạn làm việc hoặc học tập ở nhà trong vài tuần tới, hãy nhớ tới ví dụ của Newton. Có thời gian để suy nghĩ và thử nghiệm trong sự thoải mái không bị gò bó là một trải nghiệm đổi đời đối với Newton – và sẽ chẳng ai nhớ có phải ông đã có những phát hiện đó trong bộ đồ ngủ của mình khi trời xế trưa hay không.