Putin sẽ trở thành ‘lãnh đạo vĩnh cữu’ của nước Nga?

Nguồn: Andrei Kolesnikov, “The Eternal Putin”, Project Syndicate, 13/03/2020.

Biên dịch: Đỗ Minh Châu | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu đang diễn ra, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bất ngờ cho thấy dự định duy trì quyền lực của ông sau năm 2024, khi nhiệm kỳ cuối cùng của ông đáng lẽ kết thúc. Khi làm vậy, dường như Putin đã đặt cược rằng không có ai có thể ngăn cản ông.

Nhờ dự luật mới được thông qua bởi quốc hội Nga, Vladimir Putin giờ đây có vẻ sẽ tiếp tục nắm ghế tổng thống cho đến năm 2036, khi ông 83 tuổi. Ông thậm chí có thể đạt được danh vị “lãnh đạo tối cao”, giống như mô hình của Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc những năm 1970. Nhưng chúng ta không nên mong đợi những cải cách hay hiện đại hóa giống của Đặng Tiểu Bình từ Putin.

Ai cũng nghi ngờ rằng Putin sẽ tìm thấy một số cơ chế nào đó để kéo dài nhiệm kỳ tổng thống của mình sau năm 2024, khi ông có nghĩa vụ phải từ chức vì giới hạn hai nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp theo quy định của hiến pháp. Đã có nhiều suy đoán rằng Putin có thể phá vỡ các quy tắc bằng cách trở thành tổng thống của một quốc gia mới tạo ra bởi sự sáp nhập giữa Nga và Belarus. Nhưng dù một liên minh chặt chẽ hơn với Belarus vẫn là một lựa chọn, tổng thống đương nhiệm của họ, Alexander Lukashenko, cũng không sẵn lòng trở thành thống đốc một tỉnh của Nga. Lukashenko có thể là một nhà độc tài, nhưng ông đã dành nhiều thập niên để xây dựng một quốc gia – dân tộc Belarus.

Một khả năng khác là Putin sẽ gia tăng quyền lực cho Hội đồng Nhà nước và sau đó trở thành chủ tịch thường trực của nó, qua đó đảm nhận vai trò là Cha (hay đúng hơn là Ông nội) của Quốc gia. Tuy nhiên mô hình đó có thể liên tục tạo ra xung đột với bất kỳ ai làm tổng thống. Bằng cách đơn giản đặt lại giới hạn nhiệm kì theo hiến pháp, dự luật mới đã đưa ra một giải pháp đơn giản hơn nhiều. Để điều này diễn ra, sửa đổi Hiến pháp này còn phải được Tòa án Hiến pháp Nga thông qua và sau đó là một cuộc trưng cầu ý dân trên toàn quốc. Nhưng với việc Putin kiểm soát cả tòa án và hòm phiếu, một kết quả tích cực là chắc chắn.

Cuộc trưng cầu ý dân, dự kiến diễn ra ​​vào ngày 22 tháng 4, sẽ đưa Putin tiến bước vững chắc vào câu lạc bộ của những nhà lãnh đạo cai trị mà không bị ràng buộc thời kỳ hậu Xô–viết. Đó là trường hợp ở Kazakhstan, nơi cựu Tổng thống Nurseult Nazarbayev cai trị với tư cách là Cha của Quốc gia, cũng như ở Uzbekistan, Azerbaijan, Tajikistan, Turkmenistan và Belarus. Ở Nga cũng vậy, một cuộc trưng cầu ý dân về sửa đổi hiến pháp sẽ trở thành một cuộc trưng cầu về việc kéo dài nhiệm kỳ tổng thống của Putin.

Tuy nhiên, thông báo về kế hoạch của Putin vào ngày 10 tháng 3 vẫn thật bất ngờ. Điều đáng chú ý là kế hoạch này được công bố ngay sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận với OPEC về việc hạn chế sản lượng dầu, một động thái được khởi xướng bởi Igor Sechin, cựu phó chánh văn phòng nhiều ảnh hưởng của Putin, người hiện là giám đốc điều hành của công ty dầu mỏ khổng lồ Rosneft. Việc Nga rút khỏi thỏa thuận với OPEC đã khiến giá dầu giảm mạnh, và giảm đặc biệt mạnh đối với Nga nếu tính theo tỷ giá hối đoái của đồng rúp, nhưng các đề nghị sửa đổi hiến pháp của Putin đã đánh lạc hướng dư luận khỏi các vấn đề kinh tế và xã hội trong nước.

Ngoài việc duy trì quyền lực của mình, Putin đã đề nghị sửa đổi hiến pháp để mở rộng các biện pháp bảo đảm an sinh xã hội, chẳng hạn như đưa ra chỉ số lương hưu hàng năm. Thông điệp tới các cử tri của Nga dường như là một trật tự chính trị – xã hội mang tính gia trưởng hơn đang diễn ra. Vòng luẩn quẩn của nền kinh tế chính trị Nga sẽ tiếp tục: nhà nước sẽ trích thêm tiền từ nền kinh tế và sử dụng một phần số tiền thu được đó để mua lòng trung thành chính trị. Điều này là hợp lý, theo Putin, bởi vì nhà nước cần tập hợp nhiều sự ủng hộ hơn trước khi nó có thể cho phép một vòng quay quyền lực mới có khả năng gây bất ổn.

Rõ ràng hành động mới nhất của Putin là một sự khẳng định mạnh mẽ về việc theo đuổi chủ nghĩa chuyên chế. Do đó, ông cũng đang thúc đẩy các sửa đổi hiến pháp nhằm khẳng định đức tin của người Nga vào Chúa và định nghĩa rõ ràng hôn nhân phải là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Ông cũng đã tuyên bố cam kết của mình trong việc chống lại các cuộc tấn công của phương Tây vào lịch sử vẻ vang của Nga – nhất là trong vai trò một cường quốc quân sự. Putin muốn người Nga tin rằng chỉ có ông mới có thể làm cho nước Nga vĩ đại trở lại: Chừng nào Nga còn có một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, có khả năng bảo vệ các giá trị truyền thống và chủ quyền quốc gia, họ có thể đợi thêm để có một nền kinh tế hiệu quả và mạnh mẽ hơn.

Vậy người Nga có ủng hộ Putin và nhiệm kỳ tổng thống vĩnh cửu của ông không? Trên thực tế, theo cuộc bỏ phiếu của Trung tâm Levada, một viện nghiên cứu độc lập, chỉ có 13% dân số quan tâm nhiều đến các vấn đề chính trị. Người ta thường nghĩ rằng đồng nội tệ yếu, tăng trưởng kinh tế trì trệ và thu nhập thực tế (điều chỉnh sau lạm phát) thấp sẽ gây ra phản ứng dữ dội từ người dân. Nhưng điều đó chưa bao giờ xảy ra. Người Nga hiểu rằng họ không thể ảnh hưởng tới các quyết định chính thức, vì vậy nhiều người chỉ bỏ qua, xem việc đi bầu cử cho chính quyền như là một phần nghĩa vụ của một công dân tuân thủ luật pháp.

Hơn nữa, trong khi 39% số người được thăm dò ý kiến cho ​​rằng những người nắm giữ quyền lực chỉ quan tâm đến các đặc quyền của họ, thì tỉ lệ số người tin rằng các nhà lãnh đạo Nga đặt lợi ích đất nước lên hàng đầu đã tăng từ 10% lên gần 30% kể từ năm 2013. Tương tự, 27% số người được hỏi cho rằng các nhà quản lý nhà nước chỉ đơn giản là những nhà kỹ trị có học thức cao (một cảm nhận mà Putin đã cố gắng tạo nên khi giới thiệu nội các mới của mình).

Đối với giới tinh hoa ở Nga, nhiều gia tộc khác nhau có thể cạnh tranh quyết liệt, nhưng tất cả đều biết rằng họ chỉ có thể tồn tại dưới bóng nhà độc tài. Putin sẵn sàng tha thứ hành vi tham nhũng của họ để đổi lấy lòng trung thành tuyệt đối nên ai cũng là con tin của chế độ. Một bước đi sai lầm có thể dẫn đến cảnh tù tội bởi chính những hành vi tham nhũng đó trước đây đã được bỏ qua.

Hệ thống cổ hủ và kém hiệu quả về mặt kinh tế này vẫn tồn tại nhờ sự thờ ơ hàng loạt của người dân Nga. Về lý thuyết, một sự kiện “thiên nga đen” có thể làm thay đổi hiện trạng. Tuy nhiên, chính những sự kiện như đại dịch COVID-19 khiến Putin tin chắc rằng ông phải tiếp tục nắm quyền ở Nga để đưa đất nước vượt qua tình trạng hỗn loạn toàn cầu. Người Nga có thể mất kiên nhẫn, nhưng hiện tại, đất nước này dường như phải cam chịu sống dưới quyền lãnh đạo của Putin trong nhiều năm tới.

Nhưng người Nga vẫn chưa quên những lần thay đổi lãnh đạo trước đây, từ Stalin và Leonid Brezhnev đến Yuri Andropov và Mikhail Gorbachev. Thay đổi lãnh đạo sẽ mang lại những thay đổi trong hệ thống, và không ai có thể sống mãi.

Andrei Kolesnikov là nghiên cứu viên cao cấp và Chủ nhiệm Chương trình Thể chế chính trị và Chính trị nội bộ Nga tại Trung tâm Carnegie Moscow.