Noor Inayat Khan: Nữ đặc vụ Anh trong Thế chiến II

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Historic figures, BBC

Biên dịch: Trần Mẫn Linh

Noor Inayat Khan (1914 – 1944) là một đặc vụ thời chiến người Anh gốc Ấn Độ và là nữ điện báo viên đầu tiên được Cục Chiến dịch Đặc biệt (SOE) điều đến Pháp – khi ấy bị chiếm đóng bởi Đức Quốc xã. Sau cùng, cô bị bắt và bị xử tử bởi Gestapo.

Noor Inayat Khan sinh ngày 01/01/1914 tại Moskva, có cha là người Ấn Độ và mẹ là người Mỹ. Cô là hậu duệ trực tiếp của Tipu Sultan, người trị vì vương quốc Hồi giáo Mysore vào thế kỷ 18. Bố của Khan là một nhạc sĩ và giáo viên Hồi giáo Sufi. Gia đình Khan từng chuyển đến London sinh sống và sau đó là Paris, nơi cô được giáo dục và sau này trở thành một người viết truyện thiếu nhi. Sau khi Pháp rơi vào tay Đức vào tháng 11/1940, Khan trốn sang Anh và gia nhập Lực lượng Không quân Nữ Trợ chiến (Women’s Auxiliary Air Force).

Cuối năm 1942, cô được chọn để gia nhập SOE với tư cách là một điện báo viên. Mặc dù một số người đào tạo Khan không chắc cô sẽ phù hợp với công việc này hay không, song tháng 06/1943, Khan đã được điều tới Pháp để trở thành điện báo viên cho mạng lưới kháng chiến mang tên ‘Prosper’ ở Paris, với mật danh là ‘Madeleine’. Nhiều thành viên của mạng lưới đã bị bắt ngay sau đó nhưng Khan vẫn chọn ở lại Pháp và dành cả mùa hè để đi từ nơi này sang nơi khác, cố gắng truyền tin về London mà không bị bắt.

Tháng 10/1943, Khan bị một người phụ nữ Pháp phản bội và bị Gestapo bắt giữ. Trước đó, cô đã bất cẩn khi giữ lại bản sao của tất cả tín hiệu mật của mình và người Đức đã dùng nó để dụ London đưa những đặc vụ mới vào bẫy của Gestapo. Khan đã vượt ngục nhưng đã bị bắt lại vài giờ sau đó. Tháng 11/1943, cô bị đưa đến nhà tù Pforzheim ở Đức và bị biệt giam. Dù bị tra tấn liên tiếp nhưng Khan không tiết lộ bất cứ thông tin nào. Tháng 09/1944, Khan và ba đặc vụ nữ khác của SOE đã được chuyển đến trại tập trung Dachau và bị bắn chết vào ngày 13/09.

Noor Khan đã được truy tặng Huân chương George cho lòng dũng cảm vào năm 1949.