Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Khoảng 4,4 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp vào tuần trước, đưa số lượng đơn lên đến 26 triệu kể từ khi đại dịch dẫn tới phong tỏa trên diện rộng. Một số nhà kinh tế cho rằng sẽ không còn đợt tăng số người xin trợ cấp mới nữa. Số khác lo ngại có thể có một đợt tăng đột biến khác khi những người chưa kịp đăng ký nhận trợ cấp vì nhu cầu quá cao đối với các hệ thống của các bang sẽ bắt đầu hiện diện trong các thông kê đơn xin trợ cấp mới.
Hoạt động kinh doanh trên khắp nước Mỹ và châu Âu gần như dừng hoàn toàn trong tháng 4, theo một cuộc khảo sát được xem là thước đo sức khỏe nền kinh tế. Chỉ số nhà quản lý mua hàng tổng hợp của IHS Markit đối với khu vực đồng Euro giảm xuống 13,5 từ mức 29,7 vào tháng 3, mức thấp nhất kể từ khi số liệu bắt đầu được ghi nhận năm 1998. Còn ở Mỹ, nó đã giảm xuống 27,4 từ mức 40,9 vào tháng 3, thấp nhất kể từ 2009.
Áp lực quốc tế đè nặng lên Trung Quốc xoay quanh việc đóng cửa các chợ bán động vật hoang dã. Một chợ ở Vũ Hán được coi là nguồn gốc của coronavirus. Mỹ kêu gọi Trung Quốc đóng cửa tất cả các chợ như vậy vĩnh viễn; các cố vấn khoa học của chính phủ Úc nói rằng các chợ này có thể phải bị “loại bỏ”. Úc kêu gọi G20 hành động.
Ngân hàng Thế giới dự đoán kiều hối trên toàn cầu sẽ giảm hơn 100 tỷ đô la trong năm 2020 xuống còn 445 tỷ đô la, giảm 20% so với năm 2019. Hàng triệu công nhân nhập cư đang bị cắt hoặc mất lương, vì coronavirus tấn công nền kinh tế thế giới. Năm ngoái kiều hối vượt đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trở thành nguồn ngoại tệ lớn nhất cho các nước nghèo.
Liên minh cầm quyền Đức đồng ý cứu trợ kinh tế hơn nữa để bảo vệ việc làm và các công ty qua đại dịch. Các biện pháp này trị giá 10 tỷ euro (10,8 tỷ đô la) bao gồm giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ và hỗ trợ tiền lương cho người lao động. Chính phủ đã cam kết tung ra 750 tỷ euro để hỗ trợ nền kinh tế. Các nhà lãnh đạo châu Âu hôm nay họp (thông qua video-link) để thảo luận về kế hoạch tài trợ cho sự phục hồi của châu Âu.
Greenland đón nhận 12 triệu đô la viện trợ từ Mỹ trong tâm trạng thất vọng của các chính trị gia Đan Mạch. Khoản tiền này sẽ hỗ trợ hệ thống giáo dục và tài nguyên thiên nhiên của Greenland, và tăng cường mối quan hệ giữa lãnh thổ Đan Mạch tự trị với Washington. Năm ngoái, Tổng thống Donald Trump đã đề nghị mua lãnh thổ này, vốn ngày càng có tầm quan trọng về quân sự đối với Mỹ, song Đan Mạch từ chối lời đề nghị này.
Hai người bị nghi ngờ là mật vụ của Bashar al-Assad đã bị đưa ra xét xử ở Đức với cáo buộc tội ác chiến tranh. Đây là phiên tòa đầu tiên như vậy đối với các đặc vụ của chính phủ Syria. Một nghi phạm bị buộc tội liên quan 58 vụ giết người và người còn lại tiến hành tra tấn ít nhất 30 người. Cả hai người rời Syria đến Đức trong những năm gần đây.
TIÊU ĐIỂM
Apple ra mắt iPhone mới cùng công nghệ theo dõi tiếp xúc gần
Apple hôm nay bắt đầu bán một mẫu iPhone mới. Gã khổng lồ điện thoại thông minh nhồi nhét các công nghệ hoàn toàn mới lên khung máy đến giờ đã 5 năm tuổi, với tên gọi iPhone SE (cho phiên bản đặc biệt). Và chiếc điện thoại mới có giá rất mềm: 399 đô la, một trong những thiết bị rẻ nhất có khả năng chạy giao thức theo dõi người tiếp xúc gần qua Bluetooth mà Apple và Google đang phát triển.
Ý tưởng là cho phép các điện thoại ghi lại sự hiện diện của nhau khi chủ nhân của chúng đi lại, sau đó cảnh báo người dùng nếu chủ sở hữu của một điện thoại gần đó dương tính với coronavirus. Có rất nhiều điều chưa biết về hệ thống này, nhưng các cơ quan y tế công sẽ chào đón một chiếc điện thoại tương đối rẻ có thể thuyết phục một số người nâng cấp, từ bỏ các thiết bị không tương thích. Theo dõi tiếp xúc gần bằng ứng dụng phải có số người dùng lớn, do đó các quan chức y tế cần càng nhiều điện thoại như vậy càng tốt.
Ngành dệt may Bangladesh đối mặt khó khăn
Ngành công nghiệp dệt may lớn nhất bên ngoài Trung Quốc đang bàn kế hoạch mở cửa trở lại trong bối cảnh phong tỏa vì covid-19. Bảy năm trước, nhà máy Rana Plaza sụp đổ đã giết chết hơn 1.100 công nhân. Thảm họa làm giảm khả năng tiếp cận các thị trường chính ở châu Âu và Bắc Mỹ của Bangladesh. Covid-19 đóng sập các thị trường này và đóng luôn các nhà máy sản xuất quần áo trị giá 35 tỷ đô la xuất khẩu mỗi năm.
Giờ đây các nhà sản xuất đang muốn mở cửa trở lại khi một số nơi ở châu Âu và Mỹ bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa. Nhưng thủ tướng Sheikh Hasina phải đối mặt với một lựa chọn tàn nhẫn. Hàng may mặc là xương sống của nền kinh tế: chúng chiếm 84% xuất khẩu và sử dụng 4 triệu nhân công. Chính phủ của bà thiếu tiền mặt để trợ cấp, và lo sợ thất nghiệp hàng loạt. Song giãn cách xã hội trong các nhà máy là rất khó, và ba cụm nhà máy may ở gần thủ đô Dhaka là những điểm nóng lây nhiễm. Ở đất nước 164 triệu dân này, covid-19 vẫn chưa lây mạnh. Liệu bà có dám mạo hiểm không?
Các hãng hàng không Mỹ nhận cứu trợ
Các hãng hàng không Mỹ, bị ảnh hưởng bởi covid-19, vừa trải qua một tuần tồi tệ. Delta và United báo cáo tổng cộng 2,7 tỷ đô la lỗ trong quý đầu năm. American Airlines có thể cũng sẽ theo bước khi công bố kết quả quý vào hôm nay. Tuy nhiên, cho đến nay, cả ba hãng hàng không vẫn tiếp tục bay (với lịch trình giảm) và tránh phá sản. Chính phủ liên bang muốn giữ như vậy.
Vào tháng 3, Quốc hội thông qua khoản cứu trợ 50 tỷ đô la cho ngành công nghiệp hàng không như một phần của dự luật kích thích kinh tế khổng lồ 2 nghìn tỷ đô la. American Airlines nhận 5,8 tỷ đô la trong số đó, chủ yếu là để giúp trả lương nhân viên. Ngay cả khi nhu cầu giảm, hầu hết các hãng hàng không Mỹ vẫn sẽ có đội ngũ nhân viên lớn trong mùa hè do khoản cứu trợ yêu cầu họ phải giữ lại hầu hết nhân viên cho đến tháng 9. Song mọi sự sẽ khác một khi cạn tiền vào mùa thu. Nếu không có thêm cứu trợ, hoặc nếu không được bay bình thường trở lại như trước, chúng ta sẽ chứng kiến sa thải hàng loạt trong ngành vào cuối năm nay.
Ý đẩy nhanh tiến độ nâng cấp hạ tầng
Khi thời tiết cho phép, hôm nay các kích thủy lực sẽ được kéo vào vị trí cuối của cây cầu dài 1km ở Genova thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Renzo Piano. Đối với một thành phố vẫn còn dư âm vụ sập cầu cũ giết chết 43 người vào năm 2018, sự thay thế này hứa hẹn sẽ chữa lành vết thương và thậm chí là để tự hào. Cây cầu có khả năng sẽ được khánh thành vào đầu mùa hè, chưa đầy hai năm sau thảm họa. Ở nước Ý quan liêu, hoàn thành một dự án lớn như thế này thường mất cả một thập niên.
Bí quyết là cắt giảm các quy định và khiến các quan chức cùng nhà thầu “làm việc song song, chứ không phải theo trình tự”, theo lời Marco Bucci, thị trưởng Genoa và ủy viên trưởng của dự án. Bài học này có thể có ích. Với một nửa số cầu ở Ý đã có niên đại từ những năm 1950 và 1960, năm nào cũng có một hai cây cầu bị sập. Antonio Occhiuzzi, một chuyên gia của chính phủ, cho biết Bộ Cơ sở hạ tầng thậm chí vẫn chưa xác định được nên thay cây cầu nào trước.
PG&E sắp bị tuyên án vì vụ cháy rừng California
Năm 2018, một trận cháy rừng chết người thiêu rụi một phần California. Nhà máy điện lớn nhất của bang này đã nhận 84 tội ngộ sát và một tội gây ra hỏa hoạn bất hợp pháp. Phiên tòa buộc tội và tuyên án công ty này sắp diễn ra hôm nay tại một tòa án bang. Đây chỉ là một bước đi hi vọng hướng tới hoạt động trở lại bình thường vào mùa hè của Pacific Gas&Electric.
Tuy nhiên, rào cản vẫn còn. Một cơ quan quản lý nhà nước sẽ quyết định vào ngày 21 tháng 5 xem có nên phê duyệt kế hoạch cải tổ việc quản trị và kiểm soát PG&E hay không, trong nỗ lực ngăn các vụ cháy rừng trong tương lai. Công ty cũng phải thoát khỏi tình trạng phá sản vào cuối tháng 6 để đủ điều kiện nhận quỹ bảo hiểm cháy rừng do nhà nước hỗ trợ. Dù vậy, việc CEO Bill Johnson thông báo trong tuần này rằng ông sẽ từ chức vào cuối tháng 6 khiến tương lai của PG&E vẫn ảm đạm.