James Watt: Người cải tiến công nghệ động cơ hơi nước

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Historic figures, BBC

Biên dịch: Trần Mẫn Linh

James Watt (1736 – 1819) là một nhà phát minh và kỹ sư cơ khí người Scotland, người nổi tiếng với những cải tiến  công nghệ động cơ hơi nước.

James Watt sinh ngày 18/01/1736 tại Greenock và có cha là một chủ hãng đóng tàu giàu có. Ban đầu, ông làm công việc sản xuất các dụng cụ toán học, sau đó sớm trở nên quan tâm đến động cơ hơi nước.

Năm 1698, động cơ hơi nước đầu tiên trên thế giới đã được cấp bằng sáng chế, và tới thời điểm Watt ra đời, động cơ của Newcomen đã bơm nước từ các mỏ khai thác trên toàn quốc.

Vào khoảng năm 1864, Watt nhận được một động cơ Newcomen mẫu để sửa chữa. Nhận thấy nó không thể hoạt động được nữa, ông bắt đầu nghiên cứu để cải tiến động cơ. Watt đã thiết kế một buồng ngưng tụ riêng cho động cơ hơi nước Newcomen để ngăn tình trạng thất thoát quá nhiều hơi nước. Năm 1769, ông được trao bằng sáng chế đầu tiên cho phát minh này và một số cải tiến khác trên động cơ của Newcomen.

Nhà phát minh John Roebuck là một đối tác và người tài trợ cho James Watt. Năm 1775, cổ phần của Roebuck đã được mua lại bởi Matthew Boulton, người sở hữu các nhà máy chế tạo ở Birmingham. Watt đã cùng Boulton sản xuất ra các động cơ hơi nước, và Boulton & Watt đã trở thành công ty chế tạo quan trọng nhất của Scotland, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu. 

Ban đầu, đơn hàng của công ty đến từ những chủ sở hữu mỏ tại Cornwall, sau đó mở rộng ra các nhà máy giấy, bột, bông, sắt cũng như các nhà máy chưng cất rượu, kênh đào và nhà máy nước. Năm 1785, Watt và Boulton được bầu làm hội viên của Hội Khoa học Hoàng gia.

Tới năm 1790, Watt khi ấy đã là một người giàu có, và ông nghỉ hưu vào năm 1800 để cống hiến hết mình cho việc nghiên cứu. Ông đã nhận được bằng sáng chế cho nhiều phát minh quan trọng khác, bao gồm động cơ quay, động cơ hoạt động kép và đồng hồ đo áp suất hơi nước – thiết bị đo áp suất hơi nước bên trong động cơ.

Ngày 19/08/1819, James Watt qua đời. Để tưởng nhớ ông, người ta đã đặt tên ông cho đơn vị đo lường công suất.