Chuyện người gốc Phi ở Mỹ: Đôi dòng lịch sử

Tác giả: Hoàng Anh Tuấn

1. Ngạn ngữ Châu Phi có một câu rất hay: “Mỗi một buổi sáng ở châu Phi, khi con linh dương thức dậy nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con báo nếu không sẽ bị con báo ăn thịt.

Mỗi buổi sáng khi con báo thức dậy nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chạy chậm nhất nếu không nó sẽ bị chết đói.

Dù bạn là con linh dương hay con báo, mỗi khi mặt trời mọc thì bạn buộc phải chạy.”

Đây là câu ngạn ngữ rất hay và đã được Thomas Friedman, tác giả cuốn “Thế giới phẳng” trích dẫn. Và ở trụ sở của Viettel (Hà Nội), câu này cũng được treo trang trọng ngay trước lối vào để nhắc nhở mỗi nhân viên có động lực phấn đấu đưa Viettel ngày một lớn mạnh hơn như hiện nay.

Tiếc rằng người Phi đã không làm được những gì như tổ tiên họ ước nguyện và Châu Phi hiện nay là một trong những khu vực nghèo đói, kém phát triển và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của xung đột, bệnh tật…

2. Trong các sắc dân đến Mỹ thuở sơ khai lập quốc, trừ những người da trắng gốc Caucasian, người da đen gốc Phi là sắc dân da màu đến đầu tiên và với số lượng rất lớn trong suốt 4 thế kỷ từ 16-19.

Tất nhiên họ không phải là những người chủ động đi tìm tự do, khai phá thế giới mới như những người da trắng, mà bị bắt ép… sang Tân thế giới để làm nô lệ, lao động trong các đồn điền của người da trắng khi họ khai khẩn các vùng đất mới.

Ở tất cả 13 bang ban đầu hình thành nên Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, việc duy trì chế độ nô lệ là hợp pháp cho đến khi bị chính thức bãi bỏ vào năm 1865, sau khi kết thúc nội chiến với thắng lợi của phe miền Bắc và việc bãi bỏ chế độ nô lệ được ghi trong các bản Tu chính Hiến pháp 13, 14, 15.

3. Số phận của những người nô lệ da đen bị bắt và đưa sang Tân thế giới hết sức bi thảm. Tính đến trước khi nổ chiến Nam-Bắc Mỹ 1861, có tổng cộng khoảng 12-13 triệu người da đen được đưa sang Tân thế giới làm nô lệ.

Hành trình từ khi bị bắt trong các bộ lạc trong những khu rừng rậm Châu Phi, rồi bị nhốt trong những khu trại tập trung, rồi đưa lên tàu sang Bắc Mỹ mất khoảng 6 tháng, trong đó mất từ 5-7 tuần vượt Đại Tây Dương bằng thuyền. Ở trên tàu, những nô lệ da đen bị cùm chân, nhốt trong những khoang tàu chật chội và bị đối xử không khác gì súc vật.

Cứ 100 người sang được đến Tân Thế giới thì có khoảng một phần tư bị chết trong suốt hành trình dài này. Như vậy có khoảng 4 triệu người bị chết trên con đường bị đẩy vào cuộc đời nô lệ tiếp theo. Đến trước năm 1865, người nô lệ da đen không bao giờ được hưởng thân phận con người và chỉ được coi như một món hàng hóa để trao đổi.

4. Một trong những “mối tình” Trắng – Đen vụng trộm nổi tiếng nhất trong lịch sử nước Mỹ là “mối tình” giữa Thomas Jefferson – vị Tổng thống thứ ba của nước Mỹ, một trong những người lập quốc và chắp bút bản Hiến pháp Hoa Kỳ – với cô hầu nô lệ lai da đen Sally Hermings.

Vụ việc “râm ran” cả trăm năm, và chỉ được kết luận chính thức vào năm 1998 sau kết quả thử DNA, và Thomas Jefferson được tuyên bố chính thức là cha của ít nhất một trong sáu người con của cô nô lệ Sally Hermings.

5. Câu chuyện anh chàng người Mỹ gốc Phi George Floyd chết cách đây khoảng chục ngày tại Minneapolis, bang Minnesota, sau khi bị anh cảnh sát da trắng khống chế đã kích hoạt làn sóng bạo lực bùng phát dữ dội, cùng những cuộc biểu tình rộng lớn tại hàng trăm thành phố trên khắp nước Mỹ và ở nhiều nước Châu Âu, Australia, New Zealand, Canada.

Những người biểu tình không chỉ đòi công lý cho George Floyd, mà còn biểu tình đụng chạm đến hàng loạt vấn đề khác như: chấm dứt bạo lực của cảnh sát; cải tổ hoạt động của các cơ quan công quyền trong đó chú trọng đến các cơ quan thực thi pháp luật; chấm dứt tệ nạn phân biệt chủng tộc và kỳ thị đối với người da màu; thúc đẩy công bằng xã hội…

6. Bên cạnh tình trạng sử dụng bạo lực của cảnh sát da trắng với người da đen diễn ra thường xuyên mà chưa có “thuốc đặc trị”, tình hình trở nên phức tạp hơn do sự kết hợp của một loạt vấn đề tích tụ trong xã hội Mỹ, cũng như ở nhiều nước, tại thời điểm hiện tại như:

– Người da màu gốc Phi ở Mỹ là tầng lớp thấp nhất về thu nhập trong xã hội, đồng thời chịu tác động xã hội nặng nề nhất do tác động của Covid-19.

– Phân hóa giàu nghèo trong xã hội Mỹ hiện nay lớn hơn bao giờ hết dưới tác động của toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0.

– Sự xuất hiện như nấm sau mưa của các trào lưu, các nhóm cực tả và cực hữu trong xã hội trà trộn trong các cuộc biểu tình, điển hình như nhóm ANTIFA, Anarchists với chủ trương kích động bạo lực, gây bất ổn, tạo ra tình trạng vô chính phủ; rồi sự tham gia của các nhóm tìm cách bảo vệ “Sự thượng đẳng của người da trắng” (White Supremacy).

– Sự xuất hiện và hoạt động tích cực của các mạng xã hội tràn ngập thông tin và bình luận về biểu tình 24/24 giờ, trong đó không ít là thông tin giả, kích động bạo lực.

– Sự bức xúc tâm lý và tâm trạng của nhiều người muốn được giải thoát sau thời gian dài giãn cách xã hội và bị buộc ở trong nhà.

– Sự phức tạp của chính trị Mỹ trong năm bầu cử, cộng với việc các ứng cử viên đảng phái chính trị có các cách tiếp cận, nhìn nhận khác nhau về biểu tình, dùng vấn đề biểu tình để tạo lợi thế chính trị đã khiến cho tình hình vốn đã phức tạp trở nên phức tạp hơn, thậm chí tình hình trở nên mất kiểm soát ở số khu vực.

7. Sự thiện cảm của Ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ Biden và Đảng Dân chủ đối với người biểu tình là vấn đề không phải bàn cãi. Thậm chí ông Biden còn “quỳ gối” để biểu lộ sự đồng tình, và giành thiện cảm những người biểu tình.

Việc này có lý do của nó: Hầu hết người da đen tự nhận mình là những người tự do và gắn với lý tưởng của Đảng Dânchủ. Kể từ năm 1968 đến nay, tỷ lệ cử tri da đen bầu cho các ứng cử viên tổng thống Dân chủ luôn đạt từ mức 80% trở lên. Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 chỉ có 8% cử tri da đen bầu cho ứng cử viên tổng thống Donald Trump so với 89% bầu cho ứng cử viên Hillary Clinton. Ngoài ra, Tổng thống Cộng hòa Trump luôn được xem là có thiện cảm với các nhóm, khuynh hướng cổ vũ sự thượng đẳng của người da trắng.

Tuy nhiên, vật đổi sao dời. Ngược dòng lịch sử nước Mỹ cách đây 160 năm trước khi diễn ra cuộc nội chiến 1861-1865 thì khuynh hướng chính trị của nước Mỹ thời đó ngược hẳn 100% so với bây giờ!

Khi đó, Liên minh 7 bang miền Nam gồm South Carolina, Mississippi, Florida, Alabama, Georgia, Louisiana và Texas đứng đầu là “Tổng thống” của Đảng Dân chủ Jefferson Davis quyết định ly khai khỏi liên bang và bảo vệ chế độ nô lệ, bảo vệ sự thượng đẳng của người da trắng và coi nô lệ không phải là người, không được hưởng các quyền con người mà chỉ là món hàng hóa.

Còn đảng Cộng hòa khi đó đứng đầu là Tổng thống Abraham Lincoln lãnh đạo 27 bang miền Bắc quyết tâm xóa bỏ chế độ nô lệ, giải phóng những người nô lệ da đen và đem lại quyền con người cho họ. Kết quả là miền Bắc thắng trận vào năm 1865 và chế độ nô lệ bị xóa bỏ trên toàn nước Mỹ.

8. Một câu hỏi được đặt ra là tại sao sau khi đã được giải phóng, được công nhận quyền con người, nhưng phải đến một trăm năm sau khi chế độ nô lệ kết thúc thì người da đen mới được quyền đi bỏ phiếu và giành được nhiều quyền khác?

Không thể phủ nhận việc đạt được những quyền này là nhờ nỗ lực đấu tranh quyết liệt, không ngừng nghỉ của những người da đen và không ít người da trắng ủng hộ họ. Tuy nhiên, sâu xa hơn là triết lý văn hóa chính trị của Mỹ được thiết kế bởi những người Anglo-Saxon lập quốc.

Thực tế cho thấy, ngay từ khi mới ra đời, Mỹ là một quốc gia “rất mất dân chủ” nếu chiều theo các hệ quy chiếu hiện nay. Hệ thống chính trị Mỹ khi đó hạn chế rất nhiều quyền chính trị của cả người da trắng chứ không chỉ những người da đen.

Cho đến đầu thế kỷ 20, chỉ những người biết đọc, biết viết, có sở hữu tài sản như đất đai, gia súc, đóng thuế cho nhà nước… thì mới được quyền bỏ phiếu, tham gia vào các hoạt động chính trị của đất nước.

Lập luận của giới tính hoa khi đó là không ai bác bỏ các quyền của con người, nhưng việc thực hiện phải có lộ trình. Nếu như anh không biết đọc, không biết viết mà vẫn đi bầu cử thì cử tri đó không thể và không có năng lực phân biệt được đúng, sai và chỉ là con rối để các chính trị gia lợi dụng.

Ngoài ra, quy định về sở hữu cũng như đóng thuế là để đảm bảo rằng những người có nghĩa vụ với nhà nước thì họ sẽ có trách nhiệm để bảo vệ quyền lợi của mình và của người khác.

Đặt trong bối cảnh đó thì việc người da đen được thực hiện đầy đủ các quyền của mình cũng phải là một quá trình phát triển tiệm tiến, kéo dài nhiều thập kỷ, từ việc thoát khỏi tư tưởng nô lệ-chủ nô, rồi học hành, tham gia lao động để nâng cao nhận thức, hiểu biết về xã hội và trách nhiệm công dân của mình.

9. Trong các cuộc biểu tình, bạo động vừa rồi rất nhiều biểu ngữ như “Mạng sống của người da đen là qúy giá” BLM (Black Life Matters) được giăng lên khắp nơi. Nhiều người tham gia biểu tình không giơ biểu ngữ trên, mà là các biểu ngữ “Mạng sống của tất cả mọi người đều quý giá” ALM (All Life Matters).

Tại sao lại như vậy?

Thống kê năm 2015 của Mỹ về số người da trắng và da đen chết vì bạo lực và bị cảnh sát Mỹ đánh chết cho thấy một con số khá thú vị.

Về phía người da đen:

– 97% người da đen chết do bị chính người da đen giết!

– 2% người da đen chết do bị người da trắng giết.

– Chỉ có 1% người da đen chết do bi cảnh sát giết.

Về phía người da trắng:

– 16% người da trắng chết do bị chính người da trắng giết.

– Nhưng lại có tới 81% người da trắng chết do bị người da đen giết!

– 3% người da trắng chết do bị cảnh sát giết, tức tỷ lệ cao gấp 3 lần số người da đen bị cảnh sát giết.

Nếu con số thống kê trên là chính xác thì người da trắng mới là nạn nhân của bạo lực bởi người da đen và của cảnh sát. Vậy tại sao người da trắng lại không đi biểu tình đòi quyền lợi của mình khi bị người da đen hay cảnh sát giết như người da đen đang làm hiện nay trong việc đi tìm công lý cho George Floyd?

Có lẽ do tâm thức và suy nghĩ về thân phận người da đen là nô lệ từ hàng thế kỷ nay đã ăn sâu vào tâm trí mọi người, nên khi nói người da đen là nạn nhân bạo lực của cảnh sát thì dễ dàng được mọi người chấp nhận, chia sẻ và cảm thông.

Đó là lý do có biểu ngữ “Mạng sống của tất cả mọi người đều quý giá”. Và ngay trong người da đen cũng có tiếng nói phản kháng lại việc biểu tình của chính người da đen!

Một video lan truyền rất nhanh trên mạng về hình ảnh một một cô gái da màu đang “sỉ vả” các đồng hương biểu tình, đại để là: Sao các ông, bà không quay về Chicago mà biểu tình đi. Ở đó tệ nạn xã hội trong cộng đồng người da đen đầy rẫy, còn người da đen thì giết người da đen như ngóe!

10. Tại Mỹ, người gốc Phi làm chính trị khá tốt. Họ đã từng có một tổng thống da màu là Barack Obama, còn trong Hạ Viện, các nghị sĩ gốc Phi chiếm 12% tương đương với tỷ lệ người gốc Phi trong xã hội Mỹ. Tỷ lệ này cao gấp đôi so với tỉ lệ của người châu Á (3% người gốc Á đại diện tại Hạ viện so với tổng số 6% dân gốc Á trong toàn bộ dân số Mỹ) và người gốc Latinh (9% đại diện Latinh tại Hạ viện so với tổng số 18% dân số gốc Latinh).

Ở Mỹ, người gốc Phi rất giỏi trong các lĩnh vực thể thao ưa dùng sức mạnh hơn là sự khéo léo như “bóng đá” Mỹ, các môn điền kinh, bóng rổ, bóng chày, bóng bầu dục…

Họ cũng rất tài năng trong lĩnh vực âm nhạc với các dòng nhạc nổi tiếng, chinh phục hàng tỷ người hâm mộ trên trái đất như Pop, Jazz, Blues, Gospel, Hip-hop, Soul…