Thế giới hôm nay: 29/06/2020

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng số ca nhiễm covid-19 được xác nhận trên toàn cầu vượt 10 triệu; gần 500.000 người đã chết vì căn bệnh này. Các số liệu thực tế có thể cao hơn nhiều vì báo cáo không đầy đủ. Hiện tại, các tâm dịch mới gồm Brazil, Ấn Độ, Mexico và một số bang miền nam và miền tây ở Mỹ. Florida và Texas đã áp dụng lại một số hạn chế trong nỗ lực ngăn chặn căn bệnh này lây lan.

Cục Hàng không Liên bang Mỹ sẽ bắt đầu các chuyến bay thử nghiệm để tái cấp phép cho máy bay Boeing 737 MAX trong tuần này. Dòng máy bay này đã bị các cơ quan quản lý toàn cầu cấm bay từ tháng 3 năm ngoái sau hai vụ tai nạn làm 346 người chết. Trước sự sụp đổ về nhu cầu giao thông hàng không do đại dịch, một số nhà phân tích tự hỏi liệu các hãng hàng không có còn mong chờ khi chúng được tái cấp phép hay không.

Caixin, một tạp chí về kinh doanh, nói cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc có kế hoạch cấp giấy phép ngân hàng đầu tư cho các tổ chức cho vay thương mại Trung Quốc nhằm tạo ra các ông lớn quốc nội, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt từ các hãng nước ngoài. Hai trong số các ngân hàng lớn nhất của Trung Quốc có thể được bật đèn xanh trong kế hoạch thí điểm này.

Ít nhất 53 người biểu tình đã bị bắt ở Hồng Kông sau khi ẩu đả nổ ra trong cuộc biểu tình tương đối ôn hòa chống lại luật an ninh quốc gia mà theo kế hoạch sẽ được ban hành bởi cơ quan lập pháp Trung Quốc. Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ lo ngại các nhà lãnh đạo cộng sản muốn làm xói mòn quyền tự trị của lãnh thổ, điều họ đã hứa sẽ duy trì khi Anh trả lại Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997.

Các cử tri Pháp quay lại thùng phiếu để bỏ phiếu vòng bầu cử cấp thành phố thứ hai, vốn bị trì hoãn bởi đại dịch covid-19. Tổng thống Emmanuel Macron và đảng Nền Cộng hoà Tiến bước trung dung của ông hy vọng sẽ giữ được lợi thế trước Mặt trận Quốc gia cực hữu, nhưng có thể sẽ không thắng được thành phố lớn nào. Ở Ba Lan, cử tri cũng đi bỏ phiếu vòng đầu bầu tổng thống.

Ủy ban bầu cử Malawi tuyên bố Lazarus Chakwera, lãnh đạo phe đối lập của đất nước, chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống được tổ chức lại, một kết quả được xem là chiến thắng bất ngờ cho nền dân chủ châu Phi. Ông Chakwera đánh bại người đương nhiệm Peter Mutharika, với hơn 58% phiếu bầu. Các thẩm phán Malawi đã ra lệnh tổ chức lại sau cuộc bầu cử năm ngoái, khi  ông Mutharika giành chiến thắng với gian lận trên diện rộng bị phát hiện.

Michael Martin hôm nay bắt đầu tuần đầu tiên trên cương vị thủ tướng mới của Ireland, là người đứng đầu liên minh của đảng Fianna Fail và đối thủ Fine Gael – những tổ chức  kế thừa các phe tham gia cuộc nội chiến cách đây gần một thế kỷ. Tham gia cùng họ là Đảng Xanh trong một thỏa thuận ba bên nhằm loại trừ Sinn Fein, một đảng cánh tả có liên kết với khủng bố.

TIÊU ĐIỂM

Mỹ kiểm soát xuất khẩu công nghệ bán dẫn cho Trung Quốc

Một loạt quy tắc kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay, vốn được thiết kế để ngăn công nghệ tiên tiến rơi vào tay lực lượng vũ trang Trung Quốc. Các quy tắc, đặt ra bởi Bộ Thương mại Hoa Kỳ, buộc xuất khẩu cho “mục đích sử dụng quân sự” sang Trung Quốc phải đáp ứng các yêu cấp phép nghiêm ngặt đã được áp dụng cho xuất khẩu sang Nga hoặc Venezuela.

Chúng cũng mở rộng định nghĩa về sử dụng cho mục đích quân sự để bao gồm luôn cả các công ty dân sự cung cấp dịch vụ cho các lực lượng quân sự và mở rộng danh mục công nghệ bị áp dụng các quy tắc. Trọng tâm chính là ngăn các công nghệ bán dẫn tiên tiến rơi vào tay tổ chức quân sự ở Trung Quốc. Điều này đặc biệt khó kiểm soát vì các phiên bản dân sự thường ít nhất là tiên tiến bằng, hoặc thậm chí là hơn cả phiên bản quân sự. Những thay đổi trên là nhằm tìm cách đối phó với vấn đề này. Chúng có khả năng tiếp tục làm giảm việc cung cấp chip cho Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc có quan hệ cung ứng với quân đội nước này.

Nissan họp cổ đông

Cuộc họp thường niên của các cổ đông Nissan sẽ buồn tẻ. Ngôi sao của liên minh toàn cầu với hãng sản xuất ô tô Pháp Renault và Mitsubishi, một công ty khác của Nhật, đã báo cáo khoản lỗ cho năm tài chính kết thúc vào cuối tháng 3 vừa qua, khoản lỗ đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Và covid-19 sẽ làm giảm doanh số trong năm 2020. Công ty sẽ cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư về một kế hoạch chuyển đổi có thể rũ bỏ hết di sản của Carlos Ghosn (cựu giám đốc điều hành đã bỏ trốn trong khi chờ xét xử về tội gian lận hồi tháng 12).

Dưới thời Ghosn, vì muốn tăng sản lượng nên công ty giảm giá lớn, ra quá ít sản phẩm mới, danh tiếng bị tổn hại và doanh thu giảm. Nissan có kế hoạch tăng lợi nhuận bằng cách cắt giảm công suất, cắt giảm chi phí cố định và đưa ra các mẫu xe mới. Trong liên minh, Nissan sẽ tập trung vào các lĩnh vực sản phẩm và thị trường khu vực nơi họ mạnh nhất. Hiện tại, giữ ba nhà sản xuất ô tô tách biệt có thể giúp hàn gắn một liên minh bị chia rẽ. Nhưng chưa rõ vấn đề chính, tức sở hữu chéo gây bất lợi cho Nissan – thành viên mạnh nhất, sẽ được giải quyết như thế nào.

Ngành hàng không và quy định về môi trường

Đại dịch đánh mạnh vào các hãng hàng không. Doanh thu của họ có thể giảm một nửa trong năm nay; và sẽ có bong bóng nợ. Coronavirus cũng gây rắc rối cho Chương trình Bù trừ  và Giảm thiểu Carbon cho Hàng không Quốc tế (CORSIA). Chương trình này yêu cầu các hãng hàng không phải bù trừ cho lượng khí thải carbon vượt mức cơ bản, được tính dựa trên lượng khí thải trung bình của năm 2019 và 2020.

Nhưng lượng khí thải của các hãng hàng không đã giảm mạnh trong năm nay và do đó, con số năm 2020 sẽ thấp hơn nhiều so với dự kiến. Điều đó đồng nghĩa với việc phải bù trừ nhiều hơn và chi phí cao hơn cho một ngành công nghiệp vốn đã điêu đứng. Tuần này, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế sẽ quyết định phải làm gì. Hủy bỏ một kế hoạch môi trường vốn phần lớn không có tác dụng sẽ không phải là một động thái khôn ngoan. CORSIA mang lại lợi ích môi trường không đáng kể. Một nghiên cứu gần đây cho thấy 80% lượng bù trừ của nó không có khả năng dẫn đến bất kỳ việc giảm phát thải nào. Thay đổi mức cơ bản sẽ dẫn đến ít khoản bù trừ hiệu quả hơn.

Anh và EU tiếp tục đàm phán

Đàm phán thương mại giữa Anh và EU nối lại hôm nay. Kế hoạch là tăng cường và đẩy nhanh các cuộc thảo luận, một số trong đó sẽ diễn ra trong tuần này tại Brussels. Mặc dù cả hai bên gần đây đều có các cuộc họp báo lạc quan, song khoảng cách giữa họ vẫn còn lớn. Chính phủ Anh khẳng định sẽ không bao giờ chấp nhận yêu cầu của EU về các điều kiện sân chơi bình đẳng về chính sách xã hội, môi trường và lao động, và trợ cấp của nhà nước; cho phép tiếp cận đầy đủ vào ngư trường của Anh; và chấp nhận vai trò tiếp tục của Tòa án Công lý Châu Âu.

Tuần này cũng đánh dấu thời hạn cho thỏa thuận kéo dài thời gian quá độ hiện tại qua sau ngày 31 tháng 12. Anh cũng từ chối ý tưởng này. Một thỏa thuận cơ bản có thể được đưa ra vào mùa thu. Nhưng nguy cơ không có thỏa thuận thương mại nào vào ngày 1 tháng 1, tức trở lại các quy tắc WHO thông thường, vẫn còn cao.

Ethiopia và con đập gây tranh cãi ở Bắc Phi

Dự án thủy điện lớn nhất và gây tranh cãi nhất Châu Phi sẽ nằm trong chương trình nghị sự tại cuộc họp hôm nay của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Các cuộc thảo luận, được cả Ai Cập và Sudan yêu cầu, diễn ra khi Ethiopia chuẩn bị tích nước cho một một đập thuỷ điện lớn vào tháng tới. Ai Cập, nước dựa vào sông Nile làm nguồn cung nước chủ đạo, lo ngại dự án thượng nguồn sẽ làm giảm mạnh lượng nước. Sudan, nước chính thức ủng hộ con đập, cũng băn khoăn về nạn lũ lụt ở hạ lưu.

Họ đã cảnh báo Ethiopia không được tích nước trước khi đạt được thỏa thuận toàn diện. Các cuộc thảo luận, diễn ra gần như liên tục kể từ khi Ethiopia bắt đầu xây dựng con đập vào năm 2011, dường như đã vô vọng cho đến khi cuộc họp do Liên minh châu Phi triệu tập vào ngày 26 tháng 6 làm sống lại hy vọng cho một thỏa thuận vào phút cuối. Cả Ethiopia và Ai Cập đều khẳng định đây là một vấn đề sống còn. Nếu đàm phán thất bại một lần nữa, căng thẳng trong khu vực có thể gia tăng đáng kể.