Nguồn: “Russia’s fragile one-man rule”, Financial Times, 06/07/2020.
Biên dịch: Phan Nguyên
Gần ba thập niên đã trôi qua kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Hồi đó, nhiều người ở phương Tây và Nga đã dám hy vọng một nền dân chủ tự do kiểu châu Âu có thể bám rễ. Nhưng hy vọng đó đã tan vỡ. Một nhóm gồm những sĩ quan an ninh Liên Xô cũ và các đầu sỏ trung thành đã điều hành một nền dân chủ giả tạo hơn bao giờ hết, với Vladimir Putin đóng vai trò thủ lĩnh và người bảo lãnh. Một cuộc trưng cầu dân ý về hiến pháp tuần trước đã mở đường cho Putin có thể tiếp tục nắm ghế tổng thống cho đến năm 2036 – khi ông 83 tuổivà trở thành nhà lãnh đạo tối cao nắm quyền lâu nhất ở Nga kể từ Peter Đại đế. Nga dường như đã quaylại mô hình cai trị dựa trên một cá nhân kéo dài hàng thế kỷ của nó.
Tuy nhiên, thay vì cố kết hơn nữa quyền lực của Putin và nhóm cầm quyền dưới sự dẫn dắt của ông, những mưu mô toan tính trong những tháng gần đây đã khiến họ càng trông mong manh hơn. Vị tổng thống Nga bắt đầu năm nay với mức ủng hộ từ người dân đã gần mức thấp kỷ lục. Sự ủng hộ đến từ việc sáp nhập Crimea năm 2014 đã không còn nữa. Một nền kinh tế trì trệ, thu nhập giảm và việc tăng tuổi hưởng lương hưu đã làm sứt mẻ sự ủng hộ của người dân dành cho ông.
Kremlin rõ ràng đã quyết định giải quyết “vấn đề kế vị” khi giới hạn nhiệm kỳ cấm Putin tranh cử tổng thống một lần nữa vào năm 2024, có nguy cơ biến ông thành một “tổng thống vịt què” (tức lãnh đạo không còn quyền lực khi sắp hết nhiệm kỳ – ND). Giới chóp bu Nga đã rất lo lắng. Tuy nhiên, như cựu phát ngôn viên của điện Kremlin Gleb Pavlovsky từng nói, mặc dù nổi tiếng là một chiến lược gia, nhưng Putin và nhóm của ông lại là một “ban nhạc jazz chính trị”, tức những bậc thầy về ứng biến. Hiếm khi cảm giác đó mạnh như năm nay.
Nhà lãnh đạo Nga ban đầu phao tin rằng những thay đổi hiến pháp là nhằm làm giảm vai trò tổng thống và gia tăng quyền lực cho các nhánh khác của chính quyền, làm dấy lên những đồn đoán rằng ông sẽ duy trì quyền lực sau năm 2024 dưới một vai trò khác, trên danh nghĩa “người cha của quốc gia”. Sau đó, Kremlin dường như quay 180 độ. Thay vào đó, Putin đã chấp nhận một đề nghị được dàn dựng trước từ một nghị sĩ Nga để loại bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ, mở ra con đường cho ông duy trì vai trò tổng thống cứng rắn củamình cho đến khi ngoài 80 tuổi.
Ban nhạc Kremlin đã vội vàng tìm cách giữ cho tiếng nhạc vẫn vang lên xập xình trong bối cảnh coronavirus và cuộc chiến giá dầu bị tính toán nhầm với Ả Rập Xê Út đã khiến nền kinh tế Nga chao đảo. Đại dịch đã buộc cuộc trưng cầu dân ý nhằm hợp pháp hoá việc thay đổi hiến pháp phải hoãn lại hồi tháng Tư. Việcứng phó với virus kém cỏi và sự hỗ trợ tương đối yếu ớt dành cho các doanh nghiệp và gia đình đang gặp khó khăn càng khiến vị thế của Putin sứt mẻ.
Gói cải cách hiến pháp đạt tỉ lệ ủng hộ 78% vào tuần trước một phần là vì sự thay đổi giới hạn nhiệm kỳ tổng thống được gói kèm với 200 sửa đổi khác như lập chỉ mục tính lương hưu, thứ người dân khó có thể bỏ phiếu chống lại. Không giống như các cuộc bỏ phiếu trước đây, sức hút từ cá nhân Putin đóng một vaitrò tương đối nhỏ. Việc bỏ phiếu kéo dài cả tuần với lý do đảm bảo giãn cách xã hội càng khiến việc theo dõi gian lận trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, trong thập niên cầm quyền thứ ba của mình, điện Kremlin của Putin có rất ít thứ để chào mời cho người dân Nga. Sau khi GDP tăng mạnh cùng với giá dầu trong những năm đầu Putin làm tổng thống, sản lượng kinh tế tính theo đồng đô la năm nay sẽ hầu như không đổi so với năm 2008. Thời đại Putin đã ổn định hoá nước Nga sau thập niên 1990 giông bão, nhưng đã hoàn toàn thất bại trong việc khai thác cácnguồn lực thiên nhiên và con người để biến Nga trở thành một nhà lãnh đạo về chế tạo hay đổi mới. Cáccải cách theo hướng hiện đại hóa vốn cần thiết nhằm khai mở tiềm năng của Nga sẽ làm suy yếu hệ thống cầm quyền của Putin.
Cải cách hiến pháp tạo ra một khoảng thời gian dễ thở hơn để nhóm cầm quyền có thể chi tiền vào việc nâng cao mức sống, mặc dù coronavirus đã làm cạn kiệt ngân khố, và tìm kiếm một nhân vật trẻ hơn có thể cố gắng hồi sinh hệ thống. Việc giữ Putin ở lại ghế tổng thống sau năm 2024 có thể vẫn còn có lý. Tuy nhiên, đến lúc đó, những màn biến tấu vô tận của cùng một giai điệu cũ kỹ có thể không còn đủ hấp dẫn để giúp cho ban nhạc Kremlin này tại vị lâu dài.