21/07/1955: Eisenhower trình bày kế hoạch “Bầu trời Mở”

Nguồn: President Eisenhower presents his “Open Skies” plan, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1955, Tổng thống Dwight D. Eisenhower trình bày kế hoạch “Bầu trời Mở” (Open Skies) của ông tại hội nghị thượng đỉnh Geneva với đại diện của ba nước – Pháp, Anh và Liên Xô. Dù chưa bao giờ được chấp nhận, kế hoạch này đã đặt nền móng cho chính sách “tin tưởng nhưng phải kiểm chứng” (trust, but verify) sau đó của Tổng thống Ronald Reagan, có liên quan đến các thỏa thuận vũ khí với Liên Xô.

Eisenhower đã gặp Thủ tướng Anthony Eden của Vương quốc Anh, Thủ tướng Edgar Faure của Pháp và Phó Thủ tướng Nikolai Bulganin của Liên Xô (thay mặt nhà lãnh đạo Nikita Khrushchev) tại Geneva vào tháng 07/1955. Chương trình nghị sự của hội nghị bao gồm các cuộc thảo luận về tương lai của Đức và vấn đề kiểm soát vũ khí.

Khi nhận thấy rõ ràng là họ không thể đạt được sự đồng thuận trong vấn đề thống nhất nước Đức, cũng không thể đưa ra nội dung chính xác cho một thỏa thuận kiểm soát vũ khí, Eisenhower bất ngờ tiết lộ đề xuất “Bầu trời Mở” của mình, trong đó kêu gọi Mỹ và Liên Xô trao đổi bản đồ ghi lại vị trí chính xác của mọi căn cứ quân sự tại nước  họ. Với những bản đồ này trong tay, mỗi quốc gia sau đó sẽ được phép giám sát các căn cứ từ trên không, đảm bảo rằng nước kia tuân thủ bất kỳ thỏa thuận kiểm soát vũ khí nào có thể đạt được.

Trong khi người Pháp và người Anh bày tỏ sự quan tâm đến ý tưởng này, Liên Xô lại từ chối mọi kế hoạch khiến quốc gia này phải chịu sự giám sát của một cường quốc phương Tây. Khrushchev tuyên bố rằng “Bầu trời Mở” của Eisenhower chẳng khác gì là một “âm mưu gián điệp.”

Thật ra, “Bầu trời Mở” chẳng phải là âm mưu gián điệp gì. Bản thân Eisenhower sau đó nói rằng ông biết Liên Xô sẽ không bao giờ chấp nhận kế hoạch này, nhưng ông tin việc Liên Xô từ chối ý tưởng sẽ khiến họ trông như thể kẻ ngăn chặn thỏa thuận kiểm soát vũ khí. Đối với Liên Xô, việc để các máy bay Mỹ tiến hành giám sát các căn cứ quân sự của mình là điều không tưởng. Họ không muốn tiết lộ rằng Liên Xô đã thua xa Mỹ về khả năng quân sự.

Dù vậy, Mỹ cũng sớm phát hiện ra điều đó – chỉ vài tháng sau khi Liên Xô bác bỏ kế hoạch “Bầu trời Mở,” chính quyền Eisenhower đã phê chuẩn việc sử dụng máy bay do thám tầm cao (mẫu U-2 nổi tiếng) để âm thầm theo dõi Liên Xô. Ba mươi năm sau, Tổng thống Reagan sẽ sử dụng luận điệu tương tự trong các thỏa thuận kiểm soát vũ khí của mình với Liên Xô. Kiểm soát vũ khí, ông tuyên bố, chỉ có thể có hiệu lực nếu việc tuân thủ các thỏa thuận có thể được xác minh. “Tin tưởng nhưng phải kiểm chứng” đã trở thành câu cửa miệng của Reagan.