18/07/1918: Phe Hiệp ước phản công tại Marne

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Allies begin major counter-offensive in Second Battle of the Marne, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1918, ba ngày sau khi Đức thất bại trong cuộc tấn công gần sông Marne, ở vùng Champagne của Pháp, phe Hiệp ước đã bắt đầu một cuộc phản công lớn, kết thúc Trận đánh thứ hai tại Marne và đã xoay chuyển tình hình – đem về chiến thắng cho quân Hiệp ước.

Sau khi lực lượng Đức, được chỉ huy bởi tướng Erich von Ludendorff, thất bại trong mục tiêu chiếm khu vực gần thành phố Reims vào ngày 15/07 – phần lớn là do chiến lược đánh lạc hướng của phe Hiệp ước, khi sử dụng một hàng phòng vệ giả để giữ cho hàng phòng vệ thật được an toàn trong đợt đánh bom sơ bộ của Đức – chỉ huy tối cao của phe Hiệp ước, Ferdinand Foch, đã cho phép tiến hành một cuộc phản công lớn. Cuộc phản công bắt đầu vào rạng sáng ngày 18/07/1918, được thực hiện bởi 24 sư đoàn quân đội Pháp, cũng như quân từ Mỹ, Anh, và Ý. Họ đã tiến lên trong 350 xe tăng nhằm chống lại quân Đức.

Thái tử William Wilhelm, chỉ huy lực lượng Đức tại Marne, nhớ lại sự kiện ngày 18/07: “Không có pháo binh, đơn giản chỉ có lựu đạn mở đường, được hỗ trợ bởi nhiều máy bay và vô số các xe tăng, quân lực của kẻ thù – trong đó có cả người Mỹ – đã tổng tấn công Quân đoàn 9 và Quân đoàn 7 lúc 5:40 sáng.” Quân đoàn 6 và Quân đoàn 10 của Pháp đã dẫn đầu, tiến sâu vào hơn năm dặm chỉ trong ngày đầu tiên của đợt phản công. Trong khi đó, Quân đoàn 5 và Quân đoàn 9 của Pháp đã tấn công ở cánh phía tây. Tính đến thời điểm quân Đức ra lệnh rút lui vào ngày 20/07, đợt phản công Trận đánh thứ hai tại Marne đã thành công trong việc đẩy lùi người Đức từ Chateau-Thierry trở về Soissons trên sông Aisne, đảo ngược lại tất cả những chiến thắng mà Đức đã đạt được trong suốt Cuộc Tấn công Mùa Xuân năm 1918.

Thương vong tại Marne rất đáng kinh ngạc, Đức có 168.000 binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương, so với con số thương vong 95.000 người của Pháp, 13.000 người của Anh và 12.000 người của Mỹ. Sau thảm hoạ tại Marne, Ludendorff buộc phải ngừng một kế hoạch tấn công của Đức nhằm tiến xa về phía bắc, đến vùng Flanders giữa Pháp và Bỉ, mà ông đã hình dung sẽ là niềm hy vọng chiến thắng của Đức. Cuối cùng, Trận đánh thứ hai tại Marne đánh dấu cuộc tấn công quy mô lớn cuối cùng của Đức trong Thế chiến I.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]