Vụ ném bom nguyên tử đã cứu sống hàng triệu người, gồm cả người Nhật 

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: John C. Hopkins, “The Atomic Bomb Saved Millions—Including Japanese”, Wall Street Journal, 05/08/2020.

Biên dịch: Trần Hùng

Các vụ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, lần lượt cách đây 75 năm vào thứ Năm và Chủ nhật tuần này, được coi là những sự kiện kinh hoàng và đáng tiếc. Nhưng không sử dụng bom nguyên tử sẽ còn tồi tệ hơn nhiều. Tổng số người Nhật thiệt mạng do hai vụ ném bom được ước tính là từ 129.000 đến 226.000 người. Một báo cáo của chính phủ Hoa Kỳ vào tháng 7 năm 1945 ước tính rằng việc chiếm các đảo chính của Nhật sẽ khiến người Nhật tổn thất từ 5 triệu đến 10 triệu sinh mạng.

Cuộc đổ bộ của Hoa Kỳ, dự định vào ngày 1 tháng 11 năm 1945, sẽ lớn hơn đáng kể so với cuộc đổ bộ Normandy năm 1944 ở châu Âu. Hơn 156.000 quân Đồng minh đã đổ bộ vào ngày “D-Day”. Họ phải chịu hơn 10.000 thương vong, trong đó có 4.400 người thiệt mạng trong lúc đổ bộ. Họ phải đối mặt với 50.000 quân Đức. Cuộc xâm lược Nhật Bản dự kiến sẽ có khoảng 766.000 binh lính Đồng minh tham gia.

Và nó sẽ khó hơn D-Day, sự kiến vốn khiến quân Đức bất ngờ. Người Nhật đã suy luận cả ngày đổ bộ gần đúng (cuối tháng 10) và các vị trí đổ bộ trên đảo Kyushu, đảo cực nam trong số các đảo chính của Nhật.

Chỉ sau khi chiến tranh kết thúc, Hoa Kỳ mới phát hiện ra phạm vi chuẩn bị của Nhật để chống lại cuộc đổbộ. Vào tháng 6 năm 1945, tình báo Hoa Kỳ ước tính 350.000 quân Nhật sẽ bảo vệ đảo Kyushu. Sau khi Nhật đầu hàng, quân đội Hoa Kỳ đã giải ngũ khoảng 784.000 lính ở Kyushu. Ngoài ra, còn có khoảng 575.000 lính thuộc lực lượng phòng vệ nội địa Kyushu. Không giống như tỷ lệ 3: 1 giữa quân Đồng minh và quân Đức tại Normandy, lực lượng phòng thủ Nhật Bản sẽ đông hơn quân Đồng minh trong cuộc đổ bộ tấn công ban đầu.

Người Nhật cũng đã chuẩn bị hơn 10.000 máy bay để thực hiện các cuộc tấn công thần phong (kamikaze) tự sát vào các tàu đổ bộ của Mỹ trước khi họ có thể cho quân cập đảo. Và Nhật Bản có gần năm triệu binh sĩ và lính thủy vẫn đang chiến đấu trên khắp Đài Loan, Triều Tiên, Trung Quốc, Mãn Châu và các đảo khác nhau ở Thái Bình Dương.

Thường dân cũng sẽ được huy động. Vào ngày 20 tháng 4 năm 1945, Quân đội Đế quốc Nhật Bản đã ban hành “Sắc lệnh về trận chiến quyết định bảo vệ Tổ quốc”, trong đó tuyên bố: “Mọi quân nhân hãy chiến đấu đến cùng. . . và chúng ta sẽ chiến đấu đến người dân cuối cùng ”. Mỗi người lính Nhật Bản và dân thường, thậm chí cả phụ nữ và trẻ em, đều được dự kiến ​​sẽ tham gia chiến đấu.

Chính phủ Hoa Kỳ ước tính, dựa trên sự kháng cự ác liệt của quân Nhật tại các đảo xa, rằng cuộc chiến sẽ kéo dài thêm một năm rưỡi nữa – đến mùa xuân năm 1947. Dự kiến ​​sẽ có từ 1,7 triệu đến 4 triệu thương vong cho quân Đồng minh, trong đó có 400.000 đến 800.000 người thiệt mạng. (Từ tháng 12 năm 1941 đến tháng 8 năm 1945, cuộc chiến ở Châu Âu và Thái Bình Dương đã khiến 407.000 người Mỹ thiệt mạng.)

Thời tiết sẽ khiến cho vấn đề còn tồi tệ hơn đối với quân Đồng minh. Vào ngày 9 tháng 10 năm 1945, một cơn bão với sức gió 140 dặm một giờ đã tấn công nơi dự kiến là khu vực chuẩn bị cuộc đổ bộ của Hoa Kỳ trên đảo Okinawa. Thiệt hại đối với hạm đội đổ bộ và các lực lượng đi kèm có thể khiến cuộc đổ bộ bị trì hoãn trong sáu tháng. Vào ngày 4 tháng 4 năm 1946, một cơn bão lớn khác lại ập đến. Nó sẽ gây ra một đợt chậm trễ khác. Người Nhật sẽ có nhiều tháng để tăng cường phòng thủ.

Trong khi đó, Liên Xô (nước đã tuyên chiến với Nhật vào ngày 8 tháng 8 năm 1945) đã chuẩn bị để đổ bộ vào các đảo phía bắc Nhật Bản từ hướng Mãn Châu. Điều đó gần như chắc chắn sẽ dẫn đến một nước Nhật bị chia cắt giữa một miền Nam tự do và một miền Bắc cộng sản. Bức tường Berlin có thể đã có một cặp song sinh ở Tokyo. Người dân Bắc Nhật sẽ phải chịu đựng trong nhiều thập niên, giống như người dân Đông Đức và Bắc Triều Tiên.

Tất cả điều này đã được ngăn chặn. Vào ngày 15 tháng 8, Nhật hoàng Hirohito tuyên bố Nhật Bản đầu hàng. Nhật phải đối mặt với nạn đói lớn trong mùa đông năm 1945-46, sự cố đã được giảm nhẹ hậu quả khi Hoa Kỳ cung cấp các lô hàng nhân đạo gồm hơn 800.000 tấn lương thực.

Những tổn thất của người Nhật do các cuộc ném bom nguyên tử thực sự bi thảm. Nhưng việc sử dụng chúng giúp ngăn chặn sự đau đớn, khổ sở và chết chóc lớn hơn nhiều so với những gì nó gây ra. Hoa Kỳ đã chọn giải pháp ít tồi tệ hơn trong hai giải pháp.

John C. Hopkins, một nhà vật lý hạt nhân, là giám đốc điều hành tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamosgiai đoạn 1974-1989.

Nhật đầu hàng: Vì Stalin, không phải bom nguyên tử (P1)