Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 8/2020.
Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
“Biến cố Lâm Bưu” ngày 13 tháng 9 năm 1971, trong cuộc Cách mạng Văn hóa, được cho là sự kiện bí ẩn nhất lịch sử Trung Quốc đương đại.
Ở Trung Quốc mọi người chỉ gọi nó là “Biến cố 13 tháng 9”. Ông Lâm từng là phó chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng vào những giờ đầu của ngày 13/09 năm đó, máy bay của ông lao xuống một cánh đồng cỏ ở Mông Cổ, giết chết tất cả 9 người trên máy bay.
Lâm được cho là trên đường chạy sang Liên Xô sau một cuộc đảo chính thất bại, với âm mưu ám sát lãnh tụ tối cao Mao Trạch Đông.
Cái chết của Lâm vẫn là một bí ẩn. Ông được biết đến là “đồng chí thân cận” của Mao và được chỉ định là người kế nhiệm tại đại hội toàn quốc của đảng vào tháng 4 năm 1969. Vậy tại sao ông ta lại âm mưu ám sát Mao hai năm sau đó? Những sự kiện này vẫn là một trong những bí ẩn lớn nhất của đảng.
Cách khu Trung Nam Hải ở Bắc Kinh 2 km về phía tây bắc, nơi đặt trụ sở chính của đảng, có một địa điểm gọi là Maojiawan. Ông Lâm từng sống ở đây gần 20 năm, bắt đầu từ những năm 1950.
Tôi đến thăm Maojiawan vào thứ Bảy (12/09/2020), nhưng không thể vào vì nó được bao quanh bởi những bức tường cao. Trong khi tôi đang đứng trước cổng, nơi ông Lâm từng ra vào, một người đàn ông trung niên bước ra và nói chuyện với tôi.
“Anh đang tìm nhà Lâm Bưu?” anh ta hỏi. Dường như có khá nhiều du khách tò mò như tôi.
Người đàn ông giới thiệu mình đến từ miền đông bắc Trung Quốc. Ông Lâm từng giữ chức tổng tư lệnh khu vực này vào cuối những năm 1940, trong cuộc nội chiến của Đảng Cộng sản với Quốc dân Đảng.
Anh ta nói ông của mình là một chiến sĩ Cộng sản dưới quyền chỉ huy của Lâm, và không hề giấu giếm sự tôn trọng của mình đối với nhà lãnh đạo quá cố. Ông nói: “Tổng tư lệnh Lâm là một người vĩ đại”. “Đó là một sự thật lịch sử và không thể thay đổi”.
Lâm vẫn được đánh giá cao về tài thao lược của mình, và từng lãnh đạo lực lượng Cộng sản giành nhiều chiến thắng. Tại Bảo tàng Quân sự Cách mạng Nhân dân Trung Hoa ở Bắc Kinh, bạn có thể tìm thấy rất nhiều bức ảnh chụp ông Lâm dẫn quân ở tiền tuyến.
Mao và Lâm gặp nhau vào cuối những năm 1920 tại Tĩnh Cương Sơn ở tỉnh Giang Tây, cơ sở cách mạng đầu tiên của Đảng Cộng sản, và sau đó tiếp tục hoạt động cùng nhau. Chính Lâm đã biên soạn cuốn “Mao Chủ tịch ngữ lục” và lãnh đạo cuộc Cách mạng Văn hóa nổ ra vào năm 1966. Nhà lãnh đạo tối cao và người kế nhiệm được chỉ định của ông dường như hoàn toàn tin tưởng lẫn nhau.
Mãi nhiều thập niên sau, vẫn không ai biết vì đâu quan hệ giữa Mao và Lâm trở nên xấu đi.
Nhìn chung, những nhân vật quyền uy thường sợ mất tiếng nói một khi người kế nhiệm của họ được chọn. Có thể Mao ngày càng lo ngại Lâm trở thành một mối đe dọa cho vị thế của ông.
Chủ tịch hiện tại Tập Cận Bình, đồng thời là tổng bí thư Đảng Cộng sản, vẫn chưa tiết lộ ai sẽ kế nhiệm ông. Rất nhiều người cho rằng ông Tập sẽ không nghỉ hưu mà thay vào đó tiếp tục nhiệm kỳ ba tại đại hội đảng tiếp theo vào mùa thu năm 2022.
Trong khi ngắm nhìn những bức tường xung quanh Maojiawan, nơi ông Lâm từng sống, tôi tự hỏi liệu những bài học của Biến cố Lâm Bưu có tác động gì đến suy tính của ông Tập hay không.
Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng của Nikkei ở Trung Quốc.