Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 10/2020.
Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Đức Thắng Môn (Deshengmen) ở phía bắc Bắc Kinh được xây dựng từ thế kỷ 15 và được thiết kế để không thể bị xuyên thủng. Công trình kiến trúc từ thời nhà Minh còn được gọi là “cổng quân sự” vì quân đội triều đình sẽ xuất quân từ đây mỗi khi ra trận đánh giặc.
Gần đó là trụ sở chính của Viện Khổng Tử – các cơ sở giáo dục được chính phủ Trung Quốc thiết lập khắp thế giới để thúc đẩy việc giảng dạy tiếng Trung.
Trái ngược với Đức Thắng Môn, tòa nhà trụ sở Viện Khổng Tử trông hiện đại hơn. Và không giống như nhiều văn phòng chính phủ Trung Quốc khác, nó không có sự hiện diện an ninh nghiêm ngặt để khiến dân thường xa lánh.
Một tấm biển tiếng Trung dán ở lối vào ghi: “Chúng tôi nhiệt tình hoan nghênh sự hướng dẫn từ bạn bè trên khắp thế giới.” Tôi thấy thật ngạc nhiên khi nó nhấn mạnh vào việc tìm kiếm sự chỉ dạy từ người khác, hơn là chỉ dạy họ.
Liệu có phải các Viện Khổng Tử có thái độ khiêm tốn như thế là vì họ đang bị Ngoại trưởng Mike Pompeo và các quan chức Mỹ tấn công?
Pompeo cáo buộc chúng là cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc, gây “ảnh hưởng xấu” lên dư luận Mỹ tại các trường đại học và những nơi khác. Trong cuộc phỏng vấn với một đài phát thanh Hoa Kỳ hồi thứ Năm tuần trước (15/10/2020), Pompeo cho biết chính quyền Donald Trump có mục tiêu đóng cửa mọi Viện Khổng Tử ở nước này vào cuối năm 2020. Phát ngôn viên Bắc Kinh Triệu Lập Kiên, Phó Cục trưởng Cục Thông tin Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã đả kích Pompeo ngay thứ Sáu hôm sau và ám chỉ về khả năng tung ra biện pháp đáp trả.
Ông Triệu nói: “Xuất phát từ thành kiến ý thức hệ và động cơ chính trị, một số chính trị gia Mỹ, chẳng hạn như Pompeo, đã cố tình phá hoại sự trao đổi và hợp tác văn hóa, giáo dục giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ bằng cách làm mất uy tín các Viện Khổng Tử và can thiệp vào hoạt động bình thường của chúng”.
Chương trình Viện Khổng Tử chính thức ra đời vào tháng 11 năm 2004. Trang web của trụ sở chính liệt kê 541 địa điểm ở 162 quốc gia và khu vực.
Rõ ràng Trung Quốc coi các viện này là một công cụ chủ đạo để thúc đẩy quyền lực mềm và củng cố chỗ đứng ở các nước nhằm truyền bá văn hóa Trung Quốc.
Tôi đã tự hỏi tại sao các trung tâm giáo dục được chính phủ hậu thuẫn này lại mang tên Khổng Tử. Ngay từ trong nội bộ Đảng Cộng sản, nhà triết học thời cổ đại vốn đã là một nhân vật gây tranh cãi.
Tôi nghĩ đến “Chiến dịch đả Lâm, đả Khổng” do Mao Trạch Đông phát động vào đầu những năm 1970 – khi cơn bão Cách mạng Văn hóa đang hoành hành – để nhắm vào Khổng Tử, và Lâm Bưu, người được cho là âm mưu ám sát Mao.
Theo quan điểm của Mao, Khổng Tử là “một nhà triết học phản động của thời kỳ phong kiến” và do đó phải gạt bỏ mọi di sản của ông, cùng với Lâm.
Tuy nhiên, với chính sách “cải cách khai phóng” từ năm 1978, Khổng Tử lại được nhìn nhận dưới một quan điểm khác. Ổn định xã hội là tối quan trọng cho phát triển kinh tế và những lời răn của ông có lợi cho đảng.
Nhiều năm sau, nhờ thuận lợi từ trong nước, Viện Khổng Tử đã trở thành những cơ sở “truyền giáo” của nền văn minh Trung Hoa. Nhưng giờ đây chúng đang đối mặt với sóng to gió lớn từ bên ngoài. Không chỉ Hoa Kỳ mà các nền dân chủ khác cũng ngày càng nghi ngờ chúng.
Vị trí của trụ sở gần “cổng quân sự” có vẻ mang tính biểu tượng, khi mà thế giới đang sẵn sàng đẩy lùi các viện quay về chiếc cổng của Trung Quốc.
Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng Nikkei ở Trung Quốc.