Thế giới hôm nay: 22/02/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Hàng chục nghìn người đã xuống đường ở Naypyidaw, thủ đô Myanmar, để dự tang lễ của một người biểu tình bị cảnh sát bắn chết, và để phản đối bạo lực đối với dân thường. Quân đội đã không thể ngăn chặn được biểu tình quy mô lớn và tình trạng bất ổn dân sự kể từ sau cuộc đảo chính quân sự và vụ bắt giữ bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo dân cử của Myanmar, vào hôm 1 tháng 2.

Israel nới lỏng phong tỏa, sau khi đã tiêm được ít nhất một liều covid-19 cho gần một nửa dân số đất nước. Các cửa hàng, thư viện và bảo tàng đã mở cửa trở lại, nhưng mọi người vẫn phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách. Chỉ những người có “hộ chiếu xanh” – chủ yếu là những người đã tiêm hai mũi – mới có thể đến các phòng tập thể dục, khách sạn và giáo đường Do Thái. Hôm nay, chính phủ Anh cũng ​​sẽ đưa ra kế hoạch nới lỏng phong tỏa.

Nhiệt độ ở miền Nam nước Mỹ bắt đầu tăng sau một tuần cực kỳ lạnh giá. Thời tiết bất thường đã tàn phá cơ sở hạ tầng ở Texas, nơi hàng triệu người bị mất điện và không thể sưởi ấm. Mặc dù hầu hết mọi người đã có điện trở lại nhưng nguồn cung cấp nước ở một số bang vẫn bị gián đoạn vì vỡ đường ống.

Chính phủ Iran nói Mỹ phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với nước này nếu muốn quay lại thỏa thuận hạt nhân 2015, thỏa thuận mà Mỹ đã rút khỏi vào năm 2018. Tổng thống Joe Biden muốn khôi phục thỏa thuận. Người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc đã yêu cầu các quan chức Iran tiếp tục cho phép giám sát các cơ sở hạt nhân của nước này, trong bối cảnh có động thái đe dọa tắt các camera của cơ quan này.

Người dân Niger vừa bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử vòng hai để chọn tổng thống mới của mình. Cuộc bỏ phiếu đánh dấu cuộc chuyển giao quyền lực dân chủ đầu tiên ở Niger kể từ khi nước này độc lập khỏi Pháp 60 năm trước. Mohamed Bazoum, một người ủng hộ tổng thống đương nhiệm Mahamadou Issoufou, được dự đoán chiến thắng. Bảy nhân viên bầu cử đã bị giết bởi một quả mìn trên đường đến điểm bỏ phiếu của họ.

Cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc đã hoàn thiện các quy tắc chặt chẽ hơn đối với vay tiền qua internet. Bên cạnh các quy định khác, kể từ tháng 7 năm 2022, các tổ chức cho vay trực tuyến phải cung cấp 30% số vốn cho các khoản vay được thực hiện cùng các ngân hàng thương mại. Các quy định sẽ nâng cao yêu cầu vốn đối với các bên cho vay như Ant Group, chi nhánh fintech của Alibaba. Năm ngoái, nhà chức trách đã đột ngột ra lệnh dừng đợt IPO trị giá 37 tỷ USD của công ty và yêu cầu họ cắt giảm cho vay.

Ngân hàng Trung ương Sudan đã mạnh tay phá giá đồng tiền của họ, từ 55 bảng đổi một đô la xuống chỉ còn 375 bảng, đưa tỷ giá hối đoái chính thức xuống ngang với tỷ giá chợ đen. Ngân hàng sẽ xác định tỷ giá hàng ngày theo cơ chế “tỉ giá thả nổi được quản lý linh hoạt”. Các chủ nợ nước ngoài và IMF đã  yêu cầu phá giá như một điều kiện để xóa nợ cho nước này. Tình trạng khan hiếm hàng hóa, lạm phát cao và biến động chính trị đã trì hoãn thay đổi này.

TIÊU ĐIỂM

Quân đội Myanmar bắt đầu nổ súng vào người biểu tình

Khi quân đội Myanmar lật đổ chính phủ dân sự vào ngày 1 tháng 2, bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và những người khác trong đảng cầm quyền của bà, họ thành công mà không phải đổ một giọt máu. Khi hàng trăm nghìn người Miến Điện bắt đầu xuống đường phản đối đảo chính, quân đội cũng kiềm chế không triển khai lực lượng sát thương. Song điều đó đã thay đổi. Vào ngày 9 tháng 2, một người biểu tình đã bị cảnh sát bắn vào đầu. Cô qua đời mười ngày sau đó. Và hôm thứ Bảy, các sĩ quan lại nổ súng vào người biểu tình ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai Myanmar, khiến hai người thiệt mạng.

Hai sự kiện này là dấu hiệu cho thấy chế độ đang lo lắng. Hiện tại có rất nhiều công chức đình công khiến cho bộ máy chính phủ phải ngừng hoạt động, trong khi hệ thống ngân hàng cũng đình trệ. Do đó các tướng đang đối mặt viễn cảnh không thể trả lương cho quan chức hoặc quân đội. Nhưng một cuộc đàn áp sẽ chỉ khiến người dân Miến Điện vốn đã tức giận thêm bất bình hơn nữa. Các đám đông khổng lồ tiếp tục xuống đường vào Chủ nhật, và biểu tình sẽ tiếp diễn trong tuần này.

Chính phủ Anh sắp công bố kế hoạch dỡ phong tỏa dần dần

Hôm nay Boris Johnson sẽ tiết lộ kế hoạch dần nới lỏng phong tỏa nghiêm ngặt cho nước Anh vốn áp dụng từ ngày 6 tháng 1. Thủ tướng Anh đã nói trường học sẽ mở cửa từ ngày 8 tháng 3. Và mọi người có thể được phép gặp gỡ ngoài trời từ lễ Phục sinh. Các chính phủ Bắc Ireland, Scotland và xứ Wales sẽ tự quyết trong vấn đề này. Ông Johnson khẳng định bất kỳ việc nới phong tỏa nào cũng sẽ được dẫn dắt bởi “dữ liệu, chứ không phải ngày tháng,” đồng thời nới lỏng sẽ dừng lại nếu vắc-xin không hiệu quả, hoặc các chủng covid-19 nguy hiểm mới xuất hiện, hoặc gia tăng số ca nhiễm gây quá tải bệnh viện.

Tuy nhiên, các nghị sĩ đảng Bảo thủ mong muốn hạn chế được dỡ bỏ sau khi mọi người dân trên 50 tuổi và những người dễ bị tổn thương được tiêm liều vắc-xin đầu. Chính phủ nói mục tiêu này sẽ đạt được trước ngày 15 tháng 4, sớm hơn hai tuần so với kế hoạch trước đây. Chương trình tiêm chủng của Anh đi trước các chương trình khác ở châu Âu. Các quan chức dự kiến mọi người dân trưởng thành sẽ được tiêm ít nhất một liều vào cuối tháng 7.

Điều trần phê chuẩn Merrick Garland vào ghế bộ trưởng tư pháp Mỹ

Năm năm trước, các nghị sĩ Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đã phủ quyết một cuộc điều trần dành cho Merrick Garland, người được Barack Obama đề cử vào Tòa án Tối cao. Hôm nay, cuối cùng thì ông cũng có được một buổi điều trần, nhưng với tư cách người được Joe Biden đề cử cho chức bộ trưởng tư pháp. Đề cử này gây khó chịu cho một số người cánh tả, vì họ muốn có một người tiến bộ điều hành Bộ Tư pháp. Song khuynh hướng trung dung của ông Garland sẽ khiến cuộc phê chuẩn ông được dễ dàng, và thật ra ông Biden đã đề cử những người tiến bộ vào các vị trí dưới quyền ông Garland — đặc biệt là Vanita Gupta làm thứ trưởng và Kristen Clarke làm thứ trưởng phụ trách quyền dân sự.

Danh tiếng liêm chính của ông Garland và lời cam kết tôn trọng sự độc lập của Bộ Tư pháp của tổng thống cho thấy chính quyền ông Biden sẽ coi trọng các chuẩn mực pháp lý và pháp quyền hơn người tiền nhiệm. Việc bổ nhiệm Garland cũng sẽ cho ông Biden cơ hội bổ nhiệm một ghế do ông Garland để lại trong Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ cho Khu vực DC — thường được coi là tòa án quan trọng thứ hai trong nước.

Cuộc cạnh tranh giành quyền mua hãng an ninh G4S

Allied Universal, một công ty an ninh tư nhân của Mỹ, và GardaWorld, một đối thủ từ Canada, đang tham gia vào một cuộc tranh cãi  xoay quanh G4S của Anh. GardaWorld hồi năm ngoái từng tìm cách mua G4S với giá 3,7 tỷ bảng Anh (4,9 tỷ USD). Trong khi Allied đưa ra một lời đề nghị cao hơn con số đó 155 triệu bảng. Cuộc chiến rất gay cấn. GardaWorld đã chỉ trích ban giám đốc của G4S, trong khi đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng về tác hại mà Allied sẽ gây ra với công ty trên tư cách chủ sở hữu.

G4S thích lời chào mời của Allied hơn, song cho rằng có thể tiếp tục đẩy giá lên nữa trước khi chấp nhận. Hôm nay, Allied và GardaWorld sẽ tham dự một cuộc đấu giá đối đầu hiếm hoi để quyết định xem ai sẽ có được G4S. Người chiến thắng có thể mở rộng hoạt động kinh doanh của mình một cách đáng kể vì G4S có doanh thu cao hơn và nhiều nhân viên hơn cả hai người mua. Song người mua cũng có nguy cơ gánh chịu tổn thất uy tín từ G4S. Công ty đã vướng vào các vụ bê bối trong những năm gần đây. Năm 2018, chính phủ Anh đã tiếp quản một nhà tù do G4S điều hành vì điều kiện nhà tù quá tồi tệ.

Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc nhóm họp

Hôm nay, Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc – nơi tự nhận mình là cơ quan ra quyết định về môi trường cao nhất trên thế giới – sẽ nhóm họp lần thứ năm kể từ năm 2014. Những người tham gia chủ yếu sẽ thông qua ngân sách và nói về cách các nước có thể giảm khí nhà kính và mất đa dạng sinh học trong khi ứng phó với đại dịch coronavirus. Chương trình Môi trường LHQ, tổ chức triệu tập hội đồng, muốn nhấn mạnh mối liên hệ giữa những vấn đề này, điều họ đã nêu trong một báo cáo được công bố hồi tuần trước.

Khi ra mắt báo cáo, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cảnh báo rằng nhân loại đã tiến hành “một cuộc chiến tự sát và phi lý với thiên nhiên” dẫn đến biến đổi khí hậu, phá hủy các hệ sinh thái, và sự gia tăng các bệnh lây truyền từ động vật như covid-19. Báo cáo nói các vấn đề này phải được giải quyết đồng thời. Tuy nhiên, phiên họp tuần này sẽ chỉ có nói nhiều hơn là hành động — hơn 4.000 đại biểu  hường tham dự sẽ không dự họp trực tiếp cho đến năm sau.