Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Niên hiệu: Đại Khánh [1314-1323]; Khai Thái [1324-1329]
Tháng 3 năm Hưng Long thứ 22 [17/3-14/4/1314], Vua Anh Tông xuống chiếu truyền ngôi cho Thái tử là Mạnh tức Vua Trần Minh Tông; Minh Tông đổi niên hiệu thành Đại Khánh năm thứ nhất. Nhà Vua dáng dấp thanh lịch đẹp đẽ, Sứ giả nhà Nguyên trông thấy, khen rằng “Hình dáng nhẹ nhàng không khác gì một vị thần tiên”.
Sau khi được truyền ngôi, Vua sai bọn Nguyễn Trung Ngạn, Phạm Ngộ sang báo cho nhà Nguyên hay.
Tháng 5, năm Đại Khánh thứ 2 [3/6-1/7/1315], xuống chiếu cấm trong một nhà cha con, vợ chồng và nô tì tố cáo lẫn nhau.
Tháng 6, trời đại hạn; quan Ngự sử đàn hặc Hành khiển Trần Khắc Chung không điều hòa được âm dương, Khắc Chung lập luận chống lại:
“Bấy giờ Khắc Chung giữ chức Hành khiển [Thủ tướng], Ngự sử đài dâng sớ nói:
‘Nhiệm vụ của người giữ chức Tể phụ,[1] việc cần nhất là điều hòa âm dương; nay Khắc Chung giữ chức Thủ tướng, không có kế gì giúp đỡ việc nuôi dưỡng muôn vật để đón rước lấy hòa khí, đến nỗi mưa nắng trái thời, như thế là làm quan không có công trạng gì cả’.
Khắc Chung nói:
‘Khắc Chung này lạm dự vào hàng cận phụ chỉ biết làm hết chức trách của mình phải làm, còn như năm bị đại hạn thì phải hỏi Long Vương,[2] chứ Khắc Chung này có làm gì nên tội?“. Cương Mục, Chính Biên, quyển 9.
Lại một việc khác, mấy tháng sau trời mưa nước sông lên cao, Vua đích thân xem hộ đê, Ngự sử khuyên không nên đi, Khắc Chung lập luận cãi lại:
“Ít lâu sau, nước sông lên to, nhà vua thân đi xem sửa chữa đê, Ngự sử đài tâu:
‘Bệ hạ cần sửa sang đức chính, còn như việc đắp đê là việc nhỏ mọn, cần gì phải tự mình trong nom đến’.
Khắc Chung nói:
‘Lúc dân gặp nước lụt hoặc đại hạn, người làm vua cần phải cứu giúp ngay. Đấy, việc sửa sang đức chính không còn gì trọng đại hơn việc ấy cả, chứ có phải đâu cứ ngồi chĩnh chiện một chỗ, cố giữ tinh thần thật vững mới gọi là sửa sang đức chính?”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 9
Tháng 3, năm Đại Khánh thứ 3 [24/3-23/4/1316], nhân xét định cấp bậc các quan văn, quan võ, nhà Vua lưu ý các quan cần tham khảo điển chương cũ, đừng để sai lầm:
“Trước kia, về thời Nguyên Phong [Trần Thái Tông], quân Nguyên sang xâm lấn, Thái Tông giục xa giá chạy ra ngoài kinh thành lánh nạn; viên quan giữ ấn vội vàng đem bảo tỉ [ấn tỉ quí] cất giấu vào trên cái xà nhà trong điện Đại Minh chỉ đem theo được quả ấn nội mật; dọc đường lại đánh mất, phải sai khắc ấn bằng gỗ để dùng trong quân thứ. Đến đầu đời Anh Tông, xét công các quan văn võ, nếu viên quan nào không có giấy tờ đóng dấu bằng ấn gỗ sẽ phải giảm một tư.[3] Có lẽ cho rằng người đến tham dự tòng quân trong khi vua lánh nạn là có công hơn. Đến nay xét định cấp bậc, có người xuất trình giấy tờ đóng bằng ấn gỗ, viên quan giữ việc xét định ngờ là giả mạo; Thượng hoàng nghe tin, nói:
‘Đó là giấy tờ việc quan thời Nguyên Phong đấy’.
Nhân thể, Thượng hoàng bảo các viên quan giữ chính quyền rằng:
‘Phàm người giữ một địa vị trong chính phủ, mà không am hiểu điển chương cũ, thì công việc phần nhiều sai lầm“. Cương Mục, Chính Biên, quyển 9
Vào năm Đại Khánh thứ 3 [1316] tức năm Diên Hữu thứ 3 thời Nguyên, xảy ra việc tranh chấp biên giới tại thôn Do; gần ải Do thuộc xã Bảo Lâm huyện Cao Lộc, Lạng Sơn ngày nay. Viên chức tỉnh Quảng Tây là Thiên hộ Lưu Hanh gửi thư cho nước ta; sau đó nội vụ giải quyết xong, thư của Lưu Hanh như sau:
“Thiết nghĩ nước nhỏ thờ nước lớn là thuận theo đạo kính sợ trời; dùng binh gây trở ngại không phải là kế sách tốt để giữ yên nước. Lý nghịch thuận đã rõ ràng, cơ an nguy cần xét kỹ. Trước kia nhà Hán đặt ra 9 quận, nhà Đường lập 5 quản, An Nam được liệt vào trong đó; vậy không phải là sự giáo hóa chưa đạt đến. Nay nhà Nguyên nhất thống, có chung chữ viết, cùng một trục xe;[4] phía đông như Nhật Bản, phía bắc như Sóc phương, các nước bên ngòai từ xưa đến nay chưa chịu xưng thần, nay đều thần phục. Tuy Bát Phiên cậy hiểm, đều bị tru phạt về tội đến muộn, đến nay đã được bình định, chia thành quận huyện. Riêng An Nam được hưởng chế độ ky my, toàn quyền phế lập. Ơn khoan hồng của triều đình, nếu so với các nơi khác, thực đặc biệt to lớn. Huống hồ việc dâng bản đồ, phụng cống; bổn phận kẻ nhỏ đối với người trên đã rõ ràng; sự đi lại thăm hỏi, cái ơn huệ săn sóc vỗ về cũng đã từng đến. Như vậy Thánh triều có điều gì phụ bạc với quí quốc?
Nay cớ sao dấy việc bất an, mở đường cho mối họa. Tuy thôn này là vùng đất nhỏ, nhưng nằm trong bản đồ của quốc gia, sự quan hệ nghiêm trọng vô cùng. Hơn nữa những người bị giết, bị bắt; đều là dân thuộc hộ tịch của triều đình; tưởng rằng chỉ là việc tầm thường nhưng tội trạng thì như gò núi; những người có chút kiến thức, không ai làm như vậy. Các cơ quan tại tỉnh, viện nghe tin nầy nửa tin nửa ngờ, chưa dám tâu lên triều đình, sợ uy trời (chỉ Vua) giận dữ; nên sai nhà cầm quyền địa phương tìm hiểu nguyên do sự tình trước.
Nay mục kích những dấu vết, có đầy đủ để làm bằng chứng. Sự việc đến như vậy thì không thể để yên được; nhưng không biết mưu đồ do ai gây ra? Do nhà cầm quyền trung ương xướng xuất, hoặc do những tên quan lại địa phương nơi biên giới? Hãy cáo rõ ràng cho ta biết, để căn cứ vào đó tâu trình lên trên. Nếu biết sửa sai làm lành, trả những người bị bắt, hoàn lại đất đai, cải tà qui chính, tức chuyển họa ra phúc; việc dùng binh hỏi tội chắc chưa phải ra tay. Nếu chấp mê không chịu tỉnh ngộ, lớn tiếng tranh dành, thì việc tâu trình ắt phải thi hành. Ôi! Nước ngươi nhỏ bé, làm sao so sánh nổi với Thánh triều lớn hơn gấp bội! Vả lại quân đội có danh chính để hỏi tội, một khi ra tay mạnh mẽ như quét lá khô; như sức núi Thái Sơn đè lên trên quả trứng mỏng, hành quân chỗ nào mà không xong! Kẻ thức giả lấy làm lo sợ cho quí quốc; hãy đối diện với thực tại mà giải quyết!” (Lê Trắc chú: Lúc nầy Thế tử sai Triều thỉnh lang Nguyễn Tất Quá, Phụng nghĩa lang Đỗ Tắc Dương mang hồi điệp cùng tiền bạc lễ vật đến; Lưu Thiên hộ cũng gửi thư phúc đáp nhưng khước từ đồ vật tặng.)[5] An Nam Chí Lược quyển 5, Đại Nguyên danh thần vãng phục thư sớ.
Tháng 3, năm Đại Khánh thứ 4 [12/4-11/5/1317], Lang trung bộ hình Phí Trực tỏ ra anh minh trong việc điều tra một vụ trộm, nên được Thượng hoàng Anh Tông bổ làm An Phủ Sứ phủ Thiên Trường:
“Gặp lúc ấy có toán trộm nổi lên, có người tự nói bắt được người cầm đầu kẻ trộm là Văn Khánh, giải nộp. Khi quan hỏi người bị bắt thú nhận là Văn Khánh. Người ngoài ai cũng bảo là đúng, chỉ có Trực lấy làm ngờ, thành ra vụ án này mãi không kết liễu. Thượng hoàng hỏi, Phí Trực thưa rằng:
‘Kẻ kia (trỏ người bị bắt) không bị roi vọt tra tấn mà tự thú nhận, tôi trộm thấy làm ngờ, không dám quyết đoán càn bậy’.
Sau quả nhiên bắt được một người khác, đúng là Văn Khánh thực. Thượng hoàng khen Phí Trực là người có tài.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 9
Năm Đại Khánh thứ 5 [1318], sai Huệ Vũ Vương Quốc Trấn và tướng Phạm Ngũ Lão đem quân đi đánh Chiêm Thành thắng trận, Ngũ Lão được thăng thưởng:
“Chiêm Thành từ khi Chế Chí mất đi rồi, thường hay giáo giở, nên nhà vua sai đi đánh. Hiếu Túc hầu Lý Tất Kiến đánh nhau với quân Chiêm, bị thua, chết. Phạm Ngũ Lão, quản lĩnh hiệu quân Thiên Thuộc, tung quân ra đánh tập hậu; quân Chiêm bị thua, chúa Chiêm là Chế Năng chạy sang nước Qua Oa[6] cầu viện. Quốc Trấn xin lập người tù trưởng nước Chiêm là A Nan làm Hiệu Thành Á Vương, rồi đem quân về. Khi về triều, nhà vua cho Phạm Ngũ Lão tước quan nội hầu, ban cho binh phù phi ngư[7] và bổ dụng người con làm quan.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 9.
Tháng 3, năm Đại Khánh thứ 7 [9/4-8/5/1320] Thượng hoàng mất:
Thượng hoàng là người tính khí khiêm tốn, đối với người cùng họ rất hòa thuận, thờ vua cha là Nhân Tông rất kính cẩn. Lúc trước, Thượng hoàng thường hay uống rượu, Nhân Tông răn bảo về việc ấy, liền chừa hẳn không uống nữa. Trước kia, Thượng hoàng phong thưởng quan tước triều ban có phần hơi nhiều. Nhân Tông xem sổ, phê vào đầu quyển sổ rằng:
‘Một nước to bằng bàn tay, mà sao lại có triều ban nhiều đến thế này!’.
Từ đấy, Thượng hoàng quý trọng tước thưởng, ban cho một cách dè dặt, không bao giờ dám coi thường.
Bọn Nguyễn Sĩ Cố và Chu Bộ là bầy tôi cũ ở thời tiềm để [lúc chưa làm Vua] vì không có hạnh kiểm, nên chỉ dùng vào chức nhàn tản mà thôi.
Phép tắc về cấp bậc trong cung giữ rất cẩn thận: Bảo Từ hoàng hậu thường đem xe của mình được dùng theo với cấp bậc ban cho Huy Tư hoàng phi, Thượng hoàng nhận thấy rằng hoàng phi mà đi xe của hoàng hậu là tiếm lạm, nên không cho.
Khi tuổi già, lại càng cẩn thận về hình phạt: Có một lần, người quan nô [gia nô của quan] là Hoàng Hộc kiện nhau với người khác, Hoàng Hộc dùng cách xảo trá được thoát tội. Thượng hoàng biết chuyện, bảo viên quan xử kiện rằng:
‘Tên Hộc là đứa gian ngoan kiệt hiệt như thế, mà không biết tra xét cho ra tình ra lý là không làm hết chức phận’.
Sau khi đã nhường ngôi rồi, vẫn tự mình quyết đoán các công việc, đối với điển chương cũ, vẫn kính cẩn noi theo, không dám khinh thường thay đổi. Lúc nào rảnh việc, lại lưu tâm đến văn mặc; rất có tài về viết chữ và vẽ.
Lúc ốm nặng, Bảo Từ hoàng hậu cho tìm thày chùa là Phổ Tuệ bày đàn cúng lễ, thày chùa xin vào yết kiến để tâu bày việc sống chết. Thượng hoàng từ chối, nói:
“Thày chùa chưa chết, làm gì biết việc chết mà bảo người ta?”.
Bao nhiêu những bức viết, bức họa ngày thường và tập sách đã trứ tác là tập Thủy vân tùy bút, Thượng hoàng đều bắt đốt đi cả. Rồi mất ở cung Trung Quang; đặt tên thụy là Hiển Văn Duệ Vũ Khâm Minh Nhân Hiếu Hoàng đế, miếu hiệu là Anh Tông, ở ngôi 21 năm, nhường ngôi 6 năm, hưởng thọ 54 tuổi.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 9.
Tháng 11 [1/12-29/12/1320], mùa đông. Điện soái thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão mất, dân chúng nhớ ơn lập đền thờ tại nhà ông thuộc làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, tỉnh Hưng Yên:
Ngũ Lão xuất thân trong hàng ngũ quân lính, khảng khái, có chí khí lớn, rất chăm đọc sách và hay ngâm thơ. Đối với việc vũ tựa hồ không để ý đến, nhưng chỉ huy quân rất có kỹ luật. Đối đãi với tướng tá như người nhà, đồng cam cộng khổ với sĩ tốt; đội quân của Ngũ Lão thống lĩnh đều thân yêu nhau như cha con một nhà, nên đánh đâu được đấy. Những thứ tước được trong khi đánh giặc đều sung vào kho tàng trong quân, coi tiền của thoảng như không. Thực là bậc danh tướng lúc bấy giờ. Khi mất thọ 66 tuổi. Nhà vua thương tiếc lắm, không thiết triều luôn năm ngày. Nhân dân làng ông lập đền thờ ngay tại chỗ nhà ông vẫn ở.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 9.
Ông có làm bài thơ, ca tụng chí khí làm trai, được người đời ca tụng:
Hoành sáo giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tỳ hồ khí thôn ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
(Vung giáo non sông trải mấy thu,
Ba quân tựa cọp nuốt trôi trâu.
Trai chưa trả nợ công danh được,
Còn thẹn khi nghe chuyện Vũ hầu [Khổng Minh]).
Năm Đại Khánh thứ 8 [1321], sai sứ sang nhà Nguyên. Nhân Vua Anh Tông nhà Nguyên mới lên ngôi, sai Thượng thư là Giáo Hóa sang báo, nên nhà vua sai sứ thần sang chúc mừng. Thượng thư Giáo Hóa mang chiếu sang nước ta, nguyên văn chiếu thư như sau:
“Tháng 8 năm Chí Trị thứ nhất Anh Tông Hoàng đế dụ Thế tử nước An Nam Trần Nhật (Vốn tên Minh, con của Anh Tông, thụy Minh Tông – Lê Trắc chú)
Quốc gia ta thay trời thống trị bốn phương. Tiên Hoàng đế nhân nghĩa bao trùm khắp chốn xa gần; trị vì được mười năm, sớm bỏ thiên hạ. Ta thuộc dòng đích, được các tôn thất đại thần hết lời suy cử, bèn đổi năm Diên Hữu thứ tám thành năm Chí Trị thứ nhất.
Nay sai Á Trung Đại Phu Thượng thư bộ lại Giáo Hóa, Phụng Nghị Đại Phu Lang trung bộ Lễ Văn Củ đưa chiếu chỉ hiểu dụ, hãy thể theo đức của trẫm chăn sóc con dân; dốc một lòng nhân tôn thờ nước lớn. Vậy ban tờ chiếu nầy, suy nghĩ để hiểu rõ ràng.”[8] An Nam Chí Lược quyển 2 Đại Nguyên chiếu chế.
Mùa hạ năm Đại Khánh thứ 9 [1322], Vua sai Doãn Bang Hiến sang nhà Nguyên biện luận về việc cương giới:
“Bấy giờ, người nhà Nguyên tranh lấn bờ cõi nơi biên giới, nên nhà vua sai Hình Bộ thượng thư là Doãn Bang Hiến sang nhà Nguyên để cùng nhau biện luận về biên giới. Sau đó Bang Hiến bị mất ở dọc đường, nhà vua rất lấy làm thương tiếc.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 9.
Năm Khai Thái thứ 1 [1324], Vua Thái Định nhà Nguyên lên ngôi, bèn sai sứ sang nước ta báo tin:
“Thái Định đế nhà Nguyên mới lên ngôi, sai Mã Hợp Mưu và Dương Tôn Thụy sang báo cáo và ban lịch mới; lại dụ nhà vua không nên cho quan lại ở biên giới sang xâm nhiễu Chiêm Thành. Hợp Mưu, cưỡi ngựa đến cái cầu ở ao Tây Thấu vẫn không xuống ngựa. Những người hiểu tiếng Trung Quốc vâng chỉ dụ nhà vua ra bảo sứ thần xuống ngựa, tranh luận mãi vẫn không thể giải quyết được. Nhà vua sai Thị ngự sử Nguyễn Trung Ngạn ra đón tiếp, Trung Ngạn dùng lý lẽ bẻ bác, Hợp Mưu không cãi lại được, mới chịu xuống ngựa; nhà vua rất hài lòng. Khi Hợp Mưu về, nhà vua sai Mạc Đĩnh Chi sang chúc mừng.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 9.
An Nam Chí Lược cũng xác nhận phái đoàn Mã Hợp Mưu sang nước ta, lại kèm theo chiếu chỉ của Vua Thái Định nhà Nguyên gửi cho Vua Trần Minh Tông:
“Năm Thái Định thứ nhất [1324] sai Thượng thư bộ Lại Mã Hợp Mưu, Lang trung bộ Lễ Dương Tông Thụy phụng sứ An Nam cùng tuyên cáo chiếu chỉ.”[9] An Nam Chí Lược quyển 3, Đại Nguyên phụng sứ.
“Tháng 8 nămThái Định thứ nhất [1324], chiếu dụ Thế tử An Nam Trần Nhật Hoảng
Quốc gia ta nhận mệnh lớn, coi sóc vạn nước, tiếng tăm đức độ gia tăng, không phân biệt Hoa Hạ hoặc Di Địch. Mới đây Tiên đế lìa bỏ thần dân; ta là cháu đích tôn của Dụ Hoàng đế,[10] được các tôn thất đại thần suy tôn, bèn từ đất khởi nghiệp của Thái Tổ Hòang đế[11] vào lãnh mệnh trời; ngày 4 tháng 9 năm Chí Trị thứ 3 [4/10/1323], lên ngôi Hòang đế và lấy năm Giáp Tý là Thái Định thứ nhất. Nay sai Á Trung Đại Phu Lại Bộ Thượng thư Mã Hợp Mưu, Phụng Nghi Đại Phu Lễ Bộ Lang Trung Dương Tông Thụy mang chiếu thư đến hiểu dụ nước khanh, cùng ban một cuốn niên lịch. Nhớ xưa tổ tiên khanh, cha khanh triều cống đã lâu rồi, nước ta cũng đãi nước khanh rất hậu. Mới đây viên quan coi giữ Chiêm Thành dâng biểu tâu rằng quan lại biên giới tại nước khanh mấy lần phát binh xâm lấn, trẫm đem lòng trắc ẩn, không hiểu tại sao khanh lại làm như vậy? Trẫm làm vua thiên hạ, coi kẻ xa như người gần, chỉ muốn dân chúng được sống an ninh, mọi người đều được yên sở. Khanh hãy thể theo lòng ta, răn dạy kẻ dưới, cẩn thận bảo vệ nhân dân, đừng quên lòng trung thuận từ trước tới nay. Vậy nên ban chiếu thư này, hãy suy nghĩ để hiểu rõ ràng.[12] An Nam Chí Lược quyển 2 Đại Nguyên chiếu chế.
Riêng Nguyên Sử cũng xác nhận phái đoàn nước ta sang chúc mừng, nhưng tên Sứ thần Mạc Đỉnh Chi thì chép là Mạc Tiết Phu:
Năm Thái Định thứ nhất [1324], Thế tử Trần Nhật Quảng sai bồi thần Mạc Tiết Phu đến cống.”[13] Nguyên Sử, quyển 209, Liệt Truyện An Nam.
Năm Khai Thái thứ 3 [1326], sai Huệ Túc vương là Đại Niên đem quân sang đánh Chiêm Thành, nhưng đánh không thắng, nhà Vua tự trách mình:
“Huệ Túc vương đi đánh Chiêm Thành không thành công, khi trở về, nhà vua nói: “Trước kia, tiên đế [chỉ Vua Anh Tông] gội gió tắm mưa, mới bắt được chúa Chiêm Thành, sau Quốc Phụ [chỉ Quốc Trấn] là bậc trọng thần, vâng mệnh đi đánh, cũng làm cho chúa nước ấy phải chạy trốn. Nay Huệ Túc vương danh vọng không bằng Quốc Phụ, mà ta cứ yên nhiên ở chỗ thâm cung, ủy thác cho y chuyên trách về việc đánh dẹp, như thế mà muốn bắt chúa Chiêm, thì làm thế nào mà thành công được?”. Câu nói ấy là nhà vua có ý tự trách mình.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 9.
Tháng 3, năm Khai Thái thứ 5 (11/4-9/5/1328) nhà Vua nghe lời tâu sàm, giết lầm thân phụ Hoàng hậu là Quốc Phụ thượng tể Huệ Vũ vương là Quốc Trấn:
“Trước đây, Thượng hoàng vẫn trông mong nhiều vào Quốc Trấn, muốn phó thác nhà vua cho ông ta; đến lúc thượng hoàng bị bệnh, mỗi khi nhà vua đến thăm, Thượng hoàng bắt phải đi cùng với Quốc Trấn, để khỏi sinh lòng hiềm nghi gián khích. Đến nay nhà vua tuổi đã nhiều mà chưa quyết định ngôi trừ phó [Vua nối ngôi]. Quốc Trấn tự nhận mình là cố mệnh đại thần, vả lại là bố đẻ ra hoàng hậu, nên cố chấp bảo:
‘Đợi khi nào hoàng hậu sinh con trai trưởng sẽ lập làm thái tử’.
Văn Hiến hầu[14] muốn đánh đổ hoàng hậu mà lập hoàng tử tên là Vượng, bèn lấy một trăm lạng vàng đút lót cho gia thần của Quốc Trấn tên là Trần Phẫu, để Trần Phẫu vu cáo Quốc Trấn âm mưu làm phản. Nhà vua tin lời Trần Phẫu, bắt Quốc Trấn giam ở chùa Tư Phúc, rồi đem việc ấy hỏi Thiếu bảo Trần Khắc Chung. Khắc Chung về bè đảng với Văn Hiến, lại là người cùng làng với mẹ đẻ của Vượng, hơn nữa, Khắc Chung từng giữ chức sư phó để dạy Vượng, vì thế Khắc Chung liền tâu ngay bằng câu thành ngữ:
‘Tróc hổ dị, phóng hổ nan’ [bắt hổ thì dễ, thả hổ ra thì nguy].
Nhà vua bèn cấm tuyệt không cho Quốc Trấn ăn uống, để bắt phải tự tử. Hoàng hậu phải thấm nước vào áo đưa vào cho uống. Quốc Trấn uống xong thì mất. Những người bị bắt lây đến hơn trăm người, mỗi khi tra hỏi thì đều kêu gào là oan.
Về sau, vợ cả, vợ lẽ Trần Phẫu ghen nhau, đem việc Văn Hiến hầu đút lót vàng ra tố cáo. Nhà vua giao việc này cho quan giữ việc hình ngục là Lê Duy xét hỏi, Lê Duy là người cương trực, lập tức tra xét và phán đoán. Trần Phẫu phải tội lăng trì,[15] nhưng chưa kịp hành hình, thì người gia nô nhà Thiệu Vũ[16] đã xẻo thịt Trần Phẫu ăn sống gần hết. Còn Văn Hiến hầu được tha tội chết, giáng xuống làm thứ dân, tước bỏ danh tịch.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 9.
Việc giết lầm nhạc phụ khiến nhà Vua ân hận không nguôi. Mãi cho đến 30 năm sau, trước khi mất, có những đêm dài không ngủ, nghe tiếng mưa rả rích trên tàu lá chuối, xao xuyến trong lòng; ngài bèn làm thơ thay cho tiếng khóc:
Dạ vũ
Thu khí hòa đăng thất thự minh,
Bích tiêu song ngoại đệ tàn canh.
Tự tri tam thập niên tiền thác,
Khẳng bả nhàn sầu đối vũ thanh.[17]
Dịch nghĩa:
Hơi thu và ánh đèn làm mờ ánh sáng ban mai,
Giọt mưa trên tàu lá chuối xanh ngoài cửa sổ tiễn đưa canh tàn.
Tự biết điều sai lầm ba mươi năm về trước,
Đành ôm mối sầu quyện với tiếng mưa rơi rã rích.
Tháng 2 năm Khai Thái thứ 6 (1/3-31/3/1329), Vua lập con là Vượng làm Thái tử và xuống chiếu truyền ngôi cho, tức Vua Trần Hiến Tông.
————
[1] Tể phụ là những viên quan quyền cao chức trọng, giúp vua điều khiển công việc trong cả nước.
[2] Long Vương: Ông vua trong loài rồng. Theo kinh Hoa nghiêm: có rất nhiều Long Vương, Long Vương vào cũng có thần lực làm mây, làm mưa. Cho nên đời sau cần mưa, thường phải cầu đảo đến Long Vương.
[3] Tư: Mục “Bách quan chí” trong Đường Thư chép, xét công trạng các quan chia ra nhiều tư, tức nhiều cấp; như: thượng tư, thứ tư và hạ tư, người bạch đinh và vệ sĩ không có tư.
[4] Có chung chữ viết, cùng một trục xe: do thành ngữ “Thư đồng văn, xa đồng quỹ”, ý chỉ sự thống nhất.
[5] 窃谓以小事大者乃畏天之道阻兵而安忍者非靖国之谋逆顺之理贵明安危之机当审自昔汉置九郡唐立五管安南实居其一既非声教不及之地今元朝一统文轨混同东而日本北而朔方外化诸国自古所未臣者悉皆臣服负固八畨今既平定且为郡县惟安南为羁縻之地独专废置之权朝廷寛宥之恩比之其他可谓独隆矣况献图奉贡上下之分素明而厚往薄来怀抚之惠亦至圣朝果何负于贵国今胡作不靖茍延思启虽内村之田所系至微而国家舆图所闗甚大兼之所杀所虏皆是朝廷系籍民户口计较寻常之事而积丘山之罪稍有识者必不为此省院有闻且信且疑未敢闻奏朝廷恐触天怒且先委自当职等体实情由今目击前项事迹皆足显证之事势至此岂能自休而未审不轨之谋谁为之者或果出于当国之人抑或启于守边之吏请明以告我以凭申呈若能迁善改过将所擒人口所占田土即行归正是转祸为福之机问罪之兵犹可及已若更执迷不返强事争辞执事须闻奏必有施行嗟尔偏邦与圣朝度长洁大何啻倍加且正名问罪之师必有犂庭扫穴之举泰山压卵何所不济识者以为何如贵国宜凛惟实之图时安南世子著其朝请郎阮必遇奏议郎杜则阳賫回牒并馈金银等物刘千户囘文却馈物.
[6] Qua Oa:Theo Minh Sử, nước Qua Oa ở về phía tây nam nước Chiêm Thành, còn có tên khác là Hạ Cảng hoặc Thuận Tháp.
[7] Binh phù hình con phi ngư: Phi ngư còn có tên là cá vằn dao, ta thường gọi là cá chuồn. Giống cá ở biển, vây ở bụng rất dài, dùng làm “mái chèo” bay trên mặt nước.
[8] 至治元年八月英宗皇帝諭安南國世子陳(日爌,本名{夭明},英宗之子,諡明宗)詔
惟我國家,法天繼統,奄有四方。先皇帝仁涵義浹,罔間遐邇。臨御十年,遽棄天下。朕以世嫡之重,宗戚大臣,合辭推戴,已於延祐八年為至治元年。今遣亞中大夫、吏部尚書教化,奉議大夫、禮部郎中文矩,齎詔往諭,卿推朕德意,保爾人民。體昭代之同仁,堅誠心於事大。故茲詔示,念宜知悉.
[9] 泰定元年遣吏部尚书玛哈穆特礼部郎中杨宗瑞使安南宣诏
[10] Dụ Hoàng đế: Vua Thế Tổ Hốt Tất Liệt.
[11] Thái Tổ Hoàng đế: Thành Cát Tư Hãn.
[12] 泰定元年八月詔諭安南國世子陳日爌
我國家誕膺景命,撫綏萬邦,德音普加,靡間夷夏。乃者先朝奄棄臣民,朕以裕皇嫡孫,為宗戚大臣之推戴,爰自太祖皇帝肇基之地,入奉天序。於至治三年九月四日,即皇帝位。遂以甲子歲為泰定元年。今遣亞中大夫、吏部尚書馬合謀,奉議大夫、禮部郎中楊宗瑞,齎詔往諭爾國,賜《授時曆》一帙。惟乃祖乃父,修貢內附有年矣,我國家遇卿甚厚。比者占城守臣上表稱,卿之邊吏,屢發兵相侵;朕為之惻然於中,不知卿何為至是?豈信然耶?朕君臨天下,視遠猶邇,務輯寧其民,俾各得其所。卿其體予至懷,戒飭爾眾,慎保爾國人民,毋忘爾累世忠順之意。故茲詔示,念宜知悉.
[13] 泰定元年,世子陳日爌遣陪臣莫節夫等來貢。
[14] Văn hiến hầu: Lời chua của Cương Mục, Văn hiến hầu là con Trần Nhật Duật.
[15] Lăng trì: Một thứ hình phạt nặng nhất: Trước hết chặt hai chân, hai tay, con trai thì xẻo ngoại thận đi, con gái thì đóng cọc vào âm hộ rồi mổ bụng, moi hết ruột gan ra, làm cho thân thể không mảnh nào dính vào nhau – có khi lại còn đem ngâm thành mắm. Ta gọi tội này là “tùng xẻo”.
[16] Thiệu Vũ: Lời chua của Cương Mục, Thiệu Vũ là con Quốc Trấn.
[17] 夜雨
秋氣和燈失曙明,
碧蕉窗外遞殘更.
自知三十年前錯,
肯把閒愁對雨聲.