Nguồn: Somali pirates hijack Maersk Alabama ship, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 2009, tàu MV Maersk Alabama đã bị tấn công ngoài khơi bờ biển Somalia, đánh dấu lần đầu tiên một con tàu có gắn cờ Mỹ bị cướp biển chiếm kể từ những năm 1820. Vụ việc đã thu hút sự chú ý lớn trên toàn thế giới, làm dấy lên lo ngại về nạn cướp biển, thường được cho là thuộc về dĩ vãng, ở vùng biển ngoài khơi vùng Sừng châu Phi.
Nhiều thập niên bất ổn, cộng với tình trạng thiếu an ninh trong lãnh hải của Somalia đã dẫn đến sự bùng phát trở lại của các toán cướp biển trong khu vực, lên đến đỉnh điểm vào cuối những năm 2000. Chỉ một ngày trước khi xảy ra vụ tấn công, tàu Maersk Alabama nhận được cảnh báo từ chính phủ Mỹ, yêu cầu họ giữ vị trí cách bờ biển Somalia ít nhất 600 dặm, nhưng Thuyền trưởng Richard Phillips đã cho con tàu đi vào khu vực chỉ cách bờ biển khoảng 240 dặm , một quyết định mà sau này đã bị chỉ trích bởi chính các thành viên trong thủy thủ đoàn của ông.
Ngày 08/04, một thuyền buồm nhỏ chở bốn tên cướp biển có vũ trang đã tiếp cận Maersk Alabama và bắt đầu tấn công họ. Kỹ sư trưởng Mike Perry đã nhanh chóng đưa hầu hết mọi người trên tàu đến một phòng an toàn và tìm cách đánh chìm tàu của bọn cướp biển bằng cách xoay bánh lái của Maersk Alabama, nhưng bọn cướp biển vẫn có thể lên tàu và bắt Phillips làm con tin. Sau khi một trong các tên cướp bị thương trong lúc đối đầu với thủy thủ đoàn, ba tên còn lại đã trốn thoát trên một chiếc thuyền cứu hộ, mang theo Phillips với hy vọng sử dụng ông như một con bài thương lượng.
Sáng sớm hôm sau, tàu khu trục USS Bainbridge và một tàu khác của Hải quân Mỹ đã đến hiện trường. Tiếp đó là ba ngày dài chìm trong bế tắc, khi bọn cướp giữ Phillips trên thuyền cứu hộ. Mọi nỗ lực đàm phán đều thất bại, và đã có lúc chúng nổ súng (vô hại) vào tàu khu trục. Cuối cùng, vào ngày 12/04, được sự ủy quyền của Tổng thống mới nhậm chức Barack Obama, lính bắn tỉa hải quân SEAL đã tấn công chiếc thuyền cứu hộ. Với độ chính xác đáng kinh ngạc, lính SEAL đã bắn từ boong tàu qua cửa sổ của chiếc thuyền nhỏ bé, trúng vào đầu cả ba tên cướp biển, tiêu diệt chúng, trong khi Phillips không hề hấn gì.
Tên cướp biển sống sót, Abduwali Muse, đã bị bắt giam và sau đó bị kết án hơn 33 năm tù ở Mỹ. Dù bị đưa ra xét xử khi đã trưởng thành, hắn và những tên còn lại trong nhóm cướp đều được cho là đang ở độ tuổi thiếu niên vào thời điểm xảy ra vụ tấn công. Sự kiện rất được quan tâm trên trường quốc tế, lần đầu tiên khiến nhiều người chú ý đến vấn đề cướp biển thời hiện đại. Câu chuyện của Phillips đã được dựng thành phim với sự tham gia của Tom Hanks. Cướp biển vẫn là một vấn đề trong khu vực — và chính Maersk Alabama đã trở thành mục tiêu của bốn vụ cướp biển khác từ năm 2009 đến năm 2011, và tất cả đều bị các đội an ninh vũ trang triệt hạ.