Nguồn: Crisis mounts in Austria-Hungary amid hunger and discontent, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1917, giữa lúc đói kém và bất mãn dần lan rộng trong cộng đồng dân sự và quân sự của Đế quốc Áo-Hung, khủng hoảng cũng dần gia tăng trong chính phủ nước này, khi Thủ tướng Hungary Istvan Tisza từ chức theo yêu cầu của Hoàng đế Áo, Karl I.
Vốn đã là một cường quốc trên đà đi xuống khi Thế chiến I nổ ra vào năm 1914, xã hội Áo-Hung khi ấy là một xã hội chủ yếu nông nghiệp nhưng lại không thể tự cung tự cấp về lương thực. Chiến tranh đã cắt đứt hai nguồn cung cấp lương thực chính của nước này là Nga và Romania, và việc đẩy mạnh nỗ lực quân sự cũng cắt giảm đáng kể sản lượng quốc nội: vào năm 1917, sản lượng lúa mì của Áo giảm xuống còn chưa đến một nửa sản lượng năm 1913, lúa mạch đen và yến mạch thậm chí còn giảm nhiều hơn thế.
Tình hình lại càng thêm tồi tệ khi Hungary – đối tác yếu hơn trong cái gọi là Chế độ Quân chủ Kép (Dual Monarchy) – quyết định đóng cửa biên giới với Áo vào năm 1914 và không còn coi nông sản là tài nguyên chung của hai bên. Thay vào đó, họ bán bất cứ số nông sản dư thừa nào mà mình có cho quân đội hoặc cho người dân Đức. Thất bại trên chiến trường trước Nga trong những năm đầu tiên của cuộc chiến đã buộc Áo-Hung phải phụ thuộc rất nhiều vào đồng minh Đức để có thể tiếp tục tham gia nỗ lực chiến tranh, và việc Ý tham gia vào cuộc chiến năm 1915 đã buộc quân Áo phải di chuyển xa hơn nữa, về phía nam.
Ngày 21/11/1916, Hoàng đế Franz Josef băng hà và được kế vị bởi cháu trai là Karl I, người sau khi nắm quyền chỉ huy tối cao quân đội đã cho cách chức vị tổng tham mưu trưởng lâu năm, Conrad von Hotzendorff. Mặc dù vị hoàng đế mới hứa sẽ tiến hành cải cách và thiết lập đồng thuận trong Chế độ Quân chủ Kép, những nỗ lực của ông thoạt tiên đã gây ra hỗn loạn và bất mãn. Đường lối tự do chủ nghĩa của Karl đã trực tiếp đặt ra thách thức cho chính phủ Hungary và thủ tướng của nó, Ivan Tisza. Phe đối lập theo đường lối cải cách ở Hungary, Đảng Độc lập do Mihaly Karolyi lãnh đạo, ủng hộ việc cắt đứt hoàn toàn với Áo khi đến hạn tái ký thỏa ước liên kết giữa hai quốc gia vào năm 1917.
Tại Hungary, những người theo chủ nghĩa xã hội và cách mạng đã ủng hộ Karolyi, người đứng sau các cuộc biểu tình lớn ở Budapest vào ngày 01/05/1917. Trong khi đó, bất chấp việc Tisza chủ trương kiềm chế vào năm 1914, thì với công chúng Hungary, hình ảnh của ông nay đã gắn liền với việc tích cực theo đuổi một nỗ lực chiến tranh mà nhiều người cho là vô vọng. Thủ tướng theo đó dần mất đi sự ủng hộ cần thiết. Theo yêu cầu của hoàng đế, Tisza đã đệ đơn từ chức vào ngày 22/05/1917. Ông được kế nhiệm bởi Moritz Esterhazy, người bày tỏ mong muốn xây dựng “nền dân chủ Hungary”; Thỏa ước mới giữa Áo và Hungary, được ký vào tháng 12, sẽ chỉ kéo dài hai năm chứ không phải 20 năm như mong đợi. Vẫn bị đổ lỗi là nguyên nhân của việc kéo dài chiến tranh và những thất bại sắp đến, Tisza bị lính Magyar của lực lượng Hồng Quân Cộng sản ám sát vào ngày 31/10/1918.
Trong khi đó, chỉ một tuần sau khi Tisza từ chức vào tháng 05/1917, binh biến bắt đầu xảy ra trong hàng ngũ quân đội Áo-Hung. Được lãnh đạo bởi các nhóm dân tộc chủ nghĩa, cuộc binh biến đầu tiên có sự tham gia của một nhóm người Slovene. Không lâu sau khi nó bị đàn áp, nhiều đợt binh biến khác tiếp tục nổ ra, với sự tham gia của người Serbia, người Rusyn và người Czech.