01/09/1917: Lính Mỹ kể lại việc bị trúng khí độc 

Print Friendly, PDF & Email

NguồnSoldier recounts brush with poison gasHistory.com 

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1917, một người lính Mỹ tên Stull Holt đã viết một lá thư kể về những trải nghiệm chiến trường của mình trên Mặt trận phía Tây tại Verdun, Pháp.

Sinh ra tại Thành phố New York vào năm 1896, Holt tham gia phục vụ trong Thế chiến I với vị trí tài xế lái xe cứu thương cho Quân Y Hoa Kỳ (American Ambulance Field Service). Sau đó ông gia nhập Không Quân (American Air Service), nhận nhiệm vụ phi công đầu tiên với tư cách là trung úy. 

“Lois thương mến,” Holt bắt đầu lá thư của mình, viết trong ngày nghỉ của ông tại Paris, khi đang “tận hưởng những điều xa xỉ của cuộc sống, gồm kem lạnh, chăn ấm, quán xá và nhiều thứ khác.” Phần lớn lá thư của Holt kể về những trải nghiệm tại Pháo đài Verdun, nơi quân Pháp và Đức chiến đấu dữ dội suốt 10 tháng của năm 1916, và kéo dài đến hết năm sau đó. “Người Pháp có một câu để nói về tình trạng này, ấy là không ai rời khỏi Verdun mà vẫn vẹn nguyên như trước. Câu này có lẽ là đúng gần như trong mọi trận đánh, và chắc chắn là chính xác trong một đợt tấn công vào Verdun. Phải mất cả một cuốn sách để kể lại tất cả những gì đã xảy ra, nhưng cứ càng cố gắng viết, những điều nhỏ nhặt hoàn toàn không liên quan gì lại càng xuất hiện trong tâm trí tôi, vậy nên tôi chẳng biết nên bắt đầu từ đâu hay bắt đầu như thế nào.”

Holt mô tả vùng nông thôn và làng mạc bị phá hủy xung quanh Verdun, cũng như quang cảnh – và mùi hôi thối – thường trực nơi chiến trường. “Bên cạnh cảnh tiêu điều có thể nhìn thấy bằng mắt, người ta còn có thể cảm nhận sự tàn phá bằng mũi. Bạn sẽ thường xuyên bắt gặp những đám xương, ủng, quần áo và vật dụng, cũ mới lẫn lộn.”

Đoạn văn sống động nhất của bức thư kể lại những trải nghiệm của Holt dưới làn đạn, khi ông bị trúng một quả đạn pháo chứa khí độc. “Có thứ gì đó đánh mạnh vào đầu tôi, khiến chiếc mũ cối nứt một mảng lớn và để lại một vết sưng trên đầu tôi. Nếu không có mũ, hẳn đầu tôi đã vỡ mất rồi. Tôi choáng váng rồi gục xuống, và mặt nạ khí cũng rơi ra. Tôi đã hít vài hơi thứ khí nặng mùi từ quả đạn ấy, trước khi nó loãng dần trong không khí. Nếu không có anh bạn đi cùng, có lẽ tôi đã chẳng thể ngồi đây viết lá thư này, bởi khi ấy tôi chẳng còn nhìn thấy gì, nước mắt tuôn ra, cháy bỏng, mũi tôi cũng thế và tôi chẳng tài nào thở được. Tôi hổn hển, nghẹn ngào và thực lòng cảm nhận được nỗi khiếp sợ của kẻ bị đuối nước sẵn sàng túm lấy dù chỉ một cọng rơm. Người bạn đi cùng đã nắm lấy tôi mà kéo đi thêm vài trăm thước để về đến căn cứ, nơi bác sĩ cho tôi chút thuốc để giúp tôi ổn định lại sau vài giờ, dù vẫn còn bị ngộ độc khí trong một thời gian sau đó. Tôi đã suýt chết vài lần, nhưng đó là lần tôi cận kề cái chết nhất và cũng là lần tôi hoảng sợ nhất. Tôi nghĩ điều khó khăn nhất mà tôi đã làm là quay lại đó một mình vào đêm hôm sau. Tôi đã phải tự gọi tên mình nhiều lần để trấn an tinh thần.”

Các bức thư của Holt sau đó được xuất bản trong cuốn The Great War at Home and Abroad: The World War I Diaries and Letters of W. Stull Holt (1999).