Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Niên hiệu: Xương Phù
Ngày 13 tháng 5 [19/6/1377], Thượng hoàng Nghệ Tông cảm thương Vua em Duệ Tông chết vì việc nước, bèn cho con trưởng là Kiến Đức đại vương Hiện lên nối ngôi, trị vì được 11 năm [1377-1388] rồi bị phế, nên sử gọi là Phế Đế. Vua tự xưng là Giản Hoàng, đổi niên hiệu là Xương Phù năm thứ 1. Đại xá. Các quan dâng tôn hiệu là Hiến thiên thể đạo khâm minh nhân hiếu hoàng đế.
Lúc nhà Vua vừa mới lên ngôi, quân Chiêm Thành thừa thắng mang binh thuyền đến đánh phá Thăng Long. Khi quân giặc đến cửa biển Đại An [tại cửa sông Đáy Ninh Bình], thấy quân ta phòng bị nơi này cẩn mật; bèn từ cửa Thần Phù [chỗ giáp giới 2 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa] ngược theo sông Hồng, vào thành Thăng Long cướp phá vơ vét:
“Tháng 6 [6/7-4/8/1377], Chiêm Thành vào cướp kinh đô. Hay tin giặc đến, Thượng hoàng sai Cung Chính vương Sư Hiền giữ cửa biển Đại An. Giặc biết ở đó có phòng bị, bèn từ cửa biển Thần Phù tiến vào, xâm phạm thẳng kinh đô, mặc sức cướp bóc vơ vét. Chúng ở lại một ngày rồi mới rút lui. Khi ra đến cửa biển Đại An, gặp cơn phong ba, chúng chết đuối nhiều lắm.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.
Tháng 9 [3/10-1/11/1377], lập con gái Thượng hoàng là Thiên Huy công chúa làm Hoàng hậu. Sai Trung thư Trần Đình Thâm sang nhà Minh báo tin Vua Duệ Tông mất. Lúc đầu phía Minh từ chối sang viếng, Đình Thâm tranh luận kịch liệt, cuối cùng phải thuận theo lời yêu cầu:
“Sau khi lên nối ngôi, nhà vua sai Đình Thâm sang cáo phó với nhà Minh, và nói vua Duệ Tông đi tuần nơi biên giới, bị chết đuối ở biển. Người Minh từ chối không sang viếng, lấy cớ rằng theo Lễ, có ba điều không nên viếng là: vì phạm tội mà chết ở trong ngục, hoặc vì bị đè chẹt mà chết bẹp, hoặc vì ngã xuống nước mà chết đuối. Đình Thâm tranh luận, cãi rằng:
‘Người Chiêm chống nghịch, quấy nhiễu nơi biên giới, vua Duệ Tông có công chống ngoại hoạn, cứu nhân dân: vậy sao không nên viếng?’.
Nhà Minh mới sai sứ sang điếu tang. Bấy giờ nhà Minh đương muốn nhân kẻ hở, tính chuyện xâm nhiễu nước ta; Thái sư nước này Lý Thiện Trường nói rằng:
‘Thấy em chết vì việc nước, anh lại lập con của em lên ngôi; xem nhân sự xử tốt với nhau như thế, thì đủ biết lòng trời hãy còn tựa nước người ta’.
Do đấy, việc định xâm nhiễu mới thôi.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.
Minh Thực Lục xác nhận sự kiện nêu trên, duy có sai lầm ở chỗ chép Phế Đế là em vua Duệ Tông, đúng ra là con:
“Tháng Giêng năm Hồng Vũ thứ 11 [29/1-27/2/ 1378]. Tháng này Vi [Phế Đế], em của Trần Đoan [Duệ Tông], sai quan là Trần Kiến Tế, Nguyễn Sĩ Ngạc đến cáo việc Đoan chết. Trước đó triều đình sai sứ đến ban cho Đoan loại lụa ỷ có hoa văn rất quí, nhưng khi Sứ thần tới nơi thì Đoan đã mất. Em là Vi quyền coi việc nước, sai sứ dâng biểu tạ ân, cống voi thuần, cùng phương vật và cáo việc Đoan mất. Chiếu ban cho Kiến Tế, Sĩ Ngạc áo và đồ vật; lại mang lụa văn ỷ và lụa là ban cho Vi. Sai viên Trung sứ Trần Năng đến nước này điếu tế.” Minh thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 154.
Tháng giêng, năm Xương Phù thứ 2 [29/1-27/2/1378] (Minh Hồng Vũ thứ 11), tuyển các vệ sĩ cai quản các quân như sau:
“Trần Ngoạn quản lĩnh quân Thiên Đinh, Bùi Hấp quản lĩnh quân Thiên Uy, Hoàng Phụng Thế quản lĩnh quân Thánh Dực, Trần Thế Đăng quản lĩnh quân Thần Dực, Bùi Bá Ngang quản lĩnh quân Thần Sách, Nguyễn Kim Ngao quản lĩnh quân Thần Vũ, Trần Trung Hiếu quản lĩnh quân Bảo Tiệp, Trần Bang quản lĩnh quân Long Tiệp. Lê Mật Ôn quản lĩnh quân Hoa Ngạch, Đỗ Dã Kha quản lĩnh quân Thị Vệ, Nguyễn Tiểu Luật quản lĩnh quân Thiên Trường.
Lại tuyển trong các quân lấy những người khoẻ mạnh, biết võ nghệ, cho vào làm vệ sĩ ở hoàng thành. Dùng Nguyễn Bát Sách quản lĩnh quân Thiết Sang, Nguyễn Vân Nhi quản lĩnh quân Thiết Giáp, Nguyễn Hô và Lê Lặc quản lĩnh quân Thiết Liêm, Nguyễn Thánh Du quản lĩnh quân Thiết Hổ, Trần Quốc Hưng quản lĩnh quân Ô Đồ”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.
Tháng 5 [27/5-24/6/1378], quân Chiêm Thành theo sông Đại Hoàng [khúc sông Hồng phía bắc Nam Định] vào cướp kinh đô; Kinh Doãn Lê Giốc chết vì nước:
“Trước đây, Ngự câu vương Úc đầu hàng Chiêm Thành. Đến đây, người Chiêm đưa Úc về cướp Nghệ An, tiếm xưng tôn hiệu để chiêu dụ nhân dân. Có nhiều kẻ ra nhận ngụy chức. Liền sau đó quân giặc xâm phạm đến Đại Hoàng giang. Nhà vua sai hành khiển Đỗ Tử Bình đi chống giữ, nhưng chống không nổi! Quân giặc bèn xâm phạm kinh đô: cướp của, bắt người, rồi rút về. Kinh Doãn Lê Giốc[1] bị giặc bắt, giặc ép phải thụp lạy, nhưng Lê Giốc nói:
‘Ta đây là một ông quan ở nước lớn, đâu phải lạy mày!’.
Rồi mắng nó mãi. Giặc giận lắm, giết chết. Nhà vua nghe biết việc này, truy tặng Lê Giốc là Mạ tặc Trung vũ hầu,[2] cho con Giốc là Nhuế làm cận thị chi hậu chánh chưởng.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.
Tháng 7 [25/7-23/8/1378], bắt đầu qui định lại thuế đinh, nặng nề hơn:
“Theo phép cũ, dân đinh khi đã vào sổ thành số ngạch hẳn hoi rồi, thì sinh thêm không kể, chết đi không trừ. Hạng binh lính thì đời này qua đời khác phải làm lính mãi, không được ra làm quan. Nhân đinh nào có ruộng đất, mới phải nộp tiền, không có ruộng đất thì được miễn. Gặp lúc có việc dấy quân cũng chỉ những người có ruộng bãi dâu, đầm cá thì phải tùy có nhiều hay ít mà nộp tiền, thóc, bạc, lụa để cung cấp cho việc quân. Đến đây việc quân đương tới tấp, kho tàng trống rỗng, Đỗ Tử Bình kiến nghị xin làm theo phép đánh thuế “dung” đời Đường: bắt đinh nam mỗi năm phải nộp ba quan tiền. Từ đó, thuế đinh mới thêm nặng.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.
Tháng giêng năm Xương Phù thứ 3 (19/1-16/2/1379] (Minh Hồng Vũ thứ 12); dùng Lê Quý Ly làm Tư không kiêm chức Xu mật đại sứ. Quý Ly lại tiến cử Nguyễn Đa Phương làm tướng quân, Phạm Cự Luận làm Quyền đô sự.
Tháng 8 [11/9-10/10/1379], Nguyễn Bổ ở Bắc Giang tự xưng là Đường Lang Tử Y, mê hoặc lòng người bằng phép thuật, rồi tự tiếm hiệu xưng Vương; quan quân bắt được, giết chết.
Lúc này triều đình sợ Chiêm Thành đến cướp bóc, bèn đem tiền của dấu ở tầng dưới tháp Khả Lãng, tại núi Thiên Kiện [Ninh Bình].
Phía nhà Minh nhận thấy thế lực Đại Việt lúc này tỏ ra yếu đuối, nên triều đình nước này nêu lên lễ nghi phiền phức với dụng ý gây khó khăn; tuy nhiên sau đó Vua Minh cảm thấy chưa cần thiết, nên tỏ ra rộng lượng hơn. Riêng đối với Chiêm Thành thì vồ vập cưng chiều; nhưng can ngăn Chế Bồng Nga gây hấn với Đại Việt. Thái độ này thấy được qua những văn kiện gửi đến 2 nước, trong năm Hồng Vũ thứ 12 [1379] như sau:
“Ngày 12 tháng 2 năm Hồng Vũ thứ 12 [28/2/1379]. Thượng thư bộ Lễ Chu Mộng Viêm tâu về nghi lễ phụng sứ nước ngoài, ban cho An Nam như sau:
‘Phàm Sứ thần trước khi đến đến biên cảnh, sai người báo cho Quốc vương. Vương sai quan đón từ ngoại thành; cho lập hương án tại giữa dinh thự chính, nếu như có ban rượu, đồ vật thì đặt trên án tại phía bắc hương án này. Tại nơi công quán[3] thiết long đình[4] trang trí màu sắc. Khi Sứ giả đến công quán, Vương cùng các quan nghênh đón tại công quán. Đám rước với nghi trượng kèn trống, các quan và Vương đi trước dẫn đường; Sứ giả theo sau long đình đến dinh thự chính. Sứ giả đứng bên trái long đình, Vương và các quan làm lễ lạy 5 lạy, khấu đầu 3 lần. Sau đó Vương và Sứ giả gặp nhau, Sứ giả tại phía trái, Vương tại phía mặt lại làm lễ bái. Sứ giả ra vào Vương phủ, đi theo đường giữa cửa chính; khi lên ngựa xuống ngựa Vương ra tống tiễn. Khi ngồi thì Sứ giả bên trái, Vương bên phải.’
Thiên tử phán:
‘Trung Quốc đối với các Di bốn phương đều lấy lòng thành mà đãi, không đặt nặng lễ văn phiền phức. Từ nay nếu không có việc, không đưa chế cáo phiền nhiễu An Nam. Họ đến cống, lệnh 3 năm một lần, số người sai đến không quá 5 người, cống vật nên tiết kiệm đơn giản, sứ giả tự mang lấy, đừng để dân mệt nhọc gánh đội; cống vật không vụ nhiều chỉ cần lòng thành mà thôi.” Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 155.
“Ngày 1 tháng 10 năm Hồng Vũ thứ 12 [10/11/1379]. Sai sứ ban cho Quốc vương Chiêm Thành Ha Đáp Ha Giả [Chế Bồng Nga] lịch Đại Thống, y phục văn ỷ dát vàng, lụa là; lại ban tỷ thư dụ rằng:
‘Đạo của Đế Vương đối xử cùng chung một lòng nhân, nên cũng muốn nơi hải ngoại được yên ổn vô sự. Chiêm Thành vị trí tại phía tây nam, cách biển, cách núi; nhưng biết lấy lễ bầy tôi phụng sự Trung Quốc, mấy lần cống phương vật. Mới đây sai sứ cống voi, lòng thành đáng khen. Trong tờ biểu tâu rằng vẫn còn giao tranh với An Nam, đến nay vẫn chưa chấm dứt. Tuy nhiên Chiêm Thành và An Nam cương giới đã định từ xưa, mỗi nước nên giữ đất an dân, chớ nên tranh giành, đạo trời vốn ghét không thể không lấy làm răn, Nay ban cho khanh y phục thêu rồng vàng, ngựa tốt. Khi vật đưa đến, hãy lãnh lấy.” Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 157.
Sau khi Vua Trần Duệ Tông tử trận tại Chiêm Thành, Minh Thái Tổ gửi chiếu thư dài trách Vua Nghệ Tông hiếu chiến, mà không trách Chiêm Thành mấy lần xâm lăng Đại Việt; rõ ràng có sự thiên vị:
“Tháng 12 năm Hồng Vũ thứ 12 [1-2/1380]. Trần Vi [Phế Đế] nước An Nam sai sứ đến cống. Thiên tử cho rằng An Nam tự thị mạnh, muốn xâm đoạt đất đai Chiêm Thành, đến nỗi bị bại chết, bèn ban chiếu dụ cho anh của Vi,[5] Vương cũ của An Nam là Trần Thúc Minh [Nghệ Tông] rằng:
‘Ta nghe rằng các nước chư hầu thời Xuân Thu[6] lần lượt diệt vong bởi tại sao? Vì do nghịch mệnh Thiên tử, làm hại đến lê dân; gương trời rành rành như vậy, không thể trốn tránh tai họa được. Nếu đương thời các nước chư hầu tuân theo mệnh vua, há lại không cùng tồn tại vững mạnh với nhà Chu ư! Cớ sao lại bỏ phú quí lâu dài, tham lam cao vị, khiến phú quí trở nên ngắn ngủi như sương buổi sáng. Hiền nhân dạy rằng: ‘Chớ đùa với mối họa để mong phúc đến’. Ngươi Thúc Minh từ khi lên ngôi đến nay trong nước có lắm việc, dân chúng lưu ly; há chẳng phải anh em ngươi hâm mộ phú quí mà đến như vậy ư! Hoặc dân ngươi có tội mà phải chịu vậy? Nay chuyện đã qua không làm khác được, không biết tương lai đi về đâu? Kinh Dịch có câu: ‘Một nhà tích lũy điều thiện sẽ có dư hạnh phúc; chứa nhiều điều ác sẽ gặp nhiều tai ương’; biết theo lời này thì thuận ý trời, có thể đổi lại số mệnh. Vả lại cõi trời đất rộng lớn, dân chúng đông đúc; nếu một nước có chính sách tốt, giữ vững bờ cõi, không cầu bên ngoài, sẽ được vĩnh viễn hưởng phúc; nếu vượt biên giới, làm hại dân nước khác, thì phúc không giữ được.
An Nam và Chiêm Thành đánh nhau đã mười năm nay rồi, hai bên phải trái Trẫm không biết rõ, nỗi oán chưa tiêu, mối thù chưa giải được, biết làm sao đây? Như biết nghe lời Trẫm, dẹp việc binh đao, dưỡng dân, gương trời soi xét, sẽ hưởng phúc vô cùng sau này; nếu không theo mệnh Trẫm cứ làm tràn, thì số phận sẽ như các nước thời Xuân Thu tự mang đến diệt vong vậy. Bởi vậy người xưa nói rằng:’Dùng đạo đức để trợ giúp cho vua, không dùng binh để cưởng ép thiên hạ’. Sao vậy? Việc sát phạt sẽ xảy ra liên tiếp, bậc trí giả chê không dùng. Ngươi hãy lấy sự diệt vong thời Xuân Thu làm gương, đừng dẫm vào vết xe đổ, như vậy không tốt ư! Nên nghiền ngẫm ý Trẫm, chớ xem thường!” Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 157.
Tháng 2, năm Xương Phù thứ 4 [7/3-5/4/1380] (Minh Hồng Vũ thứ 13), Chiêm Thành lấn cướp Nghệ An, Thanh Hóa. Tháng 5 [4/6-2/7/1380], Lê Quý Ly kéo quân đến sông Ngu Giang, một nhánh sông Mã tại Thanh Hóa, đánh bại được quân Chiêm:
“Người Chiêm dụ dỗ dân ở Tân Bình và Thuận Hoá đến lấn cướp Nghệ An: bắt người đem đi. Rồi lại lấn cướp Thanh Hóa. Thượng hoàng sai Lê Quý Ly quản lĩnh thủy quân, Đỗ Tử Bình quản lĩnh bộ quân đi đánh. Khi đến Ngu Giang đóng cọc trong sông, cầm cự với quân Chiêm. Quý Ly sai Nguyễn Kim Ngao, tướng Thần Vũ quân, và Đỗ Dã Kha, tướng Thị Vệ quân, ra đánh. Kim Ngao quay thuyền lại để tránh giặc. Quý Ly liền chém Kim Ngao, cho lấy đầu đem rao trong quân. Các quân đánh trống hò reo, tiến lên trước. Chúa Chiêm là Chế Bồng Nga thua trận, trốn về.
Tử Bình từ đó cáo ốm, xin thôi, không giữ binh quyền; duy còn Quý Ly chuyên giữ chức Nguyên nhung, làm Hải Tây đô thống chế.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.
Tháng 11 [27/11/26/12], dùng Đỗ Tử Bình làm nhập nội Hành khiển, tả tham tri chính sự, lĩnh chức kinh lược sứ ở Lạng Giang. Từ khi Tử Bình đi đánh Chiêm Thành không nên công trạng gì, xin thôi không giữ binh quyền, đến đây lại có mệnh lệnh cho lên chức này. Chưa bao lâu, Tử Bình mất, được thờ phụ vào văn miếu.
Sau khi Minh Thái Tổ gửi chiếu thư khuyên chấm dứt chiến tranh với Chiêm Thành, vào năm sau [1380] Thượng hoàng Trần Nghệ Tông sai Sứ dâng biểu cảm ơn cùng cống sản vật địa phương. Phía Chiêm Thành cũng dâng biểu mừng thọ, và trình bày trận thủy chiến tại Thanh Hóa bất lợi; đến lượt Minh Thái Tổ cảnh cáo Chiêm Thành đừng tiếp tục gây chiến:
“Ngày 4 tháng 6 năm Hồng Vũ thứ 13 [6/7/1380]. Trần Thúc Minh [Trần Nghệ Tông] nước An Nam sai sứ dâng biểu cống phương vật tạ ân về việc đã ban chiếu răn bảo. Ban cho các Sứ thần lụa ỷ dệt hoa văn, có phân biệt.” Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 159.
“Tháng 9 năm Hồng Vũ thứ 13 [10/1380]. Sứ nước Chiêm Thành trở về nước, ban cho lụa ỷ dệt hoa văn, lụa là, vải, có phân biệt. Dùng tỷ thư dụ Quốc vương Chiêm Thành Ha Đáp Ha Giả [Chế Bồng Nga] như sau:
‘Vào ngày 18 tháng 9 [16/10/1380] năm nay sứ Chiêm Thành đến mừng Trẫm thượng thọ, xa cách hàng vạn dặm, nếu không vì lòng thành của Vương, thì làm sao đến đúng lúc được. Tuy nhiên xem lời trong biểu văn, biết được mới giao tranh thủy chiến với An Nam bất lợi, Trẫm đã răn hai nước các ngươi đừng kết thù dai, để yên cho dân chúng; đánh nhau một được một thua; không được yên nghỉ, chẳng gặt hái được gì! Nay lại ban sắc cho Vương, hãy suy xét lấy. Người xưa nói:‘Không ai gây tội giết người lớn bằng kẻ hiếu sát, không ai cứu người bằng kẻ hiếu sinh!’; kẻ hiếu sát chính là người ưa dùng binh, trời vốn ghét; kẻ hiếu sinh là người ưa điều nhân nghĩa, được trời mến yêu. Làm điều nhân gặt quả tốt vì thi hành nhân hợp với đạo trời, thì nước há lại không vững bền, con cháu há lại không thịnh vượng ư? Nay hai nước các ngươi tương tranh, phải trái ta không rõ. Chỉ biết rằng mới đây An Nam ra quân bại bởi Chiêm Thành; rồi Chiêm Thành thừa thắng vào nước An Nam đánh phá, An Nam bị nhục đã nhiều. Nếu từ nay trở về sau, Vương có thể giữ vững bờ cõi, thờ trời, lo cho dân thì phúc lộc lâu dài vậy. Nếu không thì quanh năm khổ chiến, hai bên thắng thua vốn không thể biết; ‘cò trai đánh nhau, ngư ông được lợi‘, ngày sau hối hận thì đã muộn rồi! Ta xem sách đời Tống, được biết dưới triều này nước Chân Lạp vào cướp phá Chiêm Thành, đó cũng là mối nhục lớn. Khi thư tới, Vương cần hòa mục với các nước bốn phương, làm điều phải sẽ không còn sai trái; còn tự coi mình là phải, cho người là trái thì không được. Nhân Vương có lòng thành bèn khuyên răn hai ba lần, Vương lo tu điều nhân thì điều may sẽ đến.” Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 159.
Tháng 3 năm Xương Phù thứ 5 [26/3-24/4/1381] (Minh Hồng Vũ thứ 14); Chiêm Thành thường sang xâm lấn quấy nhiễu, binh lực của nhà Trần đã mỏi mệt, kiệt quệ. Nhà vua bèn sai thiền sư xã Đại Than thuộc huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh lựa lấy những nhà sư khỏe mạnh trong nước và những nhà sư ở rừng núi không có độ điệp,[7] tạm làm binh lính để đi đánh giặc.
Tháng 5 [24/5-22/6/1381], dùng Đào Sư Tích làm nhập nội Hành khiển tả ti lang trung, Đào Toàn Bân, cha của Tích, làm tri Thẩm hình viện sự, coi về hình pháp.
Tháng 6 [23/6-21/7/1381], phòng ngừa nạn người Chiêm thường sang cướp phá quấy nhiễu; bèn cho rước tượng thần các lăng ở Quắc Hương [Mỹ Lộc, Nam Định], Thái Đường [Hưng Nhân, Hưng Yên], Long Hưng [Hưng Yên], và Kiến Xương [Nam Định] đưa về An Sinh thuộc huyện Đông Triều, Hải Dương.
Tháng 10 [18/10-16/11/1381], Gia Từ hoàng hậu họ Lê, mẹ Vua Phế Đế mất:
“Duệ Tông đi Nam chinh, không trở về; hoàng hậu cắt tóc làm sư ni. Thấy Nghệ Tông lập Đế Hiện lên nối ngôi, hoàng hậu từ chối cho con không được, bèn khóc lóc nói với những người thân tín rằng:
‘Con tôi kém phúc đức, không cáng đáng được cái ngôi rất quý trọng ấy đâu, chẳng qua chỉ tổ do đấy mà chuốc lấy vạ vào mình! Tiên quân [Vua trước] đã tạ thế, người vị vong[8] này chỉ muốn thác đi cho rồi, chứ chẳng muốn ngó đến việc đời nữa, huống chi lại nỡ nhìn thấy con mình sắp bị nguy hại ư!’
Hoàng hậu mất rồi, Đế Hiện rồi cũng bị phế. Người nào nghe biết chuyện này cũng phục bà là người biết trước.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 10.
Nhà Vua giết Quan Phục Hầu đại vương tên là Húc; Húc là con của Thượng hoàng Nghệ Tông.
Trong năm này, xảy ra những vụ tranh chấp tại biên giới Việt – Trung, nên Sứ thần Đại Việt gửi biểu văn đến cống, bị triều Minh từ chối:
“Ngày 2 tháng 6 năm Hồng Vũ thứ 14 [24/6/1381]. Trần Vi [Phế Đế] nước An Nam sai quan Thái Trung Đại phu La Bá Trường dâng biểu cống phương vật. Lúc bấy giờ phủ Tư Minh[9] đến tâu rằng các huyện Thoát, Đổng[10] của An Nam đánh các trại như Vĩnh Bình. An Nam lại tâu rằng phủ Tư Minh đánh các xứ Thoát, Đổng, Lục Trì. Thiên tử cho là dối trá, bèn cho trả lại đồ cống cùng đưa thư trách vấn. Vi nhận tội đã dối trá Trung Quốc, gây sự thù hằn. Lại sắc cho ty Bố Chánh Quảng Tây, từ nay An Nam đến cống sẽ không thu nhận.” Minh Thực Lục quan hệ Trung Quốc Việt Nam, tập 1, trang 160.
————
[1] Lê Giốc: Người làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Giốc là con Lê Quát.
[2] Mạ tặc Trung vũ hầu: Vị Trung vũ hầu chửi giặc.
[3] Công quán: Chỗ Sứ thần tạm trú.
[4] Long đình: Một thứ kiệu, đòn khiêng chạm rồng, trên có tủ kính như cái đình, trong đựng sắc Vua.
[5] Trần Vi: Đúng ra Trần Thúc Minh tức vua Trần Nghệ Tông là bác ruột của Phế Đế tức Trần Vi.
[6] Xuân Thu: tên bộ sử Khổng Tử viết cho thời đại từ Chu Bình Vương thứ 49 [723 TCN] đến Chu Kính Vương [481 TCN] gồm 242 năm; thời đại này được gọi là Xuân Thu.
[7] Độ điệp: Tờ điệp chứng thực đã được độ; tức là cái bằng mà nhà nước cấp cho các tăng ni có đủ tiêu chuẩn.
[8] Vị vong: Người xưa coi việc chồng chết là thảm họa, coi như sắp chết, nên gọi là vị vong.
[9] Tư Minh: phủ trị Tư Minh xưa tại huyện Ninh Minh hiện nay, vị trí cách ải Nam Quan khoảng 30 km.
[10] Hai huyện Thoát, Đổng thuộc phủ Lạng Sơn giáp biên giới Việt – Trung. Huyện Thoát trước gọi là Thoát Lãng, nay là huyện Văn Lãng.