Tiến trình mở rộng CPTPP: Sau Vương quốc Anh sẽ là ai?

Nguồn: Deborah Elms, “The CPTPP expands”, Asian Trade Center, 03/06/2021.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Các thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Trans-Pacific Partnership, CPTPP) đã chính thức chấp nhận việc Vương quốc Anh khởi động tiến trình gia nhập hiệp định.

Dù đây là lần đầu tiên thỏa thuận thương mại này được mở rộng kể từ khi nó có hiệu lực, trước đó đã từng có thành viên gia nhập trong quá trình đàm phán hiệp định. Vào năm 2006, CPTPP khởi đầu chỉ với bốn thành viên (Brunei, Chile, New Zealand và Singapore). Tính đến thời điểm đạt được thỏa thuận, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership, TPP) có 12 thành viên: 4 thành viên ban đầu cộng thêm Australia, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, Mỹ và Việt Nam.

Bất ngờ bị suy yếu sau khi Mỹ quyết định rút khỏi hiệp định vào đầu năm 2017, TPP đã được chuyển đổi thành CPTPP, và gần hai năm sau đó, đã chính thức có hiệu lực đối với bảy thành viên.

CPTPP hiện đã hoạt động được vài năm và đem về lợi ích cho nhiều công ty trên khắp Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand, Singapore và Việt Nam.

Nếu Anh gia nhập thỏa thuận, chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp?

Các nước thành viên CPTPP sẽ cho triệu tập một ủy ban “các bên làm việc” (working parties) – nhóm quan chức thương mại đến từ các quốc gia thành viên nhằm điều phối hoặc hướng dẫn tiến trình gia nhập.

Khi một thành viên mới chuẩn bị tham gia thỏa thuận, người ta sẽ không tiến hành đàm phán toàn diện. Thành viên mới sẽ không được xem xét hoặc thảo luận về những văn bản hoặc quy tắc hiện hữu. Các thành viên hiện tại cũng không điều chỉnh các cam kết cụ thể của riêng mình, vốn đã được thể hiện rõ ràng trong lịch trình thực hiện cam kết của họ. Thay vào đó, Vương quốc Anh hay các thành viên tiềm năng khác sẽ tự soạn thảo kế hoạch tiếp cận thị trường dành cho hàng hóa (tốc độ và thời gian cắt giảm và xóa bỏ thuế quan), các bảo lưu về dịch vụ và đầu tư (theo đó thành viên mới bảo lưu quyền không tuân thủ một số cam kết cụ thể trong hiệp định), vấn đề đi lại phục vụ kinh doanh (nhóm cá nhân nào có thể được phép đi lại/lưu trú tạm thời trong thời gian nhất định để cung cấp dịch vụ tại thị trường mới), các cam kết về doanh nghiệp nhà nước (nhóm doanh nghiệp nào sẽ không tuân theo quy định của CPTPP), và mua sắm công (nêu rõ những loại hợp đồng mua sắm công mà các doanh nghiệp thành viên CPTPP được phép tiếp cận).

Tuy không phải điều chỉnh các cam kết hiện có của mình, các thành viên hiện tại vẫn cần kiểm tra lại những cam kết mà họ hứa sẽ thực hiện, đồng thời cần xem lại các văn bản và quy tắc để có thể làm việc hiệu quả hơn với thành viên mới. Cam kết cuối cùng của Anh sẽ phải được các thành viên CPTPP thông qua, và ủy ban làm việc sẽ quản lý quá trình đó.

Vẫn chưa rõ tiến trình gia nhập sẽ mất bao lâu. Một ví dụ tương tự là việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Đối với WTO, việc gia nhập có thể diễn ra rất nhanh, đặc biệt khi thành viên mới đã dành thời gian đọc hiểu và tiếp thu các thỏa thuận, văn bản và lịch trình hiện có, để từ đó vạch ra thỏa thuận phù hợp với riêng họ trong từng lĩnh vực. Tuy nhiên, quá trình này cũng có thể kéo dài. Một số trường hợp đã mất vài năm, thậm chí vài chục năm, để gia nhập WTO.

Tuy nhiên, đối với Vương quốc Anh, tiến trình gia nhập CPTPP có thể sẽ diễn ra nhanh chóng. Bởi gia nhập CPTPP đã được đề cập ở cấp chính trị cao nhất tại London, thảo luận cũng đã diễn ra được một thời gian và nhiều chủ đề thách thức nhất đã được nhắc đến.

Các thành viên CPTPP cũng hy vọng sẽ có thêm nhiều nước khác gia nhập cùng lúc với Anh. Đơn giản là vì tập hợp ủy ban là chuyện tốn kém, trong khi việc điều phối quy trình gia nhập của một thành viên cũng chẳng khác mấy so với hai hoặc nhiều thành viên.

Vậy thì câu hỏi đặt ra là những nước nào khác cũng có thể sẽ sớm gia nhập hiệp định?

“Bốn nước còn thiếu” (missing four) nên đứng đầu danh sách này. Đó là bốn thành viên CPTPP chưa hoàn tất các thủ tục phê chuẩn trong nước để hiệp định chính thức có hiệu lực tại thị trường của họ. Trong vài năm qua, bốn nước (Brunei, Chile, Malaysia và Peru) đều đã trải qua những thay đổi chính trị đáng kể, khiến cho việc tiến hành thủ tục phê chuẩn CPTPP gặp nhiều khó khăn. Nhưng với việc hiệp định được mở rộng này, thời cơ đã chín muồi để họ thử lại.

Sau bốn nước kể trên, các ứng viên tiềm năng khác bao gồm Hàn Quốc (một cái tên đã xuất hiện suốt nhiều năm, nhưng vẫn chưa đạt được sự đồng thuận trong nước) và Thái Lan (bên đã để mất nhiều cơ hội thu hút chuỗi cung ứng quan trọng vào tay láng giềng Việt Nam). Đài Loan cũng đã sẵn sàng, dù vẫn còn rất nhiều thách thức chính trị xoay quanh việc gia nhập của họ.

Ngoài ra, còn hai thành viên khả dĩ cũng thường xuyên được nhắc đến: Mỹ và Trung Quốc.

Mỹ vẫn có khả năng tái gia nhập CPTPP. Có 22 điều khoản đã bị đình chỉ hoặc điều chỉnh sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định TPP ban đầu – chúng hoàn toàn có thể được hoặc không được đem ra thảo luận nếu Mỹ quyết định quay trở lại.

Tuy nhiên, có hai thách thức lớn cần xem xét. Thứ nhất, vào ngày 01/07 tới đây, nhánh hành pháp của Mỹ sẽ mất thẩm quyền đàm phán thỏa thuận thương mại mà Quốc hội cấp cho họ. Quyền Xúc tiến Thương mại (Trade Promotion Authority, TPA) – và theo đó là hướng dẫn của Quốc hội về những nội dung phải được đưa vào để đảm bảo thỏa thuận sau này được phê chuẩn suôn sẻ – sẽ hết hạn. Được duyệt TPA không nằm trong danh sách ưu tiên của Chính quyền Biden vào thời điểm này và có lẽ nó vẫn sẽ không được liệt kê trong chương trình nghị sự ở giai đoạn sắp tới.

Thứ hai, nếu Mỹ quay trở lại CPTPP, khó mà tin rằng 22 điều khoản trên là những thay đổi duy nhất mà nước này yêu cầu để gia nhập. Người Mỹ chắc chắn sẽ muốn điều chỉnh thêm các quy tắc trong các lĩnh vực khác và buộc những thành viên còn lại tiến hành điều chỉnh tương tự; tuy nhiên, các thành viên hiện tại khó có thể đồng ý. Ngay cả khi họ muốn làm như vậy, loại yêu cầu mà Mỹ đề xuất nhiều khả năng cũng sẽ đặt ra thách thức đối với họ.

Do đó, dù đương nhiên Mỹ có thể gia nhập hoặc tái gia nhập CPTPP, đây chưa phải là lúc phù hợp và cái giá phải trả có thể sẽ được cho là quá đắt đối với một số thành viên hiện tại.

Quốc gia thứ hai có tiềm năng tham gia là Trung Quốc, và việc nước này để tâm đến CPTPP không nên bị ngó lơ. Dù chưa đưa ra yêu cầu gia nhập ở thời điểm này, chính phủ Trung Quốc đang ngày càng tích cực xác định loại điều chỉnh trong nước nào là cần thiết để tuân thủ thỏa thuận và lịch trình cam kết nào có thể được đưa ra cho các thành viên còn lại xem xét.

Tất nhiên, tiến trình gia nhập của Trung Quốc sẽ rất phức tạp. Giữa hàng loạt thách thức, thời điểm là một yếu tố rất quan trọng. Nhiều thành viên hiện đang muốn Mỹ quay lại thỏa thuận. Tuy nhiên khả năng Mỹ quay lại trong thời gian tới là không cao, và có thể Mỹ sẽ không bao giờ quay trở lại. Nhưng nếu Trung Quốc gia nhập trước Mỹ, thì khả năng Mỹ trở lại gần như là không thể. Dù thế, việc ngăn cản Trung Quốc gia nhập cũng có thể gây rắc rối, đặc biệt là khi nhiều quy tắc của CPTPP sẽ khuyến khích Trung Quốc tiến hành chính những hành vi mà nhiều thành viên hiện mong muốn.

Trong khi chờ đợi, các thành viên hiện tại lẫn tiềm năng sẽ theo dõi sát sao tiến trình gia nhập của Anh. Đây là một thỏa thuận thương mại mang lại lợi ích và thu hút được thêm thành viên mới càng khiến nó trở nên hấp dẫn hơn.

Tiến sĩ Deborah Elms là Giám đốc Điều hành Asian Trade Centre, Singapore.