Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 02/2021.
Người dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Ngày 1 tháng 2 là sinh nhật của “ngân hàng trung ương đỏ” của Trung Quốc. Cách đây 89 năm, Ngân hàng Quốc gia Cộng hòa Xô-viết Trung Hoa, tiền thân của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ngày nay, đã được thành lập ở Thụy Kim, tỉnh Giang Tây.
Ngân hàng được thành lập ba tháng sau khi người cha lập quốc Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập một “nhà nước” do nông dân nắm quyền vào tháng 11 năm 1931. Khi ấy có lẽ Mao nhận thấy nhà nước mới, Cộng hòa Xô-viết Trung Hoa, phải có đồng tiền mới.
Vì vậy ngay khi chính phủ lâm thời bắt đầu vận hành, Mao đã ra lệnh thành lập một ngân hàng trung ương phụ trách phát hành tiền. Em trai ông, Mao Trạch Dân, được giao làm thống đốc đầu tiên của Ngân hàng Quốc gia Cộng hòa Xô-viết Trung Hoa, với chỉ năm nhân viên trong những ngày đầu. Ngân hàng bắt đầu phát hành đồng tiền riêng, tiền thân của đồng Nhân dân tệ ngày nay.
Chuyên môn ngày càng cao của ngân hàng trong quản lý tiền tệ chính là một yếu tố góp phần vào chiến thắng cuối cùng của Đảng Cộng sản trước Quốc dân Đảng trong cuộc nội chiến Trung Quốc.
Cụ thể, Quốc dân Đảng đã cho in quá nhiều tiền giấy trong thời gian nội chiến, do đó gây lạm phát tràn lan ở các khu vực thành thị. Trong khi đó, Đảng Cộng sản với thành trì ở nông thôn đã giữ được giá cả ổn định nhờ thành lập các khu vực tiền tệ riêng. Lạm phát phi mã đã làm xói mòn niềm tin của công chúng dành cho phe quốc gia, trong khi phe cộng sản ngày càng lớn mạnh.
Đến tháng 12 năm 1948, thời điểm Đảng Cộng sản đã gần như nắm chắc phần thắng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc chính thức thành lập ở Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, cách Bắc Kinh khoảng 300 km về phía nam. Đồng Nhân dân tệ được những người cộng sản phát hành ngay trước khi họ tiến vào Bắc Kinh, và trở thành hiện thân cho vị thế mới của họ là đảng cầm quyền của Trung Quốc.
Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc trở thành một tổ chức tầm thường trong bối cảnh nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Phải đến những năm 1990, ngân hàng trung ương mới lấy lại được vị thế trung tâm kiểm soát nền kinh tế của đất nước.
Năm 1993, khi một đợt lạm phát nghiêm trọng đe dọa sinh kế người dân, Thủ tướng Trung Quốc bấy giờ Chu Dung Cơ đã thay thống đốc ngân hàng trung ương và tự mình đảm nhận công việc này. Sau đó ông bổ nhiệm Vương Kỳ Sơn, nay là phó chủ tịch nước Trung Quốc, giữ chức phó thống đốc.
Ông Vương là đồng minh lâu năm của Chủ tịch kiêm Tổng Bí thư Đảng Tập Cận Bình. Ngoài ra ông còn có ảnh hưởng lớn trong giới tài chính nhờ chức vụ trước đây của mình.
Nhưng tình hình xung quanh Vương dường như đã thay đổi gần đây. Kể từ năm ngoái, một số người thân cận của ông đã phải đối mặt với các cáo buộc tham nhũng, bao gồm Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), một doanh nhân nổi tiếng được cho là bạn của Vương từ thời đi học. Trong khi đó tập đoàn HNA Group của Trần Phong (Chen Feng), một người cũng thân thiết với Vương, ra thông báo vào cuối tuần trước rằng các chủ nợ đã yêu cầu tòa án cho phá sản và tái cấu trúc công ty.
Ông Vương từng tham gia một cuộc gặp video với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ vào ngày 29/1 và kêu gọi cải thiện quan hệ Mỹ – Trung. “Chìa khóa để thúc đẩy phát triển quan hệ song phương lành mạnh và ổn định là đề cao tinh thần không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi, để tập trung vào hợp tác và quản lý sự khác biệt,” ông nói.
Ông có mối quan hệ cá nhân vững chắc với giới tài chính Hoa Kỳ. Và gần đây người ta cũng nhắc đến ông nhiều hơn, trong bối cảnh ngày càng có nhiều hy vọng cải thiện quan hệ Mỹ-Trung sau lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden.
Không rõ liệu có lực lượng chính trị nào trong Đảng Cộng sản không hài lòng với sự hiện diện ngày càng nhiều của Vương hay không, nhưng có một điều vẫn đúng suốt từ thời Mao Trạch Đông: Ai kiểm soát “ngân hàng trung ương đỏ” thì sẽ kiểm soát được Trung Quốc.
Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng Nikkei ở Trung Quốc.