Nguồn: “Why has China’s president, Xi Jinping, visited Tibet?”, The Economist, 23/07/2021.
Biên dịch: Trần Hùng
Lời giải thích rõ ràng nhất cho việc tại sao Tập Cận Bình trong tuần này lại chọn thăm Tây Tạng lần đầu tiên trên tư cách là chủ tịch Trung Quốc cũng có thể áp dụng cho chuyến thăm Tây Tạng 10 năm trước của ông, khi còn là phó chủ tịch nước. Cả hai chuyến thăm đều đánh dấu những lần kỷ niệm chẵn sự kiện mà Trung Quốc gọi là “giải phóng hòa bình Tây Tạng” vào năm 1951. Đó là năm ký kết “thỏa thuận 17 điểm”. Theo thỏa thuận này, một vị Đạt Lai Lạt Ma trẻ tuổi — lúc đó là nhà lãnh đạo chính trị cũng như tinh thần của Tây Tạng — đã nhượng chủ quyền đối với Tây Tạng cho Trung Quốc, đổi lấy lời hứa về quyền tự trị. Nhưng thỏa thuận này, vốn chưa bao giờ được Trung Quốc tôn trọng, và được đàm phán với vị Đạt Lai Lạt Ma, người mà Trung Quốc thường xuyên phỉ báng, không được đề cập tới trong hầu hết các bản tin chính thức của Trung Quốc về chuyến thăm Tây Tạng của ông Tập. Trung Quốc cũng không đề cập đến một hiệp ước tương tự, một tuyên bố chung về tương lai của Hồng Kông, mà họ đã ký với Anh vào năm 1984.
Nghe thêm:
Trong phiên bản lịch sử của Trung Quốc, cuộc xâm lược Tây Tạng năm 1951 đã được người dân nơi đây hoan nghênh như một sự giải phóng. Vào năm 2011, ông Tập đã ca ngợi cách mà sự cai trị của Trung Quốc đã dẫn dắt Tây Tạng “từ bóng tối tiến ra ánh sáng”. Về mặt vật chất, ông đã có một dẫn chứng thực tế rõ ràng lúc đó, và thậm chí còn mạnh hơn ngày nay. Trong chuyến thăm mới nhất này, ông đã đi trên một tuyến đường sắt mới trị giá 37 tỷ nhân dân tệ (5,7 tỷ USD), được Trung Quốc gọi là “dự án thế kỷ”, nối về phía tây từ thành phố Nyingchi, nơi ông Tập đáp xuống Tây Tạng, đến Lhasa, thủ phủ của vùng. Đây là tuyến đường sắt điện khí hóa đầu tiên của khu vực, được các quan chức mô tả như một món quà nhân dịp sinh nhật lần thứ 100 của Đảng Cộng sản, vốn diễn ra vào ngày 1 tháng 7, và được tổ chức phô trương hơn đáng kể so với dịp kỷ niệm của người Tây Tạng. Trung Quốc thích thu hút sự chú ý đối với các tiến bộ kinh tế và cơ sở hạ tầng dưới sự cai trị của mình. Họ cũng muốn nhắc nhở người Tây Tạng và nhiều người ngưỡng mộ Đức Đạt Lai Lạt Ma trên khắp thế giới rằng trước năm 1951, Tây Tạng không phải là một xứ thiên đường với chuông chùa leng keng, tiếng vỏ ốc xà cừ trầm ấm vang xa và những người dân tươi cười, mà là một xã hội phân tầng cao độ dựa trên chế độ tu sĩ và tầng lớp nông nô đông đảo.
Trung Quốc rõ ràng không còn quan tâm đến thỏa thuận 17 điểm, trong đó Trung Quốc hứa sẽ không thay đổi “hệ thống chính trị hiện có của Tây Tạng”. Trên thực tế, những lời hứa về quyền tự chủ và không can thiệp đã sớm trở nên trống rỗng, và vào năm 1959, một cuộc nổi dậy không thành của người Tây Tạng chống lại sự cai trị của Trung Quốc đã dẫn đến sự đàn áp thậm chí còn khắc nghiệt hơn, khiến Đức Đạt Lai Lạt Ma và khoảng 80.000 tín đồ phải chạy sang Ấn Độ, nơi họ thiết lập một chính phủ lưu vong không được quốc tế công nhận. Ở quê nhà Tây Tạng, tình cảm chống Trung Quốc đôi khi bùng phát mạnh mẽ đã bị xử lý mạnh tay. Sự tiếp cận của người nước ngoài đối với khu vực bị hạn chế chặt chẽ, nhưng có rất ít lý do để cho rằng lòng tôn kính và sự trung thành sâu sắc mà nhiều người Tây Tạng dành cho Đức Đạt Lai Lạt Ma đã giảm đi. Trung Quốc tiếp tục bôi nhọ ông như là một kẻ bù nhìn cho phong trào độc lập, mặc dù trên thực tế, ông từ lâu chỉ yêu cầu quyền tự trị cho Tây Tạng trong khuôn khổ của Trung Quốc – tức những gì ông được hứa hẹn vào năm 1951.
Thật kỳ lạ, chuyến thăm của ông Tập không được thông báo trước và chỉ được đưa tin trên báo chí chính thống sau khi nó đã kết thúc. Thật khó để không kết luận rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn lo lắng về tính chính danh của mình trong mắt người dân Tây Tạng, cũng như về sự ổn định chính trị trong khu vực, và những lo lắng đó giải thích cho việc họ nhắc lại việc “giải phóng” Tây Tạng vào năm 1951. Cũng đáng chú ý là việc các tường thuật chính thức của Trung Quốc về chuyến thăm nhấn mạnh “một chương mới” về cả “sự phát triển chất lượng cao” và “sự ổn định lâu dài”. Sự phát triển không đảm sự ổn định lâu dài, và nhiều kỹ thuật trấn áp được triển khai ở khu vực láng giềng Tân Cương — vốn bị quốc tế giám sát chặt chẽ hơn trong những năm gần đây — cũng đã được áp dụng ở Tây Tạng. Kết quả là sự ổn định ở đó dường như không bị đe dọa một cách rõ ràng. Điều đó làm nảy sinh một câu hỏi khác: Tại sao Trung Quốc lại lo lắng về Tây Tạng đến vậy?