Tác giả: Hồ Bạch Thảo
Quý Ly: Niên hiệu Thánh Nguyên [1400]; Hán Thương: Niên hiệu Thiệu Thành [1401-1402], Khai Đại [1403-1406].
Vào tháng 2, năm Kiến Tân thứ 3 [25/2-25/3/1400] (Minh Huệ Đế, Kiến Văn năm thứ 2); Hồ Quý Ly truất ngôi của cháu ngoại là Trần Thiếu Đế; tự xưng là Hoàng đế, đặt niên hiệu Thánh Nguyên, đổi quốc hiệu là Đại Ngu.
Năm Thánh Nguyên thứ 1 [1400], Vua nhà Hồ đặt chức Liêm phóng sứ ở các lộ với nhiệm vụ thanh tra, dò hỏi quan lại kẻ hay người dở, việc lợi hại trong dân gian, để thi hành việc giáng truất hay cất nhắc. Dùng qui chế này làm thể thức lâu dài; do đó các chức Thái thú, Lệnh doãn bị thay đổi thường xuyên.
Tháng 8 [20/8-17/9/1400], cho thi Thái học sinh. Lưu Thúc Kiệm, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Vũ Mộng Nguyên, Hoàng Hiến, Nguyễn Thành, Bùi Ứng Đẩu, tất cả 20 người trúng tuyển. Thúc Kiệm, người huyện Gia Định thuộc Bắc Giang; Nguyễn Trãi người huyện Thường Tín, Hà Tây; Vũ Mộng Nguyên người huyện Đông Sơn, Thanh Hóa; Hoàng Hiến người huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh; Bùi Ứng Đẩu, người huyện Lâm Thao, Vĩnh Phú.
Tháng Chạp [16/12/1400-14/1/1401], nhân Chúa Chiêm Thành mất, con là Ba Đích Lại mới lên ngôi; Hồ Quý Ly sai tướng là bọn Trần Tùng, Đỗ Mẫn đem quân đánh, nhưng không thắng, bèn rút quân về:
“Chúa Chiêm Thành là La Ngại mất, con là Ba Đích Lại mới lập làm chúa, Quý Ly muốn nhân cơ hội ấy để cầu lợi, mới dùng Đỗ Mãn làm Đô tướng thủy quân, Trần Vấn làm chức phó, Trần Tùng làm Đô tướng bộ quân, Đỗ Nguyên Thác làm chức phó, quản lĩnh mười lăm vạn quân, tiến đến biên cảnh Chiêm Thành. Tùng nghe lời Đinh Đại Trung, dẫn đạo quân bộ đi ven theo chân núi, cách xa với đạo quân thủy, lúc ấy nước lũ đã xô đến, ba ngày tướng sĩ không có lương, phải nướng mai rùa, da thú để ăn, bèn kéo quân về. Quý Ly cho rằng Tùng đi con đường hiểm trở, làm trái mất quân cơ, đáng phải tội chết chém, nhưng vì có công trong lúc ở nơi tiềm để,[1] nên đem công chuẩn tội, miễn cho tội chết, phải đày làm lính.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 11.
Trần Tùng, Trần Vấn, sau đều được đổi sang họ Vua, tức họ Hồ.
Lên ngôi chưa được một năm, Quý Ly truyền ngôi cho con là Hồ Hán Thương, tự xưng là Thái thượng hoàng, cùng giữ chính quyền trong nước. Hán Thương dùng các niên hiệu Thiệu Thành, Khai Đại; lập vợ là Trần Thị làm Hoàng hậu:
“Hán Thương là con thứ của Quý Ly và là em Nguyên Trừng. Mẹ Hán Thương, Huy Ninh công chúa, là con gái Trần Minh Tông. Trước kia Quý Ly vẫn có ý muốn lập Hán Thương nối ngôi, nhưng chưa quả quyết, bèn ngụ ý vào cái nghiên đá, ra một câu đối cho Nguyên Trừng đối lại, để dò xét khí khái Nguyên Trừng:
“Thử nhất quyền kỳ thạch, hữu thời vi vân, vi vũ, dĩ nhuận sinh dân”.
[Dịch nghĩa: Viên đá nhỏ bằng nắm tay, có lúc làm mây, làm mưa, để thấm nhuần ơn cho dân].
Nguyên Trừng đối lại: “Giá tam thốn tiểu tùng, tha nhật tác đống, tác lương, dĩ phù xã tắc”.
[Cây thông nhỏ chừng ba tấc, sau này làm cột, làm xà, để phù trì xã tắc).
Quý Ly bèn lập Hán Thương nối ngôi.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 11.
Vế đối của Hồ Nguyên Trừng rõ ý rằng ông ta chỉ muốn làm tôi trung, phò Vua giúp nước. Tuy nhiên xét thời cuộc lúc này, việc Hồ Hán Thương lên ngôi là phương cách gỡ rối chính trị cho cha con họ Hồ. Bấy giờ Hồ Quí Ly dành ngôi nhà Trần bị dân chúng phản đối kịch liệt; phía nhà Minh cũng thường ôm mộng xâm lăng. Trong các con Quý Ly, Hồ Hán Thương dòng dõi phía mẹ thuộc Tôn thất nhà Trần, nên dễ bề ăn nói hơn. Quả vậy, sau khi Hán Thương lên ngôi, bèn sai sứ sang nhà Minh; nói dối là dòng dõi họ Trần đã tuyệt tự, xin lấy danh nghĩa là cháu ngoại, tạm quản lý công việc trong nước.
Nhằm tăng thu nhập kinh tế, Hán Thương qui định phép đánh thuế thuyền buôn. Chia các thuyền buôn làm ba hạng: thượng đẳng, trung đẳng và hạ đẳng. Thượng đẳng mỗi chân chèo phải nộp thuế 5 quan, trung đẳng 4 quan, hạ đẳng 3 quan.
Tháng 2 năm Thiệu Thành thứ nhất [13/2-14/3/1401] (Minh Huệ Đế, Kiến Văn năm thứ 3), Hán Thương cho đổi lịch Hiệp Kỷ thời nhà Trần, thành lịch Thuận Thiên. Vì triều đại Hồ ngắn ngủi, nên lịch Thuận Thiên chỉ dùng đến năm 1407 thì chấm dứt.
Tháng 4 [13/5-11/6/1401], ban lệnh làm sổ hộ, kiểm tra dân số. Trước đó, Hồ Quý Ly bàn mưu với bầy tôi rằng: “Làm thế nào có được trăm vạn quân để đối địch với giặc phương bắc?”. Đồng tri xu mật sứ Hoàng Hối Khanh xin gộp nhân số lại làm thành sổ hộ: từ 2 tuổi trở lên đều ghi vào sổ; người ở kinh kỳ đến trú ngụ các nơi phiên trấn bắt phải về nguyên quán, kê tên vào sổ, không được ẩn lậu. Khi sổ hộ làm xong, kiểm điểm người từ 15 đến 60 tuổi, được gấp bội so với số trước. Từ đấy, tuyển quân lính được thêm nhiều hơn.
Bọn quan lại như Hoàng Hối Khanh, thể theo ý của Hồ Quý Ly, tìm cách hạn chế dùng gia nô:
“Lúc ấy, bọn Hoàng Hối Khanh, Nguyễn Hi Chu và Đồng Thức lựa theo ý họ Hồ, nên thường khuyên Hán Thương giết con cháu nhà Trần, giảm bớt số điền nô, để đè nén thế lực họ Trần. Hán Thương mới lập ra phép hạn chế gia nô. Những người được phép dùng gia nô, cứ theo cấp bậc của mình mà dùng nhiều dùng ít khác nhau; số gia nô thừa phải đem sung công. Gia nô đều ghi dấu hiệu vào trán.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 11.
Tại thành Tây Đô tại Thanh Hóa, cho trồng tre gai, bắc cầu cống bao quanh bên ngoài; thành trong xây gạch trên nền đá. Ngoài ra nhắm điều hòa giá lương thực, Hán Thương cho lập kho thường bình tại các lộ, đến mùa giáp hạt bán ra rẻ hơn giá thị trường:
“Trước đây, bên ngoài thành tại kinh đô mới, Quý Ly bắt dân Thanh Hóa trồng tre gai làm như cái thành bao la ở ngoài và bắc cầu cống, đặt hàng quán, đào khe cừ, để tiện đi lại. Còn thành Tây Đô thì thân thành đều xây bằng đá, sau lại bị đổ. Nay Hán Thương hạ lệnh cho các lộ nung gạch để sửa đắp lại, xây trên bằng gạch, dưới bằng đá.
Hán Thương đặt kho thường bình, khi thóc rẻ thì đong vào, khi thóc kém thì bán ra theo giá rẻ để giá thóc ổn định; phát tiền giấy cho các lộ, theo giá cả mua thóc chứa vào kho. Tuy nhiên bấy giờ số quan lại ở các lộ, phủ, châu, huyện có thay đổi, nên không làm được đến nơi.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 11
Tháng 10 [6/11-4/12/1401], Hán Thương bổ dụng Nguyễn Phi Khanh làm Hàn lâm viện học sĩ. Phi Khanh là thân phụ Nguyễn Trãi, trước tên là Ứng Long, đỗ Thái học sinh triều nhà Trần, lấy con gái Trần Nguyên Đán. Vua Trần Nghệ Tông lấy cớ là dòng dõi hàn vi mà lại lấy con gái Nguyên Đán, thuộc Tôn thất, nên bỏ không dùng. Đến nay Hán Thương mới cất nhắc bổ dụng và cho đổi tên là Phi Khanh.
Tháng 2, năm Thiệu Thành thứ 2 [4/3-2/4/1402] (Minh Huệ Đế, Kiến Văn năm thứ 4), Hán Thương duyệt quân đội.
Tháng 3 [3/4-1/5/1402], cho đắp sửa đường sá từ thành Tây Đô đến Hóa Châu [Thừa Thiên]. Dọc đường đặt phố xá và trạm chuyển thư, gọi là đường thiên lý.
Tháng 6 [1/7-29/7/1402], bổ dụng Đồng Thức, người đất Chí Linh, Hải Dương, làm Ngự sử trung tán. Đồng Thức đỗ Thái học sinh triều nhà Trần; Hán Thương ví Đồng Thức như Ngụy Trưng, một danh thần thời Đường Thái Tông, nên ban cho họ Ngụy.
Tháng 7 [30/7-28/8/1402], Hồ Hán Thương sai tướng là Đỗ Mãn đánh Chiêm Thành. Chiêm Thành sai Sứ dâng đất xin hàng:
“Hán Thương thấy bọn Trần Tùng đi đánh Chiêm Thành không thành công, phải rút về, lại dùng Đỗ Mãn làm đô tướng, Nguyễn Vị và Nguyễn Bằng Cử làm chiêu thảo sứ, đem đại quân sang đánh. Khi đại binh kéo đến biên giới Chiêm Thành, Đinh Đại Trung làm tiên phong, gặp tướng Chiêm Thành là Chế Thất Nan, hai bên giao chiến đều bị chết. Chúa Chiêm Thành là Ba Đích Lại hoảng sợ, sai người cậu là Bố Điền đem dâng các sản vật địa phương và dâng đất Chiêm động [Thăng Bình, Quảng Nam]; để xin cho rút quân. Khi Bố Điền đến nơi, Quý Ly bắt ép thay làm tờ biểu khác dâng cả đất Cổ Lũy [Quảng Ngãi] nữa. Rồi đem hai đất ấy chia làm 4 châu là: Thăng, Hoa, Tư và Nghĩa, đặt chức An phủ sứ lộ Thăng Hoa để trấn trị, còn ở đầu nguồn thì đặt làm trấn Tân Ninh [Thu Bồn, Quảng Nam].” Cương Mục, Chính Biên, quyển 11.
Sau khi chiếm được 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa; nhà Hồ bổ dụng Nguyễn Cảnh Chân làm An phủ sứ lộ Thăng Hoa. Ngoài ra còn bổ dụng Chế Ma Nô Đã Nan, con Chế Bồng Nga trước kia chạy sang nước ta, làm Cổ Lũy thượng hầu, để tìm cách chiêu dụ người Chiêm Thành.
Nhà Hồ quy định lại phép đánh thuế tô, tức thuế ruộng đất, thuế dung, tức thuế sưu dịch. Đối với thuế dung, chiếu cố đến người nghèo, quả phụ, được giảm, hoặc miễn thuế:
“Trước kia, về triều nhà Trần, tư điền của dân cứ mỗi mẫu thu thóc 3 thăng; đất bãi trồng dâu, mỗi mẫu thu tiền 9 quan hoặc 7 quan. Đinh nam mỗi năm nộp tiền 3 quan. Đến nay Hán Thương thay đổi lại cho thi hành: mỗi mẫu ruộng thu thóc 5 thăng; đất bãi trồng dâu chia ra 3 bậc: bậc cao nhất mẫu thu 5 quan, bậc trung bình mỗi mẫu 4 quan, bậc thấp nhất mỗi mẫu 3 quan. Thuế đinh nam thì căn cứ vào số ruộng để đánh thuế: người nào có ruộng từ 2 mẫu 6 sào trở lên thu tiền 3 quan; người nào ruộng kém số ấy sẽ được giảm bớt dần; người không có ruộng cùng trẻ mồ côi và đàn bà góa mà có ruộng đều được miễn thuế dung.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 11.
Tháng 2 năm Khai Đại thứ nhất [ 21/2-22/3/1403] (Minh Thái Tông Vĩnh Lạc năm thứ nhất), sau khi đặt chức An phủ sứ lộ Thăng Hoa, chia lộ này thành 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa; bèn cho dời dân đến Thăng Hoa; nhằm tránh sự lẫn lộn, dân thuộc châu nào, ghi tên châu đó vào cánh tay:
“Trước đây, Chiêm Thành dâng đất Chiêm Động và Cổ Lũy, họ dời hết dân đi nơi khác mà bỏ đất không; Quý Ly chia đất ấy làm lộ Thăng Hoa. Đến nay mới đem dân các lộ, người nào không có ruộng mà có của đến đấy để ở. Người mới đến cùng với người cũ của lộ ấy còn sót lại đều biên tên vào quân ngũ, nhưng thích hai chữ tên châu hiện ở vào cánh tay. Năm sau, lại cho vợ con những người đã di đến khi trước đi theo. Những người này, lúc đi đường biển gặp gió bão, bị chết đuối nhiều. Lòng dân rất là náo động.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 12.
Nhà Hồ cho đặt vùng đất Thanh, Nghệ, Tĩnh là Tứ Phụ, với nhiệm vụ yểm trợ cho kinh kỳ Tây Đô:
“Cơ sở ở Tây Đô đã xây dựng xong, Hán Thương lại đổi phủ Thanh Đô làm phủ Thiên Xương, phủ Diễn Châu làm phủ Linh Nguyên, hợp với Cửu Chân, Ái Châu gọi là “tứ phụ”, đổi tên núi Đại Lại làm núi Kim Âu.
Lại đặt chức Thị giám[2] ở kinh kỳ, ban phát cân, thước, thưng, đấu; định giá trị tiền giấy để buôn bán được lưu thông. Lúc ấy những người buôn bán phần nhiều chê tiền giấy nát, nên lập điều luật để bắt tội người nào chê bai tiền giấy, làm cao giá hàng hoặc đóng cửa hàng và người nào giúp đỡ bênh vực những việc ấy.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 12.
Nhà Minh sai sứ sang báo tin Vua Thái Tông lên ngôi và đổi niên hiệu. Bấy giờ vua Huệ Đế đóng đô ở Kim Lăng, Yên Vương Lệ làm phản, giết các quan Tam ty, đem quân tiến đánh kinh sư, đi đến đâu thắng được đấy, vào trong thành chém giết bừa bãi. Huệ Đế tự thiêu mà chết. Lệ tự lập làm vua, đổi niên hiệu là Vĩnh Lạc, miếu hiệu là Thái Tông.
Tháng 2 năm Khải Đại thứ 2 [1404] (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 2), Hán Thương định lại phép thi, chia làm 5 kỳ, trong đó có 1 kỳ thi về viết chữ và làm toán:
“Hán Thương phỏng theo phép ba kỳ thi ở thời nhà Nguyên, chia làm bốn kỳ, lại thêm một kỳ thi viết chữ và tính, cộng thành năm kỳ thi. Cứ ba năm một lần mở khoa thi, năm nay thi hương, người nào trúng tuyển được miễn dao đài tạp dịch, đến năm sau thi ở bộ Lễ, người nào trúng tuyển được lựa chọn bổ dụng, lại năm sau nữa thi hội, người nào trúng tuyển được sung vào Thái học sinh. Lúc ấy sĩ tử mới do bộ Lễ thi, gồm 170 người được trúng tuyển, chưa kịp thi hội, sau vì việc quân nhà Minh sang xâm lấn, nên thôi không thi nữa.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 12.
Về việc binh, trước đây, xét định quân ngũ, chọn người nào mạnh khoẻ mà nhà nghèo sung vào quân trợ dịch, sau đổi làm quân bồi vệ. Đến nay chia quân ra tả và hữu, dùng tên loài lân, loài phượng để đặt tên hiệu quân, chọn các quan văn võ người cùng họ Hồ để quản lĩnh.
Sai đào Liên Cảng[3] từ Tân Bình [Quảng Bình] đến giáp giới Thuận Hóa, để việc chuyên chở được tiện lợi, nhưng vì bùn cát cứ nổi bềnh lên, nên không thành công, phải bỏ.
Minh Thái Tông gửi sắc văn đàn hạch An Nam chiếm lấn đất đai Chiêm Thành và phủ Tư Minh, Quảng Tây. Nhà Hồ phải vất vả sai sứ qua lại trần tình và tìm cách xoa dịu.
Biết rằng nhà Minh muốn gây việc binh đao, Hồ Hán Thương hạ lệnh đóng thuyền đinh sắt, đặt hiệu thuyền là “tải lương cổ lâu”. Thuyền ấy ở bên trên bắc tre làm đường đi lại, bên dưới hai người chèo một mái chèo, có thể tiện lợi cho việc chiến đấu; tuy mượn tiếng vận tải để đặt tên thuyền, nhưng thực ra là để phòng bị quân nhà Minh.
Tháng 2 năm Khai Đại thứ 3 [1/3-29/3/1405] (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 3), có nạn đói, hạ lệnh cho dân các lộ phải bán thóc. Sai các quan ở lộ, phủ, châu và huyện kiểm tra số thóc của nhà giàu, bảo họ bán cho dân, theo giá hai bên cùng thỏa thuận.
Tháng 6 [27/6-25/7/1405], đặt bốn kho quân khí. Dân đinh người nào có tài nghệ khéo, đều sung vào làm việc công, sửa chữa chế tạo khí giới, để đồ quân dụng được đầy đủ.
Tháng 7 [26/7-24/8/1405], Hán Thương đi tuần du xem xét núi sông ở kinh lộ và các cửa biển; tháng 8 [25/8-22/9/1405], trở về kinh đô. Trước đây, Hán Thương sai đóng cọc gỗ ở nơi xung yếu tại các cửa biển và sông cái để phòng bị chống cự quân giặc; đến nay lại thân đi xem xét việc này, là có ý muốn biết được nơi nào hiểm trở, để lưu ý thêm.
Thời Vua Thái tổ nhà Minh sai người sang nước ta bắt phải nộp sư sãi, người bị hoạn và gái đẹp đấm bóp, Vua Phế Đế nhà Trần đã sai tìm những hạng người ấy đem nộp. Trong số đó có những người bị hoạn như bọn Nguyễn Toán, Nguyễn Tông Đạo, Từ Cá và Ngô Tín. Nay nhà Minh cho rằng bọn Nguyễn Toán am hiểu núi sông nước ta, nên đưa sang để dòm ngó tình hình trong nước.
Tháng 9 [23/9-22/10/1405], Hán Thương định lại quy chế quân ngũ. Nam và bắc chia làm 12 vệ, đông và tây chia làm 8 vệ, mỗi vệ 18 đội, mỗi đội 18 người, đại quân 30 đội, trung quân 20 đội, doanh 15 đội, đoàn 10 đội, cấm vệ đô 5 đội; có đại tướng quân thống lĩnh.
Bấy giờ Hán Thương thường bị nhà Minh tra hỏi, trầm trọng nhất là vụ việc vào ngày 17 tháng Giêng năm Vĩnh Lạc thứ 3 [16/2/1405]; Minh Thái Tông sai Giám sát Ngự sử Lý Kỳ, Hành nhân Vương Khu mang sắc dụ đến điều tra việc Tôn thất Trần Thiêm Bình, trốn sang Trung Quốc, tố cáo cha con Hồ Quý Ly diệt họ Trần. Hán Thương bèn sai Tả ti lang trung Phạm Canh, Thông phán Lưu Quang Đình sang nhà Minh dâng lễ cống và tạ lỗi. Việc này là có ý muốn dập tắt việc chiến tranh có thể xảy ra; nhưng nhà Minh đã giữ Canh ở lại mà cho Quang Đình về.
Để đối phó với tình hình gay go, nhà Hồ cho thực hiện những điều cấp thiết sau đây:
Thứ nhất: Đối phó với quân Minh lăm le xâm lăng, nhà Hồ muốn bắt chước nhà Trần từng mở hội nghị Diên Hồng thời chống Nguyên Mông, nhưng không dám, vì sợ dân không theo. Hồ Quý Ly bèn lấy cớ mình tuổi 70, nên ban ơn cho phụ lão các lộ, những người từ 70 tuổi trở lên, đàn ông được ban tước một tư, tức một bậc, đàn bà được ban cho tiền giấy; phụ lão ở kinh thành được ban tước và được hội họp uống rượu.
Thứ hai: Đắp thành Đa Bang. Nhà Hồ nhận thấy nếu quân nhà Minh kéo sang, thì Đa Bang chính là địa điểm xung yếu nhất, nên sai Hoàng Hối Khanh đắp thành để ngăn giữ. Thành Đa Bang vị trí tại xã Cổ Pháp, huyện Tiên Phong, tỉnh Sơn Tây; sau đó phân phối các vệ quân ở Đông Đô [Hà Nội] đi đóng cọc ở sông Bạch Hạc để chống giữ cánh quân nhà Minh từ mặt Tuyên Quang tiến xuống.
Thứ ba: Hội họp các quan văn võ trong kinh thành và ngoài các lộ bàn về kế hoạch nên đánh hay nên hòa:
“Hán Thương hạ lệnh các viên An phủ sứ ở các lộ về triều để cùng với các quan trong kinh bàn về kế hoạch nên đánh hay nên hòa. Lúc ấy có người khuyên nên đánh, nói: “Không nên để quân Minh kéo vào nước sẽ làm mối lo sau này”. Nguyễn Quân, trấn thủ Bắc Giang, cho rằng hãy nên tạm hòa, chiều theo ý muốn bên địch, để hoãn binh, thì hơn. Tả Tướng quốc là Trừng nói: ‘Tôi không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không theo mà thôi’. Quý Ly đem cái hộp bằng vàng ban cho Trừng.” Cương Mục, Chính Biên, quyển 12.
Tháng 4 năm Khai Đại thứ 4 [19/4-17/5/1406] (Minh Vĩnh Lạc năm thứ 4); nhà Minh sai đốc tướng là bọn Hàn Quan và Hoàng Trung đem quân hộ tống Trần Thiêm Bình về nước ta; Hán Thương sai người đón đường giết đi. Sau khi giết Thiêm Bình, liền dùng An phủ sứ Tam Giang là Trần Cung Túc làm chánh sứ, và Thông phán ở Ái Châu là Mai Tú Phu làm phó sứ, Thiêm phán là Tưởng Tư làm tòng sự, cùng đi sang nhà Minh biện bạch việc gian trá giả mạo của Thiêm Bình, và xin được đi lại cống nạp như cũ. Nhà Minh giữ sứ giả lại, không cho về.
Hán Thương cho rằng quân nhà Minh bị thua một trận, tất nhiên sẽ lại kéo sang, nên hạ lệnh cho người có phẩm tước chiêu mộ những người trốn tránh phiêu lưu làm quân dũng hãn, đặt chức Thiên hộ, Bá hộ để cai quản. Lại sai đóng cọc gỗ ở bờ phía nam sông Nhị Hà nối tiếp nhau suốt hơn bảy trăm dặm; ở các sông và cửa biển đều hạ cây xuống để ngăn cản. Lại hạ lệnh cho dân Bắc Giang và Tam Đái[4] dựng nhà cửa ở nơi đất hoang rậm rạp về bờ phía nam sông Hồng Hà, dự bị làm chỗ di cư trong trường hợp phải rút lui.
Tháng 9 [12/10-10/11/1406], Minh Thái Tông sai đại tướng quân Chu Năng, phó tướng quân là bọn Trương Phụ, Mộc Thạnh, đem quân sang xâm lăng nước ta. Tháng 12 [9/1-7/2/1407], quân nhà Minh đánh phá thành Đa Bang rồi chiếm lấy Đông Đô; nhà Hồ sụp đổ. Nội dung xin dành trọn phần nghiên cứu chuyên sâu, trong các bài tiếp theo: “Minh Thái Tông vin vào 6 điều hỏi tội, mượn cớ xâm lăng An Nam”; “Quân Minh chuẩn bị xâm lăng: chỉ huy, lực lượng, lương thực, tiếp tế, tổng quát” và “Quân Minh xâm lăng”.
————–
[1] Thời Tiềm Để: Thời chưa lên ngôi Vua.
[2] Thị giám: Một chức giữ việc trông coi các nơi buôn bán.
[3] Liên Cảng: Nay ở xã Thủy Liên, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
[4] Tam Đái: Thuộc Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.