Hậu quả của việc Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan

Nguồn: Gideon Rachman, “Afghanistan is now part of the post-American world”, Financial Times, 16/08/2021.

Biên dịch: Trần Hùng

Việc Kabul rơi vào tay Taliban – 20 năm sau khi lực lượng này bị đánh đuổi – sẽ chấm dứt ảnh hưởng của Mỹ ở Afghanistan, có thể trong nhiều thập niên. Theo nghĩa đó, sự kiện này có thể được so sánh với cuộc lật đổ quốc vương (Shah) của Iran năm 1979, sự thất thủ của Sài Gòn năm 1975, hay cuộc cách mạng Cuba năm 1959.

Với việc Mỹ không còn hiện diện, Taliban sẽ tìm cách xây dựng quan hệ với một loạt các chủ thể khác, bao gồm Trung Quốc, Pakistan và các quốc gia vùng Vịnh. Các nhà cầm quyền mới của Afghanistan dường như háo hức được quốc tế công nhận, cũng như mong đợi các quan hệ thương mại và viện trợ xuất phát từ đó. Mong muốn đó có thể khiến Taliban tiết chế các hành động cuồng tín của mình.

Việc đối xử với phụ nữ Afghanistan và những kẻ thù đã bị đánh bại của Taliban sẽ được bên ngoài theo dõi đặc biệt chặt chẽ. Một số người phát ngôn của tổ chức này đã gợi ý rằng, không giống như trong thời kỳ đầu cầm quyền trước đây, Taliban sẽ cho phép phụ nữ đi làm và được học hành. Nhưng nhiều phụ nữ Afghanistan, hiện đang tham gia vào hoạt động chính trị và xã hội dân sự, tỏ ra rất nghi ngờ điều này.

Các chính phủ nước ngoài không phải là những chủ thể quốc tế duy nhất có thể quan tâm đến Taliban. Thực tế rằng một phong trào Hồi giáo bạo lực đã thành công trong việc đánh bại Mỹ sẽ là một động lực cho các chiến binh thánh chiến trên khắp thế giới, những người hiện có thể hướng về một Afghanistan do Taliban lãnh đạo để tìm kiếm hướng dẫn và cảm hứng.

John Allen, cựu chỉ huy lực lượng Mỹ và đồng minh ở Afghanistan, hiện dự đoán al-Qaeda “sẽ hoạt động công khai từ dãy núi Hindu Kush sau khi lực lượng Mỹ rút đi”. Chính quyền Biden cho biết họ sẽ đáp trả nếu điều đó xảy ra. Nhưng Tướng Allen chỉ ra rằng các hoạt động chống khủng bố ở Afghanistan sẽ là một “công việc rất khó khăn nếu không có những lực lượng kiểm soát mặt đất đáng tin cậy”.

Afghanistan cũng có chung biên giới với Trung Quốc, Iran, Pakistan và Trung Á, đồng thời là nước láng giềng gần của Ấn Độ. Tất cả các quốc gia này sẽ lo ngại rằng bạo lực do Taliban gây ra có thể tràn sang lãnh thổ của họ.

Ấn Độ sẽ phải đối mặt với nhiều rắc rối hơn ở Jammu và Kashmir, tỉnh duy nhất của họ có đa số người Hồi giáo. Trung Quốc có lý do để lo lắng rằng người Duy Ngô Nhĩ, đang chống lại sự đàn áp của Bắc Kinh ở Tân Cương, có thể tìm thấy căn cứ ẩn náu ở Afghanistan. Iran hẳn là rất vui mừng khi thấy Mỹ bị đánh bại, nhưng sẽ lo lắng về số phận của người Hazara, một nhóm thiểu số người Shia, vốn từng bị khủng bố bởi Taliban. Tất cả các nước láng giềng của Afghanistan và Liên minh châu Âu sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho dòng người tị nạn.

Quốc gia láng giềng trong tình trạng mơ hồ và nguy hiểm nhất chính là Pakistan. Trong nhiều thập niên, chính phủ ở Islamabad – và đặc biệt là cơ quan tình báo Pakistan, ISI – đã cho phép Taliban trú ẩn an toàn. Chính sách này nửa bị phủ nhận, nửa được biện minh với lý do Pakistan cần “chiều sâu chiến lược” – nghĩa là ngăn Afghanistan rơi vào vòng ảnh hưởng của Ấn Độ. Bản thân ảnh hưởng của các phần tử Hồi giáo theo đường lối cứng rắn trong nội bộ Pakistan cũng góp phần tạo ra một môi trường dễ dãi cho Taliban.

Sự ủng hộ ngầm của Islamabad đối với chủ nghĩa Hồi giáo bạo lực ở Afghanistan thậm chí vẫn được duy trì sau khi xảy ra các sự vụ nghiêm trọng trên đất Pakistan – chẳng hạn như vụ thảm sát tại một trường học ở Peshawar vào năm 2014, trong đó lực lượng Taliban Pakistan đã giết khoảng 150 người, trong đó có 132 trẻ em.

Chính phủ Pakistan tiếp tục tuyên bố rằng họ đã sử dụng “đòn bẩy tối đa” để cố gắng buộc Taliban đàm phán. Nhưng nhiều người không tin điều đó. Gần đây, một quan chức cấp cao của Afghanistan đã phàn nàn với tôi rằng: “Tôi chưa bao giờ có một cuộc gặp tồi tệ nào với người Pakistan. Vấn đề là họ không bao giờ giữ lời hứa của mình”.

Tuy nhiên, việc Taliban tiếp quản đất nước láng giềng Afghanistan cũng rất nguy hiểm đối với Pakistan. Các phần tử thánh chiến bên trong Pakistan sẽ được khích lệ bởi chiến thắng. Biên giới dài 1.600 dặm giữa hai nước xưa nay rất mơ hồ. Lực lượng Taliban ở Pakistan dường như đang trỗi dậy – và tháng trước đã tuyên bố nhận trách nhiệm về 26 vụ tấn công khủng bố ở Pakistan, bao gồm cả một vụ đánh bom liều chết khiến 9 công nhân Trung Quốc thiệt mạng cùng với những người khác. Các quan chức Pakistan theo chủ nghĩa thế tục cũng có thể trở thành mục tiêu.

Tất cả các quốc gia giáp biên giới với Afghanistan sẽ hết sức hi vọng rằng Taliban đã rút ra được một số bài học nào đó từ thời kỳ nắm quyền trước đây (1996-2001), và sẽ không để đất nước của họ một lần nữa trở thành căn cứ địa cho các chiến binh thánh chiến quốc tế.

Nếu Taliban không cố gắng xuất khẩu chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan bạo lực, việc nhóm này nắm quyền ở Kabul có thể là một diễn tiến được Trung Quốc hoan nghênh. Học thuyết chính sách đối ngoại của chính phủ Trung Quốc dựa trên nguyên tắc “không can thiệp” – về cơ bản có nghĩa là Bắc Kinh sẽ không có lập trường đối với hệ thống chính trị hoặc tình hình nhân quyền ở Afghanistan, với điều kiện là Taliban tôn trọng “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.

Trung Quốc đã phát đi tín hiệu sẵn sàng hợp tác với Taliban thông qua cuộc gặp cấp cao gần đây giữa Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, và Mullah Abdul Ghani Baradar của Taliban. Ý nghĩa của cuộc gặp này không chỉ là việc nó đã diễn ra, mà ở chỗ Bắc Kinh chấp nhận công bố công khai cuộc gặp đó.

Nếu Trung Quốc có thể thiết lập quan hệ hợp tác với chính phủ do Taliban lãnh đạo ở Afghanistan, thì điều đó sẽ mang lại cho Bắc Kinh những lợi ích kinh tế, chẳng hạn như khả năng có một hành lang trung chuyển xuyên qua nước này tới cảng Gwadar do Trung Quốc xây dựng ở Pakistan.

Về mặt chiến lược, Trung Quốc cũng sẽ hoan nghênh cơ hội gia tăng sức ép lên Ấn Độ, làm gia tăng lo ngại bị bao vây của nước này. Trên hết, Bắc Kinh sẽ hoan nghênh một bằng chứng nữa cho thấy một thế giới hậu Mỹ đang mở ra phía trước chúng ta.

Món quà của Trump dành cho Taliban