Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy
Taliban tuyên bố kiểm soát hoàn toàn tỉnh Panjshir, thành trì cuối cùng của phe đối lập ở Afghanistan. Trong khi đó Mặt trận Kháng chiến Quốc gia (NRF) phủ nhận việc họ đã bị đánh bại, nói rằng họ chỉ rút lui vào khu vực rừng núi. Lãnh đạo NRF kêu gọi người dân Afghanistan “đứng lên chống lại” Taliban bằng mọi cách có thể.
Nhân vật đối lập hàng đầu của Belarus Maria Koleshnikova đã bị kết án 11 năm tù. Tội của bà là dẫn đầu cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Alexander Lukashenko gian lận bầu cử hồi năm ngoái. Dù các biện pháp trừng phạt của phương Tây không thể khuất phục được vị tổng thống, nhưng ông cũng không thể ngăn được việc bà Koleshnikova trở thành biểu tượng của sự phản kháng khi bà bị kết án.
Đại tá Mamady Doumbouya, người lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ tổng thống Guinea hôm Chủ nhật, tuyên bố cấm các quan chức chính phủ rời khỏi đất nước cho đến khi có thông báo mới. Tới nay người ta vẫn chưa rõ về diễn biến của sự kiện. Dù quân đội lên truyền hình nhà nước tuyên bố đã hủy bỏ hiến pháp và giành quyền kiểm soát đất nước, nhưng Bộ Quốc phòng lại nói đã ngăn chặn được một cuộc đột kích vào dinh tổng thống.
Công ty tái bảo hiểm Swiss Re dự đoán biến đổi khí hậu sẽ làm tăng phí bảo hiểm tài sản lên 183 tỷ đô la vào năm 2040. Cụ thể, mức độ nghiêm trọng và tần suất các sự kiện thời tiết cực đoan gia tăng sẽ tăng chi phí bảo hiểm thiệt hại lên 63% ở các thị trường đã phát triển trong vòng hai thập niên tới. Chuyên gia kinh tế trưởng của hãng cũng nói biến đổi khí hậu là rủi ro “số một” đối với nền kinh tế toàn cầu.
Chỉ số thị trường chứng khoán Topix của Nhật Bản lên mức cao nhất ba thập niên qua. Tâm lý nhà đầu tư đã tốt hơn sau khi thủ tướng Suga Yoshihide tuyên bố vào thứ Sáu rằng sẽ không ra tranh cử lãnh đạo Đảng Dân chủ Tự do, qua đó mở đường cho các chính sách kinh tế mới. Chính phủ của ông đã bị mất ủng hộ trong thời gian gần đây vì đại dịch.
Dự báo của chính phủ cho thấy số ca nhiễm covid-19 ở Sydney, thành phố đông dân nhất nước Úc, có thể sẽ vượt 2.000 ca mỗi ngày cho đến giữa tháng 9. Phong tỏa được gia hạn cho đến cuối tháng vì số ca nhiễm tăng mạnh giữa làn sóng dịch thứ ba. Chính phủ hứa mở cửa thoáng hơn khi tỉ lệ tiêm chủng đạt 70 -80%, song đến nay chỉ mới có 38% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
Ryanair kết thúc đàm phán với Boeing về một đơn đặt hàng lớn mua phiên bản mới nhất của dòng 737 MAX vì không thể thống nhất giá cả. Ryanair hiện là khách hàng lớn nhất ở châu Âu mua dòng phản lực một lối đi này, vốn trở lại hoạt động sau khi bị cấm bay vì hai vụ tai nạn chết người năm 2018 và 2019. Năm ngoái Ryanair mua 75 chiếc.
Con số trong ngày: 44 tỉ đô la Mỹ là doanh thu hàng năm của ngành công nghiệp trò chơi điện tử Trung Quốc, là đối tượng mà các nhà quản lý chính phủ đang nhắm tới.
TIÊU ĐIỂM
Kinh tế Đức le lói tin vui
Người ta có thể không còn quá lạc quan về nền kinh tế Đức sau khi công bố một cuộc khảo sát vào hôm nay. Chỉ số tâm lý kinh tế ZEW, trong đó thăm dò ý kiến của khoảng 350 chuyên gia thị trường tài chính, đã giảm ba tháng liên tiếp trong mùa hè, và dự kiến sẽ giảm tiếp tháng thứ tư. Nguyên nhân là do lo ngại về làn sóng covid-19 mới và tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Dữ liệu cho thấy lạm phát của Đức đã tăng 3,9% trong tháng 8 so với một năm trước đó. Chỉ số nhà quản lý mua hàng tổng hợp, bao gồm cả ngành dịch vụ và sản xuất, cũng giảm từ 62,4 trong tháng 7 xuống 60 vào tháng 8.
Song có một số tin tốt. Hôm qua văn phòng thống kê liên bang cho biết số đơn đặt hàng công nghiệp đã tăng 3,4% trong tháng 7. Còn bộ tài chính tuyên bố nền kinh tế Đức đang trên đà phục hồi mạnh trong quý 3, chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
El Salvador công nhận bitcoin làm phương tiện thanh toán
Từ hôm nay, El Salvador sẽ công nhận bitcoin là tiền mặt hợp pháp, trở thành quốc gia đầu tiên công nhận loại tiền điện tử này cho hệ thống thanh toán quốc gia. Tổng thống Nayib Bukele chỉ mới công bố kế hoạch chính thức áp dụng loại tiền này ba tháng trước đây tại một hội nghị bitcoin ở Miami. Để ăn mừng, người dân địa phương và các fan tiền điện tử đã gọi ngày 7 tháng 9 là “B-day”.
Luật mới cho phép sử dụng bitcoin để trả thuế và trả nợ. Nó cũng sẽ buộc các doanh nghiệp phải chấp nhận thanh toán bằng bitcoin. Để chuẩn bị, nước này đang tung ra ví bitcoin kỹ thuật số của riêng mình mang tên “Chivo” (tiếng lóng của “ngầu”), mà người dân Salvador có thể dùng để giữ và trao đổi bitcoin. Hiện họ đã lắp đặt khoảng 200 máy rút tiền có thể đổi tiền mặt ra bitcoin.
Song nhiều doanh nghiệp ở thủ đô San Salvador dường như không được chuẩn bị. Ba phần tư số người Salvador được thăm dò ý kiến vào tháng 7 tỏ ra hoài nghi về việc triển khai trong khi hai phần ba không muốn chấp nhận thanh toán bằng bitcoin.
Tiếp tục kiện tụng về đại dịch opioid ở Mỹ
Các hãng dược và nhà phân phối đang đối mặt hàng nghìn vụ kiện liên quan đến đại dịch opioid của Mỹ, vốn khiến hơn nửa triệu người thiệt mạng. Một số vụ kiện này tưởng như đã khép lại vào hôm 4 tháng 9 khi ba trong số các nhà phân phối lớn nhất và Johnson & Johnson đồng ý bồi thường 26 tỷ đô la cho 42 tiểu bang.
Tuy nhiên, bang Washington phản đối, vì cho rằng phải được nhận nhiều hơn so với mức 527,5 triệu đô la trong thỏa thuận. Hôm nay, tại một phòng xử án ở Seattle, các đại diện của bang sẽ tố cáo các nhà phân phối — McKesson, Cardinal Health và AmerisourceBergen — xử lý đơn đặt hàng opioid hàng loạt từ các hiệu thuốc mà không điều tra hoặc báo cáo nghi ngờ, do đó đã phạm luật. (Họ phủ nhận cáo buộc.) Kết quả là cứ bốn người dân thì có một người có ít nhất một đơn thuốc opioid vào năm 2014, và có hơn 8.000 người đã chết trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến năm 2017. “Làm sao CEO của các công ty này có thể ngủ ngon khi đêm xuống?” tổng chưởng lý bang đã bình luận như vậy khi thông cáo tiến hành vụ kiện.
Nền kinh tế Nam Phi phục hồi yếu
Đây đáng lẽ là năm mà nền kinh tế Nam Phi phục hồi sau khi suy thoái 7% trong đại dịch vào năm 2020. Các nhà kinh tế dự đoán GDP tăng từ 4% đến 4,5% trong năm 2021, tỉ lệ cao nhất mười năm qua. Song họ có thể thất vọng khi công bố số liệu GDP quý hai vào hôm nay. Phong tỏa và thiếu khách du lịch chính là nguyên nhân.
Chưa hết, Nam Phi còn chìm trong bạo loạn vào tháng 7 sau vụ tống giam cựu Tổng thống Jacob Zuma vì ông này không làm theo lệnh của Tòa án Hiến pháp yêu cầu ông ra trình diện cho một vụ điều tra tham nhũng. Chỉ riêng bất ổn xã hội đã có thể làm giảm gần 1% sản lượng kinh tế hàng năm. Trong khi đó, những người ủng hộ ông Zuma sẽ ăn mừng ông được ra tù sớm trong tuần này vì lý do sức khỏe kém, một tuyên bố bị nhiều người coi là đáng ngờ.