Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953, Liên Xô chẳng những viện trợ vũ khí cho quân đội Trung Quốc chiến đấu tại Triều Tiên mà còn cho không quân chi viện bộ đội Trung Quốc và Triều Tiên, góp phần quan trọng giảm được ưu thế trên bầu trời của quân đội Mỹ và đồng minh.
Chiến tranh Triều Tiên nổ ra ngày 25/6/1950 bằng cuộc tấn công ào ạt của quân đội Bắc Triều Tiên do Đảng Cộng sản của Kim Nhật Thành lãnh đạo tiến xuống phía Nam vĩ tuyến 38, nhằm giải phóng Nam Triều Tiên (nay gọi là Hàn Quốc). Ngày 28/6, họ chiếm được thủ đô Hán Thành (nay gọi là Seoul). Giữa tháng 8/1950, họ kiểm soát 90% lãnh thổ nước này.
Ngày 27/6, Liên Hợp Quốc thông qua giải pháp đưa quân đội Liên quân (gồm Mỹ, Nam Triều Tiên và 16 nước trong Liên Hợp Quốc) vào Nam Triều Tiên giúp đẩy lùi quân Bắc Triều Tiên. Trong lực lượng Liên quân, Mỹ chiếm 50% về bộ binh, 86% về hải quân, 93% về không quân. Liên quân phản công bằng cuộc đổ bộ vào Incheon ngày 15/9. Ngày 7/10, Liên quân đánh lên phía Bắc vĩ tuyến 38, tiến về phía biên giới Triều Tiên – Trung Quốc. Tình hình Bắc Triều Tiên vô cùng nguy cấp. Stalin kiến nghị Kim Nhật Thành rút toàn bộ lực lượng sang đất Trung Quốc và Liên Xô. Mao Trạch Đông quyết định đưa quân đội Trung Quốc sang Triều Tiên chiến đấu chống lại Liên quân. Ngày 19/10, Liên quân chiếm Thủ đô Bình Nhưỡng. Ngay đêm hôm đó, quân đội Trung Quốc vượt sông Áp Lục tiến vào Triều Tiên. Tổng cộng đã có 2,4 triệu binh sĩ Trung Quốc tham gia cuộc chiến tranh Kháng Mỹ viện Triều. Với ưu thế về binh lực, quân Trung Quốc dần dần đánh lui quân Mỹ, rồi Nam tiến. Ngày 4/1/1951, họ chiếm được Hán Thành. Sau nhiều trận đánh ác liệt, từ tháng 11/1951 trở đi, chiến sự chủ yếu diễn ra giằng co tại vùng vĩ tuyến 38. Đồng thời, từ tháng 7/1951, hai bên bắt đầu đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến tranh hao người tốn của này. Sau cùng, ngày 27/7/1953, Hiệp định Đình chiến được ký giữa hai bên.
Ngay từ đầu năm 1950, Không quân Liên Xô đã được phái đến Trung Quốc để bảo vệ thành phố Thượng Hải và vùng công nghiệp Đông Bắc trước các cuộc đánh bom của máy bay Quốc Dân Đảng. Khi chiến tranh Triều Tiên nổ ra, máy bay Mỹ đã xâm phạm vùng trời Trung Quốc. Nhưng Không quân Liên Xô chỉ tham chiến sau khi quân đội Trung Quốc tiến vào Triều Tiên.
Từ tháng 11/1950, Quân đoàn Không quân tiêm kích số 64 (gồm các đơn vị máy bay chiến đấu và bộ đội phòng không) của Liên Xô lần đầu tiên tác chiến trên đất Triều Tiên. Trận không chiến đầu tiên của phi công Liên Xô trên đất Triều Tiên xảy ra vào ngày 1/11/1950. Ngày 27/11/1950, ba sư đoàn không quân Liên Xô đang đóng tại vùng Đông Bắc Trung Quốc được sáp nhập vào Quân đoàn 64. Biên chế Quân đoàn 64 thông thường gồm 2 đến 3 sư đoàn không quân tiêm kích, 1 trung đoàn tiêm kích đánh đêm, 2 sư đoàn cao xạ, và 1 trung đoàn đèn chiếu. Năm 1952, Quân đoàn 64 có 26.000 người và 321 máy bay, chủ yếu là loại MiG-15.
Việc Không quân Liên Xô tham gia chiến tranh Triều Tiên được Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên và Mỹ giữ bí mật trong suốt 40 năm, cho đến khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt. Trên thực tế, đây là một bí mật ai cũng biết. Chính phủ Mỹ chủ trương giữ bí mật vì sợ rằng dư luận trong nước sẽ gây sức ép buộc Mỹ phải nâng cấp chiến tranh, nổ ra xung đột quân sự với Liên Xô, dẫn tới chiến tranh hạt nhân.
Năm 1999, các văn kiện giải mật của Viện Nghiên cứu lịch sử chiến tranh, Bộ Quốc phòng Nga, cho biết: Trong chiến tranh Triều Tiên, Không quân Liên Xô đã tiến vào lãnh thổ Trung Quốc và đã phát huy tác dụng tích cực. Ba sư đoàn Cận vệ tinh nhuệ nhất trong quân chủng Không quân Liên Xô đều lần lượt tác chiến tại Trung Quốc và Triều Tiên.
Nhằm giữ bí mật cho việc không quân tham gia chiến tranh, phía Liên Xô đã đưa ra nhiều quy định đặc biệt tuy có tác dụng bảo vệ bí mật nhưng lại tăng thêm nhiều hạn chế, gây khó khăn cho hoạt động của không quân Liên Xô tại chiến trường Triều Tiên.
Trước hết, trong quan hệ ngoại giao, phải bảo đảm nguyên tắc “Phủ nhận hợp lý”, tức Liên Xô có thể phủ nhận việc máy bay của mình có tham chiến ở Triều Tiên. Muốn vậy, toàn bộ lực lượng không quân Liên Xô tham chiến đều phải bố trí tại các căn cứ không quân đặt trên đất Trung Quốc hoặc Triều Tiên, nghiêm cấm máy bay Liên Xô cất cánh từ lãnh thổ Liên Xô. Nhưng cũng có một trường hợp ngoại lệ: ngày 18/11/1952, khi hải quân Mỹ tấn công thành phố Hội Ninh (Triều Tiên) gần biên giới Nga – Trung Quốc, máy bay MiG-15 đã cất cánh từ căn cứ không quân Vladivostok (Liên Xô) đánh chặn máy bay Mỹ.
Quy định các hạn chế đối với phi công Liên Xô tham chiến: Tất cả các máy bay tham chiến đều không được có biểu trưng Liên Xô, phải sơn màu máy bay Triều Tiên hoặc Trung Quốc. Trong đời sống hàng ngày, họ phải mặc quần áo thường dân hoặc quân phục Trung Quốc, trong người không được mang căn cước công dân Liên Xô.
Họ phải cam đoan không được để lộ việc mình đến Triều Tiên tác chiến. Để bảo đảm phi công Liên Xô không bị địch bắt, đã nghiêm ngặt cấm bay trên vùng trời do địch kiểm soát và trên biển, tuyệt đối không được bay xuống phía Nam vĩ tuyến 39, tuy rằng năm 1951, mặt trận đã ổn định ở vĩ tuyến 38. Quy định này đã dẫn đến sự hy sinh của trung úy Mikhailovich: Trong trận không chiến ngày 28/5/1951, khi máy bay bị bắn hạ, anh nhảy dù ra, rơi xuống vùng địch. Để tránh bị địch bắt sống và do đó lộ ra mình là người Liên Xô, anh đã dùng súng lục tự kết liễu đời mình. Cho dù sau đó anh được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, nhưng sự hy sinh của Mikhailovich thật là bi thảm, cho thấy tính chất ác liệt của chiến tranh.
Theo quy định, khi liên lạc vô tuyến không được nói tiếng Nga. Tuy các phi công Liên Xô đã cố học tiếng Trung Quốc hoặc Triều Tiên, nhưng trong tác chiến ác liệt, họ rất khó có thể dùng ngoại ngữ để liên lạc với nhau, nên quy định này thường bị họ lờ đi.
Do các hạn chế kể trên, bộ đội không quân Liên Xô hầu như không có hợp tác với bộ đội mặt đất Trung Quốc, Triều Tiên. Điều đó có lúc đã gây ra rối loạn, như pháo cao xạ Triều Tiên bắn nhầm máy bay Liên Xô, hoặc phi công Liên Xô bắn nhầm máy bay Trung Quốc.
Tình trạng không quân Liên Xô không thể hiệp đồng tác chiến với bộ đội mặt đất của Trung Quốc làm Stalin lo lắng. Ông từng gửi điện cho Tổng Cố vấn quân sự Liên Xô tại Trung Quốc, phê bình công tác đào tạo phi công Trung Quốc tiến triển quá chậm: “Bộ đội Trung Quốc không thể chiến đấu khi không có không quân yểm hộ, vì thế phải nhanh chóng xây dựng 8 sư đoàn không quân tiêm kích Trung Quốc và cử họ ra mặt trận”, phải làm sao để người Trung Quốc ở mặt trận chỉ có thể dựa vào không quân của họ.
Có những trận đánh ác liệt, do không có không quân chi viện mà bộ đội Trung – Triều phải rút lui. Để tránh bị máy bay địch tấn công, họ thường phải phản kích vào ban đêm hoặc khi thời tiết xấu. Liên Xô cũng không đưa máy bay ném bom sang phối hợp với bộ đội mặt đất khi tấn công địch.
Do sự hạn chế về nhiều mặt, không quân liên hợp Trung Quốc – Triều Tiên rất ít ra mặt trận tác chiến. Chỉ hôm nào thời tiết tốt thì họ mới phối hợp tác chiến với bộ binh. Cho tới cuối năm 1952, trong hơn 700 phi công Trung Quốc chiến đấu tại Triều Tiên, chỉ có 28 người nắm được kỹ năng đánh đêm. Vì thế không quân Liên Xô đóng vai trò chủ yếu trong không chiến ở Triều Tiên.
Tuy Liên Xô đã cố gắng giữ bí mật, nhưng phía Mỹ vẫn phát hiện thấy đối thủ trong các trận không chiến đa phần không phải là người Trung Quốc hoặc Triều Tiên. Khi máy bay hai bên bay gần nhau, các phi công Mỹ nhìn thấy khuôn mặt người Âu trên máy bay địch. Họ cũng nghe thấy tiếng Nga trong liên lạc vô tuyến của đối phương, và nhận thấy người lái một số máy bay địch có kỹ năng cao hơn hẳn các phi công Trung Quốc, Triều Tiên.
Trong không chiến ở Triều Tiên, phía Mỹ thường chiếm ưu thế, vì số lượng phi công Mỹ nhiều gấp 8 lần Liên Xô, hơn nữa, Mỹ chủ động chọn thời gian và địa điểm tấn công, còn không quân Liên Xô buộc phải bị động phản kích, do đó gặp khó khăn lớn. Ngoài ra, phía Mỹ cũng triệt để khai thác quy định máy bay Liên Xô không được bay vào vùng trời Mỹ kiểm soát. Ví dụ, trong không chiến, máy bay Mỹ thường giả vờ tháo chạy về bầu trời biển Hoàng Hải, máy bay Liên Xô mãi đuổi theo, khi biết là đã vào vùng cấm thì đã bị nhiều máy bay địch bổ vây.
Không chỉ máy bay tiêm kích mà bộ đội ra đa, đèn chiếu và cao xạ Liên Xô cũng tham gia chiến tranh Triều Tiên. Ví dụ, Trung đoàn đèn pha phòng không số 10 đóng tại ngoại vi Moskva, từ tháng 5/1951 được điều đến An Đông, tham gia không chiến ban đêm cho đến ngày chấm dứt chiến tranh, đã gây thiệt hại lớn cho máy bay địch. Các loại pháo cao xạ 37 ly, 57 ly, 85 ly của Liên Xô được bố trí ở hai bên biên giới Trung Quốc – Triều Tiên, và ở phía Nam thủ đô Bình Nhưỡng, là nỗi khiếp sợ của không quân Mỹ. Khoảng 6.000 bộ đội cao xạ Liên Xô được bố trí ở vùng An Đông – Tân Nghĩa Châu, phụ trách bảo vệ các cầu giao thông vùng Tân An Châu, một đơn vị 400 người đóng gần Bình Nhưỡng, bảo vệ Sứ quán Liên Xô và Tổng Bộ Cố vấn quân sự. Các đơn vị bộ đội phòng không này là mục tiêu ném bom của đối phương và chịu nhiều tổn thất.
Hiện nay, sách lịch sử quân sự thế giới, lịch sử chiến tranh Triều Tiên, đều đã tiếp thu sự việc Không quân Liên Xô tham gia chiến tranh Triều Tiên, nhưng còn nhiều điểm chưa thống nhất về thành tích chiến đấu của Không quân Liên Xô trên đất Triều Tiên, về số phi công Liên Xô hy sinh trong cuộc chiến này.
Năm 1995, báo “Sao Đỏ” của Nga đăng bài “Phi công Át Chủ bài trong cuộc chiến máy bay phản lực”, đưa ra một loạt số liệu cho thấy chiến tranh máy bay phản lực đích thực bắt đầu triển khai từ những năm 1950 trên đất Triều Tiên, giữa một bên là phi công Mỹ cùng các nước đồng minh, với một bên là phi công Liên Xô, Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Phi công Át chủ bài máy bay phản lực đầu tiên là Thượng uý Không quân Liên Xô Sapanov. Tính đến ngày 20/5/1951, chiếc máy bay phản lực do Sapanov lái đã bắn rơi 6 máy bay địch, trong đó có 5 máy bay phản lực. Từ ngày 17/6/1951 đến ngày 2/2/1952, Đại uý Sugakin cất cánh 49 lần, tham gia 66 cuộc không chiến, bắn rơi 22 máy bay địch. Đây là kỷ lục cao nhất trong chiến tranh Triều Tiên.
Theo tài liệu Liên Xô, trong thời gian tham gia chiến tranh Triều Tiên (11/1950 – 7/1953), các phi công Quân đoàn không quân tiêm kích số 64 đã cất cánh khoảng 64.000 lần, thực hiện 1.872 nhiệm vụ tác chiến, tổng cộng Quân đoàn 64 đã bắn rơi 1.250 máy bay địch (có 211 chiếc tiêm kích F-86 “Sabre”), trong đó 1.100 chiếc bị máy bay tiêm kích Liên Xô bắn rơi, 120 chiếc trúng đạn pháo phòng không Liên Xô. Thiệt hại về phía Quân đoàn 64 là mất 335 máy bay, ít nhất 120 phi công và 68 chiến sĩ cao xạ hy sinh.
Trận không chiến ác liệt nhất xảy ra vào ngày Thứ Ba, 12/4/1952. Hôm ấy, Mỹ huy động 150 máy bay, gồm 72 chiếc máy bay ném bom kiểu B-29, đến ném bom chiến lược chiếc cầu sắt An Đông trên sông Áp Lục và các mục tiêu phụ cận. Ngoài ra, còn nhiều máy bay chiến đấu F-80 hộ tống. Phía Liên Xô cho 80 máy bay MiG-15 xuất kích dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Quân đoàn 64, Thiếu tướng G.A. Lobov. Phi công S.M. Kramarenko nhớ lại: Phi đội tôi phát hiện trước tiên 12 chiếc B-29, “Lũ giặc này thật là to xác, so với chúng, máy bay ta chẳng khác gì bầy ruồi”, thế nhưng, vào thời điểm ấy thì lũ “Ruồi nhặng cơ động linh hoạt” lại chế ngự được lũ “pháo đài bay” ấy. MiG-15 là máy bay chiến đấu đầu tiên trên thế giới trang bị pháo 37 ly, tốc độ bắn nhanh, lực xuyên thấu mạnh, có thể bắn thủng lớp vỏ thép dầy của B-29. Hơn nữa các phi công Liên Xô đã tận dụng tính năng vọt lên cao và tính năng bổ nhào độc nhất vô nhị của MiG-15 để tấn công B-29 như một cơn lốc.
Trận không chiến kéo dài 40 phút, không quân Liên Xô bắn rơi 11 máy bay địch mà không bị thiệt hại gì. Phi công S.M. Kramarenko nhớ lại: “Ngày 12/4/1952 là ngày phấn khởi nhất. Hôm ấy, chúng tôi nhìn thấy bầu trời trên sông Áp Lục đầy những chiếc dù của phi công Mỹ nhảy thoát thân ra khỏi máy bay trúng đạn, những chiếc dù ấy bay lượn lờ trước khi hạ xuống đất.” Ngày này được quân đội Mỹ gọi là “Ngày Thứ Ba đen tối của không quân Mỹ.”
Sergei Makarovich Kramarenko là một trong những anh hùng Liên Xô, đã bắn rơi 13 máy bay Mỹ trên bầu trời Triều Tiên. Trước đó, trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, ông từng bắn rơi 2 máy bay tiêm kích, 1 khinh khí cầu và 10 máy bay ném bom Đức. Thiếu tướng không quân hồi hưu Kramarenko vừa mới qua đời ngày 21/5/2020.
Theo tài liệu Trung Quốc, tổng cộng có 12 sư đoàn không quân Liên Xô lần lượt tham gia chiến tranh Triều Tiên, số quân nhân lần lượt tham chiến là 72.000 lượt người; năm 1952 lúc nhiều nhất lên tới 25 – 26 nghìn người. Các phi công máy bay tiêm kích Liên Xô đã bắn rơi 1.097 máy bay địch, bộ đội cao xạ Liên Xô bắn rơi 212 chiếc.
Nguyễn Hải Hoành tổng hợp từ các tài liệu tham khảo nước ngoài.
Các nguồn tham khảo chính: