Thế giới hôm nay: 28/09/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do – hai đảng sẽ nắm quyền quyết định cuộc bầu cử liên bang Đức – cho biết sẽ tổ chức đàm phán trước khi gặp gỡ hai đảng lớn đang muốn lôi kéo họ. Trước đó đảng Dân chủ Xã hội thiên tả đã thắng sít sao Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu. Cả hai đều cho biết sẽ cố gắng thành lập chính phủ. Song Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do bất đồng quan điểm về thuế và năng lượng tái tạo, và do đó cần quyết định xem liệu có thể làm việc cùng nhau hay không.

Instagram, nền tảng truyền thông xã hội do Facebook sở hữu, đã tạm dừng phát triển phiên bản dành cho trẻ em dưới 13 tuổi. Phiên bản “trẻ em” không quảng cáo nếu ra đời sẽ cho phép cha mẹ giám sát quá trình duyệt web của con cái. Instagram cũng cho biết sẽ giải quyết vấn đề người dùng trước tuổi vị thành niên khai man tuổi khi tạo tài khoản. Song những người phản đối nói làm vậy sẽ gây ra thói quen trực tuyến không lành mạnh ở giới trẻ.

Hãng sản xuất xe điện Polestar của Thụy Điển cho biết sẽ niêm yết thông qua một công ty mua lại có mục đích đặc biệt. Thỏa thuận này định giá Polestar ở mức 20 tỷ đô la và được hậu thuẫn bởi tỷ phú Alec Gores và ngân hàng đầu tư Guggenheim Partners. Trong khi đó giá cổ phiếu mảng ô tô điện của hãng bất động sản lắm nợ Evergrande giảm sâu vì hủy niêm yết thứ cấp tại Thượng Hải.

Anh đã tạm đình chỉ một số luật cạnh tranh nhằm giúp các hãng dầu giải quyết vấn đề thiếu nhiên liệu tại các trạm xăng. Hiệp hội Các Nhà bán lẻ Xăng dầu cho biết hiện nay có tới 2/3 thành viên của họ đã cạn nguồn cung. Được biết chính phủ sẽ triển khai quân đội để lái tàu chở dầu. Chính phủ đổ lỗi cho đại dịch và tâm lý mua hoảng loạn; song một số người khác nói là do Brexit khiến nhiều hãng vận chuyển rời khỏi Anh.

Các sàn giao dịch tiền điện tử bắt đầu chấm dứt quan hệ khách hàng ở Trung Quốc sau khi các hạn chế mới, được công bố vào thứ Sáu, cấm họ hoạt động ở nước này. Đây là động thái mới nhất trong cuộc đàn áp tiền kỹ thuật số của chính phủ, đánh bật ngành này khỏi Trung Quốc. Cổ phiếu liên quan tiền điện tử ở Hồng Kông cũng giảm.

Người dân đông bắc Trung Quốc cho biết bị cắt điện đột xuất, khi tình trạng thiếu điện nhà máy lan đến các hộ gia đình. Trong một thông báo hiện đã bị xóa, một công ty điện lực cảnh báo tình trạng mất điện sẽ trở thành “bình thường mới.” Nguyên nhân là vì giá than tăng cao khiến cả nước bị thiếu điện, với nhiều nhà máy ngừng hoặc cắt giảm sản lượng trong những tuần gần đây.

Reuters cho biết COVAX sẽ điều chỉnh quy tắc nhằm giúp phân bổ nhiều vắc-xin hơn đến các nước đang thiếu. Quy tắc hiện tại, vốn dựa trên quy mô dân số, cho phép các nước giàu nhận thuốc COVAX dù bản thân họ có thể mua từ các nguồn khác. Đến nay COVAX đã giúp chuyển 300 triệu liều cho 140 quốc gia, bất chấp trục trặc trong cung ứng và phân phối.

Con số trong ngày: 62%, là tỷ lệ người Nhật được thăm dò ý kiến ​​vào năm 2018 tin rằng bầu cử không thay đổi được gì.

TIÊU ĐIỂM

Triều Tiên họp quốc hội

Hội đồng Nhân dân Tối cao, cơ quan lập pháp của Triều Tiên, sẽ có lần hiếm hoi họp vào thứ Ba này. Nằm trong chương trình nghị sự là các điều chỉnh đối với kế hoạch kinh tế quốc gia và các chính sách phát triển vùng. Trước đó lãnh đạo tối cao Kim Jong Un đã thừa nhận đại dịch covid-19 gây ra khó khăn nghiêm trọng.

Các đại biểu cũng sẽ thông qua luật giáo dục nhằm thắt chặt kiểm soát giới trẻ. Gần đây ông Kim đặc biệt quan tâm đến việc kiểm soát hành vi của giới trẻ Triều Tiên, với những cảnh báo nghiêm khắc về khuynh hướng phi xã hội chủ nghĩa trong kiểu tóc và quần áo, cũng như những tiếng lóng mượn từ Hàn Quốc. Những ảnh hưởng như vậy không thể dễ dàng xóa bỏ. Song ông Kim kiên quyết rằng thanh niên không nên làm vậy ở nơi công cộng (vì có thể ảnh hưởng xấu cho bạn bè).

Anh thiếu xăng dầu

Nước Anh vừa trải qua một cuối tuần đầy nắng, nhưng nhiều người Anh lại không có thời gian để thưởng thức nó. Cụ thể các tài xế đã phải xếp hàng dài hàng giờ để bơm xăng. Vào cuối ngày Chủ nhật hãng dầu khí BP cho biết 30% trong số 1.200 trạm xăng của họ đã hết nguồn hàng.

Bộ trưởng giao thông Grant Shapps tuyên bố đây là một cuộc khủng hoảng “giả”. Ông nói một mẩu tin rò rỉ về các vấn đề giao hàng đã gây hoảng loạn. Tuy vậy các hãng vận tải lại đổ lỗi cho Brexit vì làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu tài xế xe tải có đào tạo, vốn đã giảm gần một phần tư trong 12 tháng qua. Hiện chính phủ có kế hoạch cấp 5.000 thị thực ngắn hạn cho lái xe nước ngoài và cử quân đội túc trực để giúp giao hàng. Ông Shapps khuyên người Anh nên suy nghĩ “hợp lý”. Song chỉ nói thôi là chưa đủ.

Chính phủ Mỹ lại đứng trước nguy cơ đóng cửa

Trong tuần này Quốc hội Mỹ sẽ xem xét các dự luật rất quan trọng đối với chính quyền Biden, với tương lai của chính phủ liên bang và, có lẽ, với cả sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu. Vào thứ Năm, Hạ viện sẽ bỏ phiếu về gói cơ sở hạ tầng quan trọng của Joe Biden. Nhưng trước đó, một biện pháp đã được phe Dân chủ ở Hạ viện thông qua – nhằm nâng trần nợ của Mỹ để chi cho chính phủ đến đầu tháng 12 – lại sắp thất bại tại Thượng viện.

Đảng Cộng hòa nói họ sẵn sàng đồng ý tài trợ tạm thời để ngăn đóng cửa chính phủ vào thứ Năm. Nhưng đổi lại họ muốn đảng Dân chủ loại bỏ tăng trần nợ khỏi dự luật và thêm nó vào chương trình chi tiêu trong nước của họ bằng hòa giải ngân sách, một biện pháp cho phép thông qua luật với đa số đơn giản và do đó không cần phiếu bầu của đảng Cộng hòa. Nhưng sẽ mất một vài tuần để làm vậy, do đó có thể khiến Mỹ không thể đáp ứng các nghĩa vụ tài chính, như lời Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã cảnh báo.

Xu hướng đối nghịch trong phân cực chính trị ở Mỹ

Hãy hỏi các nhà bình luận xu hướng lớn nhất trong chính trị Mỹ là gì, và nhiều người sẽ nói ngay đó chính là vấn đề phân cực ngày càng tăng trong cử tri. Nhưng một số bài báo được trình bày trong tuần này tại cuộc họp thường niên của Hiệp hội Khoa học Chính trị Hoa Kỳ cho biết nói vậy quá đơn giản hóa vấn đề. Nhìn từ một số khía cạnh, phân cực đúng là đã tồi tệ hơn, nhưng từ góc nhìn khác thì không.

Phân cực xã hội, đặc trưng bởi liên kết chặt chẽ giữa bản sắc của một cá nhân và đảng chính trị họ ủng hộ, đều đặn tăng trong ba thập niên qua. Điều này góp phần gây chia rẽ giữa các cử tri Dân chủ và Cộng hòa. Nhưng người Mỹ lại không hề chia rẽ hơn về quan điểm chính sách. Cách biệt trong quan điểm về phá thai hay chi tiêu chính phủ không hề tăng lên nhiều so với những năm 1980. Song dù không khác nhiều như trước đây, người Mỹ lại ngày càng không ưa nhau. Thực trạng đó phản ánh ảnh hưởng của chính trị bản sắc, truyền thông xã hội và tin tức truyền hình đảng phái.