Nguồn: Japanese planes destroy the U.S.S Hornet, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1942, trong Trận Santa Cruz, tàu sân bay cuối cùng của Mỹ được sản xuất trước khi nước này tham gia Thế chiến II, chiếc USS Hornet, đã bị máy bay của Nhật gây hư hại nặng nề, đến mức Mỹ buộc phải loại bỏ nó.
Trận chiến giành Guadalcanal là đợt tấn công đầu tiên của Mỹ chống lại quân Nhật, một nỗ lực nhằm ngăn chặn phe Trục chiếm thêm một hòn đảo khác trong Quần đảo Solomon và tiến xa hơn trong cuộc đua giành lấy nước Úc. Ngày hôm đó, tại khu vực lân cận quần đảo Santa Cruz, hai đội đặc nhiệm hải quân Mỹ đã phải ngăn chặn một hạm đội lớn của Nhật đang trên đường đến Guadalcanal cùng với quân tiếp viện. Cũng như trong Trận Biển San hô hồi tháng 05/1942, giao tranh tại Santa Cruz chỉ được thực hiện bởi máy bay cất cánh từ tàu sân bay của các bên, còn bản thân các con tàu không nằm trong tầm bắn của nhau.
Hỏa lực từ trên không của Nhật đã làm hư hại tàu USS Enterprise, thiết giáp hạm South Dakota, và USS Hornet. Trên thực tế, vụ nổ do bom của Nhật Bản dội xuống tàu Hornet lớn đến mức hai trong số các máy bay ném bom của Nhật cũng bị tê liệt vì vụ nổ, và các phi công đã chọn đâm thẳng máy bay xuống boong tàu sân bay Mỹ – con tàu mà sau cùng sẽ bị từ bỏ và đốt cháy. Hornet, nặng 20.000 tấn, đã từng tham gia trận Đột kích Doolittle ở Tokyo (chỉ huy con tàu vào thời điểm đó, Marc Mitscher, đã được thăng hàm đô đốc và sẽ là người đóng vai trò quan trọng trong chiến thắng trước Nhật Bản) và Trận Midway.
Dù người Mỹ phải chịu tổn thất nặng nề tại Santa Cruz, máy bay Nhật cũng phải trả một cái giá đắt không kém – hơn 100 máy bay, gồm 25 trong số 27 máy bay ném bom tấn công Hornet – đã bị hư hỏng đến mức không thể tăng viện cho quân đội Nhật tại Guadalcanal, qua đó tạo điều kiện cho chiến thắng của người Mỹ.