Nguồn: Gideon Rachman, “UK-French rivalry puts the west at risk”, Financial Times, 01/11/2021.
Biên dịch: Phan Nguyên
Đây là tuần mà Boris Johnson phải kêu gọi thế giới đoàn kết chống lại biến đổi khí hậu. Nhưng vị thủ tướng Anh tham dự COP26 trong khi bị phân tâm bởi một cuộc tranh cãi gay gắt với Pháp về vấn đề đánh cá.
“Bắn tỉa” và cạnh tranh nhau giữa Anh và Pháp đang trở thành một vấn đề quốc tế nghiêm trọng. Hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6 diễn ra trong bối cảnh một tranh chấp khác giữa Pháp và Anh – lúc đó là về vấn đề Bắc Ireland.
Mọi bất đồng nhỏ giữa hai nước dường như đều leo thang thành một cuộc cãi vã đầy những lời đe dọa và lăng mạ. Vấn đề cơ bản không phải là cá, hay Bắc Ireland. Mà là về Brexit. Nói một cách đơn giản, Johnson muốn Brexit thành công trong khi Emmanuel Macron, tổng thống Pháp, lại muốn nó thất bại.
Một bức thư bị rò rỉ của thủ tướng Pháp Jean Castex gửi cho Ủy ban châu Âu đề xuất rằng điều quan trọng là phải chứng minh cho dư luận châu Âu thấy chi phí khi rời EU lớn hơn so với việc ở lại. Người Anh coi đây là bằng chứng cho thấy Paris đang tìm cách trừng phạt Anh vì Brexit. Người Pháp cho rằng đây là một cách cố tình hiểu sai đầy ác ý.
Việc chính phủ Anh háo hức diễn giải theo cách tồi tệ nhất có thể về bức thư nói lên nhiều điều. Mặc dù Johnson đang thăng hoa sau hội nghị thành công của đảng Bảo thủ, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy công chúng Anh đang đi đến kết luận rằng Brexit là một sai lầm. Trả lời cho câu hỏi, “Bạn nghĩ Anh rời EU là đúng hay sai”, 49% trả lời là sai và 38% trả lời là đúng. Một cuộc thăm dò khác gần đây cho thấy 53% số người trả lời tin rằng Brexit đã dẫn đến giá cả cao hơn.
Những thay đổi này trong quan điểm của công chúng có thể gây rắc rối cho Johnson, đặc biệt nếu lạm phát và tình trạng thiếu hụt hàng hóa trở nên tồi tệ hơn trong mùa đông. Điều đó làm cho một cuộc đụng độ với Macron trở nên quá hấp dẫn. Nếu người Pháp thực hiện lời đe dọa làm chậm lưu lượng hàng hóa của Anh qua các cảng bên kia eo biển, bất kỳ sự thiếu hụt nào sau đó có thể được đổ lỗi cho tư tưởng trừng phạt Anh của người Pháp hơn là những khiếm khuyết cố hữu của Brexit.
Chính phủ Anh dường như cũng đang chuẩn bị thực hiện các thay đổi đơn phương đối với giao thức Bắc Ireland, một phần của thỏa thuận Brexit. Một cuộc tranh cãi với Pháp có thể cho phép Johnson tuyên bố những thay đổi đó là nhằm phản ứng với sự cứng rắn của Pháp, chứ không phải là một hành động thiếu thiện chí của Anh.
Macron, giống như Johnson, cũng đang chịu áp lực chính trị dữ dội. Ông phải đối mặt với một cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Tư năm sau. Eric Zemmour, ngôi sao đang lên của cánh hữu, đã liên tục khẳng định “người Anh đã thắng trong trận chiến Brexit”. Macron cần phải dập tắt ý tưởng đó.
Việc ký Aukus – một hiệp ước an ninh được đàm phán bí mật giữa Úc, Anh và Mỹ – đã giáng một đòn nặng nề vào Pháp. Một quan chức Mỹ nói: “Pháp tin rằng Brexit đã khiến Anh trở nên không còn quan trọng, và chúng tôi (người Mỹ) sẽ bỏ qua London. Sau đó, họ phát hiện ra chúng tôi đã thực hiện một thỏa thuận bí mật với người Anh, sau lưng họ ”. Sự tức giận của Pháp càng tăng lên khi mất hợp đồng quốc phòng có giá trị lớn với Australia.
Áp lực mà chính phủ Macron đang phải chịu được phản ánh qua giọng điệu hơi cuồng loạn của một số trao đổi gần đây. Clément Beaune, Bộ trưởng Châu Âu của Pháp, khẳng định rằng ngôn ngữ duy nhất mà người Anh hiểu là vũ lực.
Rõ ràng cần phải làm gì đó để giải tỏa những căng thẳng này theo cách có thể kéo dài hơn mức một vài tuần. Ben Judah thuộc viện nghiên cứu chính sách Hội đồng Đại Tây Dương, người mang hai quốc tịch Pháp-Anh, đưa ra đề xuất sáng tạo rằng hai nước nên thành lập một ủy ban chung gồm các đại diện để vạch ra một kế hoạch hòa giải song phương. Trong một thế giới lý tưởng, một sáng kiến như vậy có thể mở đường cho một “Entente Cordiale” mới – thỏa thuận hồi năm 1904 vốn giúp xoa dịu một giai đoạn kình địch giữa Anh và Pháp trước đó.
Nhưng cả London và Paris dường như đều không sẵn sàng khắc phục mọi thứ. Peter Ricketts, cựu đại sứ Anh tại Paris, dự đoán rằng sẽ có thêm vài năm “bắn tỉa” trước khi quan hệ cuối cùng được cải thiện.
Liên minh phương Tây không thể chấp nhận được điều đó. Quan hệ độc hại giữa Anh và Pháp có khả năng lây lan và nhiễm vào NATO, G7 và các cuộc đàm phán quốc tế về mọi thứ, từ biến đổi khí hậu đến thương mại.
Xung đột Anh-Pháp cũng sẽ khiến việc hình thành các lập trường chung của phương Tây trong các cuộc tranh chấp với Trung Quốc và Nga trở nên khó khăn hơn. Thomas Wright thuộc Viện Brookings lo ngại rằng Anh và Pháp có nguy cơ biến thành “Nhật Bản và Hàn Quốc của châu Âu” – hai đồng minh thân cận của Mỹ nhưng cũng là đối thủ gay gắt của nhau.
Ở châu Á, Mỹ đã cố gắng xây dựng cầu nối giữa Tokyo và Seoul. Bây giờ có thể đã đến lúc Washington thực hiện vai trò tương tự giữa London và Paris. Người Mỹ cần dẹp bỏ ảo tưởng của cả hai bên. Người Anh cần hiểu rằng Mỹ coi EU là một đối tác quan trọng và sẽ không từ bỏ Brussels chỉ vì không gian “Anglosphere”. Người Pháp cần chấp nhận rằng Mỹ cần nước Anh hậu Brexit thành công và sẽ không coi Anh là một quốc gia bất hảo.
Khả năng đóng vai “người môi giới trung thực” của Mỹ đã trở nên phức tạp hơn sau thỏa thuận Aukus. Nhưng Biden có vẻ đã thực sự hối hận về việc qua mặt nước Pháp và đã nhanh chóng tiến hành các biện pháp nhằm khắc phục hậu quả.
Thực tế, việc cả Macron và Johnson đều coi trọng mối quan hệ thân thiết của họ với Biden tạo cơ hội cho Mỹ. Nói theo ngôn ngữ tư vấn hòa giải, người Mỹ cần phải “dàn xếp một sự can thiệp”. Họ nên cố gắng thuyết phục người Anh và người Pháp từ bỏ những mối đe dọa kỳ quặc nhất của họ và hợp tác với nhau vì lợi ích của bản thân cũng như lợi ích của phương Tây nói chung.