Tòa Anh chặn đứng Brexit: Lập luận của các bên

Print Friendly, PDF & Email

uk

Tác giả: Nam Quỳnh

Hôm nay, 3/11, trong một vụ kiện vô tiền khoáng hậu, toà án Anh đã bác bỏ quyền của chính phủ trong việc kích hoạt tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Điều đó có nghĩa là chính phủ phải đưa việc này ra cho Nghị viện quyết chứ không được tự ý tiến hành nữa. Tuy nhiên, họ vẫn còn quyền kháng án lên Tối cao Pháp viện. Hãy cùng xem diễn biến phiên toà này ra sao.

Bối cảnh của vụ việc phức tạp này có thể được hiểu như sau:

  • Ngày 23/6, dân Anh đi bầu quyết định việc ở lại hay rời khỏi EU. 52% số người đi bầu chọn rời EU.
  • Để hoàn thành đúng thủ tục rời EU, chính phủ Anh phải kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon bằng cách gửi thông báo chính thức cho EU là Anh muốn rời EU. Điều 50 quy định việc thông báo này phải “phù hợp với các quy định hiến pháp” của nước muốn rời EU.
  • Ngày 02/10, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố sẽ kích hoạt điều 50 muộn nhất là cuối tháng 3/2017.
  • Ngay sau kết quả trưng cầu dân ý, hai người Anh đâm đơn kiện lên Cao đẳng Pháp viện Anh (High Court of Justice) đòi kiểm tra thẩm quyền của chính phủ trong việc quyết định kích hoạt điều 50 mà không thông qua Nghị viện.

Phần lớn các nhà bình luận tại Anh cho rằng quyết định vụ kiện này có ý nghĩa lớn và lâu dài, vì nó động chạm đến các vấn đề hiến pháp quan trọng nhất của hệ thống thông luật Anh: giới hạn quyền lực của chính phủ, va chạm quyền lực giữa chính phủ và nghị viện, và va chạm giữa tinh thần dân chủ trực tiếp với tinh thần thượng tôn pháp luật.

Các phiên tòa xử vụ kiện này diễn ra vào các ngày 13, 17 và 18/10 vừa qua. Có tổng cộng 23 luật sư tham gia đại diện cho các bên. Tất cả các luật sư có phần tranh luận chính của cả hai bên đều có danh hiệu QC (Queen’s Counsel – danh hiệu cho luật sư dày dặn kinh nghiệm và danh tiếng trong nghề). Các bản ghi tốc ký nội dung tranh luận cả ba ngày tòa tổng cộng dài 582 trang.

 Lập luận của luật sư bên người dân đi kiện

Luật sư tranh tụng chính, thủ lĩnh của nhóm luật sư phía nguyên đơn là luật sư David Pannick QC, hiệu Bá tước Pannick, một Thượng nghị viên và luật sư tranh tụng danh tiếng.

Pannick bắt đầu bằng việc làm rõ mục đích và giới hạn đơn kiện của bên mình. Mối quan tâm của nguyên đơn không phải là quyết định rời EU khôn ngoan tới đâu về mặt chính trị. Phía nguyên đơn không có ý muốn dùng đơn kiện của họ để ‘ngụy trang’ một nỗ lực ngăn cản việc rời EU.

Mục đích của phía nguyên đơn là yêu cầu tòa xem xét và đưa ra quyết định về hệ quả của việc kích hoạt điều 50.

Việc kích hoạt điều 50 sẽ khởi đầu một quá trình mà sau cùng người dân Anh sẽ mất đi các quyền lợi bắt nguồn từ luật pháp EU, vốn đã được tích hợp vào luật Anh quốc từ năm 1972 khi nước này gia nhập EU. Các quyền này được tích hợp thông qua các đạo luật của Nghị viện Anh.

Nguyên đơn cho rằng, một quá trình có hệ quả như thế phải được thông qua Nghị viện, cơ quan có quyền lực lập pháp cao nhất trong hệ thống dân chủ Anh, dựa trên nguyên tắc chủ quyền tối cao của Nghị viện.

Song song, họ muốn khẳng định là, dựa trên nền tảng hiến pháp ‘bất thành văn’ của hệ thống thông luật (common law) Anh, chính phủ Anh không có thẩm quyền dùng đặc quyền hoàng gia truyền thống để kích hoạt một quá trình mà một hệ quả của nó là người dân mất một số quyền, đặc biệt khi những quyền này được các đạo luật của Nghị viện ban hành. Quyền do Nghị viện ban thì chỉ có Nghị viện mới được bỏ.

Giải thích vai trò của kết quả trưng cầu dân ý hôm 23/6, Pannick nói rõ kết quả này không có giá trị pháp lý bắt buộc (mandatory) mà chỉ mang tính tham vấn (advisory), chiếu theo nội dung đạo luật quy định việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý.

Theo điều 50, chính phủ Anh và EU có thể đàm phán với nhau để ấn định thời điểm chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của hai bên. Thời điểm này phải nằm trong khoảng 2 năm kể từ ngày kích hoạt điều 50, nhưng có thể trễ hơn nếu tất cả các nước EU khác đồng ý.

Pannick đưa ra ba kịch bản có thể xảy ra sau khi chính phủ Anh kích hoạt điều 50:

1. Anh quốc và EU đạt được thỏa thuận quy định một phần hoặc toàn bộ các quyền lợi EU của người dân Anh biến mất trước thời hạn 2 năm kể từ ngày kích hoạt;

2. Anh quốc và EU không đạt được thỏa thuận cụ thể trong việc chấm dứt quyền và nghĩa vụ. Đồng thời, EU không đồng ý kéo dài thời hạn 2 năm. Theo đó, các quyền và nghĩa vụ với EU của Anh tự động chấm dứt khi hết thời hạn 2 năm. Tất cả các quyền lợi EU của người dân Anh đều biến mất kể từ thời điểm này.

3. Anh quốc và EU không đạt được thỏa thuận cụ thể, nhưng EU chấp nhận kéo dài thời hạn 2 năm (một khả năng rất hạn hữu). Nhờ vậy, Anh cùng EU có thể thương lượng tiếp cho đến khi hết thời gian gia hạn. Nếu đạt được thỏa thuận trước khi hết thời gian gia hạn thì kịch bản 1 ở trên thành hiện thực. Nếu không đạt được thỏa thuận thì Anh lại phải xin EU gia hạn thời gian tiếp, nếu không được gia hạn nữa thì kịch bản thứ 2 ở trên sẽ diễn ra.

Pannick nhấn mạnh rằng trong cả ba kịch bản trên, việc kích hoạt điều 50 đều là một quá trình không thể đảo ngược, đã bắt đầu là đi tới luôn, không cho phép việc dừng hay rút lại.

Để thể hiện rõ tính “một đi không trở lại” này, Pannick dùng hai hình ảnh phúng dụ: xúc xắc ngừng lăn sau khi thả, và đạn bay khỏi nòng sau khi bóp cò. Mục tiêu mà ‘viên đạn’ sẽ bắn vỡ chính là các quyền lợi bắt nguồn từ luật EU của người dân Anh.

Một số ví dụ về các quyền lợi mà Pannick nêu bao gồm quyền ứng cử và bầu cử Nghị viện Châu Âu; quyền thỉnh cầu Tòa Công lý châu Âu (European Court of Justice); quyền yêu cầu Ủy ban châu Âu, cơ quan hành pháp của EU, can thiệp để gìn giữ luật cạnh tranh; quyền tự do đi lại khắp EU mà không cần visa; quyền được ít nhất 4 tuần nghỉ phép có lương mỗi năm, và quyền không bị ép làm việc quá 48 tiếng/tuần (Working Time Directive).

Các thẩm phán hỏi, nếu sau khi các quyền này mất đi, Nghị viện Anh lại thông qua các đạo luật mới ban hành lại các quyền này thì sao. Pannick giải thích là ngay cả khi Nghị viện có thể tái tạo các quyền này, chính phủ vẫn không được phép xoá bỏ những quyền đó. Đây đơn giản là vấn đề nguyên tắc: chính phủ không được phép hủy quyền mà Nghị viện ban cho người dân.

Trong một phần tranh luận dài nhưng hùng hồn, mạch lạc, và chi tiết, Pannick trích dẫn và phân tích các án lệ thông luật Anh xác định thẩm quyền lịch sử của hệ thống tòa án độc lập Anh trong việc giám sát khả năng sử dụng đặc quyền hoàng gia của chính phủ.

Một số án lệ Pannick nêu phê phán rằng các đặc quyền hoàng gia là một di sản của quá khứ và về bản chất là việc sử dụng quyền lực một cách tùy tiện, độc đoán.

Phân tích án lệ của Pannick cũng cho thấy các đặc quyền hoàng gia không cho phép chính phủ thay đổi nội dung (bao gồm cả việc hủy bỏ) luật lệ thông luật hay luật thành văn do Nghị viện ban hành.

Pannick công nhận tính linh hoạt (flexible) của hệ thống hiến pháp Anh, nhưng không linh hoạt tới mức lờ đi những nguyên tắc hiến pháp nền tảng, bao gồm nguyên tắc chủ quyền tối cao của Nghị viện, việc kiểm soát lên quyền lực nhà nước và việc sử dụng các đặc quyền hoàng gia.

Lập luận của luật sư bên chính phủ

Người mở màn tranh luận của nhóm luật sư bên chính phủ là Tổng chưởng lý Jeremy Wright QC. Phần tranh luận của ông liền mạch nhưng không hùng hồn và chi tiết bằng Thượng nghị viên Pannick. Phải tới phần tranh luận của người phó bên nhóm luật sư chính phủ là James Eadie QC thì phiên toà mới trở nên sôi động hơn.

Có thể tóm tắt các luận điểm của phe chính phủ như sau:

  • Lập luận về “sự ngầm hiểu mặc nhiên” (necessary implication):

Quan điểm chính sách của chính phủ Anh đã luôn thống nhất ngay từ đầu: trao quyền quyết định có rời EU không cho người dân thông qua trưng cầu dân ý và sau đó thực thi nguyện vọng của người dân.

Nghị viện biết rõ quan điểm đó và đã có nhiều cơ hội dùng công cụ lập pháp để quy định việc kích hoạt điều 50 phải diễn ra như thế nào. Tuy nhiên, Nghị viện đã không dùng những cơ hội đó để hoặc là ngăn chặn chính phủ dùng đặc quyền hoàng gia để kích hoạt điều 50, hoặc là áp đặt rõ ràng là việc kích hoạt điều 50 phải được thông qua Nghị viện.

Thế nên, có một sự ngầm hiểu mặc nhiên ở đây là bản thân Nghị viện không hề có “ý chí lập pháp” là phải kiểm soát việc kích hoạt điều 50. Vậy thì theo truyền thống và lẽ thường, chính phủ Anh có quyền kiểm soát việc kích hoạt này vốn về bản chất là một hoạt động bang giao quốc tế. Chính phủ xưa nay vẫn luôn có đặc quyền thương lượng và ký kết các hiệp ước, hiệp định bang giao quốc tế.

  • Lập luận về “các hệ quả không nhất thiết sẽ xảy ra”:

Phe chính phủ cho rằng, nói việc kích hoạt điều 50 tương đương với việc ‘qua mặt’ Nghị viện hay với việc ‘bắn phát súng’ hủy diệt các quyền lợi của người Anh là nói quá, là tranh luận võ đoán thay vì sát thực.

Thứ nhất, chính phủ đã thống nhất là sẽ chấm dứt hiệu lực của luật pháp EU tại Anh bằng cách thông qua Đạo Luật Bãi Bỏ Lớn (Great Repeal Act) quy định chi tiết các luật, các quyền nào từ hệ thống luật EU mà nước Anh sẽ giữ lại hay bãi bỏ. Đạo luật này chắc chắn sẽ được đưa ra tranh luận tại Nghị viện. Thế nên, không thể bảo là Nghị viện bị qua mặt.

Thứ hai, xét một cách khắt khe nhất, việc kích hoạt điều 50 không thể được xem là việc trực tiếp hủy bỏ quyền lợi người dân. Kích hoạt điều 50 đơn giản là một “lời mời trịnh trọng để bắt đầu màn khiêu vũ” giữa Anh và EU. Kết quả của màn khiêu vũ đó là gì, chưa ai biết, mà chưa ai biết thì không thể bảo như đinh đóng cột là quyền lợi người dân sẽ bị huỷ bỏ.

Thứ ba, số lượng các quyền lợi bắt nguồn từ luật EU sẽ tự động mất hiệu lực do kích hoạt điều 50 không nhiều.

Luật sư Eadie cũng khuyến cáo tòa là không nên, trong các vấn đề luật hiến pháp quan trọng và nhạy cảm này, đưa ra quyết định dựa trên “các giả định phi hiện thực”. Hệ quả “xoá bỏ quyền của người dân” là một giả định như thế.

Phán quyết của Cao đẳng Pháp viện Anh

Trong phán quyết vừa được đưa ra sáng nay, Cao đẳng Pháp viện Anh tuyên rằng, nguyên tắc tối cao chủ quyền của Nghị viện phải được tôn trọng. Chính phủ Anh không thể dùng đặc quyền hoàng gia để đơn phương gửi thông báo cho EU kích hoạt điều 50.

Dựa trên các án lệ trong lịch sử và nội dung luật thành văn của Anh trong các vấn đề liên quan đến EU, Tòa không chấp nhận luận điểm về “sự ngầm hiểu mặc nhiên” (necessary implication) của các luật sư phe chính phủ. Không thể có sự ngầm hiểu là Nghị viện đã nhường toàn quyền quyết định cho chính phủ trong một vấn đề liên quan hệ trọng đến nội dung luật có ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.

Tòa ghi nhận cho dù phe chính phủ đã tranh luận là kích hoạt điều 50 không có hệ quả nghiêm trọng đến mức “hủy diệt” quyền lợi người dân, phe chính phủ trong phần chất vấn của tòa đã phải công nhận với tòa là việc kích hoạt điều 50 có tác động “thay đổi luật nội địa Anh”. Việc dùng đặc quyền hoàng gia trong các vấn đề bang giao quốc tế thông thường nhìn chung không ảnh hưởng đến nội dung luật nội địa Anh, nhưng trong vấn đề Brexit này thì rõ là có sự khác biệt.

Phe chính phủ sẽ làm gì?

Để có thể giải quyết vấn đề Brexit triệt để bằng con đường tòa án, gần như chắc chắn là phe chính phủ sẽ kháng án thẳng lên Tối cao Pháp viện Anh (Supreme Court of Justice). Việc kháng án thẳng này (vượt qua cấp tòa thứ hai là Thượng thẩm Pháp viện (Court of Appeal)) được luật cho phép trong các vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với công chúng.

Bản thân Tối cao Pháp viện Anh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để tổ chức phiên tòa và quyết định vụ việc trước giáng sinh năm nay. Cả 11 vị thẩm phán của Tối cao Pháp viện đã đồng ý sẽ cùng xử vụ này nếu có kháng án.

Bà Theresa May tự làm khó mình?

Nhìn chung, Thủ tướng Anh Theresa May có lựa chọn phương án chấp nhận phán quyết của Cao đẳng Pháp viện Anh và đưa quyết định có kích hoạt điều 50 hay không ra Nghị viện tranh luận và bỏ phiếu (thay vì chấp nhận rủi ro một phán quyết bất lợi khác từ Tối cao Pháp viện).

Khi ấy, để có thể đẩy quyết định kích hoạt điều 50 qua Nghị viện, cần rất nhiều các  hoạt động mánh mung kèn cựa chính trị để đảm bảo đa số các Hạ nghị sĩ bầu cho việc kích hoạt (không đơn giản với đa số các thành viên đảng Lao động đối lập ủng hộ EU và số lượng không nhỏ các thành viên đảng Bảo thủ cũng có cảm tình với EU). Đồng thời quyết định kích hoạt điều 50 cũng phải được Thượng viện thông qua. Không như Hạ viện, Thượng viện ít bị ảnh hưởng bởi ý kiến quần chúng hơn, đồng thời cũng khó mà dễ dàng ngả theo hướng chính phủ.

Nếu phải đi theo con đường đó, bà May và phe ủng hộ Brexit sẽ phải làm rất nhiều để có thể đảm bảo quyết định kích hoạt điều 50 được gửi cho EU đúng hạn chót mà bà đã tự công bố là tháng 3/2017.

Một hệ quả chắc chắn của phán quyết ngày hôm nay là những người thuộc phe ủng hộ Brexit sẽ phàn nàn là hệ thống luật pháp Anh đang bị lợi dụng để ngăn cản việc thực hiện ý chí dân chủ của người dân Anh.

Cuộc va chạm giữa tinh thần dân chủ trực tiếp và tinh thần thượng tôn pháp luật chắc sẽ còn lâu mới có hồi kết.

Nguồn: Luật Khoa Tạp chí

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]