Tác giả: Nguyễn Hải Hoành
Cuối cùng thì cơn khát giải Nobel của cả tỷ người Trung Quốc đã được giải toả khi giải Nobel Văn học năm 2012 được trao cho một đồng bào của họ — nhà văn Mạc Ngôn. Trước đó, hàng năm, mỗi lần đến “Mùa Nobel”, họ đều ngạc nhiên và thất vọng vì chờ đợi mãi mà vẫn chưa thấy công dân Trung Quốc nào được trao giải. Không năm nào dư luận nước này không bình luận, tranh cãi om xòm về chuyện này.
Có thể thông cảm: Trung Quốc có nền văn minh vẻ vang 5000 năm, số dân chiếm một phần 5 nhân loại, cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới… cái gì cũng nhất nhì toàn cầu, chỉ riêng bảng vàng giải Nobel thì trước năm 2012 vẫn vắng bóng trên cả hai lĩnh vực khoa học kỹ thuật và văn học. Họ không thể không bực bội, suy nghĩ, tranh cãi vì sao lại có nghịch lý quái ác như vậy.
Lại nữa, trước năm 2009 đã có tới 10 người Hoa đoạt giải Nobel – đó là Lý Chính Đạo, Dương Chấn Ninh, Đinh Triệu Trung, Lý Viễn Triết, Chu Khang Văn, Thôi Kỳ, Tiền Vĩnh Kiện, Cao Côn; riêng Đạt Lai và Cao Hành Kiện do có vấn đề chính trị nên chưa được Bắc Kinh thừa nhận, nhưng họ đều có quốc tịch nước khác, thậm chí Cao Hành Kiện bỏ Trung Quốc sang Pháp chưa bao lâu đã đường hoàng “ẵm” một giải Nobel văn! Trong khi Hội Nhà văn Trung Quốc ngót chục nghìn hội viên, hàng năm in mấy nghìn đầu tiểu thuyết thì không ai lọt vào danh sách giải Nobel.
Trên báo đài nước này xuất hiện những bài thể hiện tâm trạng phức tạp, chẳng hạn: – Giải Nobel, nỗi đau mãi mãi của Trung Quốc; – Tại sao chúng ta vô duyên với giải Nobel? – Trung Quốc hoàn mỹ chẳng cần giải Nobel; – Thực ra chúng ta quan tâm giải Nobel hơn ai hết; v.v… Một số người oán trách Tiểu ban xét giải Nobel của người Thuỵ Điển thiếu công tâm, chịu ảnh hưởng nặng của giá trị quan phương Tây, chưa hiểu và có thành kiến lệch lạc với Trung Quốc. Nhưng cũng có học giả Trung Quốc nhận xét: 60 năm qua chúng ta chưa có thành tựu khoa học tự nhiên và xã hội nào sánh được với thành tựu của các chủ nhân giải Nobel; chưa nhà văn nào có tác phẩm xứng đáng xếp vào cánh rừng văn học thế giới …
Giải Nobel Văn học quả thật là giải khó xét đoán nhất, vì nó không có các tiêu chuẩn lượng hóa. Hàng năm có hàng trăm người được đề cử xét giải, nhưng kết quả cuối cùng chỉ chọn ra một người, người đó phải được quá nửa số phiếu bầu của 18 vị trong Tiểu ban bình xét thuộc Viện Hàn lâm Thụy Điển. 18 vị này suốt đời chỉ làm một việc đọc tác phẩm và lý lịch của các ứng viên được đề cử. Hầu hết tác phẩm họ phải đọc qua bản dịch; chất lượng bản dịch ra sao có trời mà biết; nhất là dịch từ chữ Hán ra tiếng nước ngoài thì dễ làm tác phẩm bị thay đổi nhiều.
Trong tâm trạng như thế, các nhà văn Trung Quốc chẳng chút hào hứng đón nhận tin bà Herta Muller (trong hình) được trao giải Nobel Văn học 2009. Phản ứng đầu tiên của họ: chưa biết bà này là ai, có tác phẩm nào; ngay cả một số chuyên gia văn học Đức người Trung Quốc cũng nói vậy. Thực ra người Đức rất quen biết Herta Muller, tác giả của 19 tiểu thuyết và được trao nhiều giải thưởng văn học, kể cả các giải nổi tiếng như giải Kleist, Kafka v.v…; người Trung Quốc chưa hề giới thiệu tác phẩm của bà, có lẽ vì các tác phẩm ấy đều chống chế độ Ceausescu – nhân vật từng được coi là người bạn của Bắc Kinh. Nhà nghiên cứu văn học Đức có tên Trương Phóng nhận xét: dưới chế độ độc tài Ceaucescu, hầu như toàn dân nhất trí ca ngợi lãnh tụ vĩ đại, nhưng Muller vẫn viết các tác phẩm như “Vùng đất thấp”, “Điệu tăng-gô đau đớn” kể lại cuộc sống nghẹt thở và giả tạo dưới chế độ độc tài, rất giống tình trạng Trung Quốc thời cách mạng văn hóa. Thí dụ bà viết có người chỉ vì muốn xin được tấm hộ chiếu nhằm rời bỏ Rumani mà phải hối lộ, thậm chí phụ nữ phải bán thân cho quan chức.
Dĩ nhiên Muller bị “đánh”, tác phẩm bị cấm xuất bản, nhưng bà vẫn tiếp tục viết. Ngoài ra, vì Muller kiên quyết phản đối việc một số nhà văn Đông Đức “bán linh hồn”, nhận hợp tác với cảnh sát mật nên có lẽ tác phẩm của bà khó mà được đa số nhà văn Trung Quốc tán đồng. “Sau khi nghiên cứu tác phẩm và thân thế của Muller, tôi cảm thấy rất khó tìm được một nhà văn Trung Quốc nào, kể cả các nhà văn tên tuổi, có cơ hội đoạt giải Nobel. Rất ít nhà văn Trung Quốc không sợ bị “đánh”; ngược lại số người bán linh hồn thì … nhiều hay ít, tự chúng ta biết cả.” – Trương Phóng nói. Lục Kiến Đạo ở Viện Nghiên cứu văn học nước ngoài (thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc) nhận xét: nhà văn Trung Quốc khát khao được giải Nobel, thực tế là mong muốn thế giới thừa nhận vai trò của văn học Trung Quốc. Đây là thể hiện của tâm lý tự ty. Chúng ta chẳng cần quá xúc động vì chuyện ấy. Giải Nobel Văn không phải là tiêu chuẩn uy tín cao, nhiều nhà văn nước ngoài không theo đuổi giải này. Chưa kể việc xét chọn giải Nobel Văn thì mang đậm tính khu vực và thiên kiến rất mạnh, kể cả thành kiến về chính trị; ngoài ra việc dịch tác phẩm văn học là một trở ngại.
Học giả người Hoa Trương Kính Vỹ nhận xét: giải Nobel Văn được chú ý nhất, năm nào các công ty cá cược cũng tổ chức cá độ rất rùm beng. Họ dựa theo mức có nhiều người đọc để xếp hạng; theo đó thì năm nay nhà văn Amos Oz (Israel) và Murakami Haruki (Nhật) có khả năng trúng giải nhất. Nhưng rốt cuộc thì một nhà văn không tên tuổi là Herta Muller lại đoạt giải. Cùng với thời gian, giải Nobel khoa học chẳng sớm thì muộn ắt về tay người Trung Quốc, nhưng xem ra giải Nobel Văn thì còn xa vời. Văn học là Nhân học, giải văn học thể hiện tư tưởng nhân văn, nó khó thoát khỏi màu sắc ý thức hệ và trực tiếp thể hiện sự va chạm giữa các nền văn minh. Tác phẩm văn học vĩ đại thì vượt ngôn ngữ và biên giới, có thể gây ra sự cộng hưởng tư tưởng và cảm giác thẩm mỹ của toàn nhân loại. Cho nên khi các nhà văn Trung Quốc oán trách Tiểu ban bình xét giải Nobel văn áp dụng tiêu chuẩn kép và có thành kiến văn hóa, thì chính ra họ càng phải suy ngẫm xem sáng tác văn học của mình đã có cảm giác sứ mạng và cảm giác trách nhiệm tác động tới toàn cầu hay chưa.
Văn học Trung Quốc đương đại quả thực đang ở vào tình trạng trớ trêu. Thế hệ nhà văn “Văn học thời kỳ mới” không những có ít tác phẩm mà rất nhiều người đã bỏ nghề; như Lưu Tâm Vũ nay đang bận giải thích “Hồng Lâu”, Vương Mông (nguyên Bộ trưởng Văn hoá) lao vào làm văn hóa đại chúng. Thế hệ nhà văn 7x bị coi là “vừa sinh ra đã già lão”. Văn học thế hệ 8x là loại fastfood (món ăn nhanh) vùng vẫy trên mạng Internet, nếu không sao chép thì cũng làm bậy, lên lên xuống xuống. Cho nên nhà Hán học người Đức Kubin không khách sáo nói “văn học đương đại Trung Quốc là rác rưởi’. Sóng gió xung quanh một chữ “sai” của chủ tịch Hội Nhà Văn Thiết Ngưng trở thành chuyện châm biếm lớn nhất văn đàn Trung Quốc (viết sai nét chữ trong một đề từ nhưng lại được Giả Bình Ao bào chữa là không sao cả). Văn đàn đã vắng vẻ, nay lại xuất hiện lời than vãn “Tiểu thuyết chết rồi” … Trong tình thế như vậy còn nhà văn Trung Quốc đương đại nào đạt tiêu chuẩn giải Nobel?
Sứ quán Trung Quốc tại Thụy Điển năm nào cũng được mời dự lễ trao giải Nobel. Một cán bộ sứ quán kể lại: quang cảnh lễ trao giải Nobel cực kỳ trọng thể khiến ông cảm thấy choáng váng và nghĩ rằng Trung Quốc nhất định phải phấn đấu đoạt bằng được giải Nobel, phải bước lên sân khấu lớn này của thế giới. Có điều đầu óc người Trung Quốc vốn hay lên cơn sốt, cái gì cũng nóng vội. Đối với giải Nobel, chúng ta không được căm tức, lo lắng, càng chớ nên ăn nói linh tinh, mà cần trầm lặng suy ngẫm xem dân tộc ta đã thực sự đứng dậy chưa? Nước ta đã thực sự hùng mạnh chưa? Nền văn hóa của ta đã thực sự đại diện cho xu hướng tiến bộ chưa? Mong sao tinh thần giải Nobel có thể đâm rễ nảy mầm trong lòng chúng ta, có như thế Trung Quốc mới thực sự hùng mạnh.
Nguyễn Hải Hoành tổng hợp từ các tư liệu nước ngoài.