Thế giới hôm nay: 11/11/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Chỉ số giá tiêu dùng Mỹ tăng với tốc độ theo năm là 6,2% trong tháng 10, nhanh nhất kể từ năm kết thúc vào tháng 11 năm 1990. Gián đoạn chuỗi cung ứng khiến giá năng lượng, thực phẩm, nhà ở và phương tiện đi lại tăng mạnh. Giá cả đã tăng 0,9% từ tháng 9 đến tháng 10, so với chỉ 0,4% giữa tháng 8 và tháng 9.

Nga đã làm rõ họ đứng về phe nào trong cuộc khủng hoảng biên giới Belarus-Ba Lan bằng cách điều hai máy bay ném bom đến tuần tra không phận Belarus. EU đang xem xét thêm biện pháp trừng phạt đối với Belarus, nước bị cho là đứng sau dòng người di cư đang tràn qua biên giới Ba Lan. Ba Lan cáo buộc tổng thống Nga Vladimir Putin là “chủ mưu,” khiến Nga phẫn nộ và cho rằng EU mới là bên phải chịu trách nhiệm. Trong khi đó, hàng trăm người di cư vẫn đang kẹt ở biên giới dưới trời lạnh giá.

Người phát ngôn của một trong những lực lượng bán quân sự Ấn Độ nói với AFP rằng chính phủ trung ương đã điều hàng nghìn quân bán quân sự đến Kashmir để đối phó các vụ giết người có chủ đích trong những tuần gần đây. Nhà chức trách Ấn Độ nói thủ phạm là phe nổi dậy ủng hộ độc lập và ủng hộ sáp nhập vào Pakistan. Kashmir hiện là một trong những nơi bị quân sự hóa nhiều nhất trên thế giới.

Một tòa án EU đã bác đơn kháng cáo từ Alphabet, công ty mẹ của Google, về khoản tiền phạt 2,4 tỷ euro (2,8 tỷ USD) vì hành vi chống cạnh tranh hồi năm 2017. Google bị kết tội vì ưu tiên dịch vụ so sánh giá của chính mình trong kết quả tìm kiếm. Tin này hoàn toàn không tốt cho công ty, vốn cũng đang kháng cáo hai án phạt khác của EU.

Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi các nước “làm tất cả” để hạn chế nóng lên toàn cầu. Liên Hợp Quốc đã công bố dự thảo thỏa thuận nhằm khai màn đàm phán cho thỏa thuận cuối cùng trước khi COP26 bế mạc vào thứ Sáu. Dự thảo kêu gọi các nước “xem xét lại và củng cố các mục tiêu 2030” vào cuối năm 2022.

Tencent báo cáo lợi nhuận tăng 3% so với cùng kỳ năm trước trong quý ba, một kết quả tốt giữa bối cảnh Trung Quốc siết chặt các công ty công nghệ. Cụ thể, gã khổng lồ chơi game và truyền thông xã hội ghi nhận lợi nhuận 39,5 tỷ nhân dân tệ (6 tỷ USD). Lập trường cứng rắn hơn của Trung Quốc đã khiến công ty mất 127 tỷ USD giá trị thị trường trong năm nay.

Chính phủ Ethiopia bắt giữ 16 nhân viên Liên Hợp Quốc làm việc tại Addis Ababa, thủ đô đất nước, với cáo buộc họ “có hành vi sai trái và tham gia khủng bố”. Những người bị bắt đều được cho là công dân Ethiopia. Đến nay đã có hàng trăm người Tigray bị bắt ở thủ đô kể từ khi chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp, giữa lúc cuộc nội chiến với Tigray trở nên bất lợi cho chính phủ.

Con số trong ngày: 75%, là tỷ lệ giám đốc điều hành có làm việc từ xa muốn quay lại văn phòng ba ngày một tuần hoặc hơn. Trong khi đó chỉ 34% nhân viên cảm thấy như vậy.

TIÊU ĐIỂM

11/11: Ngày lễ mua sắm lớn nhất năm của Trung Quốc

Đối với người mua sắm Trung Quốc, thứ Năm này là ngày vui nhất năm. Đối với nhiều nhà bán lẻ cũng vậy. Ngày Độc thân, một ngày lễ mua sắm không chính thức vào ngày 11 tháng 11 (vì có bốn số 1), sẽ chứng kiến hàng chục tỷ đô la hàng hóa được bán ra chỉ trong vài giờ. Nếu mọi việc diễn ra đúng kế hoạch, doanh số bán hàng trên các nền tảng mua sắm của Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, sẽ vượt con số 78 tỷ đô la của năm ngoái.

Công ty sẽ không gặp trở ngại nào, dù năm qua đặc biệt khó khăn cho họ. Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, đã đặc biệt bị nhắm mục tiêu. Công ty đã bị phạt kỷ lục 2,8 tỷ đô la vào tháng 4 vì vi phạm chống độc quyền. Một số người lo ngại các quy tắc chống độc quyền mới có thể cản trở ngày mua sắm lớn nhất năm. Nhưng chính phủ Trung Quốc muốn người dân tiêu dùng và do đó sẽ không cản trở.

Các nước lớn tiếp tục mặc cả về Afghanistan

Các cuộc họp quốc tế trong tuần này sẽ cố gắng giải quyết thảm họa sắp đến của Afghanistan. Chương trình Lương thực Thế giới, một tổ chức của Liên hợp quốc, đã cảnh báo đất nước có thể trở thành “địa ngục trên Trái đất”, với 23 triệu người “sắp sửa chịu nạn đói.” Cạnh tranh giữa các cuộc họp của các nhóm khác nhau cho thấy, mặc dù đang trên bờ vực thảm họa, Afghanistan vẫn phải phó mặc số phận cho các tính toán địa chính trị.

Hôm thứ Tư, Ấn Độ tiếp đón các nhà ngoại giao từ Iran, Nga và Trung Á. Pakistan, đối thủ của Ấn Độ, và Trung Quốc, đồng minh của Pakistan, đều vắng mặt. Họ sẽ tham dự cuộc họp nặng ký hơn ở Islamabad, thủ đô Pakistan, vào thứ Năm. Bộ trưởng ngoại giao Taliban và đại diện Mỹ trong khu vực cũng sẽ tham dự. Taliban sẽ phải chịu áp lực đa dạng hóa chính phủ của họ, một điều họ khó có thể nhượng bộ. Nếu không có một mô hình lãnh đạo cân bằng hơn, Afghanistan có thể sẽ lại bước vào chiến tranh, qua đó khiến cho tai ương chỉ càng tồi tệ hơn.

Mali ngả về phía Nga

Vào thứ Năm, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov sẽ gặp Abdoulaye Diop, người đồng cấp Mali của ông tại Moscow. Mali được cho là sắp thuê Wagner Group, một công ty lính đánh thuê gây tranh cãi của Nga, để chống lực lượng nổi dậy thánh chiến ở nước họ. Số người chết tại Mali do cuộc xung đột đã tăng từ khoảng 430 người vào năm 2015 lên hơn 2.800 người vào năm ngoái.

Khả năng Nga can dự lần đầu được ghi nhận sau khi Pháp – nước có khoảng 5.000 quân ở Burkina Faso, Mali và Niger để chiến đấu chống thánh chiến – cho biết sẽ đóng cửa một số căn cứ ở miền bắc Mali và cuối cùng là giảm một nửa hoạt động. Song viễn cảnh lính đánh thuê Nga tham chiến đã khiến Pháp tức giận. Mối quan hệ của Pháp với Mali vốn đã tệ đi sau khi quân đội nước này đảo chính lần hai trong vòng 12 tháng hồi tháng 5. Chính quyền quân sự hứa tổ chức bầu cử vào tháng 2 năm sau nhưng đã bỏ mốc thời gian đó vào tuần này. Người Mali vẫn chưa thể yên tâm.

Anh sắp công bố số liệu kinh tế quý ba 

Vào thứ Năm, các nhà kinh tế học sẽ xem xét các dữ liệu quý ba của nền kinh tế Anh. Các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tại Ngân hàng Trung ương Anh dự đoán GDP tăng 1,5% so với quý trước, giảm từ con số 5,5% của quý hai.

Gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đang kìm hãm quá trình phục hồi hậu covid-19. Ngoài ra còn có thái độ thận trọng của người tiêu dùng: niềm tin tiêu dùng giảm trong những tháng gần đây và mức tiết kiệm vẫn cao hơn so với trước đại dịch. Điều này dường như không phải do covid-19; số người nói không lo lắng về virus đã tăng từ hơn 20% hồi đầu năm lên gần 60% vào tháng 10. Hoặc có thể do giá năng lượng tăng cao khiến ngân sách của người tiêu dùng eo hẹp đi.