Thế giới hôm nay: 15/12/2021

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Sau khi hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 bế mạc, chủ tịch hội nghị Alok Sharma đã kêu gọi Trung Quốc và Ấn Độ giải thích quyết định thay đổi lời hứa “loại bỏ” sang “giảm dần” điện than và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả. Cam kết này là một phần của “Hiệp ước Khí hậu Glasgow,” được tất cả 197 bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu đồng ý, theo đó cam kết tăng cường các mục tiêu giảm phát thải cho năm 2030 ngay trong năm sau chứ không phải 2025. Các đại biểu từ rất nhiều bên, bao gồm EU, Thụy Sĩ và nhiều quốc gia nghèo hơn, bày tỏ thất vọng trước thay đổi này.

Janet Yellen nói lạm phát cao nhất ba thập niên qua của Mỹ là hậu quả của đại dịch và do đó giải quyết đại dịch cũng sẽ giải quyết lạm phát. Bộ trưởng Tài chính Mỹ lập luận nếu kiểm soát được đại dịch, giá cả có thể trở lại mức bình thường “vào khoảng nửa cuối năm sau.” Song một số người lo ngại lạm phát có thể kéo dài.

FBI cho biết tin tặc không thể “truy cập hoặc xâm phạm” bất kỳ dữ liệu nào sau khi họ đột nhập vào một trong các máy chủ email bên ngoài của cơ quan tình báo Mỹ và gửi hàng chục nghìn cảnh báo về khả năng có thể xảy ra tấn công mạng. Spamhaus Project, nhóm an ninh mạng đầu tiên phát hiện lỗ hổng, nói các email đã đến được ít nhất 100.000 hộp thư nhưng không đính kèm phần mềm độc hại nào.

Thăm dò ý kiến hậu bầu cử quốc hội lần ba của Bulgaria trong năm nay cho thấy một kết quả sít sao. GERB, đảng của cựu thủ tướng Boyko Borissov, đạt số phiếu gần ngang với “Chúng Tôi Tiếp tục Thay đổi,” một đảng mới về cơ bản là chống GERB. Kết quả của cuộc bầu cử tổng thống, được tổ chức đồng thời, cũng sít sao.

Seif al-Islam Qaddafi, con trai nhà cựu độc tài Muammar Qaddafi của Libya, đã đăng ký tham gia cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên của đất nước vào tháng 12. Sau khi cuộc nổi dậy do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn lật đổ cha ông vào năm 2011, Qaddafi con bị bắt giữ suốt nhiều năm bởi một lực lượng dân quân. Ông hiện đang sống trong tình trạng bán tự do, nhưng vẫn bị Tòa án Hình sự Quốc tế truy nã vì tội ác chống lại loài người.

Khi Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình chuẩn bị họp online vào thứ Hai, các bộ trưởng ngoại giao của Mỹ và Trung Quốc đã trao đổi những lời lẽ thận trọng về Đài Loan. Antony Blinken “bày tỏ quan ngại” về sức ép quân sự, ngoại giao và kinh tế mà Trung Quốc đang tạo ra cho hòn đảo này, trong khi Vương Nghị cảnh báo việc Mỹ ủng hộ nền độc lập của Đài Loan đe dọa hòa bình và “sẽ chỉ boomerang” (ám chỉ gậy ông đập lưng ông).

Al Jazeera, một tổ chức tin tức Qatar, hôm Chủ nhật cho biết lực lượng an ninh đã bắt giữ người đứng đầu văn phòng Sudan của họ trong một cuộc đột kích vào nhà của ông. Vào thứ Bảy, hàng nghìn người Sudan xuống đường trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính trên khắp đất nước. Theo các nhà hoạt động, lực lượng an ninh Sudan đã đáp trả bằng hơi cay và đạn thật, giết chết ít nhất sáu người.

Con số trong ngày: 10%, là tỷ lệ người dân ở châu Phi cận Sahara được tiêm một liều covid-19 vào ngày 12 tháng 11.

TIÊU ĐIỂM

Thượng đỉnh trực tuyến Mỹ-Trung

Thứ Hai này, Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ gặp nhau lần đầu kể từ khi ông Biden lên nắm quyền, qua video. Quan hệ Mỹ-Trung đang ở mức thấp nhất trong những ngày đầu của nhiệm kỳ Biden. Hai bên liên tiếp trừng phạt nhau. Các phái viên liên tiếp xung đột nhau mà không có bất kỳ dấu hiệu hợp tác nào về những thách thức quan trọng như an ninh hạt nhân. Song gần đây có một vài dấu hiệu tích cực, bao gồm một tuyên bố chung về biến đổi khí hậu tại hội nghị thượng đỉnh LHQ ở Glasgow.

Các quan chức Nhà Trắng đã cho thấy sẽ không có nhiều thông báo lớn từ hội nghị thượng đỉnh trực tuyến. Ông Biden chủ yếu muốn nhấn mạnh cần phải giữ cho bất đồng không vượt quá tầm kiểm soát thành xung đột mở. Ông đã muốn đích thân truyền đạt thông điệp đó, nhưng ông Tập lại không rời Trung Quốc kể từ đầu đại dịch. Dù sao thì gọi Zoom vẫn tốt hơn chỉ gọi điện thoại.

Người Cuba biểu tình rộng khắp

Mặc áo sơ mi trắng, không đeo ba lô hay túi xách, nắm tay nhau tạo thành chuỗi người và ghi hình càng nhiều càng tốt. Đây là một số lời khuyên mà các nhà hoạt động Cuba chia sẻ trước cuộc tuần hành toàn quốc vào thứ Hai nhằm thúc đẩy tự do và thay đổi dân sự. Nó được tổ chức bởi Archipiélago, một nhóm dân chủ được thành lập trực tuyến trong vòng vài tuần của biểu tình hồi 11 tháng 7. Vào hôm đó, hàng nghìn người Cuba đã xuống đường phản đối chế độ đàn áp của họ, trong một trong những cuộc biểu tình lớn nhất từ trước đến nay trên đảo kể từ năm 1959. Hàng trăm người bị bắt và nhiều người bị bỏ tù hoặc mất tích.

Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đã chỉ trích cuộc tuần hành là “một phần trong chiến lược của chủ nghĩa đế quốc nhằm tiêu diệt cách mạng.” Chế độ đã cảnh báo mọi người phải ở nhà. Kết nối internet của các nhà hoạt động bị cắt và chính quyền bắt đầu bắt giữ tràn lan. Họ thậm chí triển khai lực lượng vũ trang. Rõ ràng là chế độ lo người dân Cuba không còn sợ họ nữa.

Căng thẳng leo thang ở Bosnia & Herzegovina khi người Serb muốn li khai

Bosnia & Herzegovina là chủ đề thảo luận khi các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU họp vào thứ Hai. Cần có những quyết định cứng rắn, nhưng có lẽ không thực hiện được. Milorad Dodik, thủ lĩnh người Serb ở Bosnia, muốn tách Republika Srpska, nơi có đa số người Serb, ra khỏi hầu hết các cơ quan nhà nước, bao gồm cả quân đội. Nói cách khác là ly khai.

Nếu ông làm vậy, 600 binh sĩ EU đóng tại nước này sẽ không thể ngăn chặn bất kỳ cuộc đụng độ nào có thể nổ ra. Không như năm 1992, thời điểm cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài 3 năm giữa các nhóm sắc tộc ở Bosnia nổ ra, lần này người Bosniak (người Hồi giáo Bosnia) cũng sẵn sàng đổ máu không kém người Serb và người Croatia. Các lực lượng cảnh sát khác nhau của đất nước có thể trong một chớp mắt trở thành lực lượng quân sự. EU có thể gửi một thông điệp mạnh mẽ tới những kẻ hiếu chiến bằng cách đưa quân tiếp viện và đặt quân đội Mỹ cũng như NATO gần đó vào tình trạng báo động. Họ cũng sẽ cảnh báo Nga, nước ủng hộ ông Dodik, rằng phương Tây muốn gìn giữ hòa bình ở Balkan.