Thế giới hôm nay: 16/11/2021

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

EU đồng ý tăng trừng phạt lên Belarus vì cuộc khủng hoảng người di cư tại biên giới của nước này với Latvia, Litva và Ba Lan, nơi hàng nghìn người từ Trung Đông đang mắc kẹt. Các biện pháp trừng phạt nhắm vào khoảng 30 hãng hàng không, đại lý du lịch và cá nhân, bao gồm Belavia, hãng hàng không quốc doanh của Belarus. Trong khi đó Iraq cho biết sẽ hồi hương bất kỳ công dân nào ở Belarus muốn trở về vào thứ Năm.

Hàng triệu nhân viên văn phòng ở Delhi được yêu cầu làm việc tại nhà vì ô nhiễm không khí ở mức nguy hiểm. Tòa án tối cao Ấn Độ đã kêu gọi chính quyền thành phố đóng cửa văn phòng — sau khi trường học và công trường bị buộc đóng cửa hồi thứ Bảy. Theo một chỉ số về chất lượng không khí, ô nhiễm ở Delhi tồi tệ đến mức có thể gây ra các bệnh đường hô hấp.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Christine Lagarde nói việc thắt chặt chính sách tiền tệ hiện nay có thể gây hại cho quá trình phục hồi kinh tế của khu vực đồng euro. Lạm phát tiếp diễn — hơn gấp đôi mục tiêu 2% của ECB — đặt áp lực tăng lãi suất lên ngân hàng. Bà Lagarde cho biết làm vậy “gây hại nhiều hơn lợi.”

Nhà chức trách Cuba đã cấm các nhân vật tổ chức biểu tình dân chủ rời khỏi nhà riêng vào thứ Hai. Yunior García, người sáng lập nhóm trực tuyến Archipiélago vốn kêu gọi biểu tình trên khắp hòn đảo chống lại chế độ cai trị, là một trong những nhà hoạt động bị quản thúc tại gia. Các nhà chức trách cũng rút phép của năm phóng viên Tây Ban Nha đưa tin biểu tình, trước khi khôi phục cho hai người trong số họ.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ tranh cử một ghế thượng viện trong cuộc bầu cử năm tới, chấm dứt suy đoán ông sẽ tranh cử với con gái Sara Duterte trong cuộc đua phó tổng thống. Ông Duterte từng hứa rời chính trường khi hết nhiệm kỳ. Song một số người coi động thái mới nhất của ông là nhằm duy trì ảnh hưởng cá nhân, qua đó bảo vệ ông khỏi cuộc điều tra của Tòa án Hình sự Quốc tế.

Royal Dutch Shell thông báo bỏ cơ cấu niêm yết kép, đồng thời chuyển địa chỉ đăng ký thuế và trụ sở chính từ Hà Lan sang Anh. Trước đó hãng đầu tư chủ động Third Point đã mua cổ phần của công ty vào tháng trước với nỗ lực tách công ty ra làm nhiều mảng. Vào tháng 5, một tòa án Hà Lan đã yêu cầu Shell tăng tốc độ cắt giảm khí thải.

Danny Fenster, nhà báo Mỹ bị kết án 11 năm tù ở Myanmar vào tuần trước, đã được trả tự do, theo một cựu quan chức ngoại giao Mỹ. Ông Fenster là tổng biên tập của Frontier Myanmar, một hãng tin độc lập. Vì hoạt động báo chí này, ông bị kết tội tụ tập bất hợp pháp, vi phạm luật nhập cư và thúc đẩy bất đồng chính kiến ​​chống chính quyền quân sự.

Con số trong ngày: 4%, là tỷ lệ trợ tử trên tổng số người qua đời ở Hà Lan. Khi ngày càng có nhiều nước tự do hóa trợ tử, con số này sẽ còn tăng hơn nữa trên toàn cầu.

TIÊU ĐIỂM

Vòng tranh luận cuối phiên tòa xử Aung San Suu Kyi

Vào thứ Ba, các luật sư của Aung San Suu Kyi sẽ tranh luận lần cuối trong phiên tòa xét xử bà, theo AFP. Chính quyền quân sự năm ngoái buộc tội bà Aung San Suu Kyi, cho đến thời điểm trước đảo chính là nhà lãnh đạo trên thực tế của Myanmar, 11 tội danh, trong đó có tội tham nhũng và sở hữu máy bộ đàm không giấy phép. Phiên tòa kéo dài nhiều tháng qua, dù kết quả hoàn toàn có thể đoán trước.

Các tướng nói đảo chính là cần thiết vì đảng chính trị của bà Suu Kyi đã gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái. Các nhà quan sát độc lập nói cuộc bầu cử mà đảng của bà thắng lớn nhìn chung tự do và công bằng. Chính quyền đã hứa sẽ tổ chức bầu cử lại vào năm 2023. Bà Suu Kyi có thể sẽ bị quản thúc tại gia trong thời gian dài như các đồng minh của bà. Trước đó hai nhân vật thuộc đảng chính trị của bà đã bị kết án 75 và 90 năm tù vì tội tham nhũng vào tuần trước.

Xét xử vụ kiện chống quy định tiêm vắc-xin của Biden

Thứ Ba này một quả bóng may rủi sẽ quyết định số phận lệnh tiêm vắc-xin của Tổng thống Joe Biden. Quy định này, dự kiến có hiệu lực từ ngày 4 tháng 1, buộc các công ty với hơn 99 nhân công phải yêu cầu người của họ đi tiêm hoặc nộp kết quả xét nghiệm hàng tuần.

Tòa án Phúc thẩm số 5 đã tạm thời chặn lệnh này, viện dẫn “các vấn đề nghiêm trọng về luật pháp và hiến pháp.” Nhưng một loạt các vụ kiện tương tự trên khắp đất nước đang kích hoạt một trò chơi may rủi hiếm có. Vào năm 1988, Quốc hội đã quyết định các vụ kiện chống một quy định liên bang từ nhiều khu vực phải được hợp nhất và cùng trình lên một tòa án khu vực thông qua quay số ngẫu nhiên. Do đó, quy định khó có thể được thông qua nếu kết quả cho thấy Tòa Phúc thẩm số 5, một tòa rất bảo thủ, được chọn. Tương tự như vậy đối với Tòa Phúc thẩm số 11. Nhưng nếu tòa số 2 hoặc số 9 vốn có khuynh hướng tự do hơn được chọn, lệnh của ông Biden sẽ được thông qua.

Ấn Độ bắt đầu cấp lại thị thực cho khách du lịch nước ngoài

Khẩu hiệu du lịch cũ của chính phủ, “Incredible India” (“Ấn Độ Đáng kinh ngạc”), mang trong mình đến hai nghĩa. Với nhiều di tích và danh lam thắng cảnh, thật khó tin được con số khách nước ngoài cực thấp chọn đến thăm nước này. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ 21, Ấn Độ chỉ thu hút được 5-6 triệu du khách một năm, so với 50-60 triệu của Trung Quốc. Dù vậy, bất chấp các vấn đề bạo lực và ô nhiễm, con số này đã tăng gấp đôi trong mười năm qua, đạt gần 11 triệu trong năm 2019.

Và rồi Covid-19 xuất hiện. Hồi tháng Ba, một năm sau khi cấm mọi du khách, Ấn Độ trải qua một làn sóng biến thể Delta vô cùng nặng nề mà nhiều người lo ngại sẽ làm các du khách tiềm năng lo ngại. Phải đến thứ Hai này Ấn Độ mới bắt đầu cấp lại thị thực du lịch.

Muốn xây dựng lại phải có những cách tiếp cận độc đáo. Du lịch y tế – đặc biệt là điều trị ung thư – có sức hấp dẫn lớn, nhất là từ các nước láng giềng. Một sân bay quốc tế mới vừa được khánh thành ở Kushinagar – nơi Đức Phật nhập niết bàn – như một lời mời gọi đến những người hành hương Đông Á. Tuy nhiên, trong khi đại dịch làm giảm lượng khách quốc tế thì nó đã thúc đẩy du lịch nội địa.