Thế giới hôm nay: 19/11/2021

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Belarus đã dọn sạch các trại của người di cư ở biên giới với Ba Lan. Người di cư vốn được đưa đến đây để gây áp lực lên EU. Tổng thống Alexander Lukashenko trước đó đã đề nghị với khối một kế hoạch theo đó EU tiếp nhận 2.000 người di cư, chủ yếu từ Iraq, trong khi Belarus đưa 5.000 người về nước. EU chưa đưa ra phản hồi chính thức.

Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba đã không đạt được mục tiêu về doanh thu và lợi nhuận dự kiến cho quý 3, trong bối cảnh các quy định mới của Đảng Cộng sản và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại gây khó khăn cho hãng. Doanh thu chỉ tăng 29% so với cùng kỳ năm trước, chậm nhất trong sáu quý qua. Công ty đã cắt giảm triển vọng cho cả năm tài chính sau các kết quả đáng thất vọng này.

Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ giảm lãi suất cơ bản một điểm phần trăm xuống còn 15%, khiến đồng lira giảm mạnh xuống mức thấp kỷ lục mới. Đây là lần thứ ba thống đốc Sahap Kavcioglu cắt giảm lãi suất kể từ tháng 9, chắc chắn là theo lệnh của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Trái ngược với kiến thức kinh tế thông thường và giới chuyên gia, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng cắt giảm lãi suất sẽ kiềm chế lạm phát.

AstraZeneca cho biết loại thuốc kháng covid-19 mới của họ hiệu quả 88% trong việc làm giảm nguy cơ các triệu chứng trung bình nhẹ phát nặng. Hãng cũng cho biết một nghiên cứu với một liều lượng khác cho thấy thuốc hiệu quả 83% trong việc làm giảm nguy cơ phát triển covid-19 có triệu chứng trong ít nhất sáu tháng. Thuốc này dành cho những người mà vắc-xin kém hiệu quả hơn, chẳng hạn như những người đang sử dụng thuốc làm ức chế miễn dịch.

Người lao động nhập cư tay nghề thấp trong một số ngành ở Nhật Bản sẽ được phép đăng ký ở lại nước này vô thời hạn cùng gia đình của họ, bắt đầu từ năm 2022. Nước này từ trước đến nay rất miễn cưỡng với nhập cư dù bản thân họ đang thiếu lao động trẻ. Người lao động trong 14 lĩnh vực, bao gồm nông nghiệp và điều dưỡng, trước đây được phép ở lại đến 5 năm không đi kèm gia đình.

Paytm, công ty thanh toán kỹ thuật số hàng đầu của Ấn Độ, đã có một màn ra mắt thị trường ảm đạm. Cổ phiếu của họ giảm 26% chỉ vài phút sau khi công bố cuộc IPO lớn nhất từ ​​trước đến nay của Ấn Độ, với định giá 20 tỷ đô la, mặc dù chưa từng có lợi nhuận. Một số nhà phân tích coi đây là một trường hợp ngược lại xu hướng lên sàn kỉ lục gần đây.

Reuters cho biết Mỹ đã yêu cầu các nhà nhập khẩu dầu thô lớn, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, mở kho dự trữ của họ và giúp kiềm chế giá năng lượng tăng vọt. Tổng thống Joe Biden cũng chỉ đạo Ủy ban Thương mại Liên bang, một cơ quan bảo vệ người tiêu dùng, điều tra xem liệu các công ty dầu khí có đang cố tình giữ giá cao bất hợp pháp hay không, với lý do “có bằng chứng về hành vi phản người tiêu dùng.”

Con số trong ngày: 75%, là số người nói rằng Pháp đang “đi xuống” trong một cuộc thăm dò gần đây.

TIÊU ĐIỂM

Nhật Bản sắp công bố gói kích thích

Chính phủ mới của Nhật Bản sẽ công bố một gói kích thích kinh tế lớn vào thứ Sáu. Với động thái này, họ kỳ vọng có thể khởi động lại cỗ máy kinh tế đã bị đại dịch làm cho đình trệ. GDP giảm 3% tính theo năm trong quý ba, trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và làn sóng covid-19 hồi mùa hè. Gói mới dự kiến trị giá hơn 40 nghìn tỷ yên (350 tỷ USD) và bao gồm hỗ trợ cho ngành công nghiệp chip, nghiên cứu tại các trường đại học, sản xuất vắc-xin và công nghệ pin.

Phần lớn gói sẽ đến tay các hộ gia đình và doanh nghiệp đang gặp khó khăn, bao gồm khoản tiền mặt phát trực tiếp 100.000 yên/trẻ em cho các gia đình và tăng lương cho nhân viên chăm sóc và y tá. Song có thể chỉ vô ích — khoảng 70% của gói kích thích trước đây được đưa vào tiết kiệm thay vì chi tiêu. Do đó kết quả cuối cùng có thể ít hơn nhiều số tiền đưa ra ban đầu, như mọi khi ở Nhật. Để chi trả cho gói này, chính phủ sẽ lấy một phần từ khoản tiền chưa sử dụng của ngân sách năm ngoái.

Chile chuẩn bị tổng tuyển cử

Người Chile có một cuộc bầu cử quan trọng vào Chủ nhật này. Trong vòng đầu tiên của cuộc tổng tuyển cử, họ phải chọn một trong bảy ứng viên tổng thống, một nửa Thượng viện, toàn bộ hạ viện cũng như các ủy viên hội đồng khu vực. Các ứng viên tổng thống dẫn đầu là Gabriel Boric, một cựu lãnh đạo sinh viên liên minh với Đảng Cộng sản, và José Antonio Kast, một nhà dân túy cực hữu. Nếu cả hai đều không đạt đa số, vòng hai sẽ được tổ chức vào ngày 19 tháng 12.

Hai ông Boric và Kast đại diện cho tầm nhìn cạnh tranh về tương lai của Chile. Cả hai đều xuất phát từ phong trào yêu cầu bình đẳng xã hội và dịch vụ công tốt hơn nổi lên từ cuộc nổi dậy lớn tháng 10 năm 2019. Ông Boric muốn chính sách thuế và công nghiệp như châu Âu để khuyến khích tăng trưởng xanh. Còn ông Kast thúc đẩy một chương trình nghị sự luật pháp và trật tự. Các cuộc biểu tình 2019 đã bị dập tắt với lời hứa viết lại hiến pháp, sẽ diễn ra trong nhiệm kỳ của người chiến thắng. Nhưng thử nghiệm dân chủ đó đã không ngăn được chính trị Chile bị phân cực thêm, như cuộc bầu cử Chủ nhật tới cho thấy.

Anh thử nghiệm mô hình kinh tế “cảng tự do”

Từ thứ Sáu Anh bắt tay vào một thử nghiệm chính sách mới: “Freeports” (cảng tự do) ở sông Thames, Teesside và Humber. Các khu vực này – về mặt pháp lý là các khu vực ngoại quan – mang lại các khoản giảm thuế hào phóng cho các nhà đầu tư mới, trị giá từ 15-25% chi phí thiết lập tùy thuộc vào loại hình đầu tư, theo Lewis Atter của hãng kế toán KPMG.

Những người phản đối nói các nỗ lực giảm thuế trước đây để thúc đẩy đầu tư vào những nơi đang khó khăn đều thất bại, và việc cắt giảm thuế ở một địa điểm sẽ khuyến khích các công ty rời bỏ những nơi khác. Trong khi đó phe ủng hộ nói “freeports” giúp đơn giản hóa thủ tục hải quan, và rằng chuyển các doanh nghiệp từ nơi giàu sang nơi nghèo hơn có thể không quá tệ. Thêm vào đó, có những hạn chế cụ thể về địa điểm đối với những lĩnh vực được nhận lợi ích thuế, với những ngành được ưu đãi bao gồm, ví dụ, sản xuất năng lượng carbon thấp ở Teesside. Không điều gì trong số đó xoa dịu được những người lo ngại “freeports” sẽ chỉ giúp các nhà đầu tư trốn thuế.

Tình hình Đảng Cộng hòa Pháp trước thềm bầu cử tổng thống

Thế giới trung hữu của Pháp bị kẹp giữa một bên là Tổng thống Emmanuel Macron và một bên là những người chống nhập cư ồn ào. Năm ứng viên muốn ra đại diện cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 4  tới đều đang chật vật ghi dấu ấn của mình. Họ kỳ vọng sẽ nổi bật hơn trong cuộc tranh luận thứ ba trên truyền hình vào Chủ nhật này hơn hai lần trước.

Ba người dẫn đầu là: Michel Barnier, cựu nhà đàm phán Brexit của EU; Xavier Bertrand, người đứng đầu vùng Hauts-de-France; và Valérie Pécresse, người đứng đầu khu vực xung quanh Paris. Bộ ba này gần gũi với ông Macron về chính sách kinh tế nhưng khác biệt về nhập cư. Các cuộc thăm dò cho thấy ông Bertrand sẽ có kết quả tốt nhất vào tháng 4 tới. Nhưng chỉ các đảng viên, những người có xu hướng hữu khuynh hơn cử tri, mới là người bầu chọn ứng viên. Do đó, ông Barnier đang áp dụng lập trường cứng rắn về vấn đề nhập cư dù bảo vệ quyền tự do đi lại trong EU.