04/12/1917: Báo cáo về hiện tượng “sốc đạn pháo”

Nguồn: Psychiatrist reports on the phenomenon of shell shock, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1917, trước hội đồng Đại học Y khoa Hoàng gia Anh, bác sĩ tâm thần nổi tiếng W.H. Rivers đã trình bày bản báo cáo The Repression of War Experience (Sự tàn phá của Trải nghiệm Chiến tranh), dựa trên nghiên cứu của ông tại Bệnh viện Chiến tranh Craiglockhart dành cho các sĩ quan bị suy nhược thần kinh. Craiglockhart, tọa lạc gần Edinburgh, là một trong những bệnh viện nổi tiếng nhất chuyên chữa trị cho những người lính bị chấn thương tâm lý do hậu quả của từ quá trình phục vụ trên chiến trường.

Đến cuối Thế chiến I, quân đội đã ghi nhận hơn 80.000 trường hợp shell shock (sốc đạn pháo), một thuật ngữ được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1917 bởi một sĩ quan quân y tên là Charles Myers để mô tả những tổn thương thể chất mà lính tiền tuyến phải chịu đựng sau các đợt bắn phá nặng nề. Tuy nhiên, các triệu chứng khác nhau của sốc đạn pháo – gồm suy nhược tâm lý, thường xuyên gặp ác mộng, và nhiều suy kiệt thể chất từ tiêu chảy đến mất thị lực – đã xuất hiện ngay cả ở những người lính chưa bao giờ trực tiếp bị trúng đạn, và ý nghĩa của thuật ngữ này đã được mở rộng, không chỉ bao gồm các tác động về thể chất mà còn tác động về tâm lý gây nên bởi trải nghiệm nơi chiến trường.

Nhiệm vụ quan trọng nhất của những bác sĩ như Rivers, theo chỉ thị của Quân đội Hoàng gia, là giúp cho những người lính chiến khỏe mạnh và sẵn sàng trở lại chiến đấu. Tuy nhiên, chỉ 1/5 số binh sĩ từng được điều trị tại bệnh viện vì sốc đạn pháo tiếp tục quay lại thực hiện nghĩa vụ quân sự. Danh sách bệnh nhân của Rivers gồm các nhà thơ Siegfried Sassoon và Wilfred Owen, người sau này đã sáng tác về những người bạn của mình ở Craiglockhart:

Họ là những người đàn ông mà tâm trí đã bị Thần Chết chiếm đoạt

Ký ức luồn ngón tay vào tóc họ mà nhắc nhớ về những vụ giết người

Hàng loạt những vụ giết người họ từng chứng kiến.