Tại sao Giáo hội Chính thống giáo của Ukraine và Nga chia rẽ?

Nguồn:Why did the Russian and Ukrainian Orthodox churches split?”, The Economist, 06/01/2022.

Biên dịch: Trần Hùng

Vào ngày 7 tháng Giêng, những người theo Chính thống giáo ở Nga và Ukraine, cùng những nơi khác, đã tổ chức mừng lễ Giáng sinh. Hầu hết các nhánh của Chính thống giáo đều tiếp tục sử dụng lịch Julian, tiền thân của lịch Gregory hiện được sử dụng ở hầu hết các nước,[1] vốn xác định lễ Giáng sinh rơi vào ngày 25 tháng 12. Trong những năm gần đây, trước các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, việc tổ chức ngày lễ này đã có thêm một ý nghĩa mới. Trong nhiều thập niên, chi nhánh Chính thống giáo trực thuộc Nga là chi nhánh duy nhất ở Ukraine được các nhà lãnh đạo Chính thống giáo công nhận. Nhưng vào ngày 5 tháng 1 năm 2019, Giáo hội Chính thống giáo Ukraine (the Orthodox Church of Ukraine), một giáo hội riêng biệt không có quan hệ với Nga, đã được người đứng đầu Giáo hội Chính thống giáo ở Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ) cấp quy chế tự quản. Điều gì đã gây ra sự chia rẽ này và nó ảnh hưởng như thế nào đến căng thẳng giữa hai nước hiện nay?

Rất ít người ở các quốc gia Cơ đốc giáo chính thống là những người đi nhà thờ. Chỉ khoảng 12% dân số ở Ukraine và 6% ở Nga đi dự lễ nhà thờ thường xuyên, theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, một viện nghiên cứu và thăm dò ý kiến. Nhưng một tỷ lệ cao hơn nhiều, 78% người Ukraine và 71% người Nga, coi họ là người theo Cơ đốc giáo Chính thống. Tôn giáo gắn liền với bản sắc dân tộc: 51% người Ukraine nói rằng theo Chính thống giáo là một tiêu chí quan trọng để một người được coi là người Ukraine thực sự, và 57% người Nga cũng nói như vậy. Lịch sử Cơ đốc giáo ở hai nước đã gắn bó chặt chẽ với nhau từ lâu đời. Cơ đốc giáo vào thế kỷ thứ chín đã được truyền bá vào Kievan Rus, một quốc gia bao trùm Belarus, Ukraine và miền tây nước Nga ngày nay. Các nhà lãnh đạo Nga, bao gồm cả Vladimir Putin, đã viện vào nguồn gốc chung của cả ba quốc gia trong thời kỳ này nhằm biện minh cho quyền bá chủ của Nga trong khu vực. Khi ranh giới quốc gia thay đổi, nguồn gốc chung của các giáo hội Nga và Ukraine đã gắn bó họ với nhau. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, vốn về mặt chính thức theo chủ nghĩa vô thần, giáo hội ở Ukraine vẫn là một nhánh của giáo hội Chính thống giáo của Nga.

Không có gì bất thường khi giáo hội có liên hệ với Nga này không phải là giáo hội Chính thống giáo duy nhất ở Ukraine. Một giáo hội thứ hai, được thành lập sau Cách mạng Nga, chủ yếu dành cho những người Ukraine lưu vong, đã quay về Ukraine sau khi nước này độc lập. Và vào năm 1992, một giáo hội thứ ba, Giáo hội Chính thống giáo Ukraine, đã được thành lập như một giáo hội quốc gia độc lập. Sự chia rẽ giữa các giáo hội này với giáo hội có liên hệ với Nga đã phản ánh căng thẳng ở Ukraine, giữa một bên là bản sắc độc lập gắn với châu Âu và một bên là ảnh hưởng của Nga. Giáo hội liên kết với Nga, nơi tuyên bố có hơn 11.000 giáo xứ, là giáo hội chiếm ưu thế, đặc biệt là ở miền đông Ukraine, nơi tiếp giáp với Nga và có nhiều người nói tiếng Nga. Hai giáo hội còn lại có khoảng 5.500 giáo xứ, trong đó có nhiều giáo xứ nằm ở phía tây đất nước.

Việc Nga sáp nhập Crimea, một tỉnh của Ukraine, hồi năm 2014 đã làm gia tăng thái độ cứng rắn đối với Giáo hội Chính thống giáo Nga. Tại Ukraine, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy sự ủng hộ dành cho nhà lãnh đạo của giáo hội này, Thượng phụ Kirill, đã giảm mạnh từ 40% dân số năm 2013 xuống còn 15% vào năm 2018. Các tín đồ Chính thống giáo đã rời bỏ giáo hội liên kết với Nga để chuyển sang các giáo hội độc lập. Vào năm 2018, Petro Poroshenko, khi đó là tổng thống của Ukraine, đã yêu cầu nhà lãnh đạo của Giáo hội Chính thống giáo, Thượng phụ Bartholomew tại Constantinople, trao cho giáo hội Ukraine quy chế tự quản. Thượng phụ Bartholomew sau đó đã nói với Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, một viện nghiên cứu chính sách, rằng ông đã bảy lần từ chối các yêu cầu như vậy từ các giáo hội độc lập của Ukraine, nhưng lời kêu gọi từ vị tổng thống và quốc hội Ukraine đã thuyết phục được ông. Sau khi Giáo hội Chính thống giáo Ukraine nhận được văn bản xác nhận địa vị tự quản, ít nhất 500 giáo xứ trước đây thuộc giáo hội thân Nga đã được chuyển sang quyền quản lý của Giáo hội Chính thống giáo Ukraine. GIáo hội này được công nhận trên phạm vi quốc tế bởi nhiều giáo hội Chính thống giáo và các nhóm tín ngưỡng khác. Nhưng Nga đã từ chối công nhận giáo hội này. Nga cũng đã cắt đứt quan hệ với Giáo hội Constantinople sau quyết định cấp quyền tự quản cho Giáo hội Chính thống giáo Ukraine. Những giáo hội nào sau đó công nhận giáo hội của Ukraine cũng gặp phải sự đối xử tương tự từ Moscow.

Ở Nga, sự chia rẽ vẫn còn dai dẳng. Vladimir Putin, tổng thống của nước này, đã nói rằng việc cấp quy chế tự quản nói trên là nhằm mục đích “chia rẽ dân tộc Nga và Ukraine”. Hồi tháng 7 năm ngoái, vài tháng trước khi gửi 100.000 quân tới biên giới Ukraine, Putin tuyên bố rằng “sự đoàn kết tinh thần” giữa hai nước đang bị tấn công. Những người ủng hộ giáo hội Nga, vốn vẫn đang kiểm soát hàng nghìn giáo xứ ở Ukraine, đã tuần hành ở Kiev trong tháng đó. Nhưng bất chấp tất cả những ồn ào này, quyền tự trị của Giáo hội Ukraine gần như chắc chắn là không thể đảo ngược, và sẽ càng đẩy nhanh cuộc “ly hôn văn hóa” của Ukraine khỏi Nga. Tháng trước, trong một dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ ngày càng gia tăng giữa hai bên, Giáo hội Chính thống giáo Ukraine đã đề xuất chuyển ngày mừng lễ Giáng sinh (từ ngày 7 tháng Giêng) sang ngày 25 tháng 12.

—————

[1] Tên lịch Gregory được đặt theo tên Giáo hoàng Gregory XIII, vốn đưa ra cải cách về lịch vào năm 1582.

Công giáo và Chính thống giáo khác nhau ra sao?