Thế lưỡng nan của Thổ Nhĩ Kỳ trong vấn đề Ukraine

Nguồn: “Türkei und Russland: Erdogans Ukraine-Dilemma”, WELT, 29/01/2022.

Lược dịch: Nguyễn Xuân Hoài

Trong vấn đề Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ đứng về phía NATO. Thổ cảnh báo về nguy cơ một cuộc xâm lược của Nga, cung cấp vũ khí cho Kiev và kiểm soát lối vào duy nhất tới Biển Đen. Nhưng nếu xảy ra chiến tranh, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ rơi vào tình thế khó xử. Moscow có trong tay những đòn bẩy mạnh mẽ để đáp trả Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ muốn đứng ra làm trung gian hòa giải giữa hai nước. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuần trước đã nói :”Chúng tôi hy vọng sẽ đưa được hại vị này (Vladimir) Putin và (Volodymyr) Zelensky gặp nhau càng sớm càng tốt”. Cả Ukraine và Nga đều có phản ứng tích cực về khả năng hòa giải của Thổ Nhĩ Kỳ, theo các phương tiện truyền thông và trích dẫn lời giới chức ngoại giao.

Trong những năm gần đây, quan hệ của Ankara với Moscow liên tục dẫn đến các vấn đề trong NATO, nay dường như Erdogan lại có cùng quan điểm với NATO trong vấn đề Ukraine. Ông lên án việc Nga sáp nhập Crimea năm 2014 và cảnh báo về một cuộc xâm lược của Nga có thể xảy ra. Thổ Nhĩ Kỳ là nước có quân đội lớn thứ hai trong NATO, có vai trò then chốt: Kiểm soát lối vào duy nhất tới Biển Đen. Bên cạnh Anh và Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang cung cấp vũ khí cho Kiev.

Tuy nhiên, một cuộc chiến ở Ukraine sẽ khiến Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào tình thế khó xử. Các cuộc tấn công xâm lược của Nga đe dọa lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực, nhưng Điện Kremlin lại có các công cụ mạnh mẽ chống lại Ankara. Hiện tại Erdogan chủ trương một giải pháp ngoại giao. Nhưng ông ta sẽ làm gì khi mọi việc trở nên nghiêm trọng hơn?

Trong những năm gần đây quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine đã trở nên gần gũi hơn. Ankara cung cấp máy bay chiến đấu không người lái TB2 cho Kiev. Ukraine đã triển khai chúng ở Donbass và gây khó chịu cho Kremlin. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đang chủ trương mở rộng ngành công nghiệp vũ khí, thì việc làm này thực sự béo bở. Hiện họ đang có kế hoạch cấp phép cho Ukraine triển khai sản xuất máy bay không người lái.

Ngược lại, Kiev trang bị cho Thổ Nhĩ Kỳ các động cơ phục vụ mục đích quân sự. Ankara hoan nghênh hành động này vì các nước NATO khác lấy cớ Thổ có khiếm khuyết về các vấn đề dân chủ nên gây khó dễ cho Thổ Nhĩ Kỳ trong việc cung cấp các thiết bị quân sự này. Ngoài ra, theo nhà phân tích địa chính trị Yörük Isik thì hợp tác quân sự giữa hai bên có liên quan đến “thiếu vắng sự giúp đỡ từ nhiều nước phương Tây”. Ankara muốn tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine để từ đó “làm tăng cái giá của một cuộc xâm lược của Nga”.

Đằng sau vấn đề này còn có các lợi ích an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ ở Biển Đen. Có hai hướng tiếp cận duy nhất vào biển nội địa này, eo biển Dardanelles và eo biển Bosphorus, đều thuộc chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Hiệp ước Montreux, trong thời bình các tàu buôn có thể đi qua vùng biển này không bị cản trở. Tàu chiến của các quốc gia không kế cận khu vực này phải chịu một giới hạn về trọng lượng và chỉ có thể lưu lại Biển Đen tối đa 21 ngày.

Giống như Ukraine và Nga, Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia kế cận. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại trước việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, vì điều này đang gây mất cân bằng về quyền lực trong khu vực. Isik nói: “Thổ Nhĩ Kỳ theo dõi rất sát sao việc Nga đang cố gắng biến Biển Đen thành một hồ nước của mình.

Sự gắn kết về văn hóa và lịch sử với Crimea cũng ảnh hưởng đến thái độ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Ukraine. Người Thổ Nhĩ Kỳ có mối liên hệ chặt chẽ với người Tatar ở Crimea, một dân tộc thiểu số nói tiếng Thổ và theo đạo Hồi. Hãn quốc Crimea từng là lãnh thổ bảo hộ của Đế chế Ottoman cho đến khi Đế chế Nga sáp nhập vùng đất này vào năm 1783. Nhiều người Tatar ở Crimea đã di cư đến địa bàn ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ, lập luận của Nga, rằng Crimea là một phần của văn hóa và văn minh Nga, là điều không thể chấp nhận được, theo Isik.

Do đó, việc Erdogan tích cực can dự vào cuộc khủng hoảng hiện tại không phải là điều bất ngờ. Ông dự kiến sẽ đến thăm Ukraine vào đầu tháng Hai, đồng thời thông báo Putin sẽ đến Thổ Nhĩ Kỳ nay mai. Tuy nhiên Erdogan cũng đang ở thế kẹt. Từ nhiều năm nay, ông gây mâu thuẫn giữa phương Tây và Nga vì lợi ích của mình. Điển hình là vụ Thổ Nhĩ Kỳ mua của Nga hệ thống vũ khí S-400, điều này đã gây tổn hại lâu dài trong quan hệ với Hoa Kỳ. Các hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria cũng hoàn toàn trái ngược với các lợi ích của phương Tây.

Đây là gót chân Achill của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Asli Aydintasbas, thành viên cấp cao của Hội đồng Đối ngoại châu Âu, một viện nghiên cứu chính sách, đã viết trong một tài liệu: “Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải trả giá đắt ở Syria nếu Nga chống lại Thổ vì lập trường của nước này đối với Ukraine. Xét cho cùng, Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào sự ưu ái của Moscow để có thể tiếp tục kiểm soát vùng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ, một vùng đệm mà Thổ Nhĩ Kỳ đã dày công xây dựng sau một loạt chiến dịch ở miền Bắc Syria.

Đấy là chưa nói đến sự lệ thuộc về kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ vào Nga. Trao đổi thương mại giữa hai nước gấp nhiều lần thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ với Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ cũng phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Isik nói: “Chúng tôi biết Nga sẽ gây tổn hại đến lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ về kinh tế nếu họ tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang làm trái với ý đồ của họ. Thổ Nhĩ Kỳ đang phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế và lạm phát cao nên điều này đang thực sự là một mối đe dọa.

Isik đã tóm tắt tình thế tiến thoái lưỡng nan của Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp Nga xâm lược Ukraine: “Trong cuộc khủng hoảng này, liệu bạn có muốn tham gia vào các hành động quân sự có thể làm tổn hại mối quan hệ của bạn với một trong những đối tác thương mại lớn của mình hay không? Tất nhiên là không rồi. Nhưng nếu bạn không can thiệp, điều đó ảnh hưởng tới độ tin cậy của bạn về quân sự ”

Theo Isik, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ cố gắng đứng về phía Ukraine như một phần của nỗ lực quốc tế, và theo một cách nào đó để Nga không thể công kích, trừng phạt Ankara. Bởi vì điều đó sẽ phải trả giá. Đối với Erdogan, đây là một bước đi với những hậu quả khôn lường.