Biden nên sử dụng bài học Chiến tranh Lạnh để ngăn chặn Putin tại Ukraine

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Edward Luce, Biden should use cold war handbook to stop Putin’s Ukraine threat, Financial Times, 11/02/2022.

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Chính quyền của Jimmy Carter đã từng thành công khiến Liên Xô không xâm lược Ba Lan vào năm 1980.

Karl Marx từng nói, lịch sử lặp lại chính nó, trước là như một bi kịch, sau là như một trò hề. Nhưng đôi khi, nó đơn giản chỉ là sự lặp lại, như lời Mark Twain. Năm 1980, việc Liên Xô cho tập hợp nhiều sư đoàn ở biên giới với Ba Lan đã trở thành một bước leo thang chết người trong Chiến tranh Lạnh. Người Mỹ cảnh báo Moscow rằng một cuộc xâm lược vào Ba Lan sẽ giết chết giai đoạn hòa hoãn Mỹ-Xô (détente) – và nhiều khả năng còn hơn thế nữa. Ngày nay, việc Nga huy động quân ở biên giới với Ukraine – điều mà Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia của Joe Biden, cho là có thể dẫn tới một cuộc xâm lược “bất cứ khi nào” – cũng là một mối nguy tương tự. Nhưng Washington đã có sẵn một cuốn cẩm nang hữu ích.

Năm 1980, hầu như mọi người đều tin chắc rằng Liên Xô sẽ xâm lược Ba Lan. Vào tháng 08, Lech Walesa lãnh đạo công nhân chiếm xưởng đóng tàu Lenin ở Gdansk, sau đó mở rộng thành các cuộc đình công trên khắp Ba Lan. Dưới làn sóng áp lực, chính phủ kém cỏi đã buộc phải cho phép thành lập một công đoàn độc lập, lấy tên là Đoàn kết – một tiền lệ đáng báo động đối với Moscow và các chế độ vệ tinh khác. Như ở Hungary năm 1956 và Tiệp Khắc năm 1968, Moscow đã cho những người cộng sản Ba Lan yếu đuối một cơ hội để tiến hành đàn áp, nếu không, họ sẽ đứng trước nguy cơ bị xâm lược. Một lần nữa, Warsaw lại lưỡng lự.

Giống như việc Nga cho quân đóng tại Belarus ngày nay, Moscow lúc đó đã nhấn mạnh quan điểm của mình bằng cách tiến hành nhiều cuộc tập trận ở biên giới với Ba Lan. Tính đến tháng 12/1980, có tới 45 sư đoàn Liên Xô, tương đương hơn 400.000 lính, được triển khai sát sườn phía đông của Ba Lan. Một số sư đoàn Đông Đức và Tiệp Khắc đã được bố trí sẵn sàng ở các biên giới phía tây Ba Lan. Bóng ma của một cuộc xâm lược thứ ba vào một vệ tinh Đông Âu trong vòng 25 năm đã gieo rắc sự chia rẽ khắp Tây Âu. Trong trường hợp này, lịch sử cho chúng ta những bài học hữu ích.

Tháng 5/1980, Valéry Giscard d’Estaing, Tổng thống Pháp đương nhiệm, đến Warsaw để hội đàm với Leonid Brezhnev, nhà lãnh đạo đang ốm yếu của Liên Xô. Giscard đã không báo trước cho các đồng minh về kế hoạch của mình. Khó mà có thể bỏ qua điểm tương đồng với hành động của Emmanuel Macron. Điều đáng lo ngại hơn đối với Washington là phản ứng của Helmut Schmidt, Thủ tướng Tây Đức, người lập luận rằng một cuộc xâm lược của Liên Xô sẽ không gây nguy hiểm cho tình trạng hòa hoãn. Nó cũng không làm đảo lộn kế hoạch của Đức nhằm cung cấp cho Liên Xô các khoản vay để xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Siberia đến Tây Đức. Có những điều đơn giản là không thay đổi. Thủ tướng Đức ngày nay, Olaf Scholz, vẫn chưa cam kết dừng dự án đường ống Nord Stream 2 nếu Nga xâm lược Ukraine.

Nhưng, có lẽ, điểm giống nhau nhiều nhất là giữa chính quyền Biden và chính quyền Jimmy Carter. Với tỉ lệ 37% ủng hộ trong các cuộc thăm dò dư luận, lại phải tranh cử đối đầu với Ronald Reagan, Carter được coi là người thiếu quyết đoán và hay lung lay. Nhận định này thật không công bằng. Tuy nhiên, các chương trình truyền hình hàng đêm trên đất Mỹ đang tràn ngập hình ảnh các con tin người Mỹ trong cuộc cách mạng Iran, điều mà Carter chẳng thể làm gì để thay đổi. Biden còn hơn hai năm nữa là đến cuộc bầu cử tiếp theo. Nhưng tỷ lệ ủng hộ ông chẳng khả quan hơn so với Carter là bao – và ‘cáo phó chính trị’ của ông đã trở thành một chủ đề truyền thông.

Con át chủ bài của Carter là Zbigniew Brzezinski, vị Cố vấn An ninh Quốc gia ‘diều hâu’; một người sinh tại Ba Lan và thông thạo ngôn ngữ nước này, và là công dân nhập tịch Mỹ. Ông cũng chính là người đã quyết định sử dụng vũ khí bí mật là Ryszard Kuklinski, một quan chức quân sự cấp cao của Ba Lan kiêm điệp viên CIA. Kuklinski đồng thời cũng là một liên lạc viên của Ba Lan với quân đội Liên Xô. Các báo cáo của ông được xếp loại là cực kỳ tối mật, đến mức chỉ Carter, Brzezinski và Phó Tổng thống Walter Mondale được phép đọc chúng.

Những điệp viên ở cấp độ này là cực kỳ hiếm. Sẽ thật tuyệt vời nếu CIA cũng có một gián điệp như vậy trong hàng ngũ của Putin. Tuy nhiên, Nhà Trắng của Biden đã tiết lộ thông tin tình báo có vẻ chắc chắn về các kế hoạch của Putin nhằm thiết lập một chính phủ bù nhìn ở Ukraine. Liệu Biden có đang thổi phồng những phát hiện này để lôi kéo đồng minh hay không vẫn là điều cần phải xem xét. Nhưng nếu xem lại quá khứ – cũng như biên bản các cuộc họp của bộ chính trị Liên Xô –  chúng ta biết nước này quả thật đã vạch kế hoạch xâm lược Ba Lan vào tháng 12/1980. Vậy Carter đã ngăn chặn nó như thế nào?

Đây là lúc mà bài học lịch sử trở nên có phần khập khễnh. Không giống như Putin, Brezhnev khi đó ở vào thế yếu. Tháng 12/1979, Liên Xô xâm lược Afghanistan và bị phiến quân thánh chiến (mujahideen) do Mỹ hậu thuẫn gây tổn thất nặng nề. Lúc này đây, thế trận ở Afghanistan đang đảo ngược. Một lý do khiến Putin coi Biden là kém cỏi chính là vì hành động vội vã rút lui khỏi Afghanistan của người Mỹ, sau 20 năm cố gắng vô vọng.

Hơn nữa, Trung Quốc cũng ở một vị thế hoàn toàn khác so với năm 1980. Một năm trước đó [1979], Carter đã bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung, nhờ đó củng cố động thái chống Liên Xô của Bắc Kinh. Đây là một cuộc “đảo chính chiến lược”. Brzezinski và Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo Trung Quốc, thậm chí đã nâng ly chúc mừng “Liên Xô đã chết!” (với rượu vodka của Nga, như để xát muối vào vết thương). Ngày nay, Trung Quốc và Nga lại đang liên kết với nhau. Tuần trước, Tập Cận Bình và Putin đã đưa ra một tuyên bố chung phản đối sự bành trướng của NATO.

Tuy nhiên, những điểm tương đồng lịch sử vẫn rất thú vị. Liên Xô quyết định không xâm lược Ba Lan vào năm 1980 vì họ cho rằng chi phí có thể quá lớn. Mỹ đã cảnh báo về việc bán vũ khí cho Trung Quốc, tiến hành một cuộc cấm vận thương mại toàn diện lên Liên Xô, đi kèm một lệnh cấm vận ngũ cốc. Người Ba Lan, giống như người Ukraine ngày nay, rất thù địch với Moscow. Biden càng thuyết phục được Putin rằng ông ta chỉ đang mạo hiểm với một “vết thương rỉ máu” khác – mượn lời mô tả của Mikhail Gorbachev sau này về cuộc chiến của Liên Xô ở Afghanistan – thì việc xâm lược Ukraine càng trở nên kém hấp dẫn. George Santayana nói: “Kẻ không thể ghi nhớ quá khứ sẽ không may phải lặp lại nó.” Đối với Biden, câu này có thể hiểu là “Người biết học hỏi quá khứ có thể may mắn lặp lại nó.”

Edward Luce là tác giả của một cuốn tiểu sử viết về Zbigniew Brzezinski, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ.

Putin thực sự muốn gì ở Ukraine?