Ngoại trưởng Anh Liz Truss: “Chúng ta phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Liz Truss: „Wir müssen auf das Schlimmste gefasst sein“, WELT, 19/02/2022.

Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài

Không giống như Đức, Anh hỗ trợ Ukraine bằng cách cung cấp vũ khí. Trong một cuộc phỏng vấn, Ngoại trưởng Anh Liz Truss giải thích, đây là việc làm thích hợp nhất để đương đầu với Vladimir Putin. Bà Bộ trưởng không tin vào các giải pháp của Berlin và Paris.

Hỏi: Thưa Bộ trưởng, Nga đã thông báo về các cuộc tập trận tên lửa. Đây là loại vũ khí có thể mang đầu đạn hạt nhân. Có phải những dấu hiệu về sự hòa dịu mà một số người gần đây muốn thấy, chỉ là một sự lừa dối?

Đáp: Đúng, chính xác là như thế. Tất cả những gì mà chúng ta chứng kiến đều cho thấy nước Nga đang lên kế hoạch xâm lược Ukraine. Chúng ta chứng kiến sự huy động các đơn vị quân đội ở vùng biên giới, chúng ta thấy các chiến dịch dưới những ngọn cờ giả hiệu ở khu vực Donbass, chúng ta thấy các cuộc tấn công mạng nhằm vào Kiev. Những gì đang được triển khai ở đó rất đáng lo ngại, và có nhiều khả năng sẽ dẫn đến một cuộc xâm lược.

Hỏi: Bà có nghĩ điện Kremlin đã có quyết định xâm lược?

Đáp: Tôi không biết. Tôi không biết điều gì đang diễn ra trong đầu Vladimir Putin. Nhưng ngay cả ở giai đoạn cuối này, Nga vẫn có thể lùi lại từ vực thẳm và quyết định không xâm lược. Quyết định như vậy là rất khôn ngoan. Bởi vì chi phí cho một cuộc xâm lược sẽ rất lớn – chi phí kinh tế đối với Nga, nhưng số người sẽ trở về trong quan tài sau một cuộc xung đột kéo dài cũng rất quan trọng. Putin luôn có thể thay đổi quyết định của mình. Tôi đã có mặt ở Kiev từ hôm thứ Năm, và thật không may, những gì chúng tôi chứng kiến ở biên giới Ukraine lúc này cho thấy một cuộc xâm lược rất có thể xảy ra.

Hỏi: Khi ở Kiev, bà từng nói: “Những tên bạo chúa chỉ phản ứng trước sức mạnh.” Vậy phương Tây cần thể hiện sức mạnh như thế nào?

Đáp: Nhân nhượng sẽ không ngăn được Nga xâm lược. Chúng ta phải thể hiện sức mạnh bằng cách hỗ trợ Ukraine. Nước Anh đã cung cấp vũ khí phòng thủ và đang giúp huấn luyện binh sĩ Ukraine. Chúng tôi cũng đang củng cố Ukraine về mặt kinh tế. Đồng thời, chúng ta phải đảm bảo có sẵn một gói trừng phạt cứng rắn trong trường hợp khẩn cấp. Chúng tôi đã nhất trí với các đồng minh của mình trong G7 và EU, kể cả với Đức, về các biện pháp trừng phạt này. Chúng ta cũng phải củng cố NATO bằng cách yêu cầu tất cả các nước thành viên của liên minh chi 2% ngân sách như đã thỏa thuận cho quốc phòng. Và chúng tôi cũng phải huy động quân đội NATO của mình để đưa vào hoạt động. Chúng tôi vừa thông báo nước Anh tăng cường hơn nữa sự hiện diện của mình ở Estonia với nhiều lực lượng hơn nữa, cạnh đó là tăng cường hỗ trợ từ trên không. Những biện pháp như vậy có thể ngăn chặn Putin khỏi các cuộc tấn công. Ngược lại nhân nhượng không mang lại được điều gì.

Hỏi: Tất cả các thành viên NATO có cần noi gương nước Anh, cung cấp vũ khí cho Ukraine không? Nước Đức cho đến nay vẫn từ chối không làm điều đó.

Đáp: Các đồng minh khác nhau có sự hỗ trợ khác nhau. Vấn đề ở đây không chỉ là các loại vũ khí thông thường. Vương quốc Anh cũng đang hỗ trợ Ukraine về các khả năng đặc biệt, chẳng hạn như phòng thủ mạng. Các chiến dịch thông tin sai lệch của Nga cũng đe dọa Ukraine và nền dân chủ của nước này. NATO cũng phải được tăng cường trong các lĩnh vực chiến tranh hiện đại.

Hỏi: Cũng có những nỗ lực ngoại giao, chẳng hạn của Thủ tướng Đức Olaf Scholz hoặc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Một giải pháp dường như đang xuất hiện, theo đó NATO không loại trừ việc kết nạp Ukraine, nhưng Kiev tự nguyện không gia nhập. Giải pháp đó có hợp lý?

Đáp: Tôi không nghĩ việc Ukraine quyết định không gia nhập NATO sẽ là một giải pháp. Đó thực sự không phải là mục tiêu của Putin. Ông ta đã công khai mục tiêu cuối cùng của mình là đưa Ukraine vào quỹ đạo kiểm soát của Nga. Do đó, quan điểm cho rằng, có thể ngăn chặn một cuộc xâm lược nếu Kiev từ bỏ tư cách thành viên NATO, là hoàn toàn sai. Kiev cần quyết định về bước đi này, không phải chúng tôi. Nhưng tôi nghĩ rằng một nhượng bộ như vậy sẽ càng động viên, khuyến khích Putin. Tôi muốn ngoại giao phải có hiệu quả. Tôi muốn Nga đàm phán nghiêm túc với NATO, với Hoa Kỳ, với các đồng minh châu Âu của chúng tôi. Không ai trong liên minh phương Tây muốn xảy ra chiến tranh ở châu Âu. Nó sẽ gây thiệt hại cho người dân Ukraine và cả người dân Nga. Đó là lý do tại sao tôi rất vui nếu Nga tiếp tục tuân thủ các thỏa thuận của chúng ta, chẳng hạn như Bản ghi nhớ Budapest hoặc các hiệp ước của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE), nếu điều đó khôi phục sự minh bạch và lòng tin. Nhưng tôi e rằng điều đó sẽ không xảy ra. Chúng ta phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Bây giờ chúng ta phải chuẩn bị cho khả năng xảy ra một cuộc xâm lược và hỗ trợ Ukraine tốt nhất có thể.

Hình: Liz Truss đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm Chiến sỹ vô danh ở Matscova hôm 10/2/2022.