19/02/1942: F.D. Roosevelt ra lệnh cho người Mỹ gốc Nhật vào trại giam

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: FDR orders Japanese Americans into internment camps, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1942, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã ký Sắc lệnh Hành pháp 9066, bắt đầu một chính sách gây tranh cãi trong Thế chiến II và sau này để lại nhiều hậu quả lâu dài đối với người Mỹ gốc Nhật. Văn bản này đã ra lệnh buộc “những người ngoại quốc thù địch” (enemy aliens) phải di dời khỏi các vùng đất phía Tây, được mô tả một cách mơ hồ là các khu vực quân sự.

Sau khi Nhật tấn công Trân Châu Cảng vào năm 1941, các cố vấn quân sự và chính trị ngày càng gây áp lực lên Roosevelt, yêu cầu ông giải quyết nỗi lo ngại về việc Nhật Bản sẽ tấn công hoặc phá hoại thêm nữa, đặc biệt là ở Bờ Tây, nơi có nhiều quân cảng, cơ sở vận tải biển và nông nghiệp dễ bị tổn thương nhất. Các khu quân sự bị hạn chế xâm nhập được đề cập trong sắc lệnh có nhiều khu vực không xác định, nằm xung quanh các thành phố, cảng biển và các khu vực công nghiệp và nông nghiệp của Bờ Tây. Dù Sắc lệnh 9066 cũng ảnh hưởng đến người Mỹ gốc Ý và gốc Đức, nhưng nhóm người bị di dời đông nhất vẫn là người Mỹ gốc Nhật.

Ở Bờ Tây, nạn phân biệt chủng tộc lâu đời đối với người Mỹ gốc Nhật, vốn một phần còn do sự ghen tị với thành công về mặt kinh tế của khối dân cư này, đã bùng phát sau trận Trân Châu Cảng. Trong suốt thời gian chiến tranh, đã có rất nhiều yêu cầu đòi đưa toàn bộ người Mỹ gốc Nhật đến các Trung tâm Tái định cư.

Những người nhập cư Nhật Bản và con cháu của họ, bất kể tình trạng công dân hoặc thời gian cư trú tại Mỹ, đều bị vây bắt một cách có hệ thống và bị đưa vào các trại tù. Những người đi sơ tán (evacuees), tên thường gọi của nhóm này, chỉ được phép mang theo lượng tài sản mà họ có thể tự thân mang vác, và bị buộc phải đến sống trong những khu nhà thô sơ, chật chội. Ở các bang phía tây, các trại định cư trên những địa điểm xa xôi và cằn cỗi như Manzanar và Tule Lake đã trở thành nơi cư trú của hàng nghìn gia đình có cuộc sống bị gián đoạn, và trong một số trường hợp là bị hủy hoại, bởi Sắc lệnh 9066. Rất nhiều người đã mất trắng cơ sở kinh doanh, trang trại, và thậm chí là những người thân trong gia đình.

Roosevelt đã ủy quyền việc thực thi Sắc lệnh 9066 cho Bộ Chiến tranh, nói với Bộ trưởng Henry Stimson rằng, hãy thi hành sắc lệnh càng hợp lý càng tốt. Theo hồi tưởng của Tổng Chưởng lý Francis Biddle, Roosevelt quyết tâm làm bất cứ điều gì mà ông cho là cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc chiến. Biddle nhận thấy rằng Roosevelt không quan tâm nhiều đến ảnh hưởng, hoặc hàm ý, của việc ban hành một mệnh lệnh về cơ bản là mâu thuẫn với Tuyên ngôn Nhân quyền.

Trong hồi ký của mình, Eleanor Roosevelt nhớ lại, bà đã hoàn toàn tuyệt vọng trước hành động của chồng mình. Là người ủng hộ dân quyền một cách quyết liệt, Eleanor hy vọng sẽ thay đổi ý định của chồng, nhưng khi bà nói về vấn đề này với ông, FDR đã cắt ngang lời vợ và bảo bà đừng bao giờ nhắc đến nó nữa.

Trong thời kỳ chiến tranh, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã xét xử hai vụ án thách thức tính hợp hiến của Sắc lệnh 9066, nhưng trong cả hai lần tòa đều công nhận sắc lệnh. Cuối cùng, vào ngày 19/02/1976, hàng chục năm sau chiến tranh, Gerald Ford đã ký một lệnh cấm ngành hành pháp tái thiết lập sắc lệnh khét tiếng và bi thảm của Thế chiến II. Năm 1988, Tổng thống Ronald Reagan thay mặt chính phủ đưa ra lời xin lỗi công khai và ủy quyền bồi thường cho những người Mỹ gốc Nhật từng bị giam hoặc con cháu của họ.