Thế giới hôm nay: 23/02/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nước này công nhận các tuyên bố chủ quyền của phe ly khai Ukraine đối với toàn bộ vùng Donbas, thay vì chỉ khu vực lãnh thổ do hai nước cộng hòa ly khai này hiện kiểm soát. Trước đó, ông Putin đã cho quân đội tiến vào các khu vực do quân ly khai chiếm đóng với danh nghĩa “gìn giữ hòa bình” – qua đó làm gia tăng lo ngại có xâm lược quy mô lớn. Việc Nga công nhận Donetsk và Luhansk vi phạm hiệp định Minsk, trong đó quy định chúng thuộc về Ukraine. Trước đó ông Putin đã nói cách tốt nhất để giải quyết khủng hoảng là Ukraine từ chối tư cách thành viên NATO.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết ông sẽ cho ngừng Nord Stream 2, đường ống dẫn khí đang xây nối Nga và Đức. Ông Scholz nói các động thái của Nga đã khiến tình hình “thay đổi hoàn toàn.” Trước đó, Đức luôn khước từ khi Mỹ và các nước khác kêu gọi họ hủy đường ống này, mà nhiều người lo ngại sẽ cho Nga quá nhiều quyền lực.

Thủ tướng Anh Boris Johnson lần đầu tiên công bố “một loạt” các lệnh trừng phạt chống lại Nga xoay quanh vấn đề Ukraine. Mục tiêu là năm ngân hàng của Nga, cùng với ba đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin. Đến thứ Ba, EU cũng sẽ đệ trình kế hoạch của vòng trừng phạt đầu tiên ra trước các nước thành viên. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden nói sẽ cấm người Mỹ buôn bán hoặc đầu tư vào các vùng ly khai của Ukraine. Nhưng họ đã không áp đặt các biện pháp sâu rộng như từng hứa sẽ thực hiện nếu Nga xâm lược, và tuyên bố tiếp tục tiếp xúc ngoại giao “cho đến khi xe tăng lăn bánh.”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói việc Nga công nhận Donetsk và Luhansk đã tạo “cơ sở pháp lý cho Nga xâm lược vũ trang.” Phát biểu tại cuộc họp chung với tổng thống Estonia Alar Karis ở Kyiv, ông Zelensky cho biết đang xem xét cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga. Ông còn cho biết Ukraine sẽ áp đặt thiết quân luật nếu Nga xâm lược toàn diện.

Một bồi thẩm đoàn ở Georgia tuyên ba người đàn ông da trắng đã giết Ahmaud Arbery, một người đàn ông Mỹ gốc Phi không vũ trang, phạm tội thù ác theo luật liên bang (federal hate crimes) và các tội danh khác, với lập luận họ đã nhắm vào người này chỉ vì lý do chủng tộc. Hai trong số các bị cáo, Gregory McMichael và con trai ông ta Travis, có tiền sử phát ngôn thù hằn phân biệt chủng tộc. Họ đều bị kết án chung thân vì tội giết người.

Hồng Kông bắt đầu xét nghiệm covid-19 đối với tất cả người dân. Lãnh thổ đang trải qua làn sóng Omicron nghiêm trọng, với Đại học Hồng Kông cảnh báo vào thứ Ba là một phần ba dân số sẽ sớm phải cách ly. Trong một diễn biến khác, quốc hội Uganda công bố kế hoạch phạt tiền hoặc thậm chí bỏ tù những công dân từ chối tiêm chủng.

Hãng sản xuất ô tô Volkswagen cho biết họ đang “thảo luận nâng cao” để niêm yết đại chúng thương hiệu Porsche mà họ mua lại hồi năm 2012. Các ước tính về giá trị của Porsche rất khác nhau, từ dưới 100 tỷ cho đến 200 tỷ euro. Song việc Porsche lên sàn chắc chắn sẽ là một trong những cuộc niêm yết lớn nhất nước Đức trong nhiều năm qua. Trước tiên kế hoạch phải được chấp thuận bởi Porsche SE, phương tiện đầu tư thuộc sở hữu của gia đình đang nắm phần lớn cổ phần trong Volkswagen.

Con số trong ngày: 25.000, là số người chết hàng năm vì tai nạn đường sắt ở Ấn Độ.

TIÊU ĐIỂM

Tình hình thực địa ở Donetsk và Luhansk

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội của mình tiến vào các nước “Cộng hòa Nhân dân” mới được công nhận, Donetsk và Luhansk, ở miền đông Ukraine. Vậy đối với những vùng được các khu vực ly khai này tuyên bố chủ quyền nhưng không kiểm soát thì sao?

Phóng viên của The Economist đã ghi nhận nhiều luồng ý kiến khác nhau trên đường phố của Slovyansk, một thị trấn vốn do quân ly khai chiếm đến năm 2014. Nhiều người vẫn thản nhiên. Tin tức về các cuộc pháo kích ở tiền tuyến không làm họ bị sốc, một phần vì họ đã sống trong xung đột suốt tám năm qua. Song một số người khác lại cảm thấy đang có thay đổi. “Chúng tôi đang ở Donetsk của Ukraine, nhưng sắp tới khu vực của chúng tôi có thể sẽ mang một cái tên khác,” theo lời một thanh niên đang sửa soạn lên đường đi Đức. Chẳng ai biết được tham vọng của Putin đến đâu.

Ngành khai thác mỏ toàn cầu ăn nên làm ra

Rio Tinto dự kiến sẽ công bố kết quả ấn tượng vào thứ Tư. Khoảng một nửa doanh thu của gã khổng lồ khai thác mỏ toàn cầu này đến từ quặng sắt, vốn đã tăng giá 2 phần 3 kể từ tháng 11. Giá của các kim loại khác, bao gồm nhôm và nickel, cũng tăng theo. Do đó nguồn cung bị hạn chế trong khi nhu cầu bật trở lại vì các nền kinh tế mở cửa. Hai công ty khai mỏ khác, BHP và Glencore, cũng công bố lợi nhuận đáng kể. Dự kiến Anglo American cũng sẽ nối bước vào thứ Năm.

Tuy nhiên văn hóa doanh nghiệp vẫn là một vấn đề nan giải trong ngành. Trong tháng này Rio đã công bố kết quả điều tra được công ty thuê ngoài thực hiện, vốn cho thấy gần một nửa số nhân viên của công ty nói đã bị bắt nạt trong 5 năm qua. Ngoài ra, Glencore cũng gặp rắc rối. Trong tháng này, họ đã trích 1,5 tỷ đô la để chi trả các khoản tiền phạt dự kiến do bị điều tra hối lộ và tham nhũng ở Brazil, Anh và Mỹ. Bất chấp kết quả khả quan, ngành công nghiệp này vẫn chịu rất nhiều tai tiếng.

Ma trận quy định làm tăng giá nhà ở California

California là nhà của gần một nửa số người vô gia cư ở Mỹ. Giá trung bình của một ngôi nhà ở bang này cao hơn gấp đôi so với mức trung bình toàn quốc, với ngay cả nhà “bình dân” cũng rất đắt. Vào năm 2016, các cử tri Los Angeles đã ủng hộ gói chi tiêu khổng lồ cho một chương trình trợ cấp nhà ở. Kết quả kiểm toán của chương trình, công bố vào thứ Tư này, sẽ cho thấy chi phí trung bình cho mỗi căn hộ —vốn đạt mức khủng 531,000 đô la hồi năm 2020 — đã tăng vọt.

Tình trạng thiếu vật liệu xây dựng làm chi phí lên cao. Nhưng quan liêu là một vấn đề lớn hơn nhiều. Việc chính phủ đặt ra quá nhiều quy tắc hạn chế xây dựng đã giúp làm dầy túi cho các hãng tư vấn, luật sư, chuyên gia môi trường và công đoàn. Một nghiên cứu đã cho thấy quy định chỉ được thuê lao động thuộc các công đoàn cho các dự án xây nhà ở được trợ cấp khiến chi phí một căn hộ tăng thêm hơn 50.000 đô la. Thống đốc Gavin Newsom, một người thuộc Đảng Dân chủ, đã cho bỏ đi một số quy định cản trở xây nhà, nhưng không nhiều triển vọng về thay đổi đáng kể.