Nguồn: Richard McGregor, Nixon in China, 50 years on, Nikkei Asia, 16/02/2022.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Bài liên quan: Phần 1
Đài Loan: một di sản đáng tiếc
Di sản rắc rối nhất trong chính sách ngoại giao Trung Quốc của Nixon và Kissinger là Đài Loan. Riêng về vấn đề này, các chuyến đi của Nixon và Kissinger đã bị soi xét kỹ lưỡng ở Mỹ, không phải vì những gì chúng thu được, mà vì những gì chúng có thể đã đánh mất một cách ngây thơ.
Trong hồi ký của mình, Kissinger khẳng định rằng Đài Loan hầu như không xuất hiện trong cuộc trò chuyện của ông với Thủ tướng Chu Ân Lai. Hồ sơ giải mật về cuộc trò chuyện của họ lại kể một câu chuyện hoàn toàn khác – rằng ngay từ đầu, Chu đã không ngừng ép Kissinger phải từ bỏ Đài Loan. Nếu không có một dàn xếp về Đài Loan, Chu nói rõ, sẽ không có hòa giải với Mỹ.
Đài Loan khi đó là một chế độ độc tài độc đảng dưới sự lãnh đạo của Quốc dân Đảng do Tưởng Giới Thạch đứng đầu. Bản sắc độc lập, hấp dẫn mà Đài Loan thể hiện ngày hôm nay đã không xuất hiện cho đến khi Đài Loan trở thành một nền dân chủ, từ cuối những năm 1980 trở đi.
Nhưng Kissinger trong lúc tập trung vào ván bài Liên Xô, đã coi Đài Loan là lá bài vô dụng, trong mọi trường hợp. Như quan sát sau này của nhà sử học Nancy Bernkopf Tucker, Kissinger đã cho người Trung Quốc nhiều hơn những gì họ có thể mong đợi, cam kết loại bỏ quân đội Mỹ khỏi hòn đảo, cũng như loại bỏ chính sách “Hai Trung Quốc” hay “Một Trung Quốc và Một Đài Loan.”
“Lời hứa của (Nixon và Kissinger) lớn hơn, các thỏa hiệp của họ sâu rộng hơn, và sự nhượng bộ của họ mang tính nền tảng hơn những gì họ tin rằng người dân Mỹ sẽ chấp nhận,” Tucker viết trong một chuyên khảo lịch sử xuất bản năm 2005. “Do đó, họ dựa vào tính bí mật và ‘cơn sốt Trung Quốc’ để che giấu thiệt hại.”
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã khôn ngoan hơn Kissinger trong vấn đề Đài Loan. Solomon quá cố, người mà tác giả bài viết này từng phỏng vấn vào năm 2015 cho một cuốn sách về quan hệ Trung-Nhật, cho rằng Kissinger đã bị lép vế khi đến Bắc Kinh. “Chỉ có ba người có thể thực sự đe dọa Kissinger,” ông nói, “Charles De Gaulle, Chu Ân Lai, và Mao Trạch Đông.”
Đối mặt với một Quốc hội giận dữ trước việc từ bỏ một đồng minh chống cộng, Mỹ đã thông qua Đạo luật Quan hệ với Đài Loan, trong đó cam kết hỗ trợ và cung cấp vũ khí cho việc phòng thủ của Đài Loan. Đạo luật được thông qua vào năm 1979, như một biện pháp đối trọng với việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc dưới thời tổng thống Jimmy Carter.
Theo người Trung Quốc, đây là vụ việc đầu tiên trong nhiều vụ phản bội của Mỹ. Tuy nhiên, sự thật phức tạp hơn thế nhiều.
Thông cáo chung Thượng Hải – được thỏa thuận trong chuyến thăm năm 1972 của Nixon, và được coi là văn kiện thiết lập quan hệ song phương mới – bất thường ở chỗ nó cho phép cả hai nước đưa ra các tuyên bố riêng nằm trong tuyên bố chung.
Tất nhiên, Bắc Kinh đã khẳng định chủ quyền đối với Đài Loan. Ngược lại, Mỹ thừa nhận nguyên tắc “Một Trung Quốc” mà không chính thức công nhận tuyên bố chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với hòn đảo này. Năm 1979, Mỹ đi xa hơn khi công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ duy nhất của Trung Quốc, dù vẫn để lại một số chỗ mơ hồ.
Khái niệm “Một Trung Quốc” nghe có vẻ đơn giản về lý thuyết, nhưng trên thực tế thì phức tạp, vì nó thường được hiểu theo nhiều cách khác nhau, ở Bắc Kinh, Đài Bắc và Washington. Về cốt lõi, tranh cãi xung quanh “Một Trung Quốc” là việc liệu khái niệm này có tự động giao Đài Loan cho Bắc Kinh hay không. Washington và Đài Bắc không thừa nhận điểm đó.
Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn nhất quán trong việc nhấn mạnh rằng Mỹ đã đồng ý với toàn bộ các điều khoản của Trung Quốc. Cuối năm 2021, Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, gọi việc tuân thủ nguyên tắc “Một Trung Quốc” là “nền tảng chính trị cho sự phát triển ổn định của quan hệ Mỹ-Trung.”
Triệu nói thêm: “Mỹ phá vỡ lời hứa của mình (và) không tuân thủ các quy tắc cơ bản trong quan hệ quốc tế.”
Dưới con mắt của Bắc Kinh, chỉ trong thập niên vừa qua, Trung Quốc mới có thể bắt đầu đẩy lùi hiệu quả chính sách của Mỹ đối với Đài Loan.
Vào năm 2010, tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La thường niên của các bộ trưởng quốc phòng khu vực ở Singapore, Robert Gates, người đứng đầu Lầu Năm Góc lúc bấy giờ, đã tự hỏi tại sao Bắc Kinh lại phản ứng gay gắt trước thương vụ bán vũ khí mới nhất của Mỹ cho Đài Loan, điều mà ông nói rằng Trung Quốc đã biết từ năm 1979.
Câu trả lời của một vị tướng Quân đội Giải phóng Nhân dân nghỉ hưu đã tóm gọn tư duy mới của Bắc Kinh. “Bởi vì chúng tôi khi đó còn yếu,” vị sĩ quan PLA nói. “Nhưng bây giờ chúng tôi mạnh rồi.”
Sai ngay từ đầu?
Quan điểm cho rằng Mỹ ngay từ đầu đã sai về Bắc Kinh được đưa ra dựa trên đánh giá sai lầm của Washington rằng Trung Quốc chắc chắn sẽ trở thành, nếu không phải là một nền dân chủ, thì chí ít cũng dân chủ hơn.
Đánh giá sai lầm đó là có thật, nhất là trong lúc Mỹ tận hưởng thời điểm đơn cực của mình vào đầu những năm 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ và tan rã.
Năm 1997, cựu Tổng thống Bill Clinton từng nói với Giang Trạch Dân, lúc đó là người đứng đầu đảng cộng sản cầm quyền và là chủ tịch nước, rằng Trung Quốc đã “ở bên lề trái của lịch sử [về vấn đề nhân quyền]”.
Năm 2000, vào cuối nhiệm kỳ thứ hai của mình, Clinton đã mỉa mai gọi những nỗ lực kiểm soát Internet của Bắc Kinh như thể “đóng đinh kẹo dẻo vào tường.” Ông nói, dân chủ sẽ xuất hiện cho dù các nhà lãnh đạo độc tài có thích nó hay không, vì “quyền tự do sẽ lan rộng nhờ điện thoại di động và modem internet.”
Trên thực tế, Internet hóa ra lại là một công cụ hữu ích cho bất kỳ nhà nước độc tài nào đủ hiệu quả và tàn nhẫn để khai thác cả lợi ích kinh tế lẫn khả năng giám sát của nó, như Trung Quốc đã chứng minh.
Mặc dù bản cáo phó của nó đã được viết đi viết lại nhiều lần, Đảng Cộng sản cầm quyền vẫn không bị thách thức với tư cách là một lực lượng chính trị ở Trung Quốc, và đã không ngần ngại đè bẹp bất kỳ đối thủ trong nước nào đủ can đảm để đối đầu với nó.
Song song với sự tin tưởng của Mỹ – rằng các nền dân chủ tự do sẽ có sự phát triển vượt bậc trong tương lai – là chính sách can dự, nhằm gắn kết một Trung Quốc mới nổi với trật tự thế giới đang thịnh hành.
“Không có gì quan trọng hơn việc hội nhập sức mạnh đang lên của Trung Quốc với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của hệ thống quốc tế,” Joseph Nye, giáo sư Harvard nổi tiếng từng phục vụ trong Lầu Năm Góc của Clinton, nói.
Các nhà phân tích hiểu vấn đề thấu suốt hơn, những người không ủng hộ lý thuyết can dự chính thống, nhận ra rằng hệ tư tưởng vẫn còn quan trọng, đặc biệt là khi đối phó với một nhà nước theo chủ nghĩa Lenin truyền thống như Trung Quốc.
Trong khi nhiều chính trị gia và nhà bình luận chỉ dựa vào quan niệm về “sự cáo chung của lịch sử” và “thế giới hậu ý thức hệ,” những người phản đối đã nhận định chính xác rằng Bắc Kinh sẽ luôn muốn tạo ra thế giới của riêng mình, chứ không phải sống trong một thế giới do Mỹ tạo ra.
Cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Đảng Cộng hòa Robert Kagan viết trên tờ Weekly Standard vào năm 1997: “Đối với những người cầm quyền ở Trung Quốc, yêu cầu thay đổi các ‘chuẩn mực’ quốc tế đơn giản là một vấn đề sống còn – của chính họ chứ không phải của quốc gia cổ đại của họ. Hệ thống mà chúng ta xây dựng, và muốn đưa người Trung Quốc vào, là mối nguy hiểm chết người đối với họ.”
“Họ đã chứng kiến những gì đã xảy ra với Mikhail Gorbachev và một triều đại cộng sản 70 năm tuổi khi ông ta cố gắng ‘hội nhập’ Liên Xô một cách hòa bình vào hệ thống phương Tây.”
Từ bỏ chính sách can dự
Ngày nay, phân tích của Kagan đã trở thành xu hướng chủ đạo, ở cả Mỹ và Trung Quốc. Ở Washington, việc thừa nhận những phân tích sai sót trong quá khứ đã trở thành một ‘nghi thức thanh tẩy’ đối với các quan chức có nguyện vọng quản lý chính sách Trung Quốc.
Trước khi gia nhập chính quyền Biden, Kurt Campbell và Ely Ratner, hiện là hai trong số các nhà hoạch định chính sách châu Á có ảnh hưởng nhất của Hội đồng An ninh Quốc gia và Lầu Năm Góc, đã chắc chắn rằng họ sẽ chôn vùi chính sách can dự mãi mãi.
“Bằng chứng ngày càng rõ ràng rằng Washington một lần nữa đặt quá nhiều niềm tin vào sức mạnh của mình, trong việc định hình quỹ đạo của Trung Quốc,” họ viết trên tạp chí Foreign Affairs năm 2018.
“Tất cả các bên của cuộc tranh luận chính sách đều sai lầm: các nhà thương mại tự do và các nhà tài chính, những người đã dự đoán sự cởi mở không thể tránh khỏi và ngày càng gia tăng ở Trung Quốc; các nhà hội nhập cho rằng tham vọng của Bắc Kinh sẽ bị khuất phục nhờ sự tương tác nhiều hơn với cộng đồng quốc tế; lẫn các nhà diều hâu tin rằng sức mạnh của Trung Quốc sẽ giảm sút trước tính ưu việt vĩnh viễn của Mỹ.”
Từ rất lâu trước khi đội ngũ Biden xuất hiện, đã có một người đi đến kết luận tương tự, dù vì những lý do khác nhau: đó là Donald Trump. Bằng cách thổi bay bất kỳ hình thức đồng thuận chính trị và chính sách nào kể từ khi ông nhậm chức vào đầu năm 2017, Trump cuối cùng đã xóa bỏ mọi rào cản đối với việc hình thành một chính sách Trung Quốc mới.
Hàng loạt đánh giá sai lầm về Bắc Kinh có thể đã có ít hệ quả địa chính trị, nếu nền kinh tế Trung Quốc không thành công trong việc mở rộng gần như không bị gián đoạn kể từ thời kỳ cải cách vào cuối thập niên 1970.
Sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Trung Quốc, cùng với bước tiến nhanh chóng trên nấc thang công nghệ, đã tạo nền tảng cho chính sách ngoại giao và quân sự trong khu vực của nước này, cùng với sự tự tin vào hệ thống của chính họ.
Thành công kinh tế của Trung Quốc chưa từng được đảm bảo chắc chắn. Nền kinh tế đã rơi vào sa sút sau cuộc đàn áp của quân đội chống lại những người biểu tình ủng hộ dân chủ năm 1989. Ban lãnh đạo đã đưa khu vực nhà nước trải qua một loạt cải cách đầy nhức nhối vào cuối những năm 1990, mà không có gì chắc chắn rằng kế hoạch của họ sẽ thành công.
Sau đó, vào năm 2000, Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, một rủi ro lớn khác. Đối với giới lãnh đạo lúc bấy giờ, đặc biệt là Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ và trưởng đoàn đàm phán của ông, Long Vĩnh Đồ, người đã thúc đẩy việc gia nhập bất chấp sự chống đối từ bộ máy quan liêu, những năm đầu sau khi gia nhập WTO là một minh chứng ngoạn mục cho chiến lược sử dụng áp lực bên ngoài để thúc đẩy cải cách trong nước.
Khi Nikkei phỏng vấn Long nhân kỷ niệm 5 năm ngày gia nhập WTO, ông nói rằng bản thân cũng ngạc nhiên như bất kỳ ai về cách doanh nghiệp Trung Quốc quản lý quá trình chuyển đổi. Ông nói: “Không ai có thể đoán được rằng hoạt động ngoại thương của Trung Quốc có thể gia tăng với tốc độ như vậy.”
Tình thế đã xoay chuyển như thế nào?
Bất chấp các vấn đề về nợ tăng, dân số giảm, và lệnh cấm vận công nghệ do Mỹ dẫn đầu, Trung Quốc rất có thể sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào khoảng năm 2030.
Tập Cận Bình đã nói rõ rằng sẽ không có bất kỳ sự thoái lui nào đối với bất kỳ mục tiêu nào mà ông đã đặt ra cho đất nước, với mục tiêu ngắn hạn là vào khoảng năm 2035.
Người ta thường quy sự quyết đoán của Trung Quốc vào một người duy nhất: Tập Cận Bình. Nhưng trên thực tế, tham vọng của Trung Quốc vẫn giữ nguyên kể từ chuyến thăm của Kissinger và Nixon vào đầu những năm 1970. Khác biệt quan trọng là Tập có đủ sức mạnh để thể hiện những kế hoạch này, trong khi những người tiền nhiệm của ông thì không.
Tập đặt mục tiêu củng cố vị thế của đảng cầm quyền ở trong nước và giành lại cái gọi là “các vùng lãnh thổ đã mất” ở nước ngoài. Điều đó có nghĩa là hải quân Trung Quốc sẽ tìm cách kiểm soát Biển Đông và Biển Hoa Đông. Quan trọng nhất, nó có nghĩa là đưa Đài Loan về dưới sự cai trị của Bắc Kinh. Tổng hợp lại, những hành động đó sẽ làm giảm sức mạnh của Mỹ ở châu Á.
Nhưng thách thức không chỉ nằm ở Bắc Kinh. Những ngày này, Trung Quốc của Tập thực ra là một cường quốc có thể đoán trước được. Mỹ – đất nước vẫn đang tồn tại dưới cái bóng của Trump, ngay cả sau khi ông thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 – lại ít chắc chắn hơn về vị trí của mình trên thế giới.
Tuyên bố của Kissinger, rằng một Trung Quốc hùng mạnh sẽ rất “khó” để đối phó, hóa ra lại là một lời nói giảm nói tránh. Kissinger cũng đưa ra quan điểm tương tự với các trợ lý của mình trong một cuộc họp về chính sách Campuchia trong năm 1973, ông nói với họ rằng cố gắng cô lập Bắc Kinh là vô ích.
Vị cựu ngoại trưởng cho rằng sự cô lập Trung Quốc về ngoại giao có thể gây “xáo trộn về mặt tâm lý” đối với Mỹ. Nhưng trong suốt 3.000 năm, việc đó không hề khiến Trung Quốc bận tâm. Người Trung Quốc có “sự tự tin” để đương đầu với việc bị cô lập. Chắc chắn là ngày nay, Kissinger 98 tuổi cũng sẽ đưa ra lời khuyên tương tự./.