20/03/1345: Đại dịch Cái chết đen bùng phát

Nguồn: Black Death is created, allegedly, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1345, theo các học giả tại Đại học Paris, Đại dịch Cái chết Đen đã bùng phát, trong sự kiện mà họ gọi là “cuộc hội tụ của Sao Thổ, Sao Mộc, và Sao Hỏa, ở góc 40 độ của chòm sao Bảo Bình.″ Cái chết Đen, hay Đại Dịch hạch, đã quét qua châu Âu, Trung Đông và châu Á trong thế kỷ 14, gây ra cái chết cho ước tính khoảng 25 triệu người.

Bất chấp khẳng định của các nhà thiên văn thế kỷ 14, căn bệnh phổ biến trong đợt dịch Cái chết Đen là do vi khuẩn yersinia pestis gây ra. Loại dịch hạch này, được truyền từ loài bọ chét sống bám ở chuột, có thể nhảy sang các động vật có vú khác khi chuột chết đi. Nhiều khả năng nó xuất hiện lần đầu tiên ở người ở Mông Cổ, trong khoảng năm 1320, dù nghiên cứu gần đây cho thấy nó có thể đã tồn tại hàng nghìn năm trước đó ở châu Âu.

Thông thường, những bệnh nhân mắc dịch hạch sẽ có triệu chứng đau đầu, sốt, và ớn lạnh. Lưỡi của họ thường chuyển sang màu trắng, trước khi họ bị sưng hạch bạch huyết nghiêm trọng. Cuối cùng, các đốm đen và tím bắt đầu xuất hiện trên da của người bệnh, và cái chết sẽ theo sau chỉ trong vòng một tuần. Trong giai đoạn sau, xuất hiện một dạng dịch hạch thể phổi, dù ít phổ biến hơn nhưng đã giết chết 95% số người mắc.

Sau khi các bộ lạc du mục của Mông Cổ bị dịch tàn phá, căn bệnh nhanh chóng lan truyền sang phía nam và phía đông, đến Trung Quốc và Ấn Độ. Bất cứ nơi nào nó đi qua, số người chết đều rất cao. Người ta cho rằng căn bệnh này đã lan đến châu Âu vào năm 1346. Trong một vụ việc nổi tiếng, người Tatar – một nhánh của người Thổ – khi đang chiến đấu với người Ý đến từ Genoa ở Trung Đông thì đột nhiên mắc bệnh dịch hạch. Sau đó, lính Tatar bắt đầu ném những xác chết qua các bức tường của người Genoa về phía kẻ thù của họ, những người đã chạy trốn trở lại Ý cùng với căn bệnh quái ác. Mặc dù lời kể này có thể không đúng, nhưng chắc chắn rằng những con chuột mang mầm bệnh đã có mặt trên những con tàu từ châu Á và Trung Đông đến châu Âu. Tại các thành phố cảng ở khắp mọi nơi, Cái chết Đen bắt đầu tấn công. Ở Venice, đã có tổng cộng 100.000 người chết, với 600 người chết mỗi ngày trong thời kỳ cao điểm.

Năm 1347, căn bệnh này lan sang Pháp và ước tính Paris đã mất khoảng 50.000 người. Một năm sau đó, Anh trở thành nạn nhân. Thông thường, các quốc gia sẽ tin rằng mình vượt trội và miễn nhiễm với bệnh dịch trong lúc nước láng giềng của họ mắc phải dịch hạch, nhưng họ nhanh chóng nhận ra mình đã lầm. Cái chết Đen đã càn quét khắp lục địa Á-Âu, gieo rắc sự tàn phá tại những nơi nó đi qua. Sau khi giai đoạn tồi tệ nhất kết thúc, vào năm 1352, một phần ba dân số của lục địa đã chết.

Sự tàn phá khủng khiếp đã khiến con người ta bộc lộ bản chất xấu xa của mình. Không phải chuyển động của các vì sao, mà các nhóm thiểu số trong cộng đồng, đã bị đổ tội là nguyên nhân gây ra dịch bệnh. Phù thủy và người gypsy là những mục tiêu thường xuyên. Hàng ngàn người Do Thái cũng bị tra tấn và thiêu chết vì bị cho là thủ phạm gây ra Cái chết Đen. Các nhà thuyết giáo cho rằng căn bệnh này là sự trừng phạt của Chúa Trời đối với thói vô luân. Nhiều người bắt đầu cầu nguyện, và những người sống sót nói rằng họ may mắn vì họ đã sùng đạo, từ đó dẫn đến sự phát triển của nhiều tôn giáo và giáo phái sau khi dịch hạch chấm dứt. Ngoài ra, một số người đã cố gắng tránh mắc bệnh bằng các phương pháp chữa trị vô ích, như tắm trong nước tiểu hoặc máu kinh.

Dịch hạch đã bùng phát định kỳ mãi cho đến những năm 1700, nhưng nó chưa bao giờ đạt đến quy mô của đợt dịch hồi thế kỷ 14.