Nguồn: Andreas Kappeler, „Geschichte der Ukraine im Überblick“, Bundeszentrale für Politische Bildung, 08/03/2015.
Biên dịch & tổng hợp: Tôn Thất Thông
Năm 1991 Ukraine giành độc lập. Trong những thập niên sau đó, quốc gia này cố gắng củng cố chính trị và kinh tế cũng như tạo mối quan hệ rộng rãi với các nước láng giềng EU và Nga. Trong cuộc Cách mạng Cam năm 2004, những xung đột nội bộ trong xã hội được phơi bày rõ ràng.
Một nhà nước Ukraina độc lập đã tồn tại từ tháng 12 năm 1991. Nó có diện tích 603.628 km vuông, trở thành quốc gia lớn thứ hai ở châu Âu sau Nga. Lãnh thổ của nó giống hệt lãnh thổ của Cộng hòa Xô viết Ukraina và có biên giới với Nga, Belarus, Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Moldova.
Ukraine là một nước cộng hòa tổng thống theo chế độ nghị viện. Nó được chia thành 24 khu vực về mặt hành chính, Cộng hòa tự trị Crimea có một qui chế đặc biệt riêng.
Ukraine có dân số 45,4 triệu người vào năm 2014. Năm 1991 là 51,7 triệu. Sự sụt giảm dân số hơn 11 phần trăm này chủ yếu là do tỷ lệ sinh rất thấp và tỷ lệ tử vong cao so với các nước Tây Âu. Tuổi thọ trung bình giảm từ 72 xuống 68 tuổi trong thời kỳ hậu Xô Viết; năm 2012 là 63 đối với nam và 74 đối với nữ.
Các nhóm dân tộc và ngôn ngữ
Nhóm dân tộc lớn nhất vào năm 2001 là người Ukraine với 77,8%, tiếp theo là người Nga với 17,3%. Mặt khác, ở các vùng Donetsk và Luhansk, người Nga chiếm 40% dân số, và ở Crimea thậm chí là 58%. Việc xác định sắc tộc được thực hiện theo mô hình phân loại chính thức ở Liên Xô, vốn không tồn tại ở hầu hết các quốc gia khác. Cơ cấu dân số không giống với cơ cấu ngôn ngữ. Khoảng một nửa dân số chủ yếu sử dụng tiếng Ukraina, nửa còn lại là tiếng Nga sử dụng trong ngôn ngữ hàng ngày. Hầu hết mọi người nói cả hai ngôn ngữ, vì vậy Ukraine là một quốc gia song ngữ. Tiếng Ukraina là ngôn ngữ nhà nước duy nhất, nhưng tiếng Nga vẫn giữ vị trí thống trị ở các khu vực phía nam và phía đông, cũng như các thành phố lớn, ngoại trừ phía Tây Ukraina.
Những vấn đề này đã trở nên nổi bật vào năm 2014, khi Nga biện minh cho sự can thiệp vũ trang của mình với nhu cầu bảo vệ “đồng bào” của mình khỏi “những kẻ phát xít” Kyiv theo chủ nghĩa dân tộc, những kẻ bị cho là đàn áp tiếng Nga và đàn áp dữ dội những người nói tiếng Nga. Những lập luận này không đứng vững, bởi vì không hề có vấn đề ngược đãi người nói tiếng Nga hoặc sự phân biệt đối xử đối với tiếng Nga. Vào năm 2012, Quốc hội Ukraine đã thông qua luật cho phép đưa một ngôn ngữ, bao gồm cả tiếng Nga, trở thành ngôn ngữ chính thức của một vùng nếu tỷ lệ người bản địa nói ngôn ngữ này chiếm hơn mười phần trăm trong khu vực liên quan. Theo đó, tiếng Nga đã trở thành ngôn ngữ chính thức của chín khu vực, bên cạnh tiếng Ukraina. Năm 2014, việc cố gắng bãi bỏ luật này đã thất bại. Hơn nữa, mối liên hệ về dân tộc và ngôn ngữ không trùng khớp với xu hướng chính trị. Đa số người gốc Nga và người Ukraine nói tiếng Nga là những công dân trung thành với quốc gia, và đa số người dân, theo tất cả các cuộc thăm dò, đều chống lại việc sáp nhập vào Nga.
Kinh tế và xã hội
Ukraine, vốn từ lâu mang tính chất nông thôn, giờ đây đã phát triển, có tỷ lệ đô thị hóa 70%. Trái ngược với phía đông nghiêng về công nghiệp, phía Tây Ukraine vẫn phát triển mạnh về nông nghiệp. Thủ đô Kyiv có 2,81 triệu dân vào năm 2012, tiếp theo là Kharkiv (1,44 triệu), Odessa và Dnipropetrovsk (1 triệu mỗi nơi), Donetsk (955.000), Zaporizhia (773.000), Lviv (730.000) và chín thành phố khác với cư dân nhiều hơn 300.000.
Ukraine là quốc gia nghèo thứ hai ở châu Âu với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tính theo sức mua ngang giá vào khoảng 7700 đô la Mỹ trên mỗi đầu người (2010). Nó chỉ đứng trước Moldova, nhưng rõ ràng là xếp sau Nga. Công nghiệp chiếm 31% GDP năm 2010, nông nghiệp chiếm 9% và dịch vụ chiếm 60%. Ngành công nghiệp quan trọng nhất, như truyền thống hơn một trăm năm trước, là ngành công nghiệp nặng với trụ cột là khai thác than đá ở Donbas và khai thác quặng sắt ở lưu vực Dnepr từ Kryvyi Rih và các thành phố công nghiệp của Kharkiv, Dnipropetrovsk , Zaporizhia, Donetsk và Mariupol. Lĩnh vực chủ chốt là sản xuất thép: Ukraine đứng thứ 8 trên thế giới; 80% thép được xuất khẩu, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thêm vào đó là ngành công nghiệp máy móc và vũ khí, ngành công nghiệp hóa chất, đặc biệt là sản xuất phân đạm. Công nghệ thông tin tỏ ra phát triển rất năng động.
Các mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác là máy bay, xe tăng và tên lửa. Tuy nhiên, nhu cầu của lực lượng vũ trang của chính họ lại bị bỏ quên. Chi tiêu cho quân đội chỉ bằng khoảng 5% của Nga. Các đối tác thương mại nước ngoài quan trọng nhất là Nga và Liên minh châu Âu, với tỷ trọng gần bằng nhau. Trong lĩnh vực năng lượng, Ukraine phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên và nhập khẩu dầu từ Nga. Điều này khiến Moscow liên tục gây sức ép với Kyiv, đe dọa cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ukraine.
Nông nghiệp trở nên quan trọng hơn so với thời kỳ Xô Viết. Ukraine là một trong những nước xuất khẩu lúa mì hàng đầu trên thế giới và một lần nữa khẳng định danh tiếng là “vựa thóc của châu Âu”. Thêm vào đó là ngành canh tác củ cải đường, ngô và hoa hướng dương.
Như ở hầu hết các quốc gia hậu Xô Viết khác, nền kinh tế đã sụp đổ vào thập niên 1990, và vào cuối thập niên đó, tổng thu nhập quốc dân chỉ bằng 40% mức năm 1989, và mức lương trung bình hàng tháng chỉ là 67 euro. Một bộ phận đáng kể dân cư, đặc biệt là người già, người tàn tật và thanh niên, sống trong cảnh nghèo đói và chịu nhiều khó khăn về mặt xã hội. Tuy nhiên, trong bảy năm đầu của thế kỷ 21, Ukraine đã trải qua sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, và những thiệt hại của những năm 1990 gần như đã được bù đắp.
Sau đó, vào năm 2008-2009, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tấn công toàn diện nền kinh tế Ukraine, GDP thực tế giảm 15% và sản xuất công nghiệp giảm 22%. Nền kinh tế sau đó đã phục hồi, mặc dù không đạt được mức như năm 2008. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã cấp cho Ukraine các khoản vay lớn để đổi lấy việc nước này phải thực hiện các cải cách sâu rộng, như củng cố ngân sách, tăng giá khí đốt và nâng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, những việc này đã bị trì hoãn trong một thời gian dài và chỉ dần dần được thực hiện từ năm 2011 trở đi. Các nhà tài phiệt đóng một vai trò quan trọng trong kinh tế và chính trị. Người Ukraine giàu nhất là Rinat Akhmetov, người sở hữu một đế chế công nghiệp bao gồm luyện kim, hóa chất, sản xuất điện và truyền thông với Donbas là căn cứ trọng điểm.
Mặc dù tiền lương hiện đã tăng lên, nhưng tình hình xã hội của nhiều bộ phận dân cư vẫn còn bấp bênh. An sinh xã hội và dịch vụ y tế còn nhiều bất cập. Tham nhũng phổ biến và có mặt khắp nơi, được sử dụng như một “chất bôi trơn” trong kinh tế, cảnh sát, tư pháp, và thậm chí trong hệ thống y tế và giáo dục.
Trong nước Ukraine độc lập, văn hóa tự giải thoát khỏi xiềng xích của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Văn học Ukraine nói riêng phát triển mạnh mẽ và, lần đầu tiên trong lịch sử, đã gây được tiếng vang ở nước ngoài. Các tác phẩm của Yuri Andrukhovych, Oksana Zabushko và Serhii Shadan đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, cũng như các tiểu thuyết và truyện ngắn viết bằng tiếng Nga của Andrei Kurkov.
Tình hình chính trị từ năm 1991 đến năm 2013
Lúc đầu, nhà nước Ukraina độc lập phải thực hiện nhiệm vụ củng cố về đối ngoại. Quan hệ với các quốc gia láng giềng được quy định trong các hiệp định song phương, bao gồm cả quan hệ với Nga, qua đó một hiệp định hữu nghị đã được ký kết vào năm 1997, trong đó hai quốc gia đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Ukraine đã từ bỏ vũ khí hạt nhân ngay từ năm 1994. Đổi lại, Mỹ, Anh và Nga cam kết tôn trọng chủ quyền của Ukraine. Ukraine là một thành viên của Cộng đồng các quốc gia độc lập, trong đó Nga có vai trò thống trị, nhưng cộng đồng này vẫn có tầm quan trọng thứ yếu. Đồng thời, quan hệ hợp tác với phương Tây đã được tiến hành, bắt đầu bằng một thỏa thuận đối tác với EU được ký vào năm 1994. Ukraine được kết nạp vào Hội đồng Châu Âu một năm sau đó.
Về đối nội, quá trình hình thành nhà nước diễn ra. Trong gần 20 năm, sự ổn định chính trị đã đạt được với các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống nghiêm túc, cũng như tự do truyền thông được thừa nhận rộng rãi. Sự phát triển chính trị trong nước được định hình bởi sự kế vị của các tổng thống thông qua bầu cử. Tổng thống đầu tiên Kravchuk (1991-1994) nổi lên như một người đại diện cho lợi ích quốc gia Ukraine. Theo sau ông là nhà quản lý công nghiệp Leonid Kuchma (1994-2004), người đã cải thiện quan hệ với Nga và đưa ra các cải cách kinh tế thị trường tự do. Về chính sách đối ngoại, ông theo đuổi đường lối “đa phương” nhằm giữ cân bằng giữa Nga và EU.
Trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, ông đã cai trị theo cách thức ngày càng độc đoán, gây nên một phong trào chống đối. Về người kế nhiệm, ông ủng hộ Viktor Yanukovych, cựu thủ tướng và thống đốc vùng Donetsk, người cũng được Nga ủng hộ. Mặt khác, đối thủ của ông, Viktor Yushchenko, cựu Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia, lại ủng hộ dân chủ hóa và quay sang phương Tây. Đầu tháng 9 năm 2004, Yushchenko là nạn nhân của một vụ tấn công bằng chất độc ngay trong giai đoạn tranh cử. Yanukovych đã giành chiến thắng trong vòng bầu cử cuối cùng ngày 21 tháng 11, nhưng kết quả rõ ràng là gian lận. Một phong trào quần chúng tự phát đã nổi lên chống lại kết quả đó. Hàng trăm nghìn người đã đổ về Quảng trường Độc lập của Kiev, Maidan, trong sự kiện được gọi là Cách mạng Cam, dẫn tới việc tổ chức lại cuộc bầu cử, qua đó Yushchenko đã giành chiến thắng.
Tuy nhiên, hai nhân vật chính của Cách mạng Cam, Tổng thống mới và Thủ tướng Yulia Tymoshenko, đã nhanh chóng đánh mất uy tín chính trị khi vắt kiệt sức mình trong các cuộc tranh giành quyền lực thay vì tiến hành các cải cách cần thiết. Họ đã bị trừng phạt trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2010, khi Yanukovych thắng sít sao Tymoshenko trong lần bỏ phiếu thứ hai. Trong cuộc bầu cử này và các cuộc bầu cử trước đó, phần lớn dân số ở miền đông và miền nam đã bỏ phiếu ủng hộ ứng cử viên có khuynh hướng thân Nga (Yanukovych), trong khi đa số cử tri ở miền tây và miền trung bỏ phiếu cho Yushchenko hoặc Tymoshenko thân phương Tây và các đảng của họ.
Tổng thống mới Yanukovych nhanh chóng mở rộng quyền lực, hạn chế các quyền dân chủ và đàn áp các đối thủ chính trị của mình, bao gồm cả Tymoshenko, người đã bị ông giam giữ. Ông ta cũng lợi dụng địa vị của mình để làm giàu cho bản thân và gia đình. Mối quan hệ với Nga, vốn đã xấu đi dưới thời Yushchenko, đã được cải thiện trở lại. Tổng thống Putin đã không thành công khi cố gắng thuyết phục Ukraine gia nhập Cộng đồng Kinh tế Á-Âu, được tạo ra để đối trọng với EU. Đồng thời, Yanukovych cũng tiếp tục đưa Ukraine xích lại gần hơn với Liên minh châu Âu. Sau các cuộc đàm phán kéo dài, một thỏa thuận liên kết đã được ký tắt vào năm 2012, và đúng ra sẽ được ký chính thức vào ngày 28-29 tháng 11 năm 2013 tại thủ đô Vilnius của Litva. Tuy nhiên, một tuần trước ngày đó, chính phủ Ukraine, dưới áp lực của Nga, đã rút lại cam kết của mình. Điều này đã làm nổ ra một phong trào quần chúng mới, gọi là Euro Maidan.
(Còn tiếp 1 phần)
Xem các phần còn lại tại đây: https://nghiencuuquocte.org/tag/luoc-su-ukraine/
Giáo sư Andreas Kappeler là chuyên gia về Lịch sử Đông Âu tại Đại học Vienna và thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Áo và Ukraina. Trọng điểm nghiên cứu của ông là lịch sử của Đế chế Nga và Ukraine.
Hình: Ba nguyên thủ ký thỏa ước giải thể Liên Xô