Đằng sau việc điệp viên Nga bị châu Âu trục xuất hàng loạt

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn:Russian spooks are being kicked out of Europe en masse,” The Economist, 07/04/2022

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Ngành tình báo của Nga có thể bị thụt lùi nhiều năm.

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã khiến quân đội nước này bị tổn thương và nền kinh tế bị tàn phá. Giờ đây, các điệp viên của Nga bắt đầu bị ảnh hưởng. Ngày 07/04, Áo, sau nhiều năm là trung tâm hoạt động gián điệp của Nga, đã trở thành quốc gia mới nhất trục xuất những người bị nghi là tình báo Nga, nâng tổng số quan chức Nga bị trục xuất khỏi Mỹ và châu Âu kể từ khi chiến tranh bắt đầu lên hơn 400. Vụ trục xuất hàng loạt, lớn nhất trong lịch sử này có khả năng ảnh hưởng lâu dài đến lực lượng tình báo của Vladimir Putin, cũng như khả năng do thám – và lật đổ – ở châu Âu.

Số lượng “nhà ngoại giao” Nga bị trục xuất

Ngay từ tuần đầu tiên của cuộc chiến, Mỹ và Bulgaria mỗi nước đã ra lệnh đuổi hàng chục nhân viên người Nga, còn đợt trục xuất gần đây nhất bắt đầu với Slovakia và Bulgaria vào giữa tháng 3, sau đó là Ba Lan và các nước vùng Baltic vào ngày 23/03, hàng loạt các nước khác cũng tiếp bước, bao gồm 75 người bị đuổi khỏi Pháp và Đức vào ngày 04/04. Ngày 05/04, chín quốc gia, và chính Liên minh châu Âu, đã trục xuất hơn 150 người Nga về nước. Hầu hết nhóm này bị cáo buộc là gián điệp, nhưng đó không phải là lý do duy nhất: Litva đã trục xuất đại sứ Nga. Nhiều quốc gia khác cũng đang chuẩn bị để trục xuất thêm.

Việc trục xuất điệp viên trên quy mô như thế này là chưa từng có. Con số này cao hơn gấp đôi so với năm 2018, khi 28 quốc gia phương Tây trục xuất 153 người bị tình nghi là gián điệp, nhằm đáp trả vụ Nga cố gắng ám sát Sergei Skripal, một cựu nhân viên tình báo Nga từng làm gián điệp cho Anh, ở Salisbury, Anh. Đợt trục xuất mới nhất là “rất lớn” và “đáng lẽ phải làm từ lâu” – trích lời Marc Polymeropoulos, giám đốc các chiến dịch của CIA ở Châu Âu và Á-Âu cho đến năm 2019. “Châu Âu là sân chơi lịch sử của họ và đội ngũ nhân viên ngoại giao của họ luôn đông đúc ở những nơi này.” Polymeropoulos nói rằng khi còn công tác, “chúng tôi thực sự coi châu Âu là chiến trường quan trọng với người Nga.”

Mục đích trước mắt của đợt trục xuất là trừng phạt Nga vì hành động xâm lược Ukraine. Các quan chức từ FSB, cơ quan an ninh Nga, và GRU, cơ quan tình báo quân đội từng ra lệnh thủ tiêu Skripal, đều đóng vai trò quan trọng trong việc lập kế hoạch và tiến hành chiến tranh. Nó cũng nhằm mục đích gây khó khăn hơn cho Nga trong lĩnh vực cốt lõi của tình báo: đánh cắp thông tin mật.

Sự hiện diện của tình báo Nga ở một số quốc gia châu Âu đã lớn mạnh đến nỗi các cơ quan an ninh địa phương phải rất khó khăn mới có thể theo dõi được các gián điệp, cả tình nghi lẫn đã được chứng minh. Năm ngoái, một giám đốc phụ trách gián điệp của Đức nói rằng số lượng gián điệp Nga đã tương đương với thời Chiến tranh Lạnh. Trước khi xảy ra làn sóng trục xuất gần nhất, ước tính có gần 1.000 nhân viên tình báo Nga không khai báo đang làm việc trong các đại sứ quán và lãnh sự quán ở châu Âu.

Nhưng gián điệp không phải là mối bận tâm duy nhất. Việc loại bỏ các nhân viên tình báo Nga cũng giúp bảo vệ châu Âu trước sự phá hoại và lật đổ của Nga. Theo một cách nào đó, gốc rễ của những vụ trục xuất gần đây đều bắt nguồn từ năm ngoái. Tháng 04/2021, Cộng hòa Séc cáo buộc GRU cài bom một kho vũ khí ở nước này và theo đó đã trục xuất 81 nhà ngoại giao Nga (phần nào lý giải tại sao lần này họ lại trục xuất ít người hơn), phía Mỹ đã trục xuất 10 người và các nước châu Âu là 14 người khác.

Sự kiện đó, cùng với những sự kiện khác tương tự, đã thúc đẩy NATO kiểm tra toàn diện các nhóm thường trú (rezidentura theo tiếng Nga, hay station trong tiếng Anh/Mỹ) tại các đại sứ quán ở phương Tây và các hoạt động của họ. Đợt kiểm tra đã phát hiện ra rằng đại sứ quán Nga thường có rất nhiều nhân viên tình báo không khai báo xuất thân từ ba cơ quan: GRU, FSB, và SVR, cơ quan tình báo hải ngoại của Nga, vốn cũng là nơi cung cấp phần lớn điệp viên trong các phái bộ ngoại giao ở nước ngoài. Hồi tháng 10 năm ngoái, NATO đã trục xuất 8 người bị cáo buộc làm gián điệp khỏi phái đoàn ở Brussels, khiến Nga phải đóng cửa văn phòng, và đáp trả bằng cách đuổi đại diện của NATO ở Moscow.

Mục đích của việc loại các nhân viên người Nga khỏi châu Âu không chỉ là để ngăn họ làm những điều không mong muốn, mà còn là để ngăn chặn họ hỗ trợ cho người khác. Các sĩ quan GRU đầu độc Skripal và cài bom ở Bulgaria không phải là các nhà ngoại giao giả danh đóng ở London hay Sofia; họ được gửi thẳng từ Moscow, dưới vỏ bọc không phải nhân viên chính thức. Những kẻ ám sát Skripal giả làm khách du lịch đến thăm nhà thờ Salisbury. Tuy nhiên, các chiến dịch bí mật kiểu này thường dựa vào sự hỗ trợ từ các đại sứ quán đóng tại địa phương, chẳng hạn như việc sử dụng túi thư ngoại giao để vận chuyển các vật dụng bất hợp pháp qua biên giới.

Ngăn chặn các hành động đó là hợp lý, nhưng cái giá phải trả là việc sẽ bị Nga trả đũa. Sau vụ trục xuất liên quan đến Skripal, Nga đã ra lệnh đuổi 189 quan chức phương Tây. Kết quả là các nhà ngoại giao thực sự – những người luôn là một phần trong nhóm bị trục xuất – sẽ có ít cơ hội hơn để giao tiếp với những người Nga bình thường, đúng vào thời điểm mà tuyên truyền của nhà nước Nga đang ngày một thêm tồi tệ. Đây là lý do tại sao các bộ ngoại giao thường ít ủng hộ việc trục xuất bằng các cơ quan an ninh.

Số lượng gián điệp phương Tây ở Moscow cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trong thực tế, điều này không hẳn là một vấn đề. Trên sân nhà, các cơ quan an ninh của Nga có nhiều nguồn lực và quyền hạn để theo dõi các nhân viên tình báo phương Tây trong các đại sứ quán ở Moscow hơn là ngược lại – một sĩ quan GRU có thể đi lại và gặp gỡ mọi người ở Berlin dễ dàng hơn một sĩ quan CIA ở thủ đô nước Nga.

Trục xuất cũng không phải là một giải pháp lâu dài. Nga có xu hướng gửi thêm các điệp viên mới để thay thế những người đã rời đi, theo đó đòi hỏi các cơ quan phản gián phương Tây phải tìm cách xác định lại từ đầu những Bí thư Thứ nhất mới nào được cử đến là các gián điệp mới. Một số quan chức phương Tây cho biết mục đích của họ là đảm bảo rằng số lượng nhân viên của các đại sứ quán Nga ở châu Âu không lớn hơn số nhân viên các đại sứ quán phương Tây ở Moscow – một nguyên tắc mà Cộng hòa Séc đã nhấn mạnh vào năm ngoái. Điều đó đòi hỏi phải liên tục từ chối cấp thị thực cho những nhân viên mới, và chia sẻ thông tin thường xuyên giữa các đồng minh, để một người bị đuổi khỏi quốc gia này không thể được gửi đến một quốc gia khác.

Ít điệp viên Nga hơn ở New York, London, hay Paris đồng nghĩa với việc ít điệp viên hai mang tiềm năng hơn. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người đang hoạt động. Và các điệp viên phương Tây có thể tìm thấy những cá nhân xuất sắc trong nhóm này. Chính cuộc xâm lược của Liên Xô vào Tiệp Khắc năm 1968 đã khiến Oleg Kalugin, một vị tướng của KGB, Oleg Gordievsky, một sĩ quan KGB ở London, và Vasili Mitrokhin, một nhân viên lưu trữ của KGB, vỡ mộng. Gordievsky và Mitrokhin sau này trở thành hai điệp viên thành công ngoạn mục của MI6, còn Kalugin trở thành một người bất đồng chính kiến và chuyển đến sống tại Mỹ. Cuộc chiến ở Ukraine, còn đẫm máu hơn nhiều so với Mùa xuân Praha, có thể có tác động tương tự đối với một số sĩ quan đương nhiệm trong GRU, SVR, và FSB.

Jonathan Haslam, một nhà sử học nghiên cứu các cơ quan tình báo Nga, cho biết: “Nhiều trong số những người phục vụ ở đây hoàn toàn nhận thức rằng nước Nga đã bị sỉ nhục bởi cuộc chiến thảm khốc này, bởi vì họ có toàn quyền tiếp cận thông tin, và có thể kết luận rằng, khi quay trở về Mẫu quốc, chế độ sẽ không thể trông cậy vào họ.” Tại Moscow, các sĩ quan cấp cao của FSB dường như đang rơi vào rối loạn, bị Putin đổ lỗi vì đã phá hỏng cuộc chiến và cung cấp thông tin không đáng tin cậy. Các điệp viên Nga được đưa ra nước ngoài, cùng với gia đình của họ, cũng sẽ quen thuộc với cuộc sống ở các thủ đô phương Tây. Việc quay trở về Moscow ngày càng độc tài có thể không còn hấp dẫn. Polymeropoulos nói: “Tôi nghĩ rằng tất cả họ đều sẽ nhận được một cú điện thoại, hoặc một cú va chạm trên đường phố, hoặc một cuộc ghé thăm và trò chuyện từ các cơ quan an ninh địa phương. Các đồng minh phương Tây nên tiếp cận họ trước khi họ về nước.”