14/04/1986: Mỹ không kích các mục tiêu khủng bố và quân sự ở Libya

Nguồn: U.S. bombs terrorist and military targets in Libya, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1986, Mỹ đã tiến hành không kích vào Libya, để trả đũa việc nước này tài trợ khủng bố nhắm vào quân đội và công dân Mỹ. Cuộc đột kích, bắt đầu ngay trước 7 giờ tối giờ miền đông (tức 2 giờ sáng ngày 15/04, theo giờ Libya), có sự tham gia của hơn 100 máy bay của Lực lượng Không quân và Hải quân Mỹ, và kết thúc trong vòng một giờ. Năm mục tiêu quân sự và “trung tâm khủng bố” đã bị tấn công, bao gồm cả nhà của lãnh đạo Libya Muammar al-Qaddafi.

Trong suốt những năm 1970 và 1980, chính phủ của Qaddafi đã tài trợ cho rất nhiều nhóm khủng bố Hồi giáo, chống Mỹ, và chống Anh trên toàn thế giới, từ lính du kích Palestine, phiến quân Hồi giáo Philippines, đến Quân đội Cộng hòa Ireland, và Đảng Báo đen (Black Panthers). Đáp lại, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên Libya và quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi.

Năm 1981, Libya đã bắn một máy bay của Mỹ đi vào Vịnh Sidra, mà Qaddafi đã tuyên bố là lãnh hải của Libya vào năm 1973. Cũng trong năm đó, người Mỹ đã tìm được bằng chứng về các âm mưu khủng bố do Libya tài trợ chống lại Mỹ, bao gồm các âm mưu ám sát được lên kế hoạch nhắm vào các quan chức Mỹ, và vụ đánh bom vũ hội do Đại sứ quán Mỹ tài trợ ở Khartoum, Sudan.

Tháng 12/1985, năm công dân Mỹ đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công khủng bố diễn ra đồng thời tại sân bay Rome và Vienna. Libya bị cho là đứng sau các vụ việc, và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã ra lệnh mở rộng các biện pháp trừng phạt, đồng thời phong tỏa tài sản của Libya tại Mỹ. Ngày 24/03/1986, lực lượng Mỹ và Libya đã đụng độ ở Vịnh Sidra, và bốn tàu tấn công của Libya đã bị đánh chìm. Sau đó, vào ngày 05/04, những kẻ khủng bố đã đánh bom một vũ trường ở Tây Berlin vốn nổi tiếng là nơi quân nhân Mỹ thường xuyên lui tới. Một quân nhân Mỹ và một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng, và hơn 200 người khác bị thương, trong đó có 50 quân nhân Mỹ. Tình báo Mỹ cho biết đã chặn được các tin nhắn vô tuyến được gửi từ Libya tới các nhà ngoại giao của nước này ở Đông Berlin, trong đó ra lệnh tấn công vũ trường LaBelle ngày 05/04.

Sang ngày 14/04, Mỹ đã đáp trả bằng các cuộc không kích lớn nhắm vào Tripoli và Banghazi. Các cuộc tấn công được thực hiện bởi 14 máy bay cường kích A-6E của hải quân đang đóng tại Địa Trung Hải, và 18 máy bay ném bom FB-111 đến từ các căn cứ ở Anh. Nhiều máy bay hỗ trợ khác cũng tham gia. Pháp từ chối cho phép các máy bay F-111 bay qua lãnh thổ của mình, động thái này đã làm tăng quãng đường đi và về từ Anh lên 2.600 hải lý. Ba doanh trại quân đội đã bị tấn công, cùng với các cơ sở quân sự tại sân bay chính của Tripoli, và căn cứ không quân Benina ở phía đông nam Benghazi. Người ta nói rằng tất cả các mục tiêu, chỉ trừ một, đã được chọn vì có liên quan trực tiếp đến hoạt động khủng bố. Riêng sân bay quân sự Benina bị tấn công là để ngăn không cho máy bay đánh chặn của Libya cất cánh và tấn công các máy bay ném bom của Mỹ.

Còn trước khi chiến dịch kết thúc, Tổng thống Reagan đã xuất hiện trên truyền hình quốc gia để thảo luận về các cuộc không kích. “Khi công dân của chúng tôi bị lạm dụng, hoặc bị tấn công, ở bất kỳ đâu trên thế giới,” ông nói, “chúng tôi sẽ phản ứng để tự vệ. Hôm nay, chúng tôi đã làm những gì mình phải làm. Nếu cần, chúng tôi sẽ làm lại một lần nữa.”

Chiến dịch có mật danh El Dorado Canyon này được các quan chức Mỹ xem là một thành công. Cô con gái nuôi 15 tháng tuổi của Qaddafi đã thiệt mạng trong vụ tấn công vào nơi ở của ông, còn hai con trai nhỏ của ông thì bị thương. Dù ông chưa bao giờ thừa nhận công khai, nhưng người ta suy đoán rằng chính Qaddafi cũng bị thương trong vụ đánh bom. Hỏa lực từ tên lửa đất đối không và pháo phòng không của Libya cũng rất mạnh, và một chiếc F-111 cùng với hai phi công ngồi trên nó đã mất tích không dấu vết. Một số tòa nhà dân cư đã vô tình bị đánh bom trong cuộc đột kích, và 15 thường dân Libya đã thiệt mạng. Đại sứ quán Pháp ở Tripoli cũng không may bị trúng đạn, nhưng không ai bị thương.

Ngày 15/04, các tàu tuần tra của Libya đã bắn tên lửa vào một trạm liên lạc của Hải quân Mỹ trên Đảo Lamedusa của Ý, nhưng tên lửa đã không trúng đích. Đã không có vụ tấn công khủng bố lớn nào khác liên quan đến Libya, mãi cho đến khi xảy ra vụ đánh bom Pan Am 747 vào năm 1988, tại Lockerbie, Scotland. Toàn bộ 259 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay đó đã thiệt mạng cùng với 11 người khác trên mặt đất. Đầu thập niên 1990, các nhà điều tra đã xác định hai đặc vụ tình báo Libya, Abdel Basset Ali al-Megrahi và Lamen Khalifa Fhimah, là nghi phạm trong vụ đánh bom, nhưng Libya từ chối dẫn độ họ để xét xử tại Mỹ. Nhưng vào năm 1999, trong một nỗ lực nhằm giảm nhẹ các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Libya, Đại tá Moammar Gadhafi đã đồng ý chuyển các nghi phạm đến Scotland, để xét xử tại Hà Lan, nhưng sử dụng luật pháp và công tố viên Scotland. Đầu năm 2001, al-Megrahi bị kết tội và bị kết án tù chung thân, nhưng ông vẫn liên tục tuyên bố mình vô tội và cố gắng lật ngược lại bản án của mình. Còn Fhimah được tuyên trắng án.

Theo yêu cầu của Liên Hiệp Quốc và Mỹ, Libya đã nhận trách nhiệm về vụ đánh bom, nhưng không hề tỏ lòng hối hận. Liên Hiệp Quốc và Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Libya, và nước này sau đó đã trả cho gia đình của mỗi nạn nhân một khoản bồi thường khoảng 8 triệu đô la. Năm 2004, thủ tướng Libya gọi thỏa thuận này là “cái giá cho hòa bình,” ngụ ý rằng đất nước của ông chỉ nhận trách nhiệm để được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Hành động đó khiến gia đình các nạn nhân vô cùng tức giận. Ông cũng thừa nhận rằng Libya đã không thực sự nhận tội trong vụ đánh bom. Pan Am, hãng hàng không đã phá sản sau vụ đánh bom, vẫn đang đòi Libya bồi thường 4,5 tỷ USD tại tòa dân sự.

Qaddafi đã khiến nhiều người trên thế giới ngạc nhiên khi trở thành một trong những nguyên thủ quốc gia Hồi giáo đầu tiên lên án al-Qaida sau vụ tấn công ngày 11/09/2001. Năm 2003, ông được chính quyền George W. Bush ủng hộ khi thừa nhận sự tồn tại của một chương trình chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt ở Libya, và đồng ý cho phép một cơ quan quốc tế đến kiểm tra và tháo dỡ chúng. Dù một số người trong chính phủ Mỹ coi đây là hệ quả trực tiếp và tích cực của cuộc chiến đang diễn ra ở Iraq, những người khác chỉ ra rằng, Qaddafi về cơ bản đã đưa ra một đề nghị tương tự ngay từ năm 1999, nhưng ông đã bị phớt lờ. Năm 2004, Thủ tướng Anh Tony Blair đến thăm Libya, trở thành một trong những nguyên thủ quốc gia phương Tây đầu tiên làm như vậy trong lịch sử gần đây. Trong chuyến thăm, ông ca ngợi Libya là một đồng minh mạnh mẽ trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế.

Tháng 02/2011, khi tình trạng bất ổn lan rộng khắp thế giới Ả Rập, các cuộc biểu tình chính trị lớn chống lại chế độ Qaddafi đã châm ngòi cho một cuộc nội chiến giữa phe cách mạng và phe trung thành. Sang tháng 3, một liên minh quốc tế bắt đầu tiến hành không kích nhắm vào các thành trì của Qaddafi, dưới sự bảo trợ của một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ngày 20/10, chính phủ lâm thời của Libya thông báo rằng Qaddafi đã chết sau khi bị bắt giữ gần quê hương của ông, Sirte.