Thế giới hôm nay: 14/04/2022

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Tổng thống Joe Biden lần đầu tiên gọi các hành động của Nga ở Ukraine là “tội ác diệt chủng,” và “ngày càng rõ ràng rằng Putin muốn xóa sổ dân tộc Ukraine.” Mặc dù lời nói của ông Biden không có trọng lượng pháp lý, nhưng tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã hoan hô vì “chỉ thẳng mặt tội ác là cần thiết để chống lại cái ác.”

Thủ tướng Sanna Marin cho biết trong vòng vài tuần tới Phần Lan sẽ quyết định xem có nên gia nhập NATO hay không. Bà đưa ra tuyên bố này trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Magdalena Andersson của Thụy Điển, nước cũng đang xem xét gia nhập NATO. Là quốc gia có đường biên giới dài với Nga, Phần Lan đang ngày càng xem xét nghiêm túc ý tưởng gia nhập NATO sau khi Ukraine bị xâm lược; đáp lại, Nga đã cảnh báo hai nước này.

Các tổng thống của Estonia, Latvia, LithuaniaBa Lan đã đến một khu vực gần Kyiv để gặp người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Lãnh đạo Lithuania Gitanas Nauseda cho biết họ mang theo một “thông điệp hỗ trợ chính trị và quân sự mạnh mẽ.” Ba Lan và các nước vùng Baltic nằm trong số những nước chỉ trích gay gắt nhất khi Nga ráo riết đổ quân về biên giới Ukraine. Tổng thống Đức, Frank-Walter Steinmeier, đáng lẽ cũng tham gia chuyến đi nhưng đến hôm thứ Ba lại nói “[người ta] không chào đón” ông ở Ukraine.

Một tòa án ở thiên đường thuế Jersey nằm giữa eo biển Anh đã phong tỏa khối tài sản trị giá 7 tỷ USD có liên quan đến nhà tài phiệt người Nga Roman Abramovich. Pháp tịch thu 12 bất động sản của ông Abramovich, bao gồm một lâu đài trị giá 90 triệu bảng Anh ở gần Cannes và một bất động sản sang trọng trên đảo St Barts ở vùng biển Caribbe. Hồi tháng 3, giới chức EU và Anh đã đặt ra một loạt các biện pháp trừng phạt đối với ông sau khi Nga xâm lược Ukraine.

Cảnh sát đã phạt thủ tướng Anh Boris Johnson vì tiệc tùng giữa phong tỏa covid-19. Ông Johnson từng nói trước Hạ viện là ông không vi phạm luật phong tỏa mà chính phủ ông đặt ra. Nếu vậy, ông có thể mắc tội nói dối trước Nghị viện, mà thường sẽ dẫn đến từ chức. Ông Johnson đã xin lỗi, nhưng kiên quyết không từ chức. Ông được nội các của mình hậu thuẫn, trong khi ngay cả các nghị sĩ Đảng Bảo thủ trước đây từng yêu cầu ông từ chức giờ cũng ủng hộ ông ở lại.

Kẻ tình nghi 62 tuổi trong vụ bắn 10 người ở Thành phố New York vào hôm thứ Ba đã bị các công tố viên liên bang buộc tội thực hiện hành vi khủng bố trên phương tiện giao thông nhiều người. Cảnh sát đã bắt người này, Frank James, ở Manhattan một ngày sau khi ông ta bắn bị thương ít nhất 23 người trên một chuyến tàu điện ngầm ở Brooklyn. Năm người hiện vẫn nguy kịch dù được cho là sẽ sống sót. James có thể đối mặt án tù chung thân nếu bị kết tội.

Cổ phiếu của hãng dược Nhật Bản Shionogi & Co đã giảm kỷ lục 16% – cao nhất mười năm qua – sau khi có thông tin thuốc kháng virus covid-19 đang thử nghiệm trên động vật của họ gây hại cho thai nhi. Tuy nhiên các loại thuốc tương tự của các đối thủ cạnh tranh, chẳng hạn như Lagevrio của Merck & Co hay Paxlovid của Pfizer, vẫn được chấp thuận sử dụng dù làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh.

Con số trong ngày: 60%, là tỷ lệ cử tri Anh nhận thấy thủ tướng Boris Johnson nên từ chức.

TIÊU ĐIỂM

Thử thách đón chờ thủ tướng mới của Pakistan

Vào hôm thứ Hai, Shehbaz Sharif đã chính thức tuyên thệ nhậm chức thủ tướng thứ 23 của Pakistan sau khi Imran Khan bị phế truất. Ông Sharif – em trai của cựu thủ tướng Nawaz Sharif – ngay lập tức bắt tay vào công việc. Các văn phòng chính phủ được lệnh mở cửa sáu ngày một tuần và công chức được yêu cầu đến sở làm sớm hơn.

Nhà lãnh đạo mới của Pakistan sẽ rất bận rộn. Nền kinh tế đang suy thoái, lạm phát gần 13% trong khi cán cân thanh toán rơi vào khủng hoảng. Thế nhưng quyền lực của ông Sharif chỉ dựa vào một liên minh thiếu vững chắc gồm nhiều đảng từ cánh tả cho đến cánh hữu tôn giáo. Ngoài ra phe của ông Khan sẽ không dễ dàng từ bỏ. Nhiều trong số những người ủng hộ trẻ tuổi của ông tin ông bị mất chức vì âm mưu của Mỹ và đang rất tức giận. Tình hình này khiến chính trị Pakistan trở nên phức tạp và chia rẽ, trong khi chỉ còn một năm nữa là đến bầu cử.

Thị trường bán dẫn toàn cầu có thể hạ nhiệt

Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) thực sự phát tài nhờ đại dịch covid-19. Nhu cầu thiết bị điện tử gia tăng cùng với việc kinh tế toàn cầu phục hồi ngoạn mục đã gây ra tình trạng thiếu chip. Nhờ giá cao hơn, doanh thu của TSMC tăng vọt. Do vậy, chắc chắn lợi nhuận quý đầu năm 2022 sẽ rất tốt đẹp khi được công bố vào thứ Năm này. Trước đó doanh thu quý, được công bố vào tuần trước, đã tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy vậy kỳ trăng mật có thể không kéo dài. TSMC nói chi phí nguyên liệu đầu vào đang tăng cao. Hơn nữa cuộc chiến ở Ukraine cũng có thể khiến mọi thứ tồi tệ đi vì nước này sản xuất lượng lớn đèn neon bán dẫn trên toàn cầu. Nhu cầu tiêu dùng dường như đang chậm lại khi tăng trưởng kinh tế giảm tốc và lạm phát tăng cao. Trong khi đó các nhà máy bán dẫn mới đang được xây dựng trên khắp châu Mỹ và châu Âu có thể giúp khắc phục tình trạng thiếu hụt, dù sẽ mất một thời gian: ASML, nhà cung cấp máy sản xuất chip tiên tiến duy nhất trên thế giới, đã cho biết gián đoạn nguồn cung sẽ còn kéo dài ít nhất hai năm tới.

ECB đứng trước quyết định khó khăn

2022 là một năm khác thường tại Ngân hàng Trung ương Châu Âu. Hội đồng thống đốc của họ sẽ họp tại Frankfurt vào thứ Năm, cuộc họp chính thức thứ hai kể từ khi Nga xâm lược Ukraine.

Hiện ngân hàng đang ở trong thế tiến thoái lưỡng nan. Lạm phát ở khu vực đồng euro tăng cao tới 7,5% trong tháng 3 khi giá năng lượng bùng nổ. Cuộc phong tỏa mới của Trung Quốc chắc chắn làm tăng áp lực lên bên cung và khiến giá cả tăng cao. Và chiến tranh Ukraine đang đè nặng lên tiến trình phục hồi hậu đại dịch của châu Âu. Các kết quả khảo sát kinh doanh và tâm lý người tiêu dùng đều cho ra kết quả tệ đi sau khi Nga xâm lược Ukraine.

Kinh tế của khu vực đồng euro đang gặp khó khăn. Do vậy, tăng lãi suất sẽ gây ra tác động xấu. Nhưng ECB cần chứng tỏ họ có khả năng kiềm chế lạm phát, ngay cả với cái giá ngắn hạn là kìm hãm tăng trưởng.

Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ dù lạm phát kỷ lục

Các ngân hàng trung ương trên thế giới đang tìm đến chiếc phanh khẩn cấp khi lạm phát có nguy cơ tăng hai con số. Song Thổ Nhĩ Kỳ không nằm trong số đó.

Tháng trước, lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ lên cao nhất hai thập niên qua, ở mức 61,1%. Việc Nga xâm lược Ukraine và gây hỗn loạn trên thị trường hàng hóa cũng như tiền tệ quốc tế phần nào là nguyên nhân dẫn đến lạm phát cao hiện tại. Nhưng thủ phạm chính là chính sách tiền tệ kỳ quặc của tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Cuối năm ngoái, ông đã buộc ngân hàng trung ương phải giảm lãi suất cho vay xuống 14%. Và trong bối cảnh lạm phát gia tăng, cuộc chiến ở Ukraine mang lại cho ngân hàng một cơ hội để cứu vãn thể diện. Nhưng họ đã không tranh thủ, và khả năng cao sẽ tiếp tục làm theo ý Erdogan tại cuộc họp hội đồng chính sách tiền tệ vào thứ Năm.