Thế giới hôm nay: 21/04/2022

Nguồn: The Economist | Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy

Bộ quốc phòng Anh cho biết quân đội Ukraine đã đẩy lùi “nhiều” mũi tiến công của Nga dọc theo ranh giới kiểm soát ở vùng Donbas, khi quân Nga phải đối mặt “các  thách thức về môi trường, hậu cần và kỹ thuật.” Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres đã yêu cầu được gặp tổng thống hai nước Nga và Ukraine tại thủ đô mỗi nước để giúp đàm phán chấm dứt chiến tranh.

Nga tuyên bố đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới mang tên “Satan 2,” với mục tiêu thay thế một mẫu ICBM cũ từ thời Liên Xô. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết vụ thử nghiệm sẽ khiến “những kẻ đang đe dọa nước Nga phải suy nghĩ lại.” Theo Bộ Quốc phòng Nga, tên lửa này được phóng từ khu vực Arkhangelsk ở phía tây bắc và rơi xuống bán đảo Kamchatka ở Viễn Đông. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết Nga đã thông báo cho Mỹ trước khi phóng.

Đã hết thời hạn tối hậu thư đầu hàng hoặc bị tiêu diệt mà Nga đặt ra cho quân đội Ukraine ở Mariupol. Quân Ukraine vẫn không đầu hàng, dù chỉ huy Serhiy Volyna nói trong một video rằng người của ông sẽ chỉ còn “vài ngày hoặc vài giờ nữa.” Trong khi đó, phó thủ tướng Ukraine Iruyna Vereshchuk thông báo đã đạt được thỏa thuận sơ bộ để thiết lập hành lang nhân đạo cho phụ nữ và trẻ em ở Mariupol.

Còn tại Washington trong khuôn khổ cuộc họp cấp bộ trưởng G20, Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết Ukraine cần 5 tỷ đô la mỗi tháng cho chi tiêu chính phủ cơ bản và để giữ cho nền kinh tế hoạt động. Bộ trưởng tài chính Janet Yellen của Mỹ đã rời phòng họp khi người đồng cấp Nga của bà bắt đầu phát biểu (online).

Đến nay đã có hơn 5 triệu người tháo chạy khỏi Ukraine vì cuộc xâm lược của Nga, tạo nên cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất của châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai, theo cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc. Hơn 7 triệu người cũng phải di dời trong nội địa Ukraine, một quốc gia có dân số trước chiến tranh là 44 triệu người. Hơn một nửa số người tị nạn đã vào EU qua Ba Lan.

Đan Mạch được cho là đang đàm phán với Rwanda về việc chuyển người xin tị nạn đến đất nước Đông Phi này. Được biết năm ngoái Đan Mạch đã thông qua một luật cho phép họ chuyển người di cư sang các nước đối tác, một động thái vốn bị Liên Hợp Quốc chỉ trích. Trong tuyên bố đến hãng tin Reuters, bộ trưởng nhập cư Mattias Tesfaye nói cơ chế mới tạo ra “một cách tiếp cận đàng hoàng hơn” cho vấn đề tái định cư. Tuần trước Anh cũng công bố một thỏa thuận tương tự với Rwanda.

Tòa án tối cao Ấn Độ ra lệnh cho giới chức không được tiếp tục bắt bớ và phá hoại các quầy hàng và cửa hàng không đăng ký gần một nhà thờ Hồi giáo tại khu vực đa số Hồi giáo của thủ đô Delhi. Gần đây đã có những cuộc đụng độ giữa người Hồi giáo và người Ấn giáo ở địa điểm này; người dân sống tại đây cho biết các chủ cửa hàng đã không được giới chức cảnh báo trước. Những người phản đối cho rằng đây là một phần của chiến dịch thù ghét nhắm vào 200 triệu người Hồi giáo của Ấn Độ.

Con số trong ngày: 8,5%, là chỉ số lạm phát giá tiêu dùng tính theo năm của Mỹ trong tháng 3, cao nhất mười năm qua.

TIÊU ĐIỂM

Hồng Kông bắt đầu dỡ bớt phong tỏa

Vị thế trung tâm tài chính toàn cầu của Hồng Kông đã mai một đi bởi chính quyền độc đoán và một hệ thống y tế công tồi tệ. Từ thứ Năm này, chính quyền thành phố sẽ dỡ bớt một số hạn chế covid-19 vốn được đặt ra nhằm kiềm chế làn sóng covid thứ năm. Khi ấy số ca nhiễm lan nhanh phần nào vì chương trình tiêm chủng chậm chạp, với chỉ 48% dân số từ 70 đến 79 tuổi được tiêm ít nhất một liều vào thời điểm cuối năm ngoái. Giờ đây con số này đã tăng lên 82%.

Ngoài ra còn có chính sách zero covid của Trung Quốc, tiêu biểu với quy định kiểm soát biên giới nghiêm ngặt. Chính sách này khiến nền kinh tế của lãnh thổ chỉ tăng trưởng 2-3,5% trong năm nay. Chính phủ hy vọng việc nới lỏng các hạn chế sẽ giúp tăng chi tiêu, và do đó đã ưu tiên cho những lĩnh vực có thể kiếm được nhiều tiền nhất. Disneyland sẽ mở cửa cho du khách, nhưng bãi biển thì không.

Căng thẳng tôn giáo lên cao ở Ấn Độ

Bạo lực xã hội đang phả hơi nóng vào mọi ngóc ngách cuộc sống ở Ấn độ. Đụng độ giữa người Ấn giáo và người Hồi giáo đã nổ ra ở một số thành phố, bao gồm cả thủ đô Delhi, từ đầu tháng 4. Chúng gần như theo một mô típ tương tự nhau: một nhóm thanh niên trẻ ăn mừng lễ hội Hindu bằng cách đi diễu hành qua các khu Hồi giáo, phô trương vũ khí và luôn miệng hô hào chống Hồi giáo.

Chưa hết, người Hồi giáo còn bị ngược đãi về mặt vật chất. Trong một ví dụ, người đứng đầu chi bộ đảng cầm quyền Bharatiya Janata tại Delhi đã yêu cầu trừng phạt những kẻ bạo loạn bằng cách phá hủy “các cấu trúc xây dựng bất hợp pháp” trong khu phố của họ. Ngay lập tức nhà cửa và các cửa hàng của người Hồi giáo đã bị phá hủy hôm thứ Tư. Tòa án tối cao đã can thiệp và yêu cầu dừng ngay lập tức cho đến khi tòa ra một phán quyết thích hợp.

Đức đứng trước áp lực viện trợ vũ khí cho Ukraine

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang đối diện áp lực cả trong và ngoài nước vì từ chối gửi vũ khí hạng nặng, chẳng hạn như xe tăng và tàu ngầm, cho Ukraine. Tuần này, ông đã cố gắng xoa dịu chỉ trích bằng cách nói rằng chính phủ ông đang hỗ trợ tiền cho các nhà sản xuất vũ khí của Đức, ngay cả khi thừa nhận quân đội của ông sẽ không viện trợ thêm. Đức là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho Ukraine và đã gửi các loại khí tài như lựu đạn, súng máy, tên lửa chống tăng và tên lửa phòng không, mặc dù không nhiều như Mỹ. Nhưng bấy nhiêu là chưa đủ đối với những người cho rằng Ukraine cần được giúp đỡ nhiều hơn sau khi Nga mở cuộc tấn công vào miền đông Ukraine trong tuần này.

Những người phản đối viện trợ e ngại làm vậy sẽ khiến Đức gián tiếp tham chiến. Nhưng ngay cả những nhân vật hàng đầu trong đảng Xanh và đảng Tự do thuộc liên minh cầm quyền cũng đang kêu gọi Đức viện trợ vũ khí hạng nặng. Nghị sĩ đảng Xanh Anton Hofreiter, người hồi tuần trước đã đến Kyiv, nói ông Scholz càng trì hoãn cuộc chiến sẽ càng kéo dài.