Nguồn: Neil MacFarquhar & Alina Lobzina, “With sunken warship, Russian disinformation faces a test”, New York Times, 21/4/2022
Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
Một tuần sau vụ soái hạm Moskva của hạm đội Nga bị chìm ở Biển Đen, ngày càng có nhiều gia đình các binh sĩ mất tích đặt câu hỏi về số phận con em của họ, trong khi Bộ Quốc phòng và các quan chức cấp cao trong chính phủ Nga vẫn im lặng.
Thông qua mạng xã hội hoặc các cơ quan truyền thông, ít nhất đã có 10 gia đình công khai bày tỏ sự bất bình của họ. Nhiều người, kể cả các quan chức, đã đưa ra những câu trả lời khác nhau, nói rằng con em các gia đình kể trên vẫn còn sống, hoặc đã mất tích hay đã chết. Tuy nhiên, Nhà nước không thay đổi nội dung bản thông báo ban đầu, trong đó nói toàn bộ hơn 500 thành viên thủy thủ đoàn của tàu tuần dương Moskva đã được cứu thoát.
“Họ không muốn đối thoại với chúng tôi”, Maksim Savin, 32 tuổi, nói khi trả lời một cuộc phỏng vấn, ông đang tìm kiếm người em trai Leonid 20 tuổi của mình. Leonid là lính nghĩa vụ cũng từng ở trên tàu Moskva. “Chúng tôi rất đau buồn. Họ đã gọi em trai tôi đi lính và có thể chú ấy sẽ không bao giờ trở về.”
Im lặng về số phận của thủy thủ đoàn tàu chiến Moskva là một phần trong hành động tổng thể của Điện Kremlin nhằm ngăn chặn việc đưa ra những tin tức xấu về cuộc chiến tại Ukraine và nhằm kiểm soát phát ngôn của công chúng Nga về diễn biến cuộc chiến này. Nhiều thủy thủ mất tích là lính nghĩa vụ — đây vốn là một chủ đề nhạy cảm ở Nga kể từ sau cuộc chiến Chechnya, hồi ấy những lính trẻ chưa được huấn luyện đầy đủ đã bị đưa ra trận, họ bị chết hàng loạt — sự việc đó đã làm suy yếu sự ủng hộ của công chúng đối với cuộc chiến Chechnya.
Nguyên nhân tàu Moskva bị chìm đang gây tranh cãi, phía Nga cho rằng đó là do hỏa hoạn làm kho đạn trên tàu bị nổ, con tàu bị hư hỏng đã chìm trong quá trình lai dắt dưới điều kiện thời tiết xấu. Phía Ukraine cho biết họ đã phóng hai tên lửa Neptune trúng con tàu này, tuyên bố đó được các quan chức Mỹ xác nhận. Dù thế nào đi nữa, đây là một trong những tàu chiến lớn nhất bị tổn thất kể từ Thế chiến 2, một sự kiện làm Nga bối rối.
Theo tin từ một số hãng thông tấn độc lập của Nga có trụ sở đặt tại nước ngoài, khi tàu chiến Moskva chìm đã có khoảng 40 binh sĩ thiệt mạng và 100 người khác bị thương. Nguồn tin này dẫn lời một quan chức giấu tên và dẫn lời bà mẹ của một trong những thủy thủ thiệt mạng. Ngoài ra, vợ một trung tá Hải quân nhiều tuổi xác nhận với Radio Liberty, một đài truyền hình có trụ sở ở bên ngoài nước Nga và có quan hệ với chính phủ Mỹ, rằng chồng bà đã thiệt mạng.
Sự phản đối cuộc chiến tranh Chechnya lần thứ nhất vào giữa những năm 1990 bắt nguồn từ nỗi giận dữ của nhiều gia đình Nga cho rằng con em của họ đang làm nghĩa vụ quân sự đã bị sử dụng làm bia đỡ đạn. Theo Alexander Cherkasov, cựu chủ tịch Trung tâm Kỷ niệm Nhân quyền (Memorial Human Rights Center) có trụ sở tại Moskva, trong cuộc chiến tranh đó có “hàng trăm” binh sĩ cho đến nay vẫn còn mất tích. Trong tháng này Trung tâm nói trên đã bị giải tán theo lệnh của tòa án.
“Không ai quan tâm đến những người lính ấy”, Cherkasov cho biết và nói thêm rằng việc chính quyền hạn chế hoạt động của các tổ chức phi chính phủ có nghĩa là giờ đây các tổ chức đó hầu như không thể theo dõi được số phận những binh sĩ mất tích.
Ông Putin đã nhiều lần nói rằng các binh sĩ mới đi nghĩa vụ quân sự một năm sẽ không được triển khai tới Ukraine — tuyên bố này không phù hợp với tình hình thực tế trên chiến trường. Hội Liên hiệp các Ủy ban Bà mẹ binh sĩ Nga (Union of Committees of Soldiers’ Mothers of Russia), một tổ chức có từ thời chiến tranh Chechnya, xác nhận họ đang nhận được yêu cầu tìm kiếm những người lính mất tích. Tổ chức này từ chối bình luận thêm, viện lý do có luật cấm chia sẻ thông tin quân sự với các tổ chức nước ngoài.
Cha mẹ của các thủy binh trên tàu Moskva, con tàu được đặt theo tên thủ đô nước Nga, cho biết họ phẫn nộ trước thái độ qua loa tắc trách của chính quyền. Ông Dmitry Shkrebets nói: “Các bậc cha mẹ chúng tôi chỉ quan tâm đến số phận con mình: tại sao chúng — những người lính nghĩa vụ — lại tham gia hành động quân sự này?” Ông có một con trai là Yegor, 19 tuổi, làm đầu bếp trên tàu chiến Moskva.
Trong cuộc phỏng vấn, Shkrebets không muốn bàn thêm về vấn đề đó, nhưng hôm Chủ nhật, ông đã đưa ra một phát biểu với lời lẽ gay gắt hơn trên mạng xã hội VKontakte – tương đương với Facebook của Nga.
Ông cho biết, lúc đầu cảnh sát nói với ông rằng Yegor nằm trong số những người mất tích, nhưng sau đó họ ngừng trả lời các câu hỏi của ông. “Thưa quý vị, thế là con tôi vừa biến mất trên biển cả? !!!”, ông viết. “Tôi hỏi thẳng, tại sao các ông — các quan chức — vẫn còn sống, nhưng con trai tôi, một lính nghĩa vụ lại chết?” Sau đó Shkrebets bắt đầu thu thập lời chứng từ các gia đình khác, những người không thể tìm thấy con trai của họ. “Chúng tôi càng viết nhiều, họ càng khó giữ im lặng về những gì đang xảy ra”, ông viết. Tính đến tối thứ Năm, từ các gia đình tuyên bố có binh sĩ mất tích, ông đã thu thập được họ tên của 15 quân nhân, gồm 14 lính nghĩa vụ và một lính hợp đồng.
Hôm thứ Ba, Dmitry Peskov người Phát ngôn Điện Kremlin cho biết ông không có quyền đưa ra bất kỳ thông tin nào về các thủy binh mất tích và sẽ chuyển vấn đề này sang Bộ Quốc phòng.
Bộ Quốc phòng đã không trả lời yêu cầu bình luận. Hôm Thứ Bảy, Bộ này phát một đoạn video, nghe nói có cảnh Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Nikolai Yevmenov gặp những người được cho là thành viên thủy thủ đoàn của tàu Moskva, các binh sĩ đó mặc đồng phục và xếp thành đội hình. Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người sống sót sau vụ tấn công. Trong video trên mạng xã hội hoặc trong các bài đăng kèm cũng không nói gì về thương vong của bất cứ người nào.
Các tin tức phát trên Vesti Nedeli, một bản tin hàng tuần được phát sóng trên truyền hình nhà nước vào tối Chủ nhật, có ngầm thể hiện lập trường của chính quyền. Chương trình này kéo dài 3 giờ, có dành khoảng 30 giây để mô tả cảnh chìm tàu, nhưng không đề cập đến thương vong nhân mạng.
Tuy nhiên, không phải các cơ quan ngôn luận Điện Kremlin đều im lặng như vậy. Hôm Thứ Bảy, người dẫn chương trình Vladimir Solovyev đã yêu cầu giải thích lý do tại sao con tàu bị chìm.
Maksim Savin cho biết gia đình ông không thể liên lạc điện thoại với bất kỳ quan chức nào trong đơn vị em trai ông. Mẹ ông đã nhắn tin cho một máy điện thoại và nhận được phản hồi rằng Leonid con trai bà đã mất tích. Sau đó, gia đình nhận được một loạt cuộc gọi điện thoại từ một người đàn ông dường như đã phục vụ Leonid, nhưng người này mỗi lần nói một khác. Maksim Savin kể: Lần đầu người ấy nói rằng Leonid đã chết khi lao vào cứu một người bạn. Trong lần gọi thứ hai, anh lại nói rằng không có hoạt động cứu hộ nào cả, nhưng Leonid đang ở nơi xảy ra vụ nổ. Lần thứ ba, anh ta gọi điện nói rằng anh đã nhầm lẫn và Leonid đã mất tích. “Có vẻ như các quan chức đang cố gắng để mọi người đều im miệng”, Maksim Savin nói.
Lần đầu tiên trên mạng xã hội xuất hiện nhiều tin tức về những người lính nghĩa vụ mất tích. Một phụ nữ viết rằng anh trai của cô thường xuyên làm việc trong phòng máy tuabin, được liệt kê là mất tích, nhưng cô tin rằng anh đã chết.
Anna Siromesova, mẹ của một lính nghĩa vụ mất tích, nói với hãng thông tấn Nga Meduza rằng bà không thể đọc bất kỳ tài liệu chính thức nào có liên quan đến thương vong. “Không có danh sách binh sĩ thương vong,” bà nói. “Chúng tôi đang tự mình tìm kiếm danh sách ấy. Họ không cho chúng tôi biết bất cứ điều gì.” Qua liên hệ điện thoại, bản báo đã bắt liên lạc với bà, nhưng bà từ chối nói chuyện với các cơ quan truyền thông nước ngoài.
Tamara Grudinina nói với đài BBC tiếng Nga rằng con trai của bà là Sergei Grudinin, 21 tuổi, được chỉ định lên tàu Moskva ngay sau khi mới được huấn luyện cơ bản. Bà Grudinina cho biết khi nghe tin con tàu bị chìm, bà đã gọi đến “Đường dây nóng người thân” của Bộ Quốc phòng và được thông báo rằng con trai bà “còn sống, khỏe mạnh và sẽ liên lạc với chúng tôi trong thời gian sớm nhất.” Theo BBC, sau đó không lâu, một người đàn ông tự xưng là chỉ huy của tàu Moskva liên lạc với bà, nói với bà rằng con trai bà “về cơ bản đã chìm cùng con tàu”.
Maksim Savin nói, sau khi chiến tranh bắt đầu vào ngày 24 tháng 2, gia đình ông đã liên lạc với các sĩ quan hải quân để hỏi về tình hình con tàu và được thông báo rằng chiến hạm này không tham gia các hoạt động quân sự và sẽ sớm quay trở lại cảng. Anh trai của Leonid cho biết không bao giờ nhận được điện thoại của Leonid nữa, nhưng sau khi nói chuyện với các sĩ quan, họ nhận được một lá thư từ Leonid, viết rằng anh sẽ được về nhà sớm.
Maksim Savin nói em trai ông được đào tạo thành thợ cơ khí ô tô tại một trường dạy nghề, đã miễn cưỡng đi lính và cũng không ủng hộ chiến tranh. Bức ảnh gia đình cho thấy một thanh niên cao gầy trong bộ đồng phục hải quân với khẩu súng trường trên ngực, xung quanh là cha mẹ và ba anh em của anh. Theo lời kể của anh trai, Leonid thích đi bộ đường dài trên những vùng đồi núi của Crimea với con chó của gia đình, thích đọc sách hoặc làm vườn. Trước ngày nhập ngũ, Leonid đã trồng thêm hai cây trong vườn. Maksim Savin cho biết: “Trong một bức thư gửi về nhà, chú ấy đã hỏi về tình hình cây trồng của mình. Chú ấy không yên tâm về mấy cây mới trồng.”
Neil MacFarquhar là nhà báo chuyên đưa tin về Mỹ. Trước đây từng là trưởng văn phòng Moskva, chùm báo cáo của ông đã giành được Giải thưởng Pulitzer năm 2017 cho Báo cáo Quốc tế. Ông đã làm việc hơn 15 năm tại Trung Đông và các vùng lân cận, trong đó có 5 năm làm trưởng văn phòng ở Cairo, và đã viết hai cuốn sách về khu vực này.